5 thói tự cao khó ưa của người nghe nhạc (P2)
Bất cứ người nghe nhạc nào cũng có thể mắc phải một trong những thói tự cao dưới đây.
- 5 thói tự cao khó ưa của người nghe nhạc (P1)
- Hot teen học tốt tiếng Anh nhờ xem phim, nghe nhạc
- Nghe nhạc Rihanna và Taylor Swift có lợi ích trong việc giảm đau
- "Avengers phiên bản âm nhạc" tụ hội giới thiệu dịch vụ nghe nhạc chất lượng cao
- Chương trình ''Bài hát yêu thích'': Thị hiếu nghe nhạc có vấn đề?
Đối lập với nhóm khán giả coi thường diva/divo lại là chính các fan của diva/divo. Cũng như nhóm trên, một số fan diva/divo cho rằng việc nghe được nốt này nốt nọ, kĩ thuật này kĩ thuật kia, thẩm được giọng hát của các diva/divo đã là cao siêu lắm rồi, rằng họ và ca sĩ của họ đang ở đẳng cấp cao nhất của âm nhạc, nên mặc sức coi thường các nghệ sĩ trình diễn vốn không mạnh về vocal như Madonna, Britney Spears, Kylie Minogue, Hồ Ngọc Hà... và các ca sĩ Kpop.
Đối với họ, những nghệ sĩ này chỉ là những ca sĩ thị trường, giỏi nhảy nhót, làm trò trên sân khấu, nổi tiếng nhờ chiêu trò, nhờ những thứ ngoài âm nhạc. Nếu trong một nhóm nghe nhạc diva mà có ai đó nói rằng họ nghe Madonna, Hồ Ngọc Hà, Britney, SNSD..., ngay lập tức sẽ nhận được ánh mắt coi thường, dè bỉu, kiểu như người đó chưa đủ đẳng cấp, trình độ để nghe nhạc chung với họ, nên tìm chỗ khác mà nghe nhạc.
Madonna thường xuyên bị chê là hát nhạc thị trường, giỏi làm trò trên sân khấu nhưng âm nhạc của cô lại rất nhiều tầng vỉa
Và tài năng của người nghệ sĩ lúc này không chỉ đo bằng giọng hát, kĩ thuật thanh nhạc, mà được xem xét ở việc họ sáng tạo, cống hiến ra sao cho âm nhạc. Những huyền thoại như The Beatles, Bob Dylan, Madonna... chưa bao giờ được xem là những vocalist "khủng", nhưng tài năng và cống hiến của họ đối với âm nhạc thậm chí đã ở một đẳng cấp khác so với các diva/divo. Đôi khi, nhạc của các diva/divo còn thị trường và ít giá trị hơn cả nhạc của những nghệ sĩ này.
Như Madonna đã nói: "Show diễn của tôi không phải là những show thông thường mà là sự phác họa tạo hình âm nhạc của tôi. Cũng như điện ảnh, nó làm cho bạn phải đặt câu hỏi, phải suy nghĩ và đưa bạn vào các cung bậc tình cảm thăng trầm khác nhau, phác họa được cái tốt và xấu, sáng và tối, niềm vui và nỗi buồn, đền tội và cứu sinh", âm nhạc là một hệ thống nhiều tầng nghĩa, nội dung, giá trị khác nhau, chứ không bó hẹp ở việc phô diễn kĩ thuật, giọng hát. Tương tự như thế, khi nghe nhạc cần nghe bằng cái đầu, đừng chỉ nghe bằng đôi tai, nghe qua duy nhất một bình diện giọng hát, để tỏ ra tự cao, coi thường những nghệ sĩ không mạnh về vocal.
Thói tự cao của những người nghe Rock
Rock có lẽ là thể loại nhạc đại chúng phong phú nhất, với hàng trăm thể loại con và hàng trăm nội dung phản ánh khác nhau như tình yêu, hôn nhân, sự sống, cái chết, chiến tranh, hòa bình, chính trị, tôn giáo, triết học, tâm linh... Chính vì thế, các fan của nhạc Rock, đặc biệt là Metal Rock thường tỏ ra tự cao về gu nhạc của mình. Nhiều người tuy mới nghe được một vài bài Metal, nhưng rất tự tin về kiến thức âm nhạc của mình, đem rêu rao ở mọi nơi, gây khó chịu cho những người xung quanh.
Các fan của Metal Rock thường hay tỏ ra hiểu biết về âm nhạc
Đây là thói tự cao phổ biến nhất của những người nghe nhạc ở Việt Nam hiện nay. Nhóm người này chủ yếu là những khán giả của nhạc xưa, nhạc bolero, nhạc vàng, nhạc đỏ, bao gồm mọi tầng lớp, lứa tuổi. Đặc điểm chung của nhóm khán giả này là cổ hủ, bảo thủ, thiếu hiểu biết nhưng ngại tìm hiểu nên lúc nào cũng nghĩ nhạc mình nghe là sang trọng, đẳng cấp, mọi loại nhạc khác là rẻ tiền, không đáng nghe. Đối tượng bị chỉ trích, phê phán nhiều nhất của nhóm khán giả này là các ca sĩ Việt thế hệ trẻ.
Nhóm khán giả này tỏ ra vô cùng tôn sùng các ca sĩ hát nhạc xưa, đặc biệt là những ca sĩ hải ngoại. Họ có niềm hoài cổ cao, thích hướng về cái xưa cũ, nên tự mặc định là bất cứ cái gì thuộc về quá khứ cũng đẳng cấp, mà nhạc hiện đại không thể nào sánh kịp. Đặc biệt hơn cả, nhóm nghe nhạc này vô cùng khó tính, sẵn sàng chê bai, chửi bới bất cứ cái gì mới mẻ, hiện đại. Đây là một thái độ nghe nhạc rất thiếu văn hóa.
Các ca sĩ nhạc xưa trở thành điểm bám víu để một số người chê bai âm nhạc đương đại
Hà Trần không ít lần bị người nghe nhạc xưa chê bai vì làm mới lại ca khúc dù màn trình diễn của cô hoàn toàn tốt
Trên thế giới, một ca khúc có thể mang ngôn từ đơn giản, nhưng phần nhạc khí lại đầu tư công phu, phức tạp, tìm tòi nhiều xu hướng mới. Còn ở nhạc xưa, khán giả không cần quan tâm đến sự lặp lại, quay vòng nhàm chán của một số loại giai điệu, chỉ cần thấy có thêm vài câu từ bay bổng là khen nấy khen để, rồi mặc sức đem ra so sánh, chê bai các dòng nhạc khác. Nếu chỉ trọng ngôn từ mà coi nhẹ phần nhạc, nền âm nhạc sẽ mãi mãi chỉ dừng lại trong nước, không vươn được ra thế giới.
Một trong những thói tự cao khó ưa nhất của bộ phận khán giả nghe nhạc xưa là coi thường ca sĩ hát các dòng nhạc khác. Với họ, chỉ có Ngọc Lan, Tuấn Ngọc, BảoYến, Thái Thanh, Khánh Ly... là đẳng cấp. Tất cả các thế hệ ca sĩ sau này, ngay cả đến Thanh Lam, Hà Trần, Mỹ Linh, Hồng Nhung, Thanh Bùi, Thu Minh, Mỹ Tâm... đều bị họ coi thường và đem ra so sánh với ca sĩ nhạc xưa để "dìm hàng", dù những ca sĩ này có đóng góp không nhỏ với nền âm nhạc nước nhà. Trong mắt họ, bất cứ cái gì mới hơn nhạc xưa đều là thấp kém.
Khán giả nghe nhạc xưa đa số không có kiến thức về các dòng nhạc, thể loại nhạc, khí nhạc... Họ chỉ biết bám víu vào những huyền thoại như Văn Cao, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn... để tự hào về gu nhạc của mình. Bất cứ bài hát nào thuộc thể loại mới, dù phối hay đến mấy, nhưng họ không nghe được, không tiếp nhận được, họ sẽ sẵn sàng chê bai, rồi lại quay về với nhạc xưa để bảo lưu gu nhạc "đẳng cấp" của họ.
Họ còn vô duyên tới mức, sẵn sàng nhảy vào bất cứ bài viết nào ca ngợi các ca sĩ đương đại để chê bai, chỉ trích, rồi tự lôi ca sĩ nhạc xưa ra để so sánh, hạ thấp. Không những thế, nếu có ai đó "lỡ miệng" nói không tốt về nhạc xưa, họ sẽ lập tức phản bác với giọng điệu kiểu như: "Thế nhạc ngày nay có gì? Sơn Tùng, Bảo Thy, Phi Thanh Vân... à?". Bộ phận khán giả này không bao giờ chịu tìm hiểu về âm nhạc đương đại, về những ca sĩ có chất lượng, chỉ chăm chăm bám vào một số ca sĩ hạng B, hạng C để chụp mũ, đả kích.
Có thể nói, đây là thói tự cao gây nguy hại nhất đến nền âm nhạc Việt Nam. Nó bảo thủ với cái cũ, kìm hãm sự phát triển của cái mới, cản trở tiến trình vận động của âm nhạc, khiến nền âm nhạc của chúng ta mãi dậm chân tại chỗ, không tiến thêm được bước nào, không hội nhập được với thế giới.
Kết
Âm nhạc là một thế giới rộng lớn với trăm ngàn kiến thức khác nhau. Từ giáo sư tới nhà soạn nhạc nổi tiếng nhất, không một ai dám chắc rằng mình có thể biết và hiểu hết về âm nhạc. Bởi vậy, ở vị trí của một người nghe nhạc, hãy biết khiêm tốn và ứng xử một cách có văn hóa, cũng như không ngừng tìm tòi để mở rộng biên độ hiểu biết của mình, tích lũy thêm nhiều kiến thức mới.
Đừng bao giờ tỏ ra tự cao và coi thường một nền/dòng/thể loại âm nhạc nào đó khi bạn chưa hiểu hết về nó rồi thể hiện sự thiếu hiểu biết đó ở nơi công cộng để gây khó chịu với những người xung quanh.
Video được xem nhiều nhất