Nghệ sĩ Việt có thiếu tinh thần yêu nước khi xem Hậu duệ mặt trời?
Với cơn sốt từ phim Hậu duệ mặt trời, nhiều nghệ sĩ đã khoe hình ảnh trong quân phục Hàn với niềm phấn khích.
Có ý kiến cho rằng, ý thức tự tôn dân tộc của họ không cao như cách mà người Hàn hành xử với kẻ thù trong chiến tranh của họ...
Hồn nhiên với tự tôn dân tộc?
Mới đây, trên trang cá nhân của nhà báo Trần Quang Thi đã đăng tải bài viết 'Xin hãy làm ơn' nói về hiệu ứng của khán giả và giới nghệ sĩ xung quanh bộ phim gây sốt Hậu duệ mặt trời.
Tác giả nhắc lại quá khứ đau thương của lịch sử do lính Hàn gây ra cho người dân Việt Nam; những gì đen tối nhất của thảm sát, của chiến tranh; sự thiếu sót khi lịch sử Việt Nam chưa làm tròn việc nhắc nhớ thế hệ tương lai hiểu thấu đáo về những gì mà lính Hàn đã gây ra cho người dân Việt Nam...
Phim Hậu duệ mặt trời đang có lượng xem kỷ lục tại các nước châu Á
Trong khi đó, cũng đặt trong hoàn cảnh chiến tranh, người Hàn lại luôn đề cao ý thức tự tôn dân tộc trong cách hành xử với người Nhật. 'Mỗi khi Nhật thay đổi nội dung sách giáo khoa, những người Hàn biểu tình phản ứng dữ dội.
Đến những tay 'anh chị' xã hội đen ở Hàn cũng giận dữ chặt ngón tay mình, nói lên cái phẫn uất của quốc gia với người Nhật' - tác giả viết trong bài - 'Khi người Nhật chưa thừa nhận đúng mức chuyện bắt phụ nữ Hàn làm nô lệ tình dục trong chiến tranh thế giới thứ hai, người Hàn dựng luôn bức tượng cô gái Hàn bị bắt làm nô lệ tình dục trước Đại sứ quán Nhật ở thủ đô Seoul để mỗi ngày người Nhật đi làm phải đối diện với bức tượng đó.
Người Hàn còn nhân nhiều phiên bản bức tượng này ra thế giới, làm thêm bức tượng cô gái Trung Hoa bên cạnh để tố cáo tội ác của lính Nhật'.
Bài viết sau đó đã có tốc độ lan tỏa đến chóng mặt trên các trang Facebook (gần 90 nghìn lượt chia sẻ) vì góc nhìn khá sâu sắc, có trăn trở và cả sự xúc động. Đến mức, nhiều người ngỡ rằng, tác giả hẳn phải là một giảng viên hay nhà nghiên cứu lịch sử.
Tuy nhiên, bài viết cũng dấy lên làn sóng tranh luận khi cho rằng tác giả quá cổ hủ, không đặt đúng tâm thế đang xem phim ở góc độ giải trí, 'mang đôi mắt của sự thù hằn vào rạp hát'. Bởi, nếu phim xuyên tạc về chiến tranh Việt Nam thì việc lên tiếng này mới có ý nghĩa.
Nhà báo Trần Quang Thi - tác giả bài viết 'Xin hãy làm ơn' đang được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội
Liên hệ với tác giả bài viết, nhà báo Trần Quang Thi giải thích: 'Nội dung bài viết của tôi hoàn toàn không lên án người Việt không hiểu lịch sử Việt, cũng không lên án việc khán giả quá mê phim Hàn, mà là mong muốn khán giả hãy tiếp cận nó theo cách như thế nào trong tương quan với lịch sử đau thương của dân tộc.
Tuy nhiên, công chúng có quyền lựa chọn những gì họ muốn, họ cũng tự do bày tỏ quan điểm với bài viết của tôi, nhưng điều khiến tôi thấy buồn là khi biết bộ phim sẽ được chiếu trên truyền hình Việt Nam.
Có ai nghĩ đến chuyện một ngày truyền hình Hàn Quốc hay Trung Quốc sẽ chiếu một bộ phim ca ngợi lính Nhật, dù đó là hình ảnh trong thời bình với những câu chuyện hẹn hò, ý thức trách nhiệm Tổ quốc và cứu hộ.
Nhưng nếu bộ phim Hậu duệ mặt trời được phát sóng ở Việt Nam thì tôi thấy có lỗi với những đau thương mất mát mà người dân đã phải chịu trong quá khứ và nỗi đau của nó vẫn còn đang hiện diện ở hiện tại'.
Bảo Anh là một trong số nhiều nghệ sĩ hưởng ứng trào lưu khoe ảnh trong bộ quân nhân Hàn Quốc
Về góc độ nhiều nghệ sĩ khoe ảnh trong quân phục Hàn, nhà báo Trần Quang Thi cho biết: 'Còn nhớ, khi ca sĩ Bi Rain của Hàn Quốc sang việt Nam biểu diễn, có một ca khúc anh này mặc quân phục để biểu diễn và đã phải xin cố vấn rất nhiều mới sử dụng.
Giờ đây, chính nghệ sĩ mình lại 'hồn nhiên' với việc gắn nó vào hình ảnh của mình với tâm trạng hân hoan'.
Điện ảnh không có tội
Mang góc nhìn của nhà báo Trần Quang Thi hỏi đạo diễn Đặng Thái Huyền - người nổi tiếng với các bộ phim chiến tranh, đặc biệt là với bộ phim 'Người trở về' mới đây - chị bày tỏ quan điểm: 'Mấy ngày nay có rất nhiều người bảo tôi lên tiếng phát biểu xung quanh dư luận 'xem phim Hậu duệ mặt trời có cần phải yêu nước', vì tôi cũng là một quân nhân.
Thậm chí, có người còn hỏi tôi vĩ mô hơn: Rằng, chị là đạo diễn của quân đội thì bao giờ làm được bộ phim thu hút như Hậu duệ mặt trời?
Tôi đã đọc nhiều tài liệu nói về việc quân đội Hàn từng tàn sát dân thường trong chiến tranh ở Nam Trung Bộ ra sao. Tôi cũng biết rất rõ, ở Hàn, nếu mặc quân phục của Nhật thì sẽ phải quỳ xuống xin lỗi người dân...
Nhưng tôi cho rằng, việc thích xem một bộ phim nào hay mặc đồ của quân đội của đất nước khác, dù là họ từng gây tổn thương cho dân tộc mình thì không có nghĩa là không có tự tôn dân tộc đâu.
Thực ra, trào lưu khoe hình ấy là vì họ cảm thấy thú vị thôi chứ không thể nói họ không yêu nước hay ý thức kém'.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền cho rằng, không nên đánh giá ý thức tự tôn dân tộc qua trào lưu khoe ảnh của nghệ sĩ hay công chúng
Điều tôi muốn nói ở đây sâu xa hơn, chính là việc giáo dục, nền tảng văn hóa và lịch sử của mình quá yếu. Cho nên, khi đứng trước vấn đề về lịch sử, họ không quan tâm nhiều mà chỉ để ý đến những gì mình thích hay không thích.
Thế nên mới có chuyện, bố mình ốm thì không khóc nhưng thần thượng ốm lại khóc như mưa. Đó là lỗi ở giáo dục chứ bản thân điện ảnh không có tội gì cả'.
Dù vẫn có nhiều phản biện, nhưng sau bài viết của nhà báo Trần Quang Thi, trên Facebook hiện không còn cảnh khoe các hình ảnh của cá nhân trong quân phục lính Hàn.
Tâm thế xem phim của khán giả sau bài viết 'Xin hãy làm ơn' cũng theo hướng kiềm chế hơn chứ không 'phát cuồng' như trước. Ngoài ra, việc bộ phim Hậu duệ mặt trời sẽ được chiếu trên VTV cũng đang được cân nhắc.
Video được xem nhiều nhất