Trong showbiz, làm gì có ai đi hát mà... nhàn như Sơn Tùng?
Trong khoảng 5 phút trên sân khấu, người ta thấy Sơn Tùng rất... nhàn. Bởi khi thì anh để khán giả hát hộ, khi thì chỉ đọc lời bài hát thay vì hát theo từng nốt nhạc.
Hát thì ít, đọc rap thì nhiều
Không thể phủ nhận sức ảnh hưởng của Sơn Tùng trong làng nhạc trẻ hiện nay. Cũng không thể phủ nhận việc anh là ngôi sao giải trí có lượng fan "khủng" vào loại nhất nhì của showbiz Việt. Càng không thể chối bỏ việc Sơn Tùng xứng đáng là "cây đinh" của mọi show diễn, mọi chương trình âm nhạc, bất kể anh có xuất hiện cạnh ngôi sao nào đi chăng nữa.
Nhưng từng đó ưu thế, tiếng tăm và sức hút của chàng ca sĩ Thái Bình cũng chẳng thể đủ để lấp liếm đi sự thật: Cách hát, cách biểu diễn của Sơn Tùng trên sân khấu dường như...có vấn đề bởi hát thì ít mà đọc rap thì nhiều.
Ngoại trừ các fan cuồng nhiệt của Sơn Tùng yêu thích và vẫn vỗ tay hát theo ầm ầm thì hầu hết mọi người đều có thể dễ dàng nhận ra vấn đề này, kể cả những người có tai nhạc hay trình độ thẩm âm tệ nhất.
Nhiều người cho rằng Sơn Tùng hát trên sân khấu rất khó nghe. Bởi lời hát thì ít mà đọc rap thì nhiều.
Thực ra, không phải fan của chàng ca sĩ Thái Bình không nghe thấy, không cảm nhận được, mà là họ muốn tin vào điều ngược lại. Bởi thứ âm thanh đập vào tai của tất cả khán giả có mặt ở sân khấu mà Sơn Tùng biểu diễn thì đều giống hệt như nhau, ồn ào, sôi động.
Đối với những người không phải fan của Sơn Tùng, thì việc thưởng thức nhạc của anh có phần hơi... vất vả. Bởi họ không có khả năng để lòng hâm mộ dẫn dắt và mở lối như đông đảo fan của Sơn Tùng, để có thể cuồng nhiệt la hét và nhảy nhót trước bất cứ thứ âm thanh nào phía thần tượng mang tới. Và quan trọng hơn, mỗi khi nghe nhạc Sơn Tùng họ đều phải căng đầu ra để nghe và... đoán, nếu như muốn hiểu nội dung bài hát mà anh trình diễn trên sân khấu là gì.
Cũng không rõ do chất lượng âm thanh hay tín hiệu truyền hình tệ hại, nhưng gần như mọi lần xuất hiện của Sơn Tùng đều mang lại rất nhiều ngỡ ngàng cho khán giả. Bởi đôi khi, nhiều người không thể phân biệt nổi anh đang hát một ca khúc ngoại quốc hay thuần Việt!?
Hơn nữa, giọng hát lạc giữa núi âm thanh hỗn độn của nhạc cụ, giọng hát đè có sẵn trong beat khiến cho phần trình diễn của Sơn Tùng thường giống hệt như cuộc chiến tranh của những thứ âm thanh. Và tất nhiên, giữa mớ lộn xộn ấy, việc người ta phân biệt được đâu là giọng hát của Sơn Tùng, đâu là giọng bè và đâu là tiếng Anh, đâu là tiếng Việt cứ giống như một nhiệm vụ vô cùng nan giải.
Đọc lời và gào thét thay vì hát theo đúng giai điệu
Còn nhớ, có lần chàng ca sĩ thần tượng hào hứng đem ca khúc hit "Nắng ấm xa dần" của mình lên sân khấu ca nhạc được truyền hình trực tiếp. Đông đảo khán giả cũng hào hứng chờ mong, bởi rất nhiều người từng biết tới bản hit đình đám ấy qua báo chí, mạng xã hội, chứ chưa hề nghe Sơn Tùng biểu diễn.
Tuy nhiên, tới tận khi nhạc tắt, chàng ca sĩ cúi đầu chào khán giả để lui về phía cánh gà, thứ duy nhất mà người nghe có thể "cảm nhận" được chỉ là câu hát "Nắng ấm xa dần". Bởi phần còn lại thì dù có nghe đi nghe lại, người ta cũng chẳng thể hiểu rốt cuộc, Sơn Tùng đang hát điều gì...
"Thảm họa" ấy không chỉ xảy ra với mỗi "Nắng ấm xa dần", mà xuất hiện trong hầu hết các tác phẩm sau này của Sơn Tùng, đặc biệt là khi được biểu diễn trực tiếp trên sân khấu. Khác xa với những bản thu âm rành rọt, rõ ràng, những bản hit này gần như "lột xác" hoàn toàn khi được Sơn Tùng mang lên sân khấu. Nhất là với những ca khúc có kết hợp với phần đọc rap, thứ âm thanh khán giả nghe rõ nhất có lẽ chỉ là tiếng... hú và... hét gọi các "sky" của Sơn Tùng.
Thậm chí, trong khoảng 5 phút trình diễn một bài hát, người ta thấy Sơn Tùng rất... nhàn. Bởi khi thì anh để khán giả hát hộ, khi thì chỉ đọc lời bài hát thay vì hát theo từng nốt nhạc.
Từng có quá nhiều khán giả thắc mắc chuyện tại sao họ không thể nào "cảm" được thứ âm nhạc của Sơn Tùng, trong khi đám đông hâm mộ anh vẫn cứ cuồng nhiệt "thưởng thức" một cách mê say?
Không hẳn là anti fan hay ghét bỏ Sơn Tùng, những thắc mắc ấy có thể tới từ những người nghe bình thường nhất, trung lập nhất. Bởi rõ ràng, những gì Sơn Tùng sở hữu cứ giống hệt như một điều kỳ diệu, khi mà thứ âm nhạc anh biểu diễn còn khó hiểu hơn cả tranh trừu tượng, âm nhạc thì nghe cứ na ná những ca khúc khác và bị cho là "đạo, nhái" nhưng vẫn dễ dàng được cả đám đông hào hứng, tung hô.
Vậy khán giả, những "sky" của Sơn Tùng đang tung hô và "thưởng thức" điều gì? Có lẽ đó là sự nổi tiếng của Sơn Tùng, nhờ gương mặt điển trai, gu thời trang ấn tượng cùng phong cách trình diễn... không giống ai.
Tạm kết
Âm nhạc chưa bao giờ đứng yên. Dòng chảy của nó thay đổi từng ngày, từng giờ và chấp nhận điều mới mẻ luôn là một phần không thể nào khác được trong âm nhạc. Nhưng, khi mà những giọng ca "tròn vành, rõ chữ", truyền cảm và da diết bị thay thế bằng thứ giọng hát "đặc biệt" kiểu như Sơn Tùng thì e rằng, đó chẳng thể là một đổi thay tích cực.
Làm sao người nghe có thể cảm nhận được cái hay ho, lãng mạn của ca từ khi mà thứ duy nhất họ có thể nghe được là giai điệu? Làm sao ca sĩ có thể truyền tải cảm xúc từ tác phẩm tới người nghe, khi mà điều đơn giản nhất là... hát để họ có thể nghe và hiểu, anh cũng chưa làm được? Và quan trọng là, làm sao người ta có thể được gọi là một ca sĩ, khi mà chỉ chọn "hét", thay vì hát!?
Tùng Lâm
Video được xem nhiều nhất