Michael Pena - Siêu trộm "nói nhiều" gây cười trong "Ant-Man"
“Cây hài” của "Ant-Man" là một minh chứng cho giấc mơ Mỹ, chỉ cần có đam mê và sự kiên trì, bạn hoàn toàn có thể thành công trên con đường mình đã chọn.
“Không hẳn là tôi hài hước. Mà là chỉ ra điều tôi thấy hài hước ở người khác”. Chỉ riêng lời phát biểu này đã cho thấy tính cách khiêm tốn và cầu tiến của Michael Pena, một trong những ngôi sao thú vị nhất ở Hollywood.
Thời thơ ấu khó khăn
Sinh ra trong một gia đình nông dân di cư từ Mexico, Michael Pena dường như chẳng hề có duyên với nghệ thuật. Thời niên thiếu của anh gắn liền với những khu ổ chuột của thành phố Chicago khét tiếng bạo lực, như chính anh từng thừa nhận: “Tôi thấy người ta chết trước mặt mình, và đó là điều bình thường nếu đó là tất cả những gì bạn biết”. Cũng chính vì hoàn cảnh khó khăn, anh phải chuyển trường đến mười lần trong quãng thời gian đi học. Một giáo viên lớp 7 từng nói với Pena rằng anh sẽ chẳng làm được trò trống gì. Thế nhưng điều đó lại trở thành động lực để chàng trai này phấn đấu.
Michael Pena trong phim "Gangster Squad"
Nghiệp diễn đến với Michael Pena cũng khá tình cờ. Sau khi tốt nghiệp trung học, anh đến thử vai cho phim To Sir, with Love II (1996), và bất ngờ vượt qua hàng trăm người khác để nhận vai diễn. Trái ngược với hầu hết diễn viên, Pena tham gia diễn xuất trước hết là vì tiền để chữa bệnh cho mẹ, sau đó mới dần dần nuôi dưỡng đam mê. “Tôi cố trả tiền chữa bệnh cho mẹ, nhưng thành công chỉ đến với tôi sau khi bà đã mất”, anh nhớ lại.
Sự nghiệp ở Hollywood
Rời khỏi Chicago để đến Hollywood phát triển sự nghiệp, Pena bắt đầu nghiền ngẫm và học hỏi từ những bộ phim kinh điển. A Streetcar Named Desire (tạm dịch: Chuyến tàu mang tên dục vọng) là tác phẩm anh yêu thích nhất và tự nhận là đã xem đến hơn 100 lần. Xuất hiện đều đặn trong các phim độc lập từ năm 1994, thế nhưng phải mất đến 10 năm để cái tên Michael Pena được chú ý đến khi anh góp mặt liên tiếp trong hai tác phẩm đoạt giải Oscar là Million Dollar Baby và Crash.
Pena trong phim "Crash"
Trên thực tế, trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, nam diễn viên gốc Mexico gây ấn tượng nhiều hơn trong những vai diễn nghiêm túc. Vai diễn Daniel của Pena trong Crash được đánh giá là đầy cảm xúc, giúp anh giành giải thưởng ALMA cho nam diễn viên xuất sắc nhất. Năm 2006, anh có một vai diễn nhỏ trong bộ phim Babel của đạo diễn González Iñárritu, qua đó trở thành một trong số ít diễn viên góp mặt trong ba bộ phim liên tiếp được đề cử Oscar.
Từ thời điểm đó, sự nghiệp của Michael Pena lên như diều gặp gió. Nam tài tử sinh năm 1976 có cơ hội cộng tác cùng đạo diễn Oliver Stone trong bộ phim World Trade Center nói về thảm họa 11/9, sau đó là đóng cặp cùng Mark Wahlberg trong Shooter (2007). Từ năm 2006, Pena tham gia series Walkout của HBO trong vai Sal Castro, một giáo viên đã truyền cảm hứng cho các sinh viên ở Đông Los Angeles đấu tranh vì quyền lợi của những người gốc Mexico. Ngoài ra, anh cũng ghi dấu ấn với một số vai phụ trong những bộ phim như End of Watch, Tower Heist hay Fury.
Tham gia "World Trade Centre" cùng Nicolas Cage
Trái với nhiều ngôi sao Hollywood khác, Michael Pena có cuộc sống riêng khá kín tiếng. Anh sống cùng vợ và một con tại Los Angeles, và từng chia sẻ rằng không muốn bị các paparazzi bám đuổi. Với bản tính sôi nổi của người Mexico, ngoài diễn xuất thì anh còn chơi ghita trong một ban nhạc, cũng như chơi gôn và đánh bốc để thư giãn.
Hài hước cùng Ant-Man
Vào năm thứ 5 trong sự nghiệp, Michael Pena từng bị người quản lý chê thẳng mặt là thiếu hài hước. Chính vì vậy, việc diễn hài có lẽ là một bước ngoặt bất ngờ trong sự nghiệp của anh. Trên thực tế, Ant-Man mới chỉ là phim hài hước thứ tư mà anh tham gia, sau Observe and Report (2009), Tower Heist (2011) và loạt phim Eastbound and Down (2009-2013).
Hành trình đến với Ant-Man của tài tử gốc Mexico cũng không thuận buồm xuôi gió. Anh tham gia dự án vì muốn được cộng tác với Edgar Wright, vị đạo diễn với phong cách đặc biệt trong những phim như Shaun of the Dead hay Hot Fuzz. Thế nhưng Wright lại rời dự án ngay khi sắp bắt đầu quay vì mâu thuẫn với hãng phim. Michael Pena cảm thấy tiếc vì điều này nhưng anh vẫn tiếp tục gắn bó với dự án vì nghĩ rằng Ant-Man “về cốt lõi vẫn là một phim của Edgar” (trong vai trò biên kịch).
Sự hài hước của Ant-Man luôn được thể hiện trong những cảnh quay có Rudd và Pena: một người nói chuyện rất súc tích, còn người kia ra rả như pháo hoa. Thực ra lúc đầu nhân vật Luis có phong cách nhẹ nhàng khá giống với Pena ngoài đời, nhưng cả anh và Rudd đều nhận ra làm như vậy sẽ không ấn tượng. Họ quyết định xây dựng những mẩu đối thoại hài hước theo kiểu Abbott-Costello hay Laurel-Hardy, tập trung vào sự đối lập giữa tính cách của hai nhân vật.
Một trong những đoạn hài hước nhất phim là khi Luis cố giải thích các vấn đề bằng một câu chuyện quá phức tạp. Điều thú vị ở chỗ, Pena đã nhại phong cách này từ người bạn tên Pablo, một gã tội phạm “không phải dạng vừa” ngoài đời thật. Cách nói chuyện với nhiều tiếng đệm líu ríu và những động tác tay kỳ quặc của Pablo là khuôn mẫu để Pena tạo ra nhân vật Luis.
Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên Pena tìm nguồn cảm hứng từ những người ngẫu nhiên anh gặp. Sự ngớ ngẩn và chậm rãi của nhân vật triệu phú Sebastian Cisneros trong Eastbound & Down bắt nguồn từ một người đàn ông mà Pena tình cờ gặp trên tàu. Trong Observe and Report, Pena đã diễn nhân vật Dennis bằng cách tưởng tượng rằng mình là người da đen, phỏng theo một anh chàng nhỏ con mà anh tình cờ xem qua trong một phim tài liệu về bọn ma cô.
Ant-Man là dự án kết thúc giai đoạn hai của Marvel Cinematic Universe. Với doanh thu cao và nhiều đánh giá tích cực, gần như chắc chắn phim sẽ có phần hai với sự trở lại của Paul Rudd và Michael Pena. Khi được tờ Los Angeles Times hỏi về tương lai với Marvel Studios, Michael Pena đã hài hước đáp rằng anh muốn băng đảng của Luis giúp sức cho nhóm Avengers, điều đó sẽ rất vui nhộn.
Với khả năng chuyển đổi linh hoạt giữa diễn hài và nghiêm túc, Michael Pena hoàn toàn có thể trở thành một ngôi sao lớn tại Hollywood trong tương lai chứ không chỉ đóng khung trong những vai phụ.
Video được xem nhiều nhất