Những ca khúc Việt được quốc tế yêu thích

Zing - 20/08/2015, 13:35

Nhạc sĩ trẻ Nguyễn Văn Chung, “gã du ca” Trần Tiến hay các nhạc sĩ gạo cội khác như Trịnh Công Sơn, Nguyễn Ánh 9 đã có những ca khúc được khán giả nước ngoài yêu thích.

Nhật ký của Mẹ - Nguyễn Văn Chung

Nhật ký của Mẹ là một trong những bản hit được yêu thích nhất của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng như ca sĩ Hiền Thục. Giai điệu ballad ngọt ngào cùng ca từ đẹp, giàu cảm xúc của bài hát khiến cho hàng triệu khán giả Việt Nam phải thổn thức.

Năm 2013, ca khúc này được nhận giấy khen của Cục Nghệ thuật biểu diễn về tính nhân văn và ý nghĩa giáo dục. Nhật kí của Mẹ từng được vinh danh là Bài hát yêu thích trong liveshow tháng 7/2013, đoạt giải MV có nội dung xuất sắc trong Zing Music Awards...

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đã tạo nên hit khủng cùng Hiền Thục.

Không chỉ nổi tiếng trong nước, bài hit của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung còn được khán giả nước ngoài yêu thích. Mới đây, ca khúc bất ngờ lọt vào tuyển tập Những bản nhạc khiêu vũ hay nhất do Trung tâm sản xuất âm nhạc Casa Musica của Đức phát hành ngày 10/8/2015 thông qua kênh phân phối Mailoider và các cửa hàng trên toàn thế giới.

Năm 2014, ca khúc cũng được nhạc sĩ Yoshimoto Kayo dịch sang lời Nhật và do ca sĩ gốc Việt Hải Triều thể hiện. Phiên bản này tạo được một làn sóng yêu thích lan tỏa tại đất nước mặt trời mọc.

Vầng trăng khóc - Nguyễn Văn Chung

Trước hiện tượng Nhật ký của mẹ, Nguyễn Văn Chung cũng từng khiến khán giả khu vực nghiêng ngả với bản hit Vầng trăng khóc. Đây từng là một bài hit của Vpop, đưa tên tuổi của cặp đôi Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc lên một tầm cao mới.

"Vầng trăng khóc" đưa tên tuổi của cặp đôi Nhật Tinh Anh và Khánh Ngọc lên một tầm cao mới.

Từ một bản hit của Vpop, xuất hiện những "phiên bản nhái" của ca khúc thể hiện bởi các ca sĩ Lào, Campuchia, Thái Lan (2005) và thậm chí cả Trung Quốc (2009). Ca khúc Vầng trăng khóc sau đó đã được Hiệp hội Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Singapore (COMPASS) xác nhận bản quyền.

Ra ngõ tụng kinh – Trần Tiến

Cách đây 4 năm, khán giả Việt Nam "bất ngờ" khi nhiều website, diễn đàn nhạc quốc tế chia sẻ về sự giống nhau giữa hai ca khúc Ra ngõ tụng kinh (Trần Tiến, Hà Trần) và Princess of China (Coldplay, Rihanna). Ở thời điểm đó, dư luận trong nước còn dấy lên nghi án nhóm nhạc nổi tiếng Coldplay "đạo nhạc" của nhạc sĩ Trần Tiến?!

Ca sĩ Trần Thu Hà.

Ca khúc của Trần Thu Hà ra đời từ năm 2008 và từng làm mưa làm gió trên các sân khấu ca nhạc bỗng "nóng" trở lại vì nghi án đạo nhạc này. Không chỉ vậy, sự việc còn giúp ca khúc Ra ngõ tụng kinh nổi tiếng hơn trên thế giới.

Sau những lùm xùm, câu chuyện nghi án này đi đến hồi kết với kết luận không có dấu hiệu đạo nhạc. Tuy nhiên, sự "ầm ĩ" trên các diễn đàn cho thấy sức hút nhất định của âm nhạc Hà Trần nói riêng và Vpop nói chung. Trên một website chuyên về âm nhạc ATRL, người dùng có tên Linnen Armani thậm chí còn so sánh Hà Trần là Bjork của Việt Nam.

Diễm xưa – Trịnh Công Sơn

Diễm xưa của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đời từ năm 1960 và chính thức xuất hiện trong đĩa Sơn ca 7. Bài hát được ca sĩ Khánh Ly thể hiện hết sức thành công và là một trong những bản nhạc Trịnh nổi tiếng nhất. Khánh Ly từng mang ca khúc này trình diễn tại hội chợ Osaka (1970) và bài hát được dịch ra tiếng Nhật với tựa đề Utsukushii Mukashi.

 

Ngay sau đó, ca khúc trở nên rất nổi tiếng ở Nhật Bản qua giọng ca của nghệ sĩ Yoshim Tendo và đoạt đĩa Vàng tại Nhật, 2 lần lọt vào BXH 10 ca khúc được yêu thích nhất Nhật Bản. Đại học Kansai Gakuin từng có một cuốn sách viết về tác phẩm này kèm theo DVD để tiện cho việc nghiên cứu của sinh viên. Bên cạnh đó, Đài truyền hình NHK đã chọn Diễm xưa làm nhạc chính cho một bộ phim sản xuất và phát hành ở Nhật Bản.

Ngoài ra, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng có nhiều ca khúc được dịch sang tiếng Anh để giới thiệu với quốc tế như Đêm thấy ta là thác đổ (At night I feel like a waterfall), Hạ trắng (White Summer), Biển nhớ (A Sea's Yearning)...

Không – Nguyễn Ánh 9

Ca khúc Không của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 không chỉ quen thuộc với khán giả trong nước mà còn tạo dấu ấn tại các thị trường Trung Quốc đại lục, Đài Loan, Hong Kong, Nhật Bản... 

 

Ca khúc lần đầu tiên được thể hiện bởi ca sĩ Khánh Ly và nằm trong đĩa nhạc Tình ca quê hương của bà. Nhưng nữ danh ca nổi tiếng Đài Loan là Đặng Lệ Quân cũng từng thể hiện ca khúc bằng phiên bản tiếng Trung với tên gọi Ni. Vị trí của ca khúc này vô cùng lớn trong sự nghiệp của Đặng Lệ Quân nên đã được tuyển chọn vào album tưởng nhớ sau khi cô qua đời.

Bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 còn được dịch sang tiếng Quan thoại với hai phiên bản khác nhau của Dương Tiểu Bình và Ưu Hùng. Sau này ca khúc còn có thêm phiên bản tiếng Nhật Bản. Ca khúc Không đã xuất hiện trên nhiều sân khấu ca nhạc ở châu Á.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất