Gặp nhau vì tình yêu dân ca

Tuổi trẻ - 29/06/2016, 15:03

Sinh viên hiện đại thích hip hop, dance, flashmob... và chẳng mấy ai quan tâm đến các loại hình nghệ thuật truyền thống? Không! Câu lạc bộ (CLB) dân ca Trường đại học Kinh tế TP.HCM chứng minh điều ngược lại khi tồn tại và phát triển suốt 20 năm qua.

Một tiết mục của CLB dân ca ĐH Kinh tế TP.HCM trong gala tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” của trường - Ảnh: N.L.

Một tiết mục của CLB dân ca ĐH Kinh tế TP.HCM trong gala tuyên dương “Sinh viên 5 tốt” của trường - Ảnh: N.L.

Anh Nguyễn Thiện Duy (trưởng phòng công tác chính trị Trường đại học Kinh tế TP.HCM) kể: “Sau năm 1995, Hội sinh viên trường chính thức khôi phục thì nhận được nguyện vọng của một số bạn sinh viên về việc thành lập một CLB gìn giữ và phát huy truyền thống dân tộc”.

Tuy vậy, CLB đã có những lúc “tàn” và nguy cơ tan rã. Vì đặc thù của dân ca là sự trau chuốt chất giọng và uyển chuyển điệu múa trong khi thành viên chủ yếu là sinh viên kinh tế, mê những con số khô khan, không được đào tạo bài bản về ca múa. Thêm vào đó, trang phục và đạo cụ không có kinh phí đầu tư, khó truyền tải hết nội dung về văn hóa truyền thống.

Là một trong những bạn trẻ gắn bó với CLB ngay từ những ngày đầu tiên bước chân vào giảng đường đại học, bạn Trần Ngọc Lương trăn trở: “Phần lớn bạn trẻ yêu thích các bài nhạc sôi động, nhạc nước ngoài, các bài nhảy hiện đại... trong khi dân ca lại mượt mà, nhẹ nhàng, sâu lắng nên các bạn thường buồn ngủ, chỉ khi đạt được sự tinh tế mới cảm được lòng khán giả”.

Nhưng một lần nghe các bạn tập bài Lý mười thương đệm trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc, Lương nói: “Đã lắm, phấn chấn hẳn, thấy đúng nhạc đó là nhạc mình thích rồi”. Lương dành thời gian đi làm thêm cùng bạn bè, số tiền kiếm được bạn mời một số anh chị ở trường múa về tập cho một số bạn trong CLB.

Đến nay cũng gần 40 thành viên, các dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán, 30-4, Tết Trung thu, CLB được mời tham gia biểu diễn trong nhiều chương trình.

Anh Bùi Quang Việt (chủ nhiệm nhiệm kỳ 1 của CLB) kỳ vọng sự phát triển của CLB: “CLB thật sự làm cho sinh viên hiện đại cảm nhận về tình yêu quê hương, Tổ quốc bằng những làn điệu dân ca. Mình có giao lưu quốc tế, có hội nhập quốc tế thì phải yêu văn hóa dân tộc”.

Câu chuyện của những người trẻ như Lương và trăn trở của những cựu thành viên CLB như anh Việt khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.

Ra trường có người đã trở thành “sếp to ở ngân hàng lớn”, có người trở thành giảng viên gạo cội của trường, có bạn bận bịu với chuyện chứng khoán, giao dịch... nhưng sau công việc bộn bề, họ vẫn yêu và nghe dân ca, vẫn tìm về nhau vì sự phát triển của CLB.

 

HOÀNG HIẾU

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất