Ant-Man: Khởi đầu đầy thú vị cho một người hùng "tí hon" của Marvel

Kênh 14 - 25/07/2015, 15:25

“Ant-Man” sẽ khiến cho khán giá cực kỳ thích thú bởi tính giải trí hài hước, đậm chất giáo dục cũng như là một mảnh ghép quan trọng cho “Vũ trụ điện ảnh Marvel”.

Khi nam diễn viên Paul Rudd khoe với đứa con 9 tuổi của mình rằng anh sẽ thủ vai siêu anh hùng “Người Kiến”, cậu bé đã trả lời rằng: “Con không thể chờ để được xem một phim ngớ ngẩn như thế”. Khi Marvel lần đầu tiên công bố dự án về siêu anh hùng này, chắc chắn nhiều khán giả cũng sẽ có cảm giác tương tự. Nhưng bất ngờ thay, Ant-Man lại đang được nhiều fan hâm mộ và các nhà phê bình đánh giá rất tích cực.
 
 
Nhân vật Ant-Man lần đầu tiên xuất hiện trong truyện tranh Marvel vào năm 1962, năng lực của anh bao gồm thu nhỏ đến kích thước hiển vi và có khả năng giao tiếp với kiến. Khi bộ phim lần đầu được lên ý tưởng cách đây 10 năm, nó đã phải chịu nhiều ảnh hưởng từ các bộ phim siêu anh hùng có tông nên “đen tối” trong thời điểm ấy. Nhưng đó chỉ là câu chuyện trước khi Marvel thành công với những bộ phim hài hước như Iron Man, Thor, The Avengers và Guardians.

Điều thực sự khiến chúng ta kỳ vọng chính là phong cách của đạo diễn Edgar Wright, người đã thai ngén bộ phim từ những ngày đầu. Edgar nổi tiếng với những bộ phim hài mang phong cách rất riêng như Shaun of the Dead và Hot Fuzz. Với việc Paul Rudd thủ vai chính trong Ant-Man, rất nhiều fan hâm mộ cũng đã trông chờ một tác phẩm tương tự. Tuy nhiên, đáng tiếc rằng Wright đã rời bỏ dự án khi còn đang dang dở.
 
 
May mắn thay, Ant-Man không vì thế mà lùi bước trước những thách thức. Mặc dù bộ phim cũng có những khoảnh khắc rất sâu lắng, nhưng Ant-Man chính xác là bộ phim hài hước nhất từ trước đến nay của Marvel. Hầu như tất cả các cảnh quay trong phim đều khá “bựa”. Màn trình diễn của Rudd cũng gây ấn tượng nhờ sự tự nhiên cũng như có một chút mỉa mai.

Trong vai Scott Lang, một gã siêu trộm trở thành một siêu anh hùng tý hon nhờ công nghệ thu nhỏ của cựu Ant-Man, Hank Pym, do Michael Douglas thủ vai. Đối với dàn diễn viên phụ, tất cả đều làm tốt vai trò của mình và để lại tiếng cười cho khán giả mà nổi bật nhất là Michael Pena, ngôi sao của phim.
 
 
Trong những đoạn hội thoại và các cảnh quay, sự ảnh hưởng từ Edgar Wright và cựu biên kịch Joe Cornish vẫn còn rất rõ ràng. Bộ phim có rất nhiều thủ thuật quay phim theo phong cách Wright, như việc chuyển cảnh bằng cách lia máy quay thật nhanh và dựng phim như một trang truyện tranh, gần như tạo cho chúng ta một cảm giác giống phim Hot Fuzz. Điểm đặc biệt là đạo diễn Peyton Reed vẫn biết cách xoay sở để kết hợp nhiều cách dựng phim khác nhau, như việc liều lĩnh thử nghiệm đưa phong cách Kubrickian vào một vài cảnh quay khá thú vị.

Cho dù là bất cứ phong cách quay phim nào đi nữa, Ant-Man cũng có cốt truyện khá thông minh. Với chủ đề là “siêu anh hùng có khả năng thay đổi kích thước”, bộ phim đã khai thác tốt tất cả giá trị từ truyện tranh cũng như tính chất ly kỳ.
 
 
Và lần đầu tiên, kỹ thuật 3D trong phim thực sự ảnh hưởng rất lớn lên nội dung chứ không còn chỉ là một yếu tố hút khán giả nữa. Vài năm trước đây, Edgar Wright từng cho biết ông đang cố gắng thử nghiệm việc kết hợp cả kỹ thuật 3D lẫn cốt truyện vào nhau. Đối với Ant-Man, cũng như Avatar hay Tron: Legacy, hiệu ứng 3D cực kỳ quan trọng trong việc mô tả bản chất sự thay đổi của nhân vật. Đơn cử như, một bồn tắm trở thành một cơn thủy triều khổng lồ, một chiếc xe lửa đồ chơi phóng đi với tốc độ cao và đàn kiến trở thành một đạo quân khổng lồ.
 
 
Về điểm yếu của phim, lại một lần nữa, Marvel đã không phát triển tốt tính chất của một kẻ phản diện và khiến cho khán giả không có cảm giác bị đe dọa. Darren Cross, được thủ vai bởi tài tử Corey Stoll, một gã xấu xa với những động cơ ngớ ngẩn theo đúng mô típ của một vài nhân vật Marvel trước đây. Chính xác thì Cross gần như là một Obadiah Stane phiên bản trẻ với cùng lý tưởng tương tự trong Iron Man. Điều này cũng rất đáng tiếc vì Corey Stoll thực sự là một diễn viên tài năng, bằng chứng là màn trình diễn đầy ấn tượng của anh trong series House Of Cards.

Nếu phải nêu ra một điểm không hài lòng, đó chính là cốt truyện Ant-Man gần như rất giống với Iron Man, vì cả hai đều tập trung sự tranh cãi lên bộ đồ. Hơn nữa, số lượng các nhân vật phản diện và các nhân vật nữ trong phim khá ít. Trong khi Evangeline Lilly cực ngầu với vai Hope Van Dyne thì vai trò của Judy Geer lại bị lãng phí khá đáng tiếc.
 
 
Cuối cùng, một lời khuyên dành cho những khán giả sắp thưởng thức bộ phim: hãy dẫn theo con em của bạn cùng đi xem. Đây chính là một hình tượng siêu anh hùng mà các em nhỏ nên yêu thích. Mặc dù có một vài vấn đề nhỏ về ngôn từ đối với một số phụ huynh nhạy cảm, nhưng đây sẽ là một khoảng thời gian tuyệt vời cho gia đình. Phim mang rất nhiều thông điệp ca ngợi tình cha con như việc Scott Lang luôn làm mọi việc để nghĩ cho đứa con gái Cassie, hay việc Hank Pym không muốn mạo hiểm mạng sống của Hope. Chắc chắn những chi tiết này sẽ phần nào mang tính giáo dục với các em nhỏ và cả những bậc phụ huynh.
 
 

 

Hiện tại, với việc Ant-Man sẽ góp mặt vào bom tấn Captain America: Civil War, điều này sẽ khiến cho nhiều khán giả phấn khích hơn nữa nếu họ chịu kiên nhẫn nán lại ít phút để theo dõi đoạn after-credit thứ hai trong phim.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất