‘Cậu bé rừng xanh’: Bữa tiệc thị giác mãn nhãn

Zing - 17/04/2016, 12:19

Câu chuyện quen thuộc về cậu bé Mowgli giữa rừng xanh nay được kể lại trên màn ảnh rộng theo cách đầy rực rỡ và hiện đại.

Nổi tiếng qua hai tập phim Iron Man đầu tiên, đạo diễn Jon Favreau không còn là cái tên xa lạ tại Hollywood. Năm nay, anh mang tới cho khán giả câu chuyện cổ tích giữa rừng xanh quen thuộc mang tên The Jungle Book.

‘Cau be rung xanh’: Bua tiec thi giac man nhan hinh anh 1

Năm nay, khán giả thêm một lần nữa được theo chân cậu bé Mowgli trong khu rừng già đẹp nên thơ nhưng chứa đựng không ít cạm bẫy. Ảnh: Disney

Dựa trên nguyên tác văn học của Rudyard Kipling và bộ phim hoạt hình năm 1967, tác phẩm điện ảnh mới kịch tính và gay cấn, nhưng cũng không hề thiếu đi sự ấm áp khi được kể bằng công nghệ kỹ xảo sống động.

Thông điệp ấm áp không bao giờ cũ

The Jungle Book phiên bản 2016 mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc của lâu đài Disney, nhưng lần này trông cổ kính hơn và chìm khuất trong đám dây leo cùng các tán cây xanh mượt của rừng già. Một cậu bé (Neel Sethi) bị bỏ rơi trong rừng, được báo đen tốt bụng Bagheera (Ben Kingsley) đem về cho bầy sói nuôi dưỡng.

Cậu bé được đặt tên Mowgli cứ thế lớn lên, sống và học hỏi những luật lệ của loài sói, bất chấp việc mình là con người. Tuy nhiên, chuyện Mowgli cố gắng hoà nhập với rừng xanh khiến một thành viên của vương quốc thú vật không chấp nhận. Shere Khan (Idris Elba) - một con hổ Bengal, lo sợ rằng cậu bé khi lớn lên sẽ trở thành con người tàn nhẫn và độc ác nên quyết tâm săn đuổi Mowgli bằng mọi giá.

‘Cau be rung xanh’: Bua tiec thi giac man nhan hinh anh 2

Rời bỏ tổ ấm của loài sói, Mowgli không hề biết mình sẽ phải gặp rất nhiều nguy hiểm trên chuyến hành trình trở về thế giới con người. Ảnh: Disney

Để bảo vệ gia đình sói khỏi cơn thịnh nộ của Shere Khan, Mowgli quyết định ra đi để trở về thế giới loài người. Trên đường, cậu bé kết bạn với chú gấu lười nhác Baloo (Bill Murray) và gặp rất nhiều điều nguy hiểm.

Với nội dung được bảo toàn từ nguyên tác văn học của Rudyard Kipling, thông điệp mà The Jungle Book truyền tải tới trẻ em rất dung dị: kẻ ác sẽ bị trừng trị và bạn sẽ tìm thấy những người bạn đích thực trên con đường phiêu lưu.

Kịch bản mà Justin Marks dành cho phim vẫn có hậu, nơi trẻ em luôn đúng và chính nghĩa sẽ đánh bại hung tàn. Tuy nhiên, phần thông điệp giản đơn ấy được nâng tầm bởi diễn xuất hồn nhiên của diễn viên nhí Neel Sethi cùng dàn sao lồng tiếng.

Gần như là nhân vật con người duy nhất trong cả bộ phim, Neel Sethi khiến người xem hài lòng khi khắc họa một Mowgli vừa dễ thương, vừa dũng cảm. Người ta thực sự phải ngả mũ thán phục diễn viên nhí người Ấn Độ bởi cậu diễn xuất, ca hát, trò chuyện hay thể hiện cảm xúc… chủ yếu ở phía trước phông xanh của phim trường.

‘Cau be rung xanh’: Bua tiec thi giac man nhan hinh anh 3

Bé Neel Sethi phải diễn đơn độc xuyên suốt bộ phim. Ảnh: Disney

Tuy nhiên, nhân vật ấn tượng nhất trong The Jungle Book là con hổ đáng sợ Shere Khan do Idris Elba lồng tiếng. Nam diễn viên người Anh sở hữu biệt tài gieo rắc nỗi sợ hãi mỗi lần sắm vai phản diện (như với Beasts of No Nation năm 2015).

Trong phim, Shere Khan hiện lên không phải như biểu tượng cho cái ác mù quáng, mà là khối căm hờn tích tụ trong dáng hình một con mãnh thú. Từng lời nói của con hổ Bengal như thứ chất độc len lỏi trong rừng sâu, chết chóc và đầy hận thù với chỉ một mục đích duy nhất: săn đuổi và tiêu diệt mầm mống của loài người độc ác.

Nếu như Shere Khan là cơn ác mộng rình rập Mowgli, thì Baloo - một con gấu lợn tư lợi và vô lo vô nghĩ, là hình ảnh đầy tích cực sát cánh bên cậu bé. Bill Murray không bao giờ là quá già cho một vai diễn thú vị như thế.

Khán giả nhí thời nay hẳn sẽ lại bị mê hoặc bởi màn song ca Bare Necessities của Mowgli - Baloo giống như thế hệ khán giả cách đây nửa thế kỷ. Thêm một lần nữa, Baloo trở lại và tiếp tục “chiếm trọn màn ảnh” trong mỗi phân cảnh mà chú ta xuất hiện, mang lại tiếng cười đầy ắp từ sự đáng yêu của mình.

‘Cau be rung xanh’: Bua tiec thi giac man nhan hinh anh 4

Gấu Baloo đã trở lại, đầy hài hước và "ăn hại" hơn xưa. Ảnh: Disney

Ngoài ra còn phải kể tới sự xuất sắc của Christopher Walken trong hình hài to lớn của con khỉ đột Louie. Nam diễn viên nhấn nhá để bẻ cong chất giọng “người” của mình thành những âm vực đứt gãy như loài khỉ, giúp làm nổi bật sự lập dị và đầy đe doạ của con quái vật to lớn.

Những vai lồng tiếng khác như Ben Kingsley (Bagheera), Lupita Nyong'o (Raksha), Scarlett Johansson (Kaa), và Giancarlo Esposito (Akela) cũng đóng góp cho vai trò nhân cách hoá các con thú, biến khu rừng trở thành thế giới rất “con người”. Nếu có điều gì đáng tiếc, thì đó là việc con trăn Kaa quỷ quyệt của Scarlett Johannson có quá ít thời lượng trong phim.

Hình ảnh tạo ra sự khác biệt

Trên thực tế, bộ phim hoạt hình The Jungle Book năm 1967 của xưởng Walt Disney không phải là dự án đầu tiên nhằm cố gắng hồi sinh cuốn tiểu thuyết kinh điển của Rudyard Kipling.

Người Anh từng cho ra đời một phiên bản rất cũ từ những năm 1940 thế kỷ trước. Sau đó, người Nhật cho ra đời một series hoạt hình dựa theo đó năm 1989. Hay chính Disney cũng từng phát triển một dự án live-action năm 1994 (nhưng ở đó, những con vật không biết nói).

‘Cau be rung xanh’: Bua tiec thi giac man nhan hinh anh 5

Phiên bản The Jungle Book năm 2016 hài hòa cả về hình ảnh lẫn nội dung. Ảnh: Disney

 

Nhưng công bằng mà nói, The Jungle Book năm 2016 là phiên bản làm lại thành công nhất từ trước tới nay, là minh chứng rõ rệt cho việc những cải tiến hình ảnh có thể đem lại hiệu quả ra sao. Bộ phim mới làm được điều mà tác phẩm hoạt hình kinh điển năm 1967 không làm được: đó là mang rừng xanh vào rạp chiếu.

Từng khung hình được thiết kế để đem lại cảm giác chân thực, từ những đường nét dữ tợn trên khuôn mặt của Shere Khan hay tạo hình vừa to lớn, vừa đáng sợ của Vua khỉ Louie, ẩn hiện dưới mái vòm rêu phong của các ngôi đền bỏ hoang. Khung cảnh trong phim đa dạng và đẹp mắt, khắc hoạ thế giới động vật vừa hỗn mang, vừa trật tự, đẹp nên thơ nhưng cũng đầy bất trắc.

 

The Jungle Book có thể chưa tạo ra được cuộc cách mạng về mặt hình ảnh như Avatar (2009), Hugo (2011) hay Life of Pi (2012); nhưng tác phẩm mới của Jon Favreau hẳn là một đỉnh cao về “nghệ thuật” remake. Bởi nhà làm phim không can thiệp cực đoan vào nguyên tác. Thay vào đó, họ tập trung nâng cao chất lượng hình ảnh và âm thanh, đồng thời chắp bút để câu chuyện dàu dặn hơn, đem lại trải nghiệm hoàn toàn mới cho khán giả.

Zing.vn đánh giá: 4/5

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất