"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành”

Eva - 01/08/2015, 08:59

Bộ phim là 117 phút hài hước, gay cấn, hồi hộp sẽ khiến não bạn nổ tung trong phấn khích và những tràng cười rộn rã – một phim PHẢI XEM với bất cứ ai nhận mình là người yêu thích điện ảnh.

Một mùa hè với sự đổ bộ của không phải một, mà là hai phim bom tấn đến từ “ông lớn” Marvel, fan hâm mộ thể loại siêu anh hùng còn có thể chờ mong điều gì hơn thế? Đầu mùa hè, họ được ngây ngất trong siêu phẩm Avengers 2, cuối mùa hè ấy, họ được diện kiến siêu anh hùng mới toanh trong Vũ trụ điện ảnh Marvel (MCU) – Người Kiến.

"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành” - 1

Poster phim

Trong kế hoạch dài hơi của mình, Marvel sắp xếp Người Kiến là bộ phim khép lại Giai đoạn II của MCU. Nhưng sau cái kết mở đầu cho một sự kiện quá lớn của Avengers 2, nhiều người bắt đầu gọi Người Kiến bằng cái tên “after credit của Giai đoạn II”. Tạm gạt qua một bên vấn đề cái nào là after credit của cái nào, Người Kiến thực sự xứng đáng với vị trí bộ phim siêu anh hùng duyên dáng nhất từng được tạo ra trong MCU.

Tạm bỏ qua bộ đồng phục Baskin Robin "hường phấn" mà nhân vật Scott Lang khoác lên người trong một cảnh phim, thì chính sự hài hước không điểm dừng cùng chút “hoài cổ” dịu dàng chính là sự duyên dáng thực sự làm nên điểm cộng sáng chói cho bộ phim này.

Hãy tưởng tượng, bạn có nhiệm vụ tạo ra phần phim đầu tiên của một series siêu anh hùng, chưa bị vướng bận quá nhiều vào việc làm thế nào để nối kết anh ta vào mạch tình huống rối rắm u ám của dòng chảy chung các phim còn lại, thì tội gì mà không "vui tới bến"? Đó có lẽ chính là điều mà biên kịch Edgar Wright – người đã tạo ra chuỗi siêu phẩm “Cornetto ba mùi” Shaun of the Dead, Hot Fuzz The End of the World suy nghĩ khi chắp bút cho kịch bản phim này. Và tinh thần hài hước kiểu Anh ấy đã tìm được một tâm hồn đồng điệu là đạo diễn Peyton Reed (nếu bạn không muốn tìm kiếm thông tin về ông trên IMDb, thì xin tiết lộ ngay và luôn, ông cũng là một cái tên quen thuộc với thể loại phim hài – tình cảm).

"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành” - 2

Bộ ba Cornentto trứ danh với sự tham gia của Simon Pegg và Nick Frost

Như khi Eminem hát đôi với Ryan Montgomery người ta có bộ đôi Bad Meet Evil với những bài hit bùng nổ trên các bảng xếp hạng, Edgar Wright cùng Peyton Reed đã tạo ra một bom tấn không chỉ “hủy diệt” các phòng vé mà còn nhận được những lời khen ngợi từ giới phê bình, một vài trong số đó khẳng định Người Kiến là siêu anh hùng tí hon nhưng có một chỗ đứng vô cùng to lớn và vững chãi trên vai đế chế Marvel.

Điều thú vị nhất ở đây là, nếu Avengers 2 phải thổi bay vài thành phố, biến một vùng dân cư nọ thành pháo đài bay Laputa trước khi đe dọa biến nó thành một khối thiên thạch hủy diệt sự sống trên toàn Trái Đất mới nhận được sự cổ vũ reo hò từ hàng ghế khán giả, thì Người Kiến không mất công mất sức tới vậy để nổ một cú rực rỡ trên toàn cầu. Nói vui, thì bộ phim này chính là câu chuyện về người anh hùng “con nhà lành” cứu thế giới bằng cách ngăn chặn kẻ phản diện từ trong trứng nước.

"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành” - 3

Concept art của phim

Không phải anh chàng tiến sĩ nào đó cứ tức giận là biến thành một gã khổng lồ xanh lè, cũng không phải gã khoa học gia điên khùng khác với ám ảnh về hòa bình, càng không phải là một vị thần điên đầu vì đứa em trai phá phách… xin giới thiệu với các bạn, Scott Lang – một gã trộm – tuyệt đối không phải cướp - có bằng kĩ sư điện vừa mãn hạn tù. Không một ý tưởng cho tương lai, không nghề ngỗng, con gái thì vợ nuôi, cô vợ thậm chí còn đi bước nữa với một sĩ quan cảnh sát, Scott Lang quay trở về với thế giới bên ngoài nhà tù. Cùng quẫn, bị đuổi việc, cần tiền để chu cấp cho con gái, cùng sự “giúp đỡ” nhiệt tình từ bằng hữu, Scott đành nhắm mắt tạc lưỡi quay lại “nghề” xưa. Phi vụ trộm (chứ không có cướp) đầu tiên của anh sau khi mãn hạn tù đã mang anh đến với một chương hoàn toàn mới của cuộc đời.

Có hai điều cần nói về Paul Rudd: Một, anh xuất thân là diễn viên hài và Hai, từ giờ anh sẽ là một siêu anh hùng. Kết hợp hai điều trên, chúng ta có Scott Lang, một tên trộm nuôi mộng trở thành Robinhood với cuộc đời lên xuống trầm bổng theo cái cách khó có thể nói là “may mắn”. Thất bại ngay trong lần quay trở lại đầu tiên, bị bắt vào khám, ngay khi đã sẵn sàng nhận sự tha thứ để hoàn lương thì lại được chính “nạn nhân” thuê đi trộm một món đồ nguy hiểm từ tay kẻ khác… Cuộc đời của Scott, cũng như cả bộ phim cứ liên tục diễn ra theo cái lối phủ nhận nhau tréo ngoe như thế.

Một sự tréo ngoe trong hòa bình. Không có dân thường thiệt mạng, không có những con quái vật tấn công thành phố, thậm chí ngay cả kẻ phản diện cũng có quá nhiều lý do để mủi lòng thương. Vậy khán giả lấy gì đây để yêu thích bộ phim? Hoặc họ bị tò mò bởi cách nhà sản xuất biến một gã điên mặc suit nhỏ cỡ con kiến thành siêu anh hùng chống lại kẻ ác, hoặc họ say mê phần hình ảnh đẹp mắt trong phim, hoặc họ ngây ngất trước những ý tưởng mới lạ nhiều phần quái tính mà đội ngũ biên kịch đã nghĩ ra, hoặc cũng có thể họ bị quyến rũ bởi vẻ trẻ trung nam tính của ông lão Michael Douglas nay đã vào tuổi lục tuần… Mỗi khán giả có thể có một hoặc nhiều lí do khác nhau, nhưng tựu trung lại, họ đều nhận được chung một điều là sự phấn khích cực độ được duy trì từ những cảnh chiến đấu cho tới những màn hội thoại hài hước.

"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành” - 4

Hank Pym – Michael Douglas

Đôi khi bạn xem những cảnh phim được dựng theo lối song song – tức là bên này thì ồn ào nhộn nhịp kinh dị thót tim, trong khi bên kia thì tĩnh lặng bình yên không hề biết tới sự việc đang chờ họ phía trước. Kiểu dàn dựng này thường khiến bạn cảm thấy căng thẳng phát khiếp vì tai họa sắp xảy ra với kẻ xấu số, nhưng trong Người Kiến, nó lại đồng nghĩa với tiếng cười. Vâng, chúng ta đang nói đến trận “đại chiến” trong phòng ngủ ở cuối bộ phim. Đó là một trận chiến quyết liệt, đồng ý, nhưng đó cũng là một cảnh phim hài hước, khi lần đầu tiên khán giả được trải nghiệm cảm giác thứ sẽ dẫn đến một vụ nổ lớn với hàng trăm người bị thương lại được nối tiếp bằng một kết cục khá “yên bình” với tiếng “póc”, và đoàn tàu đồ chơi rơi khỏi đường ray.

"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành” - 5

Đây có lẽ là cảnh phim viết lại mọi định nghĩa về trận đánh cuối trong phim siêu anh hùng

Bên cạnh bộ phim về siêu anh hùng, thì Người Kiến còn là một bộ phim về Ngày của bố. Các ông bố trong phim đều là những người anh hùng vụng về trong cách yêu thương con cái của họ, một sự vụng về chấp nhận (và còn cứu vãn) được biến họ thành những người dễ thương thay vì đáng thương. Một chút tình cha con mùi mẫn nhưng không quá chìm sâu vào hướng u tối của những bộ phim tâm lý xã hội khi từng cặp cha con đều được xây dựng theo lối “cha nào con nấy” tưng tửng. Nếu cặp cha con nhà Pym điển hình cho lối không tìm được tiếng nói chung sau sự ra đi của người mẹ nhưng vẫn cố tỏ ra họ ổn, thì bố con nhà Lang lại là kiểu tưng tửng “chẳng sợ bố con thằng nào”. Chẳng thế mà Scott mới đem tặng con gái một chú thỏ bông đạt đến cảnh giới "búp bê ma ám" Annabelle, và cô bé con thì yêu thương con búp bê ấy không rời. Ban đầu nhiều người xem chắc hẳn sẽ rơm rớm “Trời ơi vì đấy là đồ bố tặng nên dù kinh dị đến mấy thì con bé vẫn yêu thương”, nhưng đến cuối phim thì chắc 9 trong 10 người họ sẽ bật cười “Chắc mình nhầm”.

"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành” - 6

Scott và con gái

Iron Man diễn ra trên phông nền là thế giới với những công nghệ tối tân, Captain America với âm hưởng chính là những cuộc chiến tranh tình báo, Thor là một thế giới vĩ đại của các vị thần quyền năng… còn Người Kiến sẽ mang màu sắc gì? Bối cảnh của bộ phim, cách dàn dựng nhân vật, tình huống đều gợi nhắc người xem đến kiểu phim hành động những năm 90 với một chút khoa học viễn tưởng.

Người xem có thể nhận thấy một cách rõ rệt, trừ những cảnh phim diễn ra bên trong tập đoàn Pym, phần còn lại của bộ phim là những đồ vật bối cảnh kiểu cũ – khu nhà tập thể của “đàn gấu túi”, căn nhà nơi Pym ở, đồ đạc trong nhà, thậm chí cả cách thức vận hành của hệ thống bảo vệ… Còn nếu bạn vẫn không nhận ra sự hoài cổ ấy ư? Đội ngũ sản xuất có cách gợi nhắc bạn nhớ đến những năm tháng huy hoàng ấy. Trong một phim mà nhân vật chính bị thu nhỏ bằng những công nghệ sinh hóa tối tân, bối cảnh chính lại “lỗi thời” thậm tệ như vậy cũng tạo ra một sự vênh lệch, ừ thì buồn cười nhưng cũng khiến người ta hồi tưởng lại chút gì đó “ngày xưa”.

"Ant-man": Siêu anh hùng kiểu “con nhà lành” - 7

Kẻ phản diện số nhọ Yellow Jacket

Trong một thời điểm mà khán giả ra rạp đã quá quen với các cuộc chiến trên quy mô toàn cầu, thì Người Kiến sẽ là một trải nghiệm khác lạ. Một cuộc chiến với lực lượng tham gia là bốn chủng kiến từ biết bay đến biết nổi trên mặt nước, được dẫn dắt bởi một thủ lĩnh – một siêu anh hùng “cưỡi Ant-thony”. Bộ phim là 117 phút hài hước, gay cấn, hồi hộp sẽ khiến não bạn nổ tung trong phấn khích và những tràng cười rộn rã – một phim PHẢI XEM với bất cứ ai tự nhận mình là người yêu thích điện ảnh.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất