Huấn luyện viên Việt vừa sai vừa dễ dãi
Những giấc mơ ca hát giờ đã có bến đậu là những cuộc thi âm nhạc trên truyền hình nhưng truyền hình thực tế không chỉ là bến đậu cho thí sinh mà còn là sân chơi đầy tiềm năng cho giám khảo.
Nhưng không phải giám khảo nào cũng là ngôi sao trên ghế nóng. Có thể họ hát rất hay trên sân khấu, còn trên chiếc ghế quyền lực kia, giọng hát và lời nhận xét của họ lại không cùng đẳng cấp với nhau.
“Việt vị” trong truyền hình trực tiếp
Bạn nghĩ gì khi HLV Tuấn Hưng nhận xét về phần thi Dệt tầm gai của ca nương Kiều Anh tại live show 3 Giọng hát Việt mới đây rằng: “Anh muốn em kết hợp giữa làn điệu chèo của em và âm nhạc hiện đại để tạo nên một điều gì đấy Việt Nam và cũng rất độc đáo”?
Thật ra ca nương thì không hát chèo, họ hát ca trù.
Cũng trong đêm live show này, ở phần thi của Kimmese với ca khúc Ngỡ đâu tình đã quên mình HLV Mỹ Tâm đã rất thích và nhận xét rằng Kimmese đã hát một bài Jazz rất hay. Nhưng đúng ra, cách phối và cách hát với những đoạn lấy hơi ngắt nhịp của Kimese phần nhiều là RnB và Soul.
Việc các HLV mắc hàng loạt những lỗi sai mà nhiều khi là sơ đẳng trong nhận xét của mình ở các đêm truyền hình trực tiếp. Nó chẳng khác nào bị “việt vị”!
Dàn giám khảo của Giọng hát Việt 2015 tuy được mong chờ sẽ mang lại nhiều thay đổi nhưng càng vào sâu càng... hụt hơi.
Nhưng những cái sai ấy chưa lớn bằng những lời nhận xét vỗ về của một loạt những giám khảo danh tiếng. Ngồi ở ghế nóng Giọng hát Việt, Vietnam Idol…, những chương trình âm nhạc truyền hình thu hút công chúng bậc nhất đúng ra những giám khảo phải thật sự là những người chuyên môn, phân tích sự đúng sai, hay dở trong giọng hát.
Nhưng cách mà họ nhận xét khiến nhiều người hoang mang: “Em là một diva tương lai”, “Bây giờ em không còn là thí sinh nữa mà đã trở thành đồng nghiệp của tôi”, “em thật sự là Taylor Swift của Việt Nam” hay “Ông trời đã định đoạt để con sinh ra phải trở thành một ngôi sao sáng” (Giọng hát Việt Nhí)…
Chỉ trong khoảng 10 năm, những nhận xét của giám khảo trong các chương trình âm nhạc truyền hình đã bớt xù xì hơn, bớt độ nghiêm khắc hơn, bớt sự dạy dỗ hơn… để rồi tạo ra một lớp ca sĩ kế thừa với những ước mơ quá tầm với.
Họ ngộ nhận về chính bản thân mình ngay từ trên sân khấu khi được tung lên mây. Nhiều người vẫn tin điều ấy sau cuộc thi. Phần lớn khác đã chạm đất và vẫn cứ hoang mang. Họ không biết mình đang ở đâu trong vòng xoáy đào thải khắc nghiệt của những cuộc thi vun đắp ước mơ như thế này.
Tính trong vòng 5 năm qua, những “nhân tài” đi ra từ các cuộc thi đình đám, ai trụ, ai lặn? Khán giả nhớ đến họ một vòng đấu hoặc một cuộc thi và quên họ cả một thời gian dài sau đó khi có những tài năng khác thay thế. Sự cuồng nhiệt của quần chúng là trong giây lát nhưng sự ngộ nhận vẫn cứ đeo bám cuộc đời của mỗi thí sinh.
Ai có lỗi trong việc làm họ bị ngộ nhận?
Và những giấc mơ phi thực tế của truyền hình thực tế...
Mười năm trước, dàn giám khảo của Sao Mai - Điểm hẹn là những người đầu tiên thổi tung những chuẩn mực trước đó. Họ nói những điều chưa ai dám nói (Em bị điên nhưng tôi thích cái điên của em – Giám khảo Đỗ Trung Quân nhận xét về Ngọc Khuê) nhưng tịnh không ai đưa những thí sinh ấy lên mây.
Những ai mê chương truyền hình âm nhạc thời ấy đều cũng sẽ rất mê nhạc sĩ Tuấn Khanh với những nhận xét mực thước, đi thẳng vào vấn đề, rõ ràng, mạch lạc và có tình có lý.
Hoặc nhiều người sẽ còn nhớ vụ ồn ào trong nhận xét của nhạc sĩ Trần Tiến với phần trình bày ca khúc Đơn giản của Trúc Diễm trong chương trình Album vàng “hôm nay hát khá tệ và tôi thất vọng hoàn toàn vì bạn hát rất dở”.
Kết cục sau đó thì sao? Nhạc sĩ Trần Tiến cáo bận và không tham gia làm giám khảo chương trình này nữa. Điều này cũng đã thấy ở trường hợp Tuấn Khanh, Đỗ Trung Quân trước đó hay Quốc Bảo sau này.
Một câu hỏi được đặt ra là tại sao khi những chương trình âm nhạc THTT ngày càng bùng nổ sẽ càng cần phải kéo theo những giám khảo chuyên môn chắc tay để đảm bảo tính chuyên môn của chương trình thì tại sao những nhà sản xuất không mời những người có chuyên môn ngồi ghế nóng?
Câu trả lời rất đơn giản: Bởi họ không “hot”.
Giám khảo bây giờ là phải “hot” để kéo khán giả. Khán giả quyết định rating của chương trình và từ đó mới lôi kéo được nhà tài trợ.
Một nhà sản xuất chương trình truyền hình âm nhạc giấu tên, nói rằng “Khán giả chỉ cần cười và không cần suy nghĩ chi cho nặng đầu. Chuyên môn quá sẽ làm sập chương trình”.
Vì thế, trong một vài chương trình âm nhạc truyền hình, người ta thấy có cả những… danh hài. Khán giả thì đúng là có cười nhưng “âm nhạc”, tinh thần cốt lõi của chương trình thì nhiều người chẳng để ý.
Năm ngoái, tại chương trình âm nhạc The Winner is (Tôi là người chiến thắng), giám khảo Đức Huy phải bật dậy và nói rằng “Các bạn giám khảo ơi, chúng ta hãy làm việc kỹ càng thêm một chút nhé.
Mặc dù chỉ có hai cái nút nhưng mà nhìn cho kỹ và ấn cho đúng, chúng ta phải làm việc công tâm để chọn ra được người chiến thắng đêm nay. Các bạn đồng ý không ạ?”.
Có lẽ vì thế mà sự công tâm bây giờ cũng chỉ là để giải trí mà thôi.
Các giám khảo “hot” nhảy cóc liên tục từ chương trình này sang chương trình khác, cát xê tăng dần mỗi năm. Thí sinh trượt show này lại thi sang show khác. Những lời có cánh cứ vẫn tiếp tục được vỗ về cho đúng format, “tiền thầy thì vẫn bỏ túi”, sống chết tùy thí sinh.
Và cứ thế những ước mơ cứ bị đẩy lên. Phương Mỹ Chi làm ca sĩ chưa xong, có lúc còn được mời làm giám khảo. Người trong cuộc biết lố nhưng vẫn làm, người bên ngoài thì ôm ấp hình ảnh ấy để vươn tới.
Truyền hình thực tế âm nhạc ở Việt Nam đang tạo nên những giấc mơ phi thực tế là vì vậy.
Video được xem nhiều nhất