Những lần gây tranh cãi nảy lửa của làng thời trang thế giới
Dolce & Gabbana, Prada, Jean Paul Gaultier hay siêu mẫu Kate Moss từng gắn liền với những sự cố "đáng quên" trong lịch sử trình diễn mốt.
Dolce & Gabbana, Prada, Jean Paul Gaultier hay siêu mẫu Kate Moss từng gắn liền với những sự cố "đáng quên" trong lịch sử trình diễn mốt.
Năm 2012, khi "thiên thần" Karlie Kloss trình diễn bộ nội y cùng chiếc mũ đội đầu gắn lông chim kiểu thổ dân da đỏ, thương hiệu Victoria's Secret đã hứng chịu nhiều chỉ trích vì bị cho là xem thường lịch sử và văn hóa của các bộ lạc.
Để xoa dịu dư luận, thương hiệu này gửi lời xin lỗi, đồng thời cắt bỏ phân cảnh nhạy cảm này khi lên sóng truyền hình cũng như các phương tiện thông tin đại chúng.
Trong bộ sưu tập Haute Couture Xuân Hè 2012, nhà thiết kế Jean Paul Gaultier đã chọn nữ ca sĩ quá cố Amy Winehouse làm cảm hứng, nhằm bày tỏ sự mến mộ và tưởng nhớ về giọng ca tài năng này.
Người mẫu trong show đều được tạo hình theo phong cách retro giống Amy Winehouse như trang điểm đậm, kẻ mắt mèo, làm tóc tổ ong... Thế nhưng, "nguồn cảm hứng" này lại vấp phải sự phản đối kịch liệt từ gia đình ca sĩ.
Mitch Winehouse, bố của Amy cho biết: "Không có bất kỳ câu hỏi hay lời đề nghị nào được gửi đến gia đình". Ông cho rằng đây chỉ là chiêu trò của Gaultier để lợi dụng danh tiếng, tai tiếng trong quá khứ của con gái họ vì mục đích lợi nhuận.
Nhà mốt Dolce & Gabbana cũng bị chỉ trích vì thiết kế hoa tai hình đầu thổ dân da đen trong bộ sưu tập Xuân Hè 2013.
Tờ Guardian nhận định đây là một "ý tưởng kinh khủng" về tính đa dạng trong thời trang: "Thay vì chọn người mẫu da màu trình diễn bộ sưu tập, họ chỉ đưa xuống sàn diễn những gương mặt đen đúa lủng lẳng ở tai. Không có lấy một người mẫu gốc Phi trong bộ sưu tập".
Hành động hút thuốc lá trên sàn catwalk của siêu mẫu Kate Moss trong bộ sưu tập Thu Đông 2011 của Yves Saint Laurent cho đến giờ vẫn khiến không ít khán giả cảm thấy khó chịu. Hành động này là sự phớt lờ một đạo luật mới của Pháp cấm hút thuốc lá trong các tòa nhà công cộng.
Trong khuôn khổ Tuần Thời trang Moscow 2011, nữ điệp viên Nga nổi tiếng Anna Chapman diện áo corset, áo khoác viền lông, quần da bó sát và bốt cao của hai nhà thiết kế Nga Ilya Shiyan và Yana Rudkovskaya.
Trong lúc trình diễn, cựu điệp viên 29 tuổi cố ý làm rơi khẩu súng mang bên mình khi đang mô phỏng hoạt động gián điệp. Dù biết đây chỉ là một phần của màn trình diễn, hành động ấy khiến không ít khán giả hoảng sợ về tính an toàn của chương trình.
Trong khuôn khổ Tuần Thời trang London 2011, nhà thiết kế người Anh Rachel Freire tung ra bộ sưu tập gồm váy và áo ngực gợi cảm làm từ 3.000 chiếc núm vú bò - "hàng thải" từ các xưởng thuộc da.
Tác phẩm man rợ này nhanh chóng làm dấy lên làn sóng bất bình và phẫn nộ trong giới nghị sĩ và các tổ chức bảo vệ động vật hoang dã. Tuy nhiên, Freire biện minh điều cô đang làm là tái chế sản phẩm, thiết kế trang phục bằng "hàng thải". "Nếu không dùng thì chúng cũng chỉ thành đống phế thải công nghiệp mà thôi", cô nói.
Cú ngã gây xôn xao lịch sử làng mốt thuộc về Lindsey Wixson. Siêu mẫu đã ngã ba lần liên tục trong buổi diễn thời trang "Fashion for Relief" do siêu mẫu Naomi Campbell tổ chức.
Trước đó không lâu, cô cũng từng "đo sàn" sau cú trật chân khi đang trình diễn cho Versace tại Tuần Thời trang Xuân Hè 2012.
Ở Tuần Thời trang Berlin 2012, nhà mốt trẻ Kaviar Gauche đã khiến nhiều khán giả nữ đỏ mặt về độ hở hang của những bộ áo cưới. Trong khi vẫn giữ nguyên sắc trắng tinh khôi truyền thống và trùm khăn voan kín từ đầu đến chân, hình dáng thật sự của chiếc váy chẳng khác nào một bộ bikini đi biển.
Trong show diễn của Prada năm 2008, nam diễn viên người Anh Sacha Baron Cohen đã trình diễn một thiết kế lùng nhùng khó hiểu. Sản phẩm này mô phỏng nhân vật Bruno - một phóng viên thời trang bị đuổi việc và tẩy chay khắp nước Áo sau khi quậy phá trong Tuần Thời trang Milan.
Khán giả lẫn giới chuyên môn đều không hiểu ý đồ của hãng mốt cũng như tính liên quan, cần thiết cùng vẻ thẩm mỹ của thiết kế.
Sự xuất hiện của dàn siêu mẫu nổi tiếng của nước Anh, bao gồm cả Naomi Campbell và Kate Moss catwalk trong lễ bế mạc Olympics London 2012 đem đến cảm giác mới lạ cho màn chào tạm biệt của nước chủ nhà.
Tuy vậy, nhiều người lên tiếng cho rằng đấu trường thể thao quốc tế không phải nơi phù hợp để trình diễn thời trang và những gương mặt này cũng không thể là đại diện của nước Anh.
Video được xem nhiều nhất