Nguy hiểm như "Hậu duệ Mặt Trời"
Không thể phủ nhận sức “càn quét” mà bộ phim "Hậu duệ Mặt Trời" đang gây bão tại Việt Nam. Nhưng liệu có nên tẩy chay hay ném đá một cách quy chụp?
- Tranh cãi xung quanh thù lao siêu khủng của "mẹ đẻ" Hậu duệ mặt trời
- Thâm nhập hậu trường không có vẻ gì là ngôn tình của ‘Hậu duệ mặt trời’
- “Hậu Duệ Mặt Trời”: Cuộc chiến nội bộ đầy bất ngờ giữa fan Song Joong Ki và fan Song Hye Kyo
- Cô gái xứ nghệ cover nhạc phim "Hậu duệ mặt trời" cực hay
- OST "Hậu Duệ Mặt Trời" chiếm hơn nửa Top 10 BXH cuối tháng 3
Sự thành công của một nền công nghiệp giải trí
Cú hốt bạc vô tiền khoáng hậu của công ty Next Entertainment World nhờ “Hậu duệ Mặt Trời” không phải không có lý do.
Mặc dù mới chỉ phát sóng hơn một nửa số tập nhưng bộ phim này đã “càn quét” khắp Châu Á và mang lại hơn 13 tỷ won (hơn 10 triệu USD), vượt qua điểm hòa vốn mà nhà sản xuất bỏ ra.
Hai nhân vật gây bão khắp châu Á thời gian qua.
Dĩ nhiên, nếu không có sự nổi tiếng đáng kinh ngạc, một bộ phim truyền hình thông thường sẽ khó hòa vốn sớm nhờ tiền bản quyền và doanh thu quảng cáo như “Hậu duệ Mặt Trời”.
Hiện bộ phim này đã được xuất khẩu tới 27 quốc gia và được dịch hơn 32 thứ tiếng trên toàn thế giới, trong đó có Trun Quốc, Nhật Bản, Anh, Pháp, Mỹ, Singapore, Nga, Saudi Arabia và Việt Nam.
Quả là những con số vô cùng ấn tượng thể hiện sự "nguy hiểm" của "Hậu duệ Mặt Trời".
Nhà sản xuất của Next Entertainment World cho biết, Trung Quốc và Nhật Bản đã mua bản quyền phát sóng với giá 250.000 USD và 100.000 USD cho mỗi một tập phim.
Đây là những con số cực kỳ ấn tượng bởi các bộ phim khác thường chỉ được mua bản quyền khi đã phát sóng xong một thời gian.
Sự thành công của “Hậu duệ Mặt Trời” không chỉ ở lĩnh vực truyền hình. Văn hóa Hàn Quốc lại thêm một lần được quảng bá mạnh mẽ.
Không chỉ các mặt hàng xuất hiện trên phim được tiêu thụ với số lượng khủng và khách du lịch cũng ùn ùn kéo đến Hàn Quốc để tham quan.
"Descendants of the Sun" có sự thành công ngoài sức tưởng tượng của nhà sản xuất.
Những kết quả trên có được là nhờ chính sách “xuất khẩu văn hóa” của chính phủ Hàn Quốc đối với ngành giải trí nói chung.
Tiêu biểu nhất là kế hoạch “Quảng trường Hàn Quốc” của bộ trưởng Văn hóa và du lịch Chung Dong Chea đề ra cuối thập niên 90, đầu những năm 2000.
Từ thị trường nội địa cho đến châu Á và sau này là các châu lục khác, những bộ phim hay những sản phẩm âm nhạc cộp mác Hallyu đã lập nên nhiều kỳ tích của một nền “nghệ thuật thị giác”.
Không ngoa khi nói rằng, Hàn Quốc đang dần xây dựng nên “Hallywood” theo kiểu mẫu Hollywood – nhưng điều quan trọng là họ quyết tâm tạo nên một nền giải trí lấy bản sắc dân tộc làm chủ chốt.
Ngày nay, chúng ta có thể dễ dàng thấy được sự “bành trướng” của làn sóng Hàn Quốc ở rất nhiều châu lục.
Làn sóng này mọi lĩnh vực như điện ảnh, phim truyền hình, âm nhạc, thời trang, du lịch, ẩm thực, game online…
“Hậu duệ Mặt Trời” hay những bộ phim từng làm mưa làm gió trước đây đã chứng minh sự “nguy hiểm” đáng để học hỏi của ngành công nghiệp giải trí xứ củ sâm.
Có nên ném đá cơn sốt “Hậu duệ Mặt Trời”?
Không thể phủ nhận sức “càn quét” mà bộ phim này đang gây bão tại Việt Nam. Người người xem, nhà nhà bình luận, thậm chí nay còn rộ lên trào lưu ghép ảnh vào bộ quân phục mà anh lính Yoo Shi Jin mặc.
Chính vì “cơn sốt” này, những ngày vừa qua cư dân mạng Việt Nam đã nảy ra tranh cãi trái chiều về “Hậu duệ Mặt Trời” và những liên quan đến chiến tranh Việt Nam cùng quân đội Hàn Quốc.
Hình ảnh quân nhân Yoo Shi Jin trong bộ phim "Hậu duệ Mặt Trời" vô tình trở thành chủ đề gây tranh cãi của dân mạng Việt Nam.
Xét một cách công bằng, trào lưu ghép mặt vào bộ quân phục Hàn (hay trước đây là cơn sốt ghép hình Võ Tắc Thiên) có chút gì đó phản cảm.
Nhưng suy cho cùng thì đây cũng chỉ là những “dư chấn” rất đỗi bình thường là một bộ phim giải trí thành công mang lại cho khán giả.
Nhiều quan điểm cho rằng, giới trẻ chúng ta không nên dễ dãi bị làn sóng Hàn Quốc ảnh hưởng mà quên đi quá khứ - những năm tháng dân tộc đã chịu đau thương và đổ máu.
Thậm chí nhiều người lên án một bộ phận fan Kpop, fan K-drama với cách nghĩ “Fan Hàn nhớ sinh nhật thần tượng nhưng liệu có nhớ sinh nhật bố mẹ không? Khóc khi gặp thần tượng nhưng có rơi giọt nước mắt nào khi người thân mất?”
Tôi cho rằng sở thích cá nhân và lòng yêu nước, hay lòng hiếu thảo, không có chút centimet nào liên quan đến nhau. Thật vô lý khi quy chụp một nhóm bạn trẻ trót yêu một nam diễn viên Hàn Quốc hay một nhóm nhạc nào đấy với những nhận xét rất phiến diện trên.
Hâm mộ một nhân vật nào đấy thì có gì sai? Hay cả đời chỉ nên tôn thờ bản thân mới là đúng đắn?
Việc mê mẩn anh quân nhân Hàn của một bộ phim giải trí không phải là điều gì sai trái hay liên quan đến đạo đức. Nhân vật trong phim đâu có thể chịu trách nhiệm cho những lỗi lầm mà thế hệ những người lính đánh thuê ngày trước gây nên cho nhân dân Việt Nam?
Nếu nghi ngờ về lòng yêu nước của fan “Hậu duệ Mặt Trời”, thì cũng nên nghi ngờ ngược lại những người luôn sẵn sàng đưa tay ném đá “fan hâm mộ phim/nhạc Hàn” bất kể lí do.
Liệu họ có thật sự là những người có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt, có hiểu biết lịch sử sâu sắc, có đủ bản lĩnh ngời ngời để nhập ngũ khi Tổ quốc cần hay không, hay chỉ là hùa theo để thể hiện ta đây “đi ngược đám đông”?
Nếu giữ quan điểm thù hằn quá khứ để rồi tẩy chay nền giải trí Hàn Quốc, thì có lẽ chúng ta cũng nên tẩy chay nhiều nền giải trí khác như Mỹ, Pháp, Trung Quốc chăng?
Tại sao phim về lính Mỹ không có ai lên tiếng tẩy chay, còn phim Hàn Quốc thì rộ lên hàng loạt tư tưởng quy chụp, cứ như thể động đến “Hàn Quốc” là người ta lại giãy nảy như đây là một khái niệm vô cùng rẻ rúng?
Có nên ném đá một nhân vật (không có thực) của một nền giải trí châu Á đáng ngưỡng mộ?
Chiến tranh nào mà chẳng phải tội ác, dù phía bên kia đã nhận lỗi hay chưa. Chúng ta hưởng hòa bình từ sự hi sinh. Hãy lấy nỗi đau quá khứ làm lý tưởng, động lực để mỗi cá nhân vươn lên, đóng góp những điều tốt đẹp và hướng đến một cuộc sống văn minh hạnh phúc.
Đừng lấy nỗi đau quá khứ để làm rào cản tiếp cận những tiến bộ của nước bạn, để sỉ nhục những con người rất đỗi bình thường xung quanh và làm mất đi sự đoàn kết dân tộc.
Một bộ phim truyền hình Hàn Quốc, hay một nhóm nhạc Hàn Quốc, đều không đáng để chúng ta giận dữ và nói những lời khó nghe với nhau.
Vì tất cả những giá trị mà nền giải trí mang lại, đều chỉ là để phục vụ cho cuộc sống hiện đại vốn buồn ít vui nhiều của hàng triệu khán giả.
Hãy trả lại giá trị đúng chỗ của một bộ phim Hàn. Nếu cần phải suy nghĩ một cách sâu sắc về nó, hãy thử nghĩ xem làm thế nào để văn hóa Việt cũng xuất khẩu ra tiền một cách đáng ngưỡng mộ như người Hàn đã làm được.
Video được xem nhiều nhất