Thủy Tiên: "Không phải cứ được nghe nhiều sẽ là ca khúc hay, không phải bản hit nào cũng có giá trị"
Ca sĩ Thủy Tiên cho biết có những bài hát của những bạn trẻ hiện nay làm ra cô không thể cảm nhận được, cũng không biết vì sao nó lại được khen hay.
- Thủy Tiên nói về con gái Bánh Gạo: "Không muốn con nổi tiếng sớm vì sợ thái độ của một số sao nhí bây giờ"
- Đầu hè, Thủy Top, Thủy Tiên cùng dàn sao Việt đọ dáng nóng bỏng với bikini
- Thủy Tiên bật khóc vì đồng cảm khi thu âm bản ballad mới buồn "lụi tim"
- Ngoài Thủy Tiên - Công Vinh, chuyện tình minh tinh - cầu thủ Việt có phải đều dính dớp”?
- Nhiều người phải ghen tỵ vì Thủy Tiên, Hoa hậu Thu Thảo... có mẹ chồng tâm lý và tuyệt vời thế này
Gần đây, chị dần chuyển hướng sang làm kinh doanh. Vậy công việc ca hát của chị thế nào?
Hồi trẻ tôi là một người nổi loạn, làm mọi thứ theo bản năng chứ không hề quan tâm đến chuyện người khác nghĩ gì về mình. Còn ở thời điểm hiện tại, tôi vẫn giữ quan điểm đó như một cá tính riêng của bản thân nhưng cũng cần phải có trách nhiệm hơn với gia đình, với các cổ đông trong công ty của tôi và cả công việc của chồng nữa.
Tôi vẫn bận rộn với những lịch diễn. Những show diễn ở quán bar thì chắc chắn 100% là tôi không thể nhận đi được vì điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến hình ảnh và công việc của mình. Thực ra diễn ở quán bar cũng không kiếm được nhiều tiền đâu, trước đây tôi nhận diễn chỉ vì đam mê nghề mà thôi. Nhưng đi diễn bar cũng là cực nhất, nó chỉ sang hơn những show "chuồng gà" một chút thôi. Dù sao đó vẫn là một thể loại biểu diễn không sang trọng, người ta vẫn có ác cảm với kiểu sân khấu như vậy.
Xu hướng âm nhạc hiện tại khác trước rất nhiều. Khi trở lại đường đua Vpop, chị cân nhắc thế nào để chọn ra những ca khúc phù hợp với thị hiếu của khán giả?
Ở các dự án nhạc ballad, tôi nghĩ mình không phải nghiên cứu nhiều vì đơn thuần chỉ cần truyền tải được cảm xúc đến người nghe. Còn khi ra mắt các sản phẩm nhạc dance thì tôi sẽ cần phải suy nghĩ xem làm sao để bắt kịp trend, thu hút được người xem MV của mình. Nhưng tôi thấy ở Việt Nam, sản phẩm làm nên tên tuổi cho một ca sĩ đa phần là bài buồn, nó dễ trở thành hit hơn là các bài nhạc sôi động.
Những nghệ sĩ tên tuổi lớn luôn đầu tư MV "khủng" nhưng đôi khi không nhận lại được hiệu ứng tốt. Vì sao chị vẫn mạo hiểm tự chi số tiền lớn để đầu tư MV?
Tôi nghĩ mình làm nghệ thuật mà không có sản phẩm thì sự nghiệp sẽ chết thôi nên buộc phải đầu tư. Những bạn trẻ có thể do kinh phí không nhiều nên chỉ làm được theo mức của các bạn, còn với các nghệ sĩ kì cựu rồi, người ta biết được tầm quan trọng của việc giữ hình ảnh. Hầu như làm bất cứ một cái gì tôi cũng cần sự cân nhắc, suy nghĩ vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh của mình.
Với những dự án mà tôi muốn làm cho bản thân và khán giả của mình thôi thì tôi không quan trọng chuyện view lắm. Có những người đặt nặng về view thì họ mua. Nhưng nếu mua như vậy thì chắc gì sản phẩm đó đã có giá trị nghệ thuật, nên đừng bao giờ đánh giá người khác bằng vẻ bề ngoài. Đôi khi bài mà mua view chưa chắc người ta nhớ được tới 5 - 10 năm.
Trên các bảng xếp hạng âm nhạc bây giờ, những ca khúc top hit đều là của Underground với các thể loại đa dạng, phong phú, vượt qua cả các sản phẩm của những ca sĩ chính thống để leo lên dẫn đầu. Chị nghĩ thế nào về hiện tượng này?
Trong thị trường âm nhạc, có cung mới có cầu. Nhưng tôi nghĩ một ca khúc không phải cứ được nghe nhiều là hay, và không phải tất cả những bản hit đều có giá trị. Ngày xưa, số lượng người nghe nhạc của tôi rất cao bởi vì khán giả khi ấy còn trẻ, có nhiều thời gian. Còn bây giờ, các bạn ấy đã đi làm và cũng trải nghiệm cuộc sống rồi thì cách ủng hộ thần tượng của mình sẽ khác đi. Đôi khi một ca khúc được nghe ít nhưng họ trả tiền để nghe thì giá trị của nó còn cao hơn việc nghe miễn phí.
Có những ca sĩ trẻ bây giờ ra MV sau đó dùng scandal để đánh bóng tên tuổi, nổi tiếng một cách bất chấp, chị nghĩ sao về vấn đề này?
Tôi không đánh giá ai sai, ai đúng vì tôi cũng từng là một người phải loay hoay đi tìm cơ hội để nổi tiếng. Khi khát khao của mình không đạt được thì mình lại càng mong muốn có được nó nên mới sẵn sàng bất chấp hết tất cả. Đôi khi người trong cuộc thấy việc làm đó là đúng nhưng mọi người lại thấy sai.
Tôi không kinh doanh về vấn đề đó nên là tôi cũng không biết nhận xét như thế nào. Nhưng tôi nghĩ thị trường cần phát triển, phải trải qua sai lầm thì mới có được cái đúng. Những người đi trước đã sai rồi thì cũng sẽ là kinh nghiệm để người đi sau làm tốt hơn.
Chị nghĩ gì với quan điểm cho rằng dòng nhạc chị theo đuổi đã quá cũ so với nhu cầu của thị trường hiện nay?
Tôi nghĩ bất kì dòng nhạc nào cũng có đối tượng khán giả của riêng nó. Ví dụ như nhạc của các bạn trẻ bây giờ làm, có những bài tôi không thể hát và cảm nhận được, cũng không biết vì sao nó lại được khen hay.
Có lẽ đối tượng khán giả đó là các bạn trẻ đang ở độ tuổi học sinh. Và khi thần tượng ai thì họ sẽ dành thời gian cả ngày để xem cho lượt view cao. Cái lượt view ấy không đánh giá được sản phẩm đó là nghệ thuật. Còn với những người trưởng thành, họ vẫn đi theo thần tượng nhưng họ ủng hộ theo cách khác, không còn cày ngày cày đêm và tính view nữa.
Một ngày nghe câu nói "Ca sĩ Thủy Tiên đã hết thời", chị cảm thấy thế nào?
Tôi nghĩ là "tre già măng mọc" thôi. Ngày xưa, nếu chỉ có từng ấy ca sĩ đi hát hoài thì làm sao tôi có "cửa" để nổi tiếng, nên ở mỗi một thời đại, người trẻ đều sẽ có cơ hội để thể hiện tài năng. Đó là quy luật của cuộc sống bình thường. Điều quan trọng là mình phải biết chấp nhận và vạch ra hướng đi mới cho bản thân trong từng thời điểm.
Nếu người này nói người kia hết thời nhưng nhiều khi "thời" của người ta đã ở một mức độ khác còn rực rỡ hơn. Biết đâu họ đang chuyển sang một đỉnh cao khác trong sự nghiệp mà đỉnh cao đó gấp mười lần đỉnh cao trước đây thì sao?
Cảm ơn những chia sẻ của chị.
Theo Hạnh Moon - Dã Phong/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất