Phân biệt 2 chất làm đầy Restylane và Silicone lỏng trong tiêm thẩm mỹ
Đều có tên gọi chung là chất làm đầy, nhưng Silicon lỏng lại được ví như "tử thần" khi tiêm vào các bộ phận trên cơ thể.
Có thể thấy, hiện nay, ngoài việc tìm đến phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ thì nhiều chị em còn tìm đến các phương pháp tiêm thẩm mỹ - đây được coi là phương pháp đại tu nhan sắc nhanh gọn, và ít gây đau đớn, tuy nhiên nếu không tìm hiểu kĩ chất làm đầy nào được tiêm vào cơ thể (đặc biệt là khuôn mặt) thì hậu quả mà nó gây ra là rất nguy hiểm. Lựa chọn những chất làm đầy không chất lượng, không được kiểm định và bán tràn lan, không có giấy cấp phép, có thể gây nhiều biến chứng, và trường hợp xấu nhất còn có thể gây ra tử vong.
Mới đây một cô gái tên V.T.H là cộng tác viên thân thiết chuyên giới thiệu khách cho một spa lớn tại Hà Nội đã chia sẻ những hình ảnh được coi là hậu quả của việc tiêm chất làm đầy dởm khiến mũi lệch, môi sưng. Theo như lời V.T.H thì làm đầy được sử dụng cho khách là silicone lỏng, khác với những lời quảng cáo là chất làm đầy Restylane được nhập khẩu và cấp phép. Chính cô cũng là nạn nhân của chủ spa này khi đồng ý tiêm chất làm đầy vào mũi, hiện nay vẫn đang phải điều trị và bác sĩ mà cô gặp từ chối nạo mũi vì không xác định được chất đã tiêm vào mũi là chất gì. Cô cũng đưa ra các bằng chứng rằng dùng chất Filler "xịn" thì vài ngày hết sưng, chỗ tiêm mềm ra, còn những khách tiêm bằng silicon thì chỗ tiêm vón cục, sưng đỏ và gây đau.
Những hình ảnh V.T.H đăng lên là những hình ảnh hậu quả của việc tiêm silicone lỏng vào mặt.
Hầu hết những hậu quả để lại là phần tiêm bị sưng tấy đỏ...
... nổi cục và ấn vào bị đau.
Và để nắm rõ được sự khác nhau về 2 chất làm đầy, kết quả và biểu biện sau khi tiêm 2 chất này, cũng như trang bị thêm kiến thức cho mình trước khi thực hiện phương pháp tiêm thẩm mỹ ở bất kỳ trung tâm thẩm mỹ nào, chúng tôi đã tìm hiểu và có cuộc phỏng vấn nhanh với Thạc sĩ, Bác sĩ Thanh - Thẩm mỹ viện Hà Thanh.
1. Bác sĩ có thể cho biết sự khác nhau về Silicone lỏng và Restylane?
- Về Restylane, đây là một loại biệt dược, được sử dụng rộng rãi, Restylane có thành phần chính là acid hyaluronic dạng bền vững không có nguồn gốc từ động vật (HA), tương tự như cơ thể người, có tính tương thích rất cao đối với các mô của cơ thể. Restylane có khả năng gắn kết với các mô, cố định tại chỗ tiêm và tự tiêu khoảng từ 6 tháng đến 1 năm.
- Về Silicone, đây cũng là loại chất làm đầy, nhưng đã bị cấm sử dụng từ lâu. Silicone lỏng cũng có tác dụng làm đầy các khuyết lõm dưới da, tuy nhiên khi tiêm Silicone sẽ dễ dẫn đến nguy cơ viêm tiềm tàng mãn tính, vì các chất Silicone không cố định, có thể di chuyển lung tung sau khi tiêm, tạo thành các hạt, cục, gồ nổi cộm. Ví dụ: tiêm Silicone lỏng vào sống mũi, có thể Silicone lỏng sẽ tràn sang hai bên. Hay nếu sử dụng Silicone lỏng tiêm làm đầy má, có thể Silicone lỏng sẽ "chạy lung tung" và khiến cho má bị chảy xệ.
2. Trong thẩm mỹ có loại chất làm đầy nào có tác dụng 7 năm không?
Có chất làm đầy Aquamid có thể có tác dụng từ 5 đến 7 năm.
3. Có thể thay thế Restylane bằng Silicone lỏng được không?
Không thể thay thế được.
4. Bác sĩ có thể cho biết giá thành của Silicone lỏng và Restylane?
Đối với Restylane, 1 ống 1ml có giá khoảng 6 - 7 triệu. Còn đối với Silicone lỏng, tôi không rõ chính xác giá là bao nhiêu, nhưng chắc chắn giá thành rẻ hơn so với Restylane.
Cảm ơn bác sĩ về những chia sẻ bổ ích này!
Video được xem nhiều nhất