Hàng loạt ngôi sao phải trả giá
Tình trạng bạo lực học đường ngày càng nghiêm trọng tại Hàn Quốc và để lại nỗi đau về thể xác, tinh thần cho nạn nhân. Do đó, khán giả quyết tẩy chay nghệ sĩ từng bắt nạt bạn học.
Làn sóng tố cáo những người nổi tiếng, đặc biệt giải trí và thể thao tại Hàn Quốc bắt đầu từ năm 2021. Hàng loạt ngôi sao phải trả giá vì những gì họ làm trong quá khứ dẫn đến sự tổn thương cho nạn nhân. Điều đó khiến các nạn nhân được tiếp thêm sức mạnh để lên tiếng và vạch mặt nhiều nghệ sĩ.
Năm 2022, thêm nhiều ngôi sao bị cáo buộc bạo lực học đường. Vụ việc của Kim Ga Ram - thành viên nhóm Le Sserafim - đang nhận sự quan tâm. Khán giả đòi đuổi Kim Ga Ram để trả lại sự trong sạch cho Kpop.
Làn sóng tố cáo các thần tượng
Tháng 3/2021, tờ Korea Herald đưa tin nhiều cầu thủ bóng chuyền chuyên nghiệp vướng bê bối bắt nạt. Một trong số đó là Park Sang Ha đã tuyên bố giải nghệ sau khi thừa nhận cáo buộc bạo lực học đường. Sau đó, cáo buộc khác được đưa ra với cầu thủ bóng chày Yoo Jang Hyuk của Hanwha Eagles. Người tố cáo cho biết Yoo Jang Hyuk đã hành hung và bắt nạt một bạn học trong trường tiểu học.
Làn sóng phẫn nộ không giới hạn trong cộng đồng thể thao. Giữa năm 2021, hàng loạt tài khoản cho biết họ từng bị những người nổi tiếng bắt nạt khi còn đi học. Soojin (cựu thành viên nhóm nhạc nữ (G)I-DLE), Mingyu (Seventeen), ca sĩ Kim So Hye, diễn viên Park Hye Soo, Kim Dong Hee, Kim Ji Soo, Cho Byung Kyu... bị chỉ trích.
Trường hợp của Soojin nghiêm trọng nhất. Nữ ca sĩ bị tố có quá khứ chơi bời, hút thuốc, uống rượu, ăn cắp tiền, thậm chí đánh bạn bè hoặc ép họ làm vậy với người khác. Tháng 8/2021, Cube Entertainment thông báo Soojin rời nhóm (G)I-DLE. Tháng 3, Cube Entertainment chấm dứt hợp đồng độc quyền với Soojin.
Soojin bị đuổi khỏi nhóm và công ty Cube vì vướng cáo buộc bạo lực học đường.
Kwak Geum Ju, giáo sư tâm lý học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết trên The Korea Herald: “Quá khứ bạo lực học đường của hàng loạt người nổi tiếng bị phanh phui xuất phát từ việc nạn nhân vẫn chịu tổn thương. Họ muốn chữa lành những ân oán và vết thương mà họ đã phải chịu đựng trong quá khứ. Họ yêu cầu một lời xin lỗi”.
Kim Ga Ram đang là tâm điểm gây tranh cãi. Ngay từ trước khi ra mắt cùng nhóm nhạc Le Sserafim, nữ ca sĩ đã bị tố thường xuyên nhạo báng, bắt nạt bạn học. Công ty của cô là HYBE phủ nhận, thậm chí tuyên bố đâm đơn kiện những người tung tin sai sự thực.
Tuy nhiên, theo diễn biến mới nhất, người tố cáo (tạm gọi là A) thông qua công ty luật tuyên bố tung thêm bằng chứng nếu HYBE tiếp tục khẳng định Kim Ga Ram vô tội.
Ngoài ra, nhiều tài khoản khác cũng lên tiếng tố cáo nữ ca sĩ 17 tuổi trong những ngày qua. Đại diện của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho biết việc Kim Ga Ram bị xử phạt ở mức 5 từ ủy ban bạo lực học đường là nghiêm trọng.
Do đó, công chúng nghi ngờ HYBE và yêu cầu công ty này đuổi Kim Ga Ram khỏi nhóm Le Sserafim. Người hâm mộ cũng quay lưng và liên tục viết bài đòi loại bỏ Kim Ga Ram.
Ngày 24/5, hãng truyền thông Money Today tiết lộ một thí sinh của Show Me The Money 10 bị trừng phạt vì hành vi bắt nạt học đường. Danh tính của rapper không được tiết lộ do anh là trẻ vị thành niên (13 tuổi).
Theo tin tức của Money Today, rapper đã lạm dụng nạn nhân trong 6 tháng. Rapper cười nhạo hoàn cảnh nghèo khó của nạn nhân. Nạn nhân tố cáo rapper đánh vào đầu và chân anh. Rapper thừa nhận dùng bút chì đâm vào chân nạn nhân nhưng phủ nhận việc đánh vào đầu.
Money Today cho biết thêm nạn nhân cũng phải đối mặt với vấn đề lạm dụng tình dục.
Sự việc của Kim Ga Ram và rapper nói trên đang đẩy làn sóng tức giận của công chúng với tình trạng bạo lực học đường tại Hàn Quốc lên cao.
Nỗi đau của các nạn nhân
Lee Jeong Hee - giáo viên tại Healing Center Haemalgum, một tổ chức dành cho nạn nhân bạo lực học đường - cho biết phản ứng của công chúng đối với vấn đề này đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua. Lý do là công chúng đã có nhận thức đúng đắn hơn về nỗi đau mà nạn nhân bạo lực học đường phải gánh chịu.
Do đó, khán giả ngày càng gay gắt và không dung tha với những nghệ sĩ có quá khứ bạo lực học đường.
“Trước đây, bạo lực học đường chỉ được coi như sai sót nhỏ, có thể xảy ra giữa những người bạn cùng lớp. Khi đó, mọi người thường tập trung vào những kẻ bắt nạt và tìm cách trừng phạt, cải tạo chúng. Không nhiều người quan tâm đến những nạn nhân bị tổn thương suốt đời. Họ đôi khi không thể hòa nhập với xã hội. Các nạn nhân là những người nên được giúp đỡ”, Lee Jeong Hee nói với Korea Herald.
Đáng nói, tình hình của các nạn nhân thêm nghiêm trọng khi người bắt nạt họ lại xuất hiện thường xuyên trên sóng truyền hình và trở nên nổi tiếng. Điều đó không khác gì vết dao cứa vào vết thương vốn đang âm ỉ.
Trong vụ việc của Kim Ga Ram, công ty luật Daeryun cho biết A đã cố gắng tự tử do quá lo lắng và sợ hãi. Theo công ty luật, những người hâm mộ Le Sserafim đã chỉ trích A trên mạng và HYBE không giải quyết tình huống trên khiến tình trạng của cô trở nên tồi tệ.
Kim Ga Ram đang tạm dừng hoạt động sau khi vướng cáo buộc.
“Cô ấy đã phải ngừng đến trường và đang gặp bác sĩ tâm lý. Mẹ cô ấy phải theo dõi con gái 17 tuổi để cô ấy không có ý định tự tử một lần nữa. Đó là lý do chúng tôi sẽ tiết lộ tất cả tài liệu chính thức của trường và tin nhắn văn bản do Kim Ga Ram gửi, bao gồm ngôn từ lăng mạ nếu HYBE tiếp tục giữ lập trường rằng Kim Ga Ram là nạn nhân”, Daeryun cho biết.
Theo INF, số vụ tự tử của học sinh Hàn Quốc tăng từ 114 vụ năm 2018 lên 148 vụ vào năm 2020.
Tờ Han Yangian của Đại học Hanyang chỉ ra nạn nhân của bạo lực học đường thường bị sang chấn do hành vi của kẻ bắt nạt. Họ bị chấn thương tâm lý, thể chất như trầm cảm, lo lắng và lòng tự trọng thấp một cách nguy hiểm, trong các tình huống xấu hơn họ có thể nghĩ tới tự tử.
Kwon Sun Joo, giáo sư tại Đại học Hanyang cho biết: “Những tổn thương về bạo lực học đường được cơ thể ghi nhớ suốt thời gian dài. Do đó, các biện pháp bảo vệ đơn giản có thể không đủ để chữa lành cho nạn nhân".
Vấn nạn tại các trường học Hàn Quốc
Bạo lực học đường trở thành vấn đề nhức nhối của ngành giáo dục Hàn Quốc. Một cuộc khảo sát năm 2020 do Bộ Giáo dục công bố cho thấy 28,1% trong số 9.300 học sinh thừa nhận bị bắt nạt.
Một cuộc khảo sát khác vào cuối năm 2019 của Bộ Giáo dục cho thấy số học sinh bị bạo lực học đường đã tăng từ 37.000 (năm 2017) lên khoảng 60.000. Bạn cùng lớp (48,7%) là phổ biến nhất trong số thủ phạm, tiếp theo là học sinh ở các lớp khác (30,1%).
Hầu hết vụ bạo lực học đường diễn ra trong lớp học (30,6%) và hành lang (14,5%). Đối với học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông, không gian mạng (trên 10%) là địa điểm phổ biến thứ 3 của bạo lực học đường.
Trong số các hình thức bạo lực học đường, lạm dụng bằng lời nói là phổ biến nhất, tiếp theo là bắt nạt nhóm, bắt nạt trên mạng, rình rập và lạm dụng thể chất. Ngoài ra, các nạn nhân có thể bị tống tiền, ép làm việc vặt, quấy rối và hành hung tình dục. Bắt nạt tập thể chiếm 23,2% tổng số vụ bạo lực học đường.
Tới năm 2021, thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc cho thấy khoảng 1,1% học sinh từng bị bạo lực học đường, phổ biến nhất là bạo lực bằng lời nói (41,7%) và bạo lực thân thể (12,4%).
Diễn viên Park Hye Soo cùng nhiều nghệ sĩ bị tẩy chay.
Những con số trên cho thấy bạo lực học đường không phải cuộc tranh luận, đánh nhau đơn thuần giữa trẻ em. Đây là là vấn đề nghiêm trọng, cần được giáo dục khẩn cấp ở cấp độ toàn trường.
Đầu năm 2021, tại học viện nội trú ở Gyeongnam, nhiều nạn nhân bị nhóm người ép gục đầu vào bồn cầu, uống nước tiểu… Hành vi quấy rối trẻ vị thành niên đã vượt quá môi trường học đường và lan sang các cơ sở lân cận.
Vì những lý do trên, công chúng Hàn Quốc ngày càng quyết liệt trước tình trạng bạo lực học đường. Họ lên án và tẩy chay các ngôi sao có quá khứ xấu xí khi đi học để phần nào giải quyết vấn nạn bạo lực học đường vốn nhức nhối tại Hàn Quốc nhiều năm qua.
Theo Zing
|
|
theo nguồn https://2sao.vn/nhac-c-aap/
Video được xem nhiều nhất