Nhóm nhạc nam thế hệ mới đang thất thế
Theo Allkpop, việc chuyển hướng phát triển sang quốc tế cũng như khó khăn gặp phải khi hoạt động tại quê nhà đã khiến các nhóm nhạc nam thế hệ 4 đang dần thất thế ở Kpop.
Trang Allkpop nhận định sự tiến bộ trong công nghệ truyền thông và âm nhạc đã dẫn đến sự hình thành nhanh chóng của thế hệ thứ 4 – những thần tượng tạo dựng được vị thế trên thị trường toàn cầu ngay sau khi ra mắt. Không chỉ lọt vào các BXH quốc tế, họ còn được chứng nhận là nghệ sĩ triệu bản chỉ trong thời gian ngắn.
Song song cùng việc mở rộng quy mô toàn cầu, nền công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc cũng chứng kiến nhiều thay đổi đáng kể trong hoạt động cũng như định hướng phát triển các thần tượng.
Xét về mức độ nhận diện tên tuổi, nhóm nhạc nam thế hệ mới đang dần đánh mất vị thế vào tay các nhóm nữ. Hàng loạt nghệ sĩ nữ mới ra mắt đã nhanh chóng phủ sóng tên tuổi nhờ các bản hit như Next Level của aespa, IVE với Love Dive hay FEARLESS của Le Ssserafim. Trong khi đó, nhóm nhạc nam lại ghi nhận mức độ nhận diện công chúng ở mức tương đối thấp.
Bắt đầu từ năm 2010, ngành công nghiệp âm nhạc Hàn Quốc đánh dấu bước khởi đầu giai đoạn mới mang tên thế hệ thứ 4
Sức ảnh hưởng từ các nhóm nam thế hệ trước
Trang Korea Times chỉ ra trong giai đoạn hình thành và phát triển của Kpop, hầu hết nhóm nhạc nam đều nắm giữ vị thế hàng đầu, lấn át các idol nữ cả về số lượng lẫn mức độ ảnh hưởng.
Nhắc đến những huyền thoại Kpop, không thể không nhắc đến H.O.T, Shinhwa, DBSK, Super Junior, Big Bang, SHINee, BTS hay EXO… Trong khi đó, số lượng nhóm nữ có khả năng phủ sóng rộng rãi như S.E.S, SNSD, Wonder Girls hay BlackPink lại khá ít ỏi.
Hơn nữa, một số nhóm nữ tiêu biểu, từng là những tên tuổi đình đám ở Kpop đều đã ngừng hoạt động hoặc lấn sân sang lĩnh vực khác. Huyền thoại duy nhất vẫn còn duy trì hoạt động nhóm là SNSD. Tuy nhiên, họ chủ yếu phát triển theo hướng riêng, không thường xuyên phát hành sản phẩm, cũng hiếm khi tham gia các sự kiện âm nhạc cùng nhau. Bởi vậy, đây cũng được coi là thời điểm hợp lý cho các nhóm nữ thế hệ mới nhận được sự chú ý của công chúng khi ra mắt.
Các nhóm nữ thế hệ 4 ra mắt nhanh chóng có được sự chú ý của công chúng.
Trong giai đoạn thị trường Kpop đang thiếu vắng những nhóm nhạc nữ, màn ra mắt của aespa nhanh chóng thu hút sự quan tâm. Gặp không ít tranh cãi vào thời điểm mới debut, chỉ sau một năm hoạt động, nhóm liên tục oanh tạc trên các BXH Hàn Quốc với loạt bản hit như Next Level, Savage, Dreams Come True...
Trong đó, ca khúc Savage còn mang về Perfect All-kill đầu tiên trong sự nghiệp của các cô gái nhà SM, giúp nhóm trở thành đại diện Gen 4 duy nhất đạt được thành tích này ở hiện tại.
Trang Naver cho biết những năm gần đây, Kpop bắt đầu có những thay đổi đáng kể. Và thế hệ 4 mở ra với sự bứt phá mạnh mẽ của các nhóm nhạc nữ. Trong khi ITZY, aespa, IVE hay Le Sserafim vừa ra mắt đã có hit, các boy group debut cùng thời điểm lại chưa có sản phẩm nào thật sự ấn tượng với khán giả. TXT hay Treasure đều có được danh tiếng từ các công ty lớn nhưng âm nhạc của họ chưa có sức ảnh hưởng ở Hàn Quốc.
Điều này một phần do số lượng các nhóm tiền bối vẫn duy trì hoạt động âm nhạc ở hiện tại. Họ đều là những nghệ sĩ có sẵn danh tiếng và vị thế vững chắc ở quê nhà trong nhiều năm. Hàng loạt cái tên như 2PM, TVXQ, Suju, DBSK, BTS hay EXO vẫn phát hành sản phẩm và tổ chức concert đều đặn mỗi năm. Bởi vậy, nếu không thật sự là những nhân tố đặc biệt hoặc tài năng xuất chúng, các nhóm nhạc nam mới rất khó để thay thế được vị trí của các đàn anh trong lòng người hâm mộ xứ Hàn.
Trường hợp của Stray Kids là một trong những minh chứng rõ nét về sự ảnh hưởng của các nhóm nhạc thế hệ trước ở Kpop.
Theo truyền thông, cuối tháng 3, nhóm nhạc nhà JYP đã phát hành album mở rộng thứ 6 mang tên Oddinary và ghi nhận con số 110.000 đơn vị album bán được ngay trong tuần đầu tiên ở Mỹ. Thành tích này giúp Stray Kids trở thành boy group Hàn đầu tiên xếp hạng 1 trên Billboard 200 kể từ lần cuối cùng BTS đạt được vào khoảng hai năm trước.
Sức ảnh hưởng quá lớn của các đàn anh đi trước khiến dàn idol nam thế hệ mới khó khăn trong việc xây dựng danh tiếng ở quê nhà.
Tuy nhiên, thời điểm nhóm ra mắt sản phẩm lại vào đúng dịp Big Bang tái xuất. Theo đó, thành tích của Stray Kids gần như bị lu mờ trước loạt kỷ lục của Big Bang.
Đĩa đơn Still Life đánh dấu sự trở lại của nhóm nhạc nhà YG sau 4 năm vắng bóng nhanh chóng bứt phá trên các BXH âm nhạc. Tại thị trường trong nước, Still Life trở thành ca khúc đứng No.1 lâu nhất trên MelON của nghệ sĩ YG, vượt qua How You Like That của BlackPink.
Dù phát hành vào lúc nửa đêm, Still Life vẫn là bài hát của nhóm nhạc thần tượng có lượt nghe cao nhất trong một giờ đầu tiên. Ca khúc cũng đưa Big Bang vào top 10 Melon 24 Hits nhanh nhất chỉ sau 3 tiếng công bố, trở thành sản phẩm đạt Realtime All-kill nhanh nhất năm 2022 chỉ sau một giờ.
Ở thị trường quốc tế, màn comeback của nhóm đạt ngôi vương trên BXH iTunes tại 33 quốc gia, đồng thời đạt No.1 trên BXH âm nhạc toàn cầu.
Tập trung phát triển thị trường quốc tế
Trang Allkpop cho rằng các nhóm nhạc nam đang dần thất thế ở Kpop bởi họ thiếu một yếu tố quan trọng là âm nhạc, cụ thể là bài hit. Điều này không phải do chất lượng sản phẩm thấp mà so với thế hệ trước, âm nhạc của họ bị ảnh hưởng phần lớn từ nước ngoài. Thực tế, hầu hết công ty giải trí đều chọn cách hợp tác với đội ngũ sản xuất quốc tế với mục đích tạo ra những sản phẩm hợp thị hiếu khán giả toàn cầu.
Trong khi đó, mục tiêu chính của các nhóm nữ là hướng đến công chúng. Bởi vậy, họ ưu tiên thị trường trong nước và đặt việc đảm bảo mức độ phổ biến cho nhóm lên hàng đầu. Đây cũng là hướng đi giúp SNSD duy trì được sự nổi tiếng trong suốt 15 năm qua.
Các nhóm nam thế hệ 4 nổi tiếng ở quốc tế nhưng chưa được công nhận ở quê nhà.
Mặt khác, các nhóm nhạc nam đang nhắm mục tiêu vào việc xây dựng fandom hơn đảm bảo sự nổi tiếng từ công chúng. Bởi một fandom mạnh kéo theo lợi nhuận lớn. Vì vậy, các công ty đặt mục tiêu mở rộng fandom cho nghệ sĩ ra toàn cầu với mong muốn vừa phát triển phạm vi hoạt động vừa gia tăng nguồn lợi nhuận kiếm được từ việc bán album, vé concert...
Mặc dù doanh số bán album và lợi nhuận thu được ở mức cao, tỷ lệ lọt vào các BXH âm nhạc Hàn Quốc của các nhóm nam Gen 4 lại thấp hơn hẳn so với nữ. Thậm chí, họ có thể bán được hàng triệu bản album nhưng công chúng vẫn không biết họ là ai.
Kpop là nền công nghiệp âm nhạc, bởi vậy hiệu quả và lợi nhuận là những yếu tố được coi trọng hàng đầu. Một nhóm nhạc Kpop có thể coi là thương hiệu thu nhỏ. Một thương hiệu được nhiều người biết đến và yêu mến sẽ tạo ra nhiều lợi nhuận. Bởi vậy, khi Kpop mở rộng sự hiện diện ra toàn cầu, việc nhắm đến thị trường quốc tế cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng, chạy đua theo sự phát triển của thế giới liệu có phải là định hướng hợp lý nhất? Dù rằng hiệu quả và lợi nhuận đều quan trọng nhưng yếu tố tạo nên thương hiệu trên thị trường lại là nghệ sĩ và âm nhạc của họ.
Theo Theinfluencer, chứng kiến cách Big Bang xây dựng thương hiệu trong 16 năm qua, có thể thấy họ không chỉ đơn thuần làm theo những quy chuẩn thông thường. Hình tượng và âm nhạc với Big Bang chính là sự thể hiện của cái tôi nghệ sĩ. Những bản hit đình đám nhất của nhóm đều do chính các thành viên sáng tác.
Âm nhạc mang màu sắc của Big Bang đã chinh phục khán giả.
Bởi vậy hình ảnh, giai điệu, ca từ mà nhóm truyền tải luôn đong đầy cảm xúc và chạm đến trái tim của người yêu nhạc. Và chính sự đồng điệu đã tạo nên sức lan tỏa để Big Bang không bao giờ phải chạy theo xu hướng của bất cứ ai hay ở bất cứ đâu. Bởi chính họ là những người tạo nên xu hướng.
Sau Big Bang, BTS cũng là nhóm nhạc chinh phục được người hâm mộ cả trong nước lẫn quốc tế nhờ chính âm nhạc mang màu sắc đặc trưng của họ.
Theo Zing
theo nguồn https://2sao.vn/nhac-c-aap/
Video được xem nhiều nhất