Phim cổ trang Trung Quốc xưa và nay: Đáng nhớ vs. thị trường (P.1)
Dòng phim cổ trang Trung Quốc đã và đang có những sự thay đổi rõ rệt sau gần 30 năm ra đời và phát triển.
Từ xưa đến nay, Trung Quốc luôn được xem là "mẹ đẻ" của dòng phim cổ trang với số lượng tác phẩm nhiều không xếm đuể. Thời thơ ấu, ai trong chúng ta cũng từng đắm chìm trong câu chuyện của Hoàn Châu Cách Cách (1997) hay Tây Du Ký (1986). Lớn hơn một chút thì lại giàn dụa nước mắt với tình yêu bi lụy trong Hồng Lâu Mộng(1987) hay Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài (1999).
"Hồng Lâu Mộng", "Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài"…
Trưởng thành rồi lại nằm gọn trong những trang sách kiếm hiệp của Kim Dung, để rồi chết mê những vị đại hiệp trong hàng tá phim cổ trang kiếm hiệp bản cũ như Anh Hùng Xạ Điêu, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Thần Điêu Đại Hiệp, Ỷ Thiên Đồ Long Ký .
..."Tây Du Ký" hay "Hoàn Châu Cách Cách" bản cũ là những tác phẩm đã khắc sâu vào tâm khảm của nhiều thế hệ
Những kỉ niệm về một thời thuê bằng đĩa về xem, bàn luận sôi nổi về tình tiết trong phim cùng trang phục vẫn còn như mới ngày hôm qua thôi. Trải qua gần 30 năm thăng trầm, phim cổ trang Trung Quốc hiện nay đã lột bỏ cái áo cũ kĩ, khoác lên mình diện mạo mới nhưng có thực sự đi sâu vào lòng khán giả như thời kỳ hoàng kim trước đó?
1. Xưa tiểu thuyết kiếm hiệp lên ngôi, nay tiểu thuyết mạng thắng thế
Tận dụng vốn lịch sử lâu đời của mình, Trung Quốc có rất nhiều nhà văn, nhà thơ ghi chép sử rồi từ đó viết thành những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp, võ thuật thu hút được lượng fan đông đảo. Tuổi trẻ của ai mà không từng đọc tiểu thuyết Kim Dung, xem phim võ thuật Cổ Long thì thật là một điều thiếu sót. Màn ảnh nhỏ trước đây từng ngập tràn những anh hùng thiên hạ như Lệnh Hồ Xung – Tiếu Ngạo Giang Hồ, Dương Quá – Thần Điêu Đại Hiệp, Nhiếp Phong và Bội Kinh Vân trong Phong Vân.
Ngày nay, giới trẻ đa số nhớ đến những nhân vật thần tiên hư cấu trong các tác phẩm mạng. Có thể kể đến như Bạch Tử Họa của Hoa Thiên Cốt, Dạ Hoa của Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa hay sắp tới là Xi Vưu của Thượng Cổ Tình Ca .
"Bích Huyết Kiếm", "Tiểu Lý Phi Đao", "Phong Vân", "Tiếu Ngạo Giang Hồ"… là những tác phẩm kiếm hiệp điển hình
Không thể phủ nhận rằng, với thời đại internet phát triển như hiện nay, xu hướng đọc và tìm đến những tiểu thuyết mạng phát triển mạnh mẽ là điều tất yếu. Mặc dù sinh sau đẻ muộn, nhưng tiểu thuyết ngôn tình đa thể loại đang ngày một lớn mạnh và thay thế tiểu thuyết truyền thống xưa tại Trung Quốc.
Hiện nay, giới trẻ có xu hướng đón chào những tiểu thuyết văn học mạng
Sự ra đời ồ ạt của hàng loạt những cây bút văn học mạng cũng mở một cánh cửa rộng lớn hơn cho các nhà làm phim cổ trang. Xưa kia có Quỳnh Dao thống trị dòng tiểu thuyết lãng mạn, nay đã có Đồng Hoa, Phỉ Ngã Tư Tồn "chống đỡ" cả bầu trời tình yêu cho giới trẻ.
Những bộ phim như "Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa", "Bộ Bộ Kinh Tâm" hay "Hoa Thiên Cốt" được chào đón rất nồng nhiệt
2. Kịch bản xưa sâu sắc là thế, kịch bản này sao nỡ nhạt nhòa
Thời những nhà biên kịch như Lại Thủy Thanh hay Quỳnh Dao còn chấp bút, ít thấy bộ phim nào không thu về hàng tấn nước mắt và những bình luận sắc sảo của khán giả. Dù đúng dù sai, dù khen dù chê, người ta vẫn phải phục trước cái tài, cái tâm của biên kịch. Quỳnh Dao vẽ nên một Hoàn Châu Cách Cách sống động, một Mai Hoa Lạc trái khoáy khoét sâu vào tâm khảm của người xem.
Lại Thủy Thanh viết lên những câu chuyện hấp dẫn hơn về Thủy Hử (1996), về Tam Quốc (2001) hay đơn giản chỉ là chắt lọc những chi tiết đáng nhấn mạnh trong những bộ kiếm hiệp của Kim Dung. Điều đáng nói ở đây là ít khi khán giả phải phàn nàn về những chi tiết sai truyện, làm quá và sao chép tác phẩm.
"Thủy Hử", "Lã Bất Vi" hay "Tam Quốc" luôn hấp dẫn người xem nhờ có biên kịch chắc tay
Ngày nay, nghề biên kịch dường như trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Gặp được biên kịch có tâm lại có tầm, tác phẩm chuyển thể ấy giữ nguyên được cái hồn cùng cái tình. Gặp phải người đã vô tâm lại hay sao chép, bộ phim ấy sẽ "ăn" cả tấn gạch của cư dân mạng. Sự thành công của Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa đầu năm nay cho thấy, một bộ phận lớn người hâm mộ vẫn hy vọng nhà sản xuất sẽ tôn trọng những tình tiết tác giả xây dựng trong truyện, thay vì biến nó thành bộ phim "trùng tên". Dù rằng tác phẩm này cũng gây tranh cãi do scandal đạo nhái của phiên bản gốc.
Ngay đến "Mị Nguyệt Truyện" lẫy lừng cũng dính vào nghi án kiện tụng đạo nhái giống trường hợp của "Tam Sinh Tam Thế: Thập Lý Đào Hoa"
Hơn nữa, giá như kịch bản gọn gàng hơn, "có não" hơn một chút thay vì chỉ ghép nhặt từ những tác phẩm khác thì có lẽ, phim cổ trang Trung Quốc đã tạo được đột phá thực sự. Những lùm xùm xung quanh việc bản quyền hay tranh cãi về đạo nhái xảy ra với Mị Nguyệt Truyện hay Dạ Sắc không khỏi khiến khán giả thất vọng.
Theo Xiao Chi Chi/Trí thức trẻ
(Còn tiếp)
Video được xem nhiều nhất