Phim truyền hình Việt Nam hãy nhìn Ấn Độ và học hỏi
Phim Việt sẽ hay hơn nếu học hỏi được những ưu điểm của phim Ấn Độ.
Có nhiều ý kiến cho rằng phim truyền hình Ấn Độ dài dòng, nội dung lan man khiến khán giả mệt mỏi. Việc này có thể đúng vì phim Ấn Độ đa phần làm theo thể loại soap-opera kéo dài trường niên, như một bộ phim dài về cuộc sống ngoài đời. Tuy nhiên nếu so sánh phim Việt Nam với Ấn Độ thì đa phần khán giả vẫn cho rằng phim Ần hay và hấp dẫn hơn. Vậy phim Ấn Độ có những điểm nào thu hút khán giả mà phim Việt Nam cần phải học hỏi?
Phim có sự kịch tính cao trong cốt truyện
Xét về ưu điểm của phim Ấn Độ thì có rất nhiều, trong đó đáng nói nhất là cốt truyện được đẩy lên cao trào liên tục qua mỗi tập phim. Việc này khiến khán giả không thể bỏ qua tập phim nào và tạo cảm giác lôi cuốn, hào hứng chờ đợi tập phim mới của người xem.
Ví dụ tiêu biểu là phim “Âm mưu và tình yêu”. Mỗi tập phim nhân vật chính Gupi luôn bị hai mẹ con cô chị họ hãm hại như vu oan hay cô bị gia đình hiểu nhầm. Tập phim sẽ kết thúc vào ngay tình tiết đó, khán giả muốn biết diễn biến ra sao thì phải theo dõi tập phim tiếp theo. Dù biết rằng chắc chắn mọi việc sẽ được giải quyết như Gupi được minh oan, song khán giả vẫn tò mò muốn biết cô ấy đã được ai giải oan, hay làm cách nào để chứng minh mình vô tội.
Trong khi đó với phim Việt Nam thì đa số đều có nhịp phim chậm, không kích thích khán giả theo dõi như phim Ấn Độ. Việc kết thúc mỗi tập phim ở những chi tiết nhàm chán cũng là điểm mà phim Việt Nam nên học hỏi Ấn Độ cũng như các nước khác. Bởi nội dung phim đã không hấp dẫn, nay kết thúc mỗi tập phim cũng không có gì đáng để chờ đón theo dõi, thì việc khán giả thà xem phim Ấn còn hơn xem phim Việt cũng là điều dễ hiểu.
Dàn diễn viên có diễn xuất tốt, biểu cảm
Dù phim Ấn Độ dài dòng khi kéo ra nhiều tập thì phong độ diễn xuất của các diễn viên vẫn không thay đổi theo thời gian. Như trong “Cô dâu 8 tuổi”, nhân vật Anandi dù đã trải qua 3 diễn viên đóng thì thần thái của nhân vật vẫn nguyên vẹn. Diễn viên Toral Rasputra vào vai Anandi từ tập 1200 trở đi đã theo phim vài năm, khán giả cho rằng Anandi ngày càng duyên dáng và mạnh mẽ hơn nhờ vào diễn xuất điêu luyện của cô. Hay nhân vật bà nội chồng Dadisa của Anandi khiến khán giả ghét cay ghét đắng bởi những rắc rối do bà gây ra. Điều đó cho thấy khả năng diễn xuất tuyệt vời khi thể hiện vai Dadisa của bà Surekha Sikri. Vì vậy tuy chỉ có bao nhiêu đó nhân vật, nhưng những phim dài tập của Ấn vẫn không nhàm chán bởi diễn xuất tốt của diễn viên.
Về phim Việt Nam, diễn xuất là điểm khán giả ngán ngẩm từ bao năm nay. Việc một diễn viên tham gia nhiều dự án phim nên không thể đầu tư cho nhân vật có chiều sâu, rồi vấn đề không thuộc thoại khi ra phim trường cũng khiến diễn xuất trở nên gượng gạo và vô hồn. Không phải bỗng nhiên khán giả quay lưng với phim Việt, mà vì diễn xuất của một số diễn viên quá vô cảm và thiếu cảm xúc, đã dẫn tới việc khán giả thà xem phim nước ngoài chứ không xem phim Việt trên màn ảnh nhỏ. Diễn xuất lại là điểm lôi cuốn khán giả nhất, bởi có thu hút có lôi cuốn thì khán giả mới hào hứng theo dõi phim.
Các cảnh hành động được đầu tư
Việc các phim truyền hình Ấn đan xen các cảnh hành động có phần nguy hiểm vào đã tạo ra kịch tính, cao trào cho phim. Các hiệu ứng cháy nổ hoành tráng cùng những màn võ thuật đẹp mắt đã thu hút khán giả theo dõi phim. Còn với phim Việt Nam, đa phần chỉ là nói chuyện. Các cảnh hành động trong phim đa số dàn dựng sơ sài, qua loa, tạo cảm giác không chân thực với khán giả.
Nguyên nhân được đưa ra vì vấn đề kinh phí. Phim Việt Nam đang bị cạnh tranh từ các show truyền hình thực tế, nên các nhà sản xuất luôn muốn giảm kinh phí làm phim xuống thấp nhất. Tuy nhiên khán giả lại cho rằng phim Việt Nam xưa giờ cũng rất ít phim đầu tư các cảnh hành động, vì vậy khán giả mới quay lưng với phim Việt Nam. Bởi dù là phim tình cảm thì việc xen vào các cảnh kịch tính, hồi hộp là một yếu tố không thể thiếu để thu hút khán giả.
Video được xem nhiều nhất