Phản ứng của Viruss khi bị tố lùa gà cho dự án coin rác

27/12/2021, 20:12

KV Ventures cho biết quỹ được sáng lập bởi ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) và ông Dương Vi Khoa cùng các cộng sự.

Cuối tháng 12, vụ lùm xùm giữa streamer Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) và một nhà đầu tư có biệt danh Zet Under đã trở thành vấn đề tranh luận của cộng đồng tiền mã hóa tại Việt Nam.

Người tố ViruSs tên thật là Trần Văn Phúc, sinh năm 1987. Ông là một nhà đầu tư có tiếng, kiêm quản trị viên của cộng đồng Phố Tài Chính trên Telegram.

Tranh cãi xoay quanh lời khuyên đầu tư tiền số

Trong phần bình luận video trên kênh của ViruSs, ông Phúc cho rằng nam streamer chưa có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư tài chính và đang có hành động chiêu dụ người mới.

"Kinh nghiệm thị trường chưa được 3 tháng đã đi lùa gà rồi à", Zet Under bình luận trong video trên kênh TikTok của ViruSs.

Trước đó, ViruSs từng thông báo trong cộng đồng đầu tư về loại tiền số do bản thân sáng lập và đưa ra mức giá mua vào đồng ZUKI (dự án Zuki Moba) từ 0,2-0,3 USD.

Phản ứng của Viruss khi bị tố lùa gà cho dự án coin rác-1
Giá ZUKI liên tục lao dốc

Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, giá ZUKI liên tục giảm sau khi streamer “shill coin” (kích thích tâm lý người khác mua tiền số). Hiện giá đồng ZUKI đã giảm gần 3 lần so với điểm giá ViruSs mời gọi, dao động quanh mức 0,0879 USD.

Đợt sụt giảm kéo theo khoảng 7 triệu USD vốn hóa “bốc hơi” khỏi dự án Zuki Moba. Điều này đã dấy lên nghi vấn nam streamer chiêu dụ người mua, thao túng giá và "xả" nhằm thu lợi cá nhân.

Sau khi bị ông Phúc tố cáo hành vi "lùa gà", streamer ViruSs đã đăng tải 3 video trên kênh YouTube cá nhân, phản bác thông tin. Trong video đăng tải chiều 25/12, ViruSs còn tố ngược Zet Under là người từng có nhiều hành vi lừa đảo tài chính trong quá khứ.

Tuy nhiên, 3 video nêu trên hiện đã biến mất khỏi kênh YouTube chính thức của ViruSs.

Bên cạnh đó, một số nhà đầu tư trong các hội nhóm tố ViruSs từng hợp tác quảng bá cho dự án InPoker (INP), một tựa game bị người dùng so sánh với việc đánh bạc, núp bóng dưới hình thức GameFi (game tài chính).

Theo nhà đầu tư có tên P. P, người dùng cần mua thẻ Elite của dự án bằng đồng BNB, sau đó thế chấp stablecoin BUSD để chơi game bài poker. “Về cơ bản, có thể xem đây là hành vi sử dụng tiền số để tham gia đánh bạc”, nhà đầu tư P.P nhận xét.

Liên hệ phía ViruSs nhưng hiện vẫn chưa nhận được phản hồi.

Không nên nghe lời khuyên đầu tư của người khác

Chuyên gia tiền mã hóa, ông Nguyễn Hoàng Hưng nhận định việc ViruSs “shill coin” và đưa ra mức giá vào lệnh cho cộng đồng là điều sai lầm của streamer.

Người có tầm ảnh hưởng (KOL) trong ngành tiền số luôn cần thể hiện rằng nhận định về dự án luôn ở mức suy nghĩ cá nhân hoặc đưa ra cảnh báo đây không phải lời khuyên đầu tư. Nhờ đó, người dùng có thể tỉnh táo để tìm hiểu về dự án, tránh FOMO (sợ bỏ lỡ cơ hội)”, ông Hưng chia sẻ.

Theo ông Hưng, trước khi đầu tư vào một loại tiền số bất kỳ, người dùng cần tìm hiểu kỹ các yếu tố có liên quan như whitepaper (sách trắng), lộ trình (roadmap) của dự án…

“Nhà đầu tư cần rút kinh nghiệm cho bản thân và không tin tưởng bất kỳ ai khi tham gia thị trường tiền số nhằm tránh những mất mát không đáng có”, ông Hưng cho biết.

Phản ứng của Viruss khi bị tố lùa gà cho dự án coin rác-2
Bài giới thiệu của KV Ventures trước vụ lùm xùm của streamer ViruSs

Được thành lập vào giữa tháng 11, KV Ventures giới thiệu mình là quỹ hợp tác với các quỹ đầu tư, các nhà phát triển blockchain, các kênh truyền thông và cộng đồng về tiền số.

Trong các thông báo trước đó, KV Ventures cho biết quỹ được sáng lập bởi ông Đặng Tiến Hoàng (ViruSs) và ông Dương Vi Khoa cùng các cộng sự có nhiều năm kinh nghiệm quản lý quỹ đầu tư và triển khai các dự án blockchain.

Tuy nhiên, sau lùm xùm gần đây, tên của ông Hoàng biến mất khỏi toàn bộ các bài đăng của dự án. Trong nhóm Telegram, đại diện KV Ventures cho biết ViruSs sẽ ngừng hợp tác với quỹ đầu tư này từ ngày 25/12.

Trước ViruSs, việc YouTuber Khoa Pug quảng bá cho dự án Diamond Boyz Coin (DBZ) cũng đã gây tranh cãi cho cộng đồng đầu tư tiền số tại Việt Nam.

Ra mắt lần đầu vào cuối tháng 6, DBZ từng có khoảng thời gian tăng giá liên tục, đạt kỷ lục 0,15 USD vào ngày 29/9. Tuy nhiên từ đầu tháng 10, giá trị đồng tiền này lao dốc. Từng đợt biến động giá của DBZ đều liên quan đến mối quan hệ giữa Johnny Dang và Khoa Pug, YouTuber nhiều lần đăng video quảng bá đồng tiền này.

Đến nay, giá đồng DBZ liên tục lao dốc sau căng thẳng giữa Khoa Pug và “ông hoàng kim cương Johnny Dang. Hiện giá DBZ đang dao động ở mức 0,006 USD, giảm khoảng 25 lần so với mốc giá đỉnh. Đợt sụt giảm đã khiến nhiều nhà đầu tư thua lỗ.

Theo Zing

theo nguồn https://2sao.vn/nhac-c-aap/

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất