Sự dễ dãi của ca từ - Tác hại… "không phải dạng vừa đâu"!
8showbiz -
20/05/2015, 20:20
''Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc'' - Xin nhắc lại tên của một bộ phim thời kỳ đầu của điện ảnh Việt Nam để nói về sự quan trọng của ca từ. Một ca khúc chỉ được gọi là thành công, khi mà lời ca và giai điệu hòa quyện vào nhau. Và trong một số trường hợp, chính ca từ đã cứu cho bài hát, khiến bài ...
Minh chứng cho sự quan trọng của ca từ rõ ràng nhất nằm ở những sáng tác của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Người ta có thể thích hoặc không thích những ca khúc của ông, nhưng không ai phủ nhận được việc ông là phù thủy về ca từ. Chỉ cần điểm qua một số lời ca của ông, như “Mây bay trên đầu và nắng trên vai” (Một cõi đi về), hay “Gọi nắng trên vai em gầy đường xa áo bay” (Hạ trắng), đã đủ chứng tỏ ông là một nhà thơ bậc thầy trong ca từ của bài hát.
Lệ Quyên – Người thành công với chùm Bài hát không tên của NS Vũ Thành An, dù luyến láy đến thế nào thì cô vẫn luôn giữ đúng lời của bài hát
Cho nên, nhiều nhạc sỹ rất cẩn thận trong việc đặt lời cho ca khúc, bởi chỉ cần hát sai một chữ, ý nghĩa của đoạn nhạc, thậm chí của cả bài hát đã thay đổi hoàn toàn. Nhạc sỹ Vũ Thành An, tác giả của chùm “Bài không tên” nổi tiếng, trong một lần trả lời phỏng vấn đã nói rằng ông không lấy tiền bản quyền mỗi khi ca sỹ hát, chỉ xin ca sỹ liên lạc với ông để lấy bản nhạc gốc nhằm hát cho đúng lời.
Trào lưu nguy hiểm
Ca từ của những ca khúc hiện tại, có thể nói là quá dễ dãi. Tất nhiên, không phủ nhận một điều rằng, nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng luôn phản ảnh thời điểm nó ra đời. Ngày hôm nay, không thể bắt tuổi teen ngồi lãng đãng trên căn gác đìu hiu nghe tiếng mưa rơi như trong ca khúc Lời buồn thánh của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn, hay vẩn vơ nhìn thu đi cho lá vàng rơi như trong ca khúc Lá đổ muôn chiều của Đoàn Chuẩn - Từ Linh được. Ở thời đại công nghiệp này, người ta và nhất là giới trẻ sống nhanh, sống gấp hơn hẳn thế hệ trước. Với họ, không có chuyện chỉ vì ngại ngùng không nói một câu mà cả hai ngậm ngùi xa nhau như chuyện tình của đôi trai gái trong ca khúc Chuyến đò không em (của Minh Kỳ - Hoài Linh), hay thẹn thùng không dám để người thanh niên trông thấy như lời ca của bài hát Về đâu mái tóc người thương (của Hoài Linh). Với họ, tình yêu là nhanh, theo kiểu nói suồng sã là yêu thì yêu đi không thì giả dép còn về.
Cho nên, không có gì lạ khi những ca khúc như Teen Vọng cổ lại được ưa chuộng. Lời ca rất đơn giản, thậm chí nhiều khi hơi ngô nghê đại thể như Biết yêu là yêu đó mà đó có phải là yêu không mà sao nhớ anh thật buồn ố ề ố ê. Mấy từ đệm phía sau đem cho người nghe cảm giác đến đó là người đặt lời không làm sao tìm ra được từ ngữ cho phù hợp, hơn là việc người đặt lời cố tình ố ề ố ê để tạo nhịp điệu cho ca khúc thêm phần sôi động và trẻ trung. Hay có một dạo, chỉ một câu lặp đi lặp lại Em có làn da nâu mà cũng có thể tạo thành bài hát và gây sốt trong một quãng thời gian không dài, đến mức là nghệ sỹ Thành Lộc đã hát trong kịch của mình thành Em có làn da trâu, da con trâu.
Những người sáng tác nhạc thuộc thế hệ trẻ hiện nay rất giỏi trong việc nắm bắt xu thế thịnh hành và cũng rất quan tâm đến những gì nóng hổi đang xảy ra. Vừa có bài viết về chuyện một anh con trai hận bạn gái mình bỏ rơi nên đến nhà đòi lại những gì đã sắm cho nàng, thì chỉ ít lâu sau ca khúc Anh không đòi quà ra đời và gây sốt một thời gian dài. Tất nhiên là người nghe thích thú và hưởng ứng, bởi đó đang là chuyện được bàn tán. Rồi kèm theo đó là những clip minh họa, mà đa phần chỉ ngô nghê theo kiểu nhân vật nam đi theo hát, rồi cô gái vứt lại quà tặng, sau quà tặng là cởi quần cởi áo vừa để cho đúng tinh thần bài hát, vừa để tự PR chính mình.
Không chỉ chạy theo những vấn đề nóng, những tin giật gân, người sáng tác hiện nay còn tự tạo cho mình một phong cách riêng trong làn sóng chung của âm nhạc thế giới, và nhất là âm nhạc Hàn Quốc. Khi Sơn Tùng xuất hiện, người ta thấy ngay đó là một bản sao của K-Pop với những Em của ngày hôm qua và gần đây là Không phải dạng vừa đâu. Bài hát Em của ngày hôm qua nổi tiếng đến mức nhiều người chơi Facebook lấy đó làm status của mình khi đăng những bức ảnh cũ. Còn Không phải dạng vừa đâu thì đã là một khẩu ngữ quen thuộc để cộng đồng mạng nói về đủ thứ trên đời, từ một nhân vật VIP cho đến một câu nói ngây thơ của trẻ con.
Sơn Tùng M-TP
Nói một cách hình ảnh, những ca khúc dạng này như một thứ đồ ăn nhanh, hay như một dạng nước uống đóng chai. Rất nhanh chóng làm dịu cơn khát, làm tan cơn đói, và thậm chí gây nghiện. Người nghe dễ dàng tiếp nhận, không phải suy nghĩ gì nhiều, không phải vẩn vơ theo gió mây - thời buổi này vẩn vơ theo gió mây thì rất nguy hiểm cho kinh tế. Ngay cả những người lớn tuổi cũng dễ tiếp nhận, trừ một số người luôn mang tư tưởng bảo thủ hoặc những nhà nghiên cứu âm nhạc luôn chỉ tin vào những giá trị chính thống và đã được khẳng định theo thời gian.
Tất nhiên, bởi đó là những sản phẩm ăn theo mùa vụ, đáp ứng nhu cầu tức thời của thị trường, nên chúng cũng sớm lụi tàn. Y như cách mà một số ca khúc đình đám thời Làn sóng xanh vậy. Đến bây giờ, giới trẻ có thể vẫn hát những bài nhạc xưa, nhưng chắc ít ai còn nhớ những Mưa phi trường hay Tình thôi xót xa. Và những Em của ngày hôm qua rồi cũng sẽ thành Em của sự quên lãng, và Không phải dạng vừa đâu hay có là dạng gì đi nữa thì cũng trôi về dĩ vãng. Để một làn sóng nhạc mới lại được ra đời, theo kiểu thấy nhạc Hàn đang được chuộng thì bắt chước nhạc Hàn, năm sau nhạc Ma Rốc thịnh hành thì ta lại quấn khố nhẩy như thổ dân, năm sau nữa nhạc Trung Đông lên ngôi ta lại che kín người hát giữa sa mạc. Cho hợp mốt!
Hệ lụy kéo dài
Đương nhiên, không thể dùng những từ nặng nề như hậu quả hay tác hại, cho sự dễ dãi ấy. Bởi xét cho cùng, chúng chẳng làm chết ai cả, cũng chẳng khiến người nghe thực hiện những hành vi dại dột như bỏ nhà đi theo một nhân vật nào đó trong bài hát, như trước kia đã từng có trường hợp như thế. Những ca khúc hiện tại dễ nghe, và đáp ứng rất tốt nhu cầu giải trí. Người ta nghe đấy, rồi cũng quên ngay đấy. Thậm chí, nói theo kiểu của đạo diễn, NSND Khải Hưng là không nghe thì lướt mạng khác, tải trang khác, có ai bắt buộc đâu. Và sự tồn tại của những bài hát có ca từ dễ dãi ấy, là điều dễ hiểu trong cuộc sống ngày hôm nay.
Nhưng, xét cho cùng, nếu chỉ đơn giản như thế thì chẳng nên chuyện. Bởi âm nhạc cũng như nghệ thuật nói chung, luôn tác động đến hệ thần kinh của con người. Nghe mãi dòng nhạc ấy, người ta dễ có xu hướng dễ dãi cũng như buông thả trong từng hành vi, rồi từ hành vi kéo theo thói quen để rồi tạo ra tính cách.
Khi người ta quen ăn một món đến mức cơ thể tạo ra dịch vị thích ứng với món ấy, rất khó để tiếp nhận món có khẩu vị khác. Thế nên mới có chuyện người quen ăn lúa mỳ không thể ăn gạo, hay chúng ta quen ăn gạo thì chỉ vài bữa ăn món khác là lại thấy cồn cào. Âm nhạc, xét cho cùng cũng là một món ăn tinh thần. Người ta đã quen với những ca khúc dễ dãi ấy, thì rất khó thưởng thức những ca khúc có giai điệu đẹp, ca từ mang ý nghĩa nhân văn. Bởi đơn giản, ca từ của những ca khúc ấy không bao giờ chỉ là những câu đại để như bạn ơi sống tốt lên bạn ơi hãy cố lên. Mà nó gợi cho người nghe cảm xúc về cái đẹp cái thiện, để từ đó con người sống tốt hơn.
Tất nhiên, viết được những ca khúc như vậy hoàn toàn không đơn giản. Trong suốt đời hoạt động nghệ thuật của mình, có khi người nhạc sỹ chỉ viết được một bài như thế. Là đã đủ để hài lòng, đã đủ để thấy mình có đóng góp được một cái gì đó cho cuộc sống. Và theo một chiều ngược lại, thì ngày càng có những ca khúc dễ dãi được ra đời. Bởi đó là những ca khúc được viết để kiếm tiền và kiếm danh, chứ không phải để đem đến cho đời một tác phẩm có ý nghĩa.
Theo Báo Điện Tử Gia Đình VN
Video được xem nhiều nhất
Bình luận