Những điểm cộng và trừ trong đêm nhạc “tái sinh” 4 Diva Việt

2 sao - 15/01/2016, 09:29

Gọi đây là đêm nhạc “khai sinh” vì lần đầu tiên cả 4 nữ ca sĩ cùng làm chung một show diễn riêng với tên gọi đầy kiêu hãnh – Divas’ Night. Họ đã tự định danh và công khai danh xưng của mình.

2016 có vẻ sẽ là một năm đầy nhộn nhịp của nhạc Việt khi được 4 diva “xông đất” bằng một đêm nhạc đầy giá trị nghệ thuật và thưởng thức – Divas’ Night “Ngày xanh”. 
 
Đây là một trong những đêm nhạc thành công nhất của cả 4 diva, với nhiều điểm cộng đáng nhớ.
 
Đầu tư về concept
 
Một trong những nhược điểm của các vocalist Việt Nam nói chung và 4 diva nói riêng là thường tập trung quá nhiều vào ca hát đơn thuần mà quên đi sự kết nối về nội dung, dàn dựng.
 
Chính vì vậy, hầu như các đêm nhạc chung và riêng trước của 4 diva đều đi theo hướng mạnh ai nấy hát, ít có sự kết nối với nhau để truyền tải một nội dung cụ thể, bao quát nhất định nào đó.
 
Nhưng ở đêm nhạc lần này, 4 diva đã biết tổ chức, sắp xếp các màn trình diễn, các ca khúc có sự kết nối với nhau theo một chủ đề chung.
 
Họ đã nhìn ra được điểm chung của mình là cùng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nên mang đậm trong tâm hồn văn hóa, cốt cách, tiếng nói của người Hà Nội. Đây cũng là nhân tố làm nên thành công trong sự nghiệp của cả 4 người. Cộng thêm thời gian đêm nhạc diễn ra vào dịp cuối năm, sắp sang xuân. Vì vậy, họ đã xây dựng được chủ đề show diễn hướng về mùa xuân Hà Nội, để chọn bài và sắp xếp các màn trình diễn một cách phù hợp nhất.
 

4 diva mở màn đêm diễn bằng một ca khúc mang đậm khí xuân đất Bắc “Một nét ca trù ngày xuân”. Thật tinh tế khi họ ngầm tôn vinh ca trù, cũng là di sản nghệ thuật của miền Bắc, gắn với văn hóa Hà thành khi xưa.
 
Tiếp theo, 4 diva cùng hát chung liên khúc Hà Nội, với những ca khúc về Hà Nội, gắn liền với tên tuổi của họ là Nhớ về Hà Nội (bài tủ của Hồng Nhung), Em ơi Hà Nội phố (bài tủ của Thanh Lam), Ngẫu hứng phố (bài tủ của Hà Trần) và Hà Nội đêm trở gió (bài tủ của Mỹ Linh).
 
Nhìn lại sự nghiệp của cả 4 diva, đều là những ca sĩ gốc Bắc, hát nhạc nhẹ miền Bắc nhưng thành công vang dội cả trong Nam, khiến khán giả miền Nam khi ấy đang chìm đắm trong nhạc hải ngoại bỗng xóa tan sự phân biệt vùng miền để quay về say mê với âm nhạc trong nước, có thể thấy liên khúc này như ngầm khẳng định chắc chắn sự nghiệp cũng như cống hiến của họ với nhạc Việt.
 
Chú ý về bố cục
 
Việc sắp xếp thứ tự cũng được chú ý. Theo đó, Hồng Nhung hát đầu tiên trong liên khúc vì cô là nữ ca sĩ hát về Hà Nội hay nhất. 
 
Hồng Nhung cất tiếng hát tròn vành, rõ chữ, thổi bùng vào không gian cái không khí man mác cổ kính của Hà Nội xưa, để dẫn những thiếu nữ Hà thành là Lam, Hà, Linh thướt tha trong tà áo dài bước ra chào khán giả, chào xuân an lành.
 

Tới các màn đơn ca, em út Hà Trần được ưu ái hát đầu tiên với ba ca khúc của ba nhạc sĩ gắn bó với sự nghiệp của cô là Quốc Bảo, Trần Tiến, Đỗ Bảo.
 
Tiếp sau Hà Trần, một lần nữa, Hồng Nhung kéo trùng không khí đêm nhạc về một sự trầm lắng, hoài cổ thường thấy với dòng nhạc làm nên tên tuổi của cô – nhạc Trịnh. 
 
Hồng Nhung từng bị chê bai khi làm mới lại ca khúc Ngẫu hứng sông Hồng, nên việc trình diễn nó trong đêm nhạc như một sự khẳng định chắc chắn về công sức đầu tư, tư duy âm nhạc, sáng tạo không ngừng nghỉ của cô, bất chấp sự bảo thủ, hạn hẹp của nhiều khán giả.
 

Sau khi khán giả đã thỏa trong suy tư, trải nghiệm, hoài cổ với nhạc Trần Tiến, Đỗ Bảo của Hà Trần, với nhạc Trịnh của Hồng Nhung, Mỹ Linh trở lại ngay sau đó cùng tiếng hát tươi trẻ, trong sáng, đầy sức sống trong nhạc Anh Quân, Huy Tuấn, đem đến một không khí đầy vui tươi, sôi động. Đây cũng là hai nhạc sĩ quan trọng nhất, góp phần không nhỏ tạo nên sự nghiệp của cô.
 
Khán giả như được trẻ lại, quay về những năm cuối thập niên 90, khi Mỹ Linh thổi một sức sống mới đầy tươi trẻ vào nhạc Việt, với lối hát pop pha trộn R&B sôi động, cùng một giọng hát đẹp mê hồn.
 

Chị cả Thanh Lam khép lại màn đơn ca với tiếng hát đầy ma mị, rực lửa, thiết tha trong nhạc Lê Minh Sơn, Phó Đức Phương, Thuận Yến, cũng là ba nhạc sĩ gắn với thăng hoa sự nghiệp của cô. Thanh Lam là chỗ dựa vững chắc nhất trong sự tồn tại của từ “diva Việt”, nên việc cô hát cuối cũng là điều dễ hiểu.
 
Có đơn ca tất nhiên không thể không có song ca.
 
Cặp song ca đầu tiên là Hồng Nhung (giọng Kim) và Hà Trần (giọng Thủy). Theo luật ngũ hành, kim sinh thủy, nên chất giọng kim vang sảng, trong trẻo của Hồng Nhung như bù trù và bồi đắp cho chất giọng thủy lành lạnh, thướt tha của Hà Trần.
 
Không thể thiếu Thanh Lam – Hà Trần, cặp song ca bài trùng, ăn ý với nhau nhất. Những màn kết hợp giữa họ là sự dung hòa giữa giọng thủy (Hà Trần) và giọng hỏa (Thanh Lam). 
 
Vì thủy khắc hỏa nên Hà Trần có thể dùng chất lạnh, cao, nhẹ của mình để tiết chế và cân bằng sự dữ dội, mạnh mẽ, bùng cháy của Thanh Lam. 
 
Nói một cách nôm na, nếu lửa của Thanh Lam “cháy” quá đà thì Hà Trần sẽ lấy nước “dội” cho nó nguội bớt. Ngược lại, Thanh Lam có thể dùng chất rực lửa dương tính của mình để sưởi ấm cho màu lạnh âm tính của Hà Trần, giúp khán giả cảm thấy ấm tai hơn. 
 

Cuối cùng, cả 4 diva lại hòa ca với nhau hai ca khúc "Bay vào ngày xanh" và "Bài hát ru cho anh" để khép lại chương trình một cách viên mãn theo đúng chủ đề.
 
Có thể thấy, bố cục chương trình được sắp xếp rất hợp lí, cân đối, đầy đặn. Trong đó, số 3 (số được ưa dùng trong luận văn khoa học) được lấy làm cột mốc với 3 phần diễn (mở màn, thân màn, kết màn) và 3 bài đơn ca cho mỗi ca sĩ.
 
Tuy nhiên, chương trình vẫn chưa thoát ra được một số điểm trừ.
 
Những điểm trừ quen thuộc
 
Có thể thấy, trong tất cả các màn trình diễn, chỉ duy nhất Hồng Nhung là biết chú trọng về hình ảnh, vào đầu tư dàn dựng biểu diễn. Ba người còn lại vẫn đi theo mô típ xưa cũ, cầm mic đứng hát và khoe giọng hát. 
 
Phần dàn dựng sân khấu, bối cảnh vẫn rất đơn điệu, dựng cho có, chứ chưa hề phối hợp ánh sáng, phông nền, ý tưởng. Điều này có thể được cảm thông bởi chính ca sỹ Trần Thu Hà đã được ban tổ chức gửi gắm thông điệp xin lỗi tới quý quan khách tại sự kiện, đó là ban đầu, các nghệ sỹ đã được luyện tập để dành cho một sân khấu quy mô và hoành tráng hơn, và đương nhiên, sân khấu cũng được dàn dựng rất công phu, tuy nhiên, vì lý do bất khả kháng mà đêm diễn không được tổ chức tại địa điểm ban đầu như dự định và để đêm diễn đươc diễn ra đúng thời điểm, ban tổ chức và toàn bộ nghệ sỹ đã phải nỗ lực rất lớn.
 
Các màn trình diễn vẫn còn an toàn, không có đột phá, dấu ấn lớn. Ngoài chi tiết Hồng Nhung tự xõa tóc trong Ngẫu hứng sông Hồng là mới, còn lại đều cũ và khiến khán giả dễ đoán bắt. Các ca sĩ chọn lối diễn xưa nay vẫn thế, không đổi mới.
 
Đêm diễn vẫn mang đậm màu sắc tổng kết, như một đêm hội tụ để ôn lại quá khứ của các diva, với việc trình diễn toàn bộ ca khúc cũ, gắn với sự nghiệp của họ, không hề có một ca khúc mới nào. Trong khi đó, sự nghiệp của họ vẫn tiếp diễn dài ở phía trước.
 
Dù là những diva hàng đầu, nhưng họ vẫn không tránh khỏi các sự cố hát sai lời, trật nhịp, lạc tone, phô giọng.
 
Nếu các diva có ý định làm chung thêm nhiều show diễn nữa, thiết nghĩ nên phối hợp với các dự án âm nhạc mới của từng người, thay vì hát lại những ca khúc cũ nhiều lần, dễ đem đến sự nhàm chán cho khán giả. Và, dù tập trung vào giọng hát, các diva cũng nên đầu tư hơn về hình ảnh, dàn dựng sân khấu, vào những yếu tố gây bất ngờ cho khán giả. 
 
Vẫn là dấu ấn đáng nhớ
 
Nếu trước đây, các nữ ca sĩ còn e dè khi nói từ danh xưng diva với mình, thì bây giờ, họ đã dám phối hợp cùng nhau làm hẳn một chương trình mang tên Divas Night. Điều này cho thấy bản lĩnh lớn của họ.
 
Việc làm chung một đêm nhạc cho các diva không phải quá mới. Từ năm 1998, ở Mỹ đã có chương trình Divas Night dành cho những nữ danh ca hàng đầu. Việc đem Divas Night về Việt Nam lần này như một sự học hỏi của các ca sĩ Việt.
 
Dù còn tranh cãi, nhưng không thể phủ nhận, âm nhạc của các diva đã là một thương hiệu, luôn có sức hút mạnh mẽ, nên việc tổ chức những đêm nhạc như vậy rất có ý nghĩa với khán giả, góp phần tôn vinh những giá trị của nhạc nhẹ Việt Nam.
 
Đức Long
Theo Vietnamnet

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất