Tùng Dương: Biến tấu thái quá, phá cách bị cho là phản cảm?

Đời sống Pháp luât - 08/11/2016, 15:31

Thời gian gần đây, nhiều ca sĩ với phong cách trẻ, phá cách đã xuất hiện trong làng nhạc Việt. Tuy nhiên, những tác phẩm được cho là có phong cách lạ, độc đáo và phá cách lại đang vấp phải nhiều ý kiến của dư luận. Là một người yêu thích sự phá cách, đã và đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, ...

- Hiện tại có xu hướng giới trẻ đua theo cái lạ mà tính chất nghệ thuật trong đó rất ít. Nhiều sản phẩm mới ra đời vẫn “dính” những câu chuyện về đạo nhạc, thiếu đi sự sáng tạo nghệ thuật. Quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?

Tôi nghĩ, những hiện tượng vừa qua chỉ ở một bộ phận nhỏ các bạn trẻ thôi. Còn đối với những người đã được đào tạo đầy đủ về kiến thức âm nhạc, họ vẫn đang tìm tòi và lựa chọn cho mình những cách hoạt động nghệ thuật chân chính và thể hiện tuyên ngôn sống thông qua nghệ thuật.

Tuy nhiên, trong thị trường âm nhạc rối ren như hiện nay mọi giá trị đều có thể bị đảo lộn. Điều đáng báo động nhất là hiện nay, nhiều tác phẩm đạo nhạc vẫn được biểu diễn một cách phổ biến và công khai. Thậm chí còn được tôn vinh. Đây mới là điều đáng buồn của chúng ta. Người trẻ đôi khi lại có sự tự do quá trớn. Chính vì thế cần người lớn định hướng cho giới trẻ. Bản thân tôi vẫn luôn phản đối chuyện đạo nhạc, đạo nhái sản phẩm của người khác. Đây chính là sự ăn cắp chất xám của người khác.

 - Ảnh 1

Tùng Dương hát trong chương trình Giai điệu tự hào.

- Gần đây, âm nhạc Việt nói riêng và các môn nghệ thuật khác nói chung đang có những hiện tượng phá cách. Dư luận cho rằng, giới hạn của phá cách và phá nát rất gần nhau. Quan điểm của Tùng Dương về sự phá cách?

Tôi ủng hộ chuyện phá cách của giới trẻ, tuy nhiên, việc phá cách không phải ai cũng thành công. Bởi vì kết quả bạn đạt không được như ý, bạn không được sự công nhận của giới chuyên môn hay hội đồng, thì mọi sự phá cách của bạn sẽ không hiệu quả.

Ví dụ như trong chương trình Giai điệu tự hào chẳng hạn, luôn luôn có hai luồng dư luận. Một là chê thẳng cánh, cá nhân tôi không đồng ý với cách chê kiểu như vậy. Người trẻ vẫn luôn bảo vệ suy nghĩ của họ. Quan điểm đồng ý phá cách, sáng tạo, nhưng chúng ta phải làm việc, sáng tạo trên một thái độ trân trọng của chúng ta. Nếu lấy “chất liệu” thuộc về dòng kinh điển của âm nhạc dân tộc để làm tiền đề của những sản phẩm âm nhạc, chúng ta cũng phải biết cách làm thế nào để tôn vinh giá trị trường tồn của chất liệu đó.

Để đạt được những thành công cần phải có sự lao động nghệ thuật nghiêm túc. Việc phá cách không có nghĩa là xa rời hoàn toàn tác phẩm, làm mất đi vẻ đẹp của chất liệu. Nhất là đối với nghệ thuật dân gian, đó là những chất liệu đẹp và bất tử cha ông ta để lại. Nó luôn là những tư liệu quý mà chúng ta có thể khai thác được và có thể thăng hoa với sự sáng tạo của người trẻ.

Điều này đòi hỏi sự hiểu biết cặn kẽ của người trẻ với những tác phẩm, chất liệu mà mình sáng tạo. Nếu không có sự hiểu biết cặn kẽ, dễ rơi vào sự biến tấu thái quá, sẽ đi quá xa so với nguyên tác. Lúc đó không chỉ làm mất đi vẻ đẹp của những chất liệu dân gian tuyệt đẹp đó, mà còn khiến sự phá cách trở thành sự phản cảm.

- Là người nhận nhiều điều khen - chê từ sự phá cách, Tùng Dương có thông điệp gì cho các bạn trẻ?

Thay vì nói lời “không quan tâm”, các bạn hãy nghiêm khắc với chính bản thân mình. Chỉ có khắt khe với bản thân, thậm chí khắc nghiệt với bản thân, bạn mới có một kết quả vững vàng. Nếu dễ dãi với bản thân, chúng ta cũng sẽ nhận lại những kết quả dễ dãi như vậy.

Hãy biết lắng nghe, biết quý trọng giá trị trong cuộc sống và tạo ra những giá trị cho chính mình. Chúng ta vẫn công nhận những giá trị hay, những giá trị được thừa nhận của các bạn trẻ, đồng thời cần cổ vũ cho các bạn tiến tới. Thế nhưng, sự sáng tạo là hoàn toàn khác với việc cóp nhặt, copy.

- Xin cảm ơn Tùng Dương!

TRẦN PHƯƠNG

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất