Nhiếp ảnh gia chụp street style thế giới "chất" nhất Việt Nam đây rồi!
Huy Phạm là một trong những nhiếp ảnh gia Việt Nam tiên phong trong lĩnh vực chụp street style. Từ cái tiên phong này đã mang đến cho anh nhiều "trái ngọt" nhưng cũng kèm vô vàn trải nghiệm khổ sở mà chẳng mấy khi có dịp nói.
- Street style đẹp "mãn nhãn" của dàn mẫu Fashion week fall 2016
- Ngắm street style đẹp mắt của Sao Việt nửa đầu tháng 2
- Street style cuối đợt nghỉ tết: miền Bắc bụi bặm, miền Nam điệu đà
- Street style những ngày cận Tết "càng ngắm càng mê" của các quý cô Châu Á
- Street style cận Tết của giới trẻ hai miền ngày càng đẹp & chất
Thợ săn thời trang đường phố - Huy Phạm là một người như thế. Anh đã sinh sống và làm việc tại Paris từ lâu. Và như bao tay máy luôn xem Tuần lễ thời trang Paris là chốn thiên đường, một tín đồ ăn mặc độc đáo dù có "tàng hình" ở ngóc ngách nào đi chăng nữa, Huy Phạm cũng có thể tìm ra và giơ máy ảnh lên ghi lại khoảnh khắc đẹp. Hiện tại, Huy Phạm cộng tác với nhiều tờ báo thời trang lớn ở nước ngoài lẫn Việt Nam. Anh cũng đang trực thuộc Monica Mendes Agency – với vai trò là nhiếp ảnh gia đường phố.
Một số ảnh street style "chất không còn gì để nói" của Huy Phạm.
Yohji Yamamoto
Ming Xi
Để rõ hơn về cuộc sống và công việc của một thợ săn thời trang đường phố, hãy cùng trò chuyện với nhiếp ảnh gia Huy Phạm!
Full name: Phạm Anh Huy
DoB: 21/5/1985
Tốt nghiệp chuyên ngành Communication Visual ở trường IESA tại Paris.
Hiện đang là nhiếp ảnh gia chuyên chụp street style tại Tuần lễ thời trang và các bộ ảnh cưới.
Sở thích: chụp ảnh, thưởng lãm hội họa, các bộ phim của Vương Gia Vệ và nghe nhạc Jazz...
Chân dung của nhiếp ảnh gia Huy Phạm (bên trái). Trong ảnh, anh cùng Giám đốc sáng tạo Dũng Yoko tham dự show diễn của Chanel.
Tuy đã trở thành nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nhưng anh thú thực rằng mình lại chẳng có nhiều hình ảnh về bản thân.
Vốn xuất thân là dân thiết kế đồ họa, điều gì đã dẫn anh đến với công việc chụp hình street style?
Chụp hình đã là một sở thích từ khá lâu của tôi khi còn ở Việt Nam. Sau khi đến với thành phố Paris, những lúc có thời gian thì tôi thường hay đi chụp ảnh xung quanh nội thành. Vào tháng Ba năm 2013, qua lời giới thiệu, một người bạn đã nhờ tôi hướng dẫn giúp đỡ một chị bạn đi lại ở thành phố Paris. Không ngờ chị ấy lại là một biên tập viên hình ảnh ở tạp chí ELLE Vietnam.
Từ lúc đó, tôi bắt đầu khám phá về Tuần lễ thời trang Paris, cảm thấy vô cùng hứng thú về việc chụp hình các street style ngoài trời. Sau đó tôi có ngồi lại bàn bạc, đề nghị chị cho chụp thử Tuần lễ thời trang Xuân/Hè 2015 dòng Ready-to-wear vào cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2014.
Mọi sự bắt đầu từ một cơ duyên như thế!
Nhiếp ảnh gia thời trang Garance Doré từng nói: "Những tấm ảnh mà chúng ta gọi là street-style, thật sự đâu phải thời trang đường phố, gọi là fashion-week style thì đúng hơn". Anh nghĩ sao?
Điều này đúng. Nhưng có một nghịch lý là 80% ảnh street style trên tạp chí là lấy từ các Tuần lễ thời trang chứ không có nhiều ảnh kiểu như lookbook.nu.
Về bản thân mình, tôi quả thực là dạng nhiếp ảnh gia đi tìm những khoảnh khắc đẹp từ các Tuần lễ thời trang. Tôi cũng có đi chụp street style thông thường nhưng sẽ ít gặp hơn vì không phải lúc nào cũng gặp được, mà gặp được chưa chắc họ cho phép mình chụp.
Ngoài ra thì tôi sẽ chụp cho 2 bạn blogger Vietnam mà tôi có hoạt động làm cùng, mang tên thythuandmiu hay gương mặt quen thuộc như Nga H. Nguyễn.
Fashionista Nga H. Nguyễn
Có người nhận định rằng street style bây giờ đã mất đi sự tự nhiên - cũng là tôn chỉ đầu tiên. Theo anh có đúng không?
Tôi nghĩ là cái đó là một phần phải có và bắt buộc. Vì đó là làm về truyền thông. Các nhân vật đi tham gia Tuần lễ thời trang là biết chắc chắn sẽ được chụp nếu bản thân họ muốn phô trương phong cách.
Dĩ nhiên giới blogger bên này sẽ xuất hiện theo lối cực kỳ chuyên nghiệp. Còn kiểu cách tự nhiên của người bình thường ngoài đường thì cũng có nhưng sẽ rất khó lọt vào ống kính hoặc hiếm khi.
Còn lại thì việc chụp ảnh cho tự nhiên thì tôi nghĩ không có vấn đề gì vì bản thân những người biết mình được chụp cũng rất tự tin và coi như không có gì cả, vì chuyện này đã quá quen.
Nghĩa là ống kính của nhiếp ảnh gia street style chỉ phục vụ một số người quen mặt như các ngôi sao, blogger thời trang, người mẫu... chung quy là những nhân vật có thanh thế?
Điều này là 50-50, còn tùy thuộc nhiếp ảnh gia đó làm cho ai, cho cá nhân hay thuộc đơn đặt hàng hay agency nào đó. Nhưng quy luật chung là những người nổi tiếng sẽ được chụp trước, người bình thường còn lại họ chụp sau. Vì có những người mà bạn chỉ có một lần cơ hội lúc đó để chụp.
Ngay các nhiếp ảnh gia nổi tiếng như Tommy Ton hay Adam cũng sẽ ưu tiên đăng tải hình ảnh những người nổi tiếng trong giới thời trang trước để tạo nên hiệu ứng truyền thông cho Tuần lễ thời trang.
Hình ảnh của Anna Dello Russo - BTV Vogue Nhật...
... và ""nữ hoàng thời trang" Anna Wintour qua ống kính của Huy Phạm.
Có người thiên về chụp chi tiết, có người lại giỏi khoản tìm khoảnh khắc của biểu cảm gương mặt. Anh tự tin ở mình nhất khoản nào?
Tôi nghĩ mình vẫn đang trong giai đoạn tạo ra nét riêng nên quả thực không dám khẳng định cái nào bản thân giỏi nhất. Nhưng cụ thể hơn thì tôi nghĩ nghĩ mình sẽ nghiêng về các khoảnh khắc có tính chuyển động hoặc điều gì đó vui tươi trên khuôn mặt, hoặc sẽ nghiêng một chút về tính phóng sự hơn.
Anh từng gặp sự cố nào khi tác nghiệp tại Tuần lễ thời trang chưa?
Cái đó thì có nhưng thật ra không để tâm lắm. Thi thoảng to tiếng với nhau vì chen chúc hay đụng chạm vô ý là bình thường thôi, rồi lát sau lại bắt tay xin lỗi và làm lành (cười).
Thật ra thì các nhiếp ảnh gia street style đi cỡ 4 mùa trở lên là biết mặt nhau hết rồi. Nếu không hợp thì họ sẽ ít đứng gần nhau, mỗi người có 1 kiểu chụp và tìm vị trí riêng trước đó để "canh me" nếu cần.
Anh có thể chia sẻ về vài tấm ảnh street style mà anh ưng ý nhất hay kỷ niệm chụp street style đáng nhớ nhất?
Kỳ niệm thì có nhiều lắm. Nhưng thú vị nhất có lẽ là tấm ảnh bên dưới, vì đơn giản, đây là khoảnh khắc mà không ai "chộp" được ngoài tôi. (cười)
Một hình ảnh thú vị khác nữa là người mẫu Hanne Gaby Odiele bị vây quanh bởi các nhiếp ảnh gia street style. Từ ảnh này tôi phát hiện ra mình rất hứng thú với những khoảnh khắc mang tính thời sự.
Cuối cùng, và cũng là đáng nhớ nhất là hình ảnh Chiara Ferragni. Đây là nhân-vật-đầu-tiên của ngày-đầu-tiên mà tôi đến với việc chụp ảnh street style. Thú thực lúc ấy còn không biết đây là Chiara!
Những yếu tố nào cấu tạo nên một bức ảnh street style đẹp?
Tôi thích chụp và khiến bức ảnh của mình trở nên sinh động từ cử chỉ, bước chân đi hay tà áo tung bay…
Một bức hình street style đúng chuẩn phải mô tả được bộ quần áo và những thứ phụ kiện đi kèm, "It’s all about the clothes, not the people", và dĩ nhiên phải là chụp ở ngoài đường trong một khoảnh khắc bất ngờ.
Giữa hàng trăm hàng ngàn fashionista (số ít) và những người "na ná" fashionista (số nhiều), làm sao để anh biết chính xác mình nên chụp ai?
Phải đi nhiều để tiếp thu kinh nghiệm, đồng thời học hỏi từ các nhiếp ảnh gia khác mới biết được. Tuy nhiên thường thấy thì các fashionista thật họ sẽ khồng đi nhiều show quá hoặc đi show nào họ sẽ có một bộ đồ riêng đi cho show đó trừ khi thời gian quá hạn hẹp không kịp thay đồ. Còn các tín đồ thời trang bình thường thì bạn sẽ thấy có mặt ở hầu hết trước cửa các show và đa số là đứng ngoài, vì... không có vé.
Anh cũng góp phần giúp Hoàng Ku có được những hình ảnh đẹp tại Tuần lễ thời trang Xuân-Hè 2016 vừa qua tại Paris.
Anh cũng chụp hình cùng các tín đồ thời trang Việt tại dịp này (thứ hai từ phải qua).
Anh mất bao lâu để "vỡ lẽ" ra những điều này?
Cũng phải nhiều mùa từ Tuần lễ thời trang Thu-Đông 2014 đổ lại đây. Đến giờ thi thoảng vẫn còn quên.
Có đối tượng nào không hợp tác với anh không?
Có chứ. Điển hình là Susie Bubble. Cô này chỉ cười khi gặp ống kính của Phil Oh (nhiếp ảnh gia của Vogue) và Tommy Ton (nhiếp ảnh gia kiêm chủ blog Jak & Jill) thôi.
Một số khác né tránh ống kính khi họ không có đồ đẹp để mặc. Khi ấy họ thường đi nhanh hoặc lấy tay che mặt.
Susie Bubble - BTV thời trang kiêm blogger thường xuyên "bất hợp tác" với Huy Phạm.
Vậy anh thấy ảnh street style của các fashionista Việt Nam thế nào?
Đầu tiên là các tổ chức ở Việt Nam nên làm Tuần lễ thời trang vào ban ngày và để đúng nghĩa street style thì nên ở ngoài phố cho chân thật thay vì bó hẹp trong một không gian tù túng. Với cả ảnh street style của các bạn Việt Nam hay... kéo chân bóp bụng (ý là photoshop) nhiều quá. (cười)
Một câu hỏi hơi "nhạy cảm" một chút... Thu nhập của một nhiếp ảnh gia street style có giúp anh có được cuộc sống ổn định ở nơi đắt đỏ như châu Âu, cụ thể là Paris?
Thu nhập thì vừa đủ nhưng đam mê là chính. Công việc chính của tôi hiện tại là chụp Tuần lễ thời trang theo đặt hàng của blogger hoặc agency và sau đó là các hợp đồng chụp đám cưới ngoài mùa Tuần lễ thời trang.
Chân thành cảm ơn anh vì cuộc nói chuyện thú vị này!
Cùng chiêm ngưỡng thêm một số tác phẩm của nhiếp ảnh gia Huy Phạm:
Video được xem nhiều nhất