Chồng Thu Phương: Giận nhau đến mấy, khi đi ngủ vẫn nói “Anh yêu em. Ngủ ngon nhé, em yêu!”
Afamily -
15/11/2016, 18:25
"Ngày nào tôi cũng nói “I love you”. Vừa cãi nhau xong nhưng đến giờ đi ngủ, tôi cũng nói “I love you. Goodnight, honey”." - ông bầu Dũng Taylor, chồng ca sĩ Thu Phương chia sẻ.
Thu Phương vừa có một đêm nhạc kỉ niệm 30 năm ca hát tại Nhà hát Tuổi trẻ, nơi cô khởi nghiệp từ năm 14 tuổi. Ít ai biết, khởi nguồn cho đêm nhạc tri ân đặc biệt tại địa chỉ cũng rất đặc biệt này chính là ý tưởng của Dũng Taylor. Ông bầu Việt kiều cho rằng không nơi nào giúp Thu Phương khơi gợi nhiều kỉ niệm và giãi bày được nhiều tâm sự của quãng thời gian dài bằng nửa đời người bằng nơi mà cô đã được phát hiện và nuôi dưỡng tài năng. Suốt đêm nhạc, Thu Phương khóc nhiều như hát. Thế mới biết, Dũng Taylor yêu và hiểu người vợ diva của mình tới cỡ nào.
Trong 30 năm ca hát của Thu Phương, Dũng Taylor chiếm hơn 1/3 thời gian. Thế nhưng chính anh lại cho rằng con số 13/30 năm ấy chẳng chứng minh được gì. Điều quan trọng là những gì mà anh và Thu Phương đã trải qua cùng nhau.
Có những người ở với nhau 2 năm vẫn quý giá hơn những người ở với nhau 20 năm
30 năm của Thu Phương thì có tới 13 năm gắn kết như bóng với hình với Dũng Taylor. Anh có tự hào vì điều này?
Thời gian mình ở với một người nào đó không nói lên điều gì cả. Nhưng những điều mà mình đã trải qua trong thời gian đó thì nói lên rất nhiều. Do đó, có những người ở với nhau 2 năm vẫn quý giá hơn những người ở với nhau 20 năm, là vì những điều họ trải qua cùng nhau trong hai năm ấy. Tôi và Phương cũng vậy. 13 năm chẳng có nghĩa lý gì so với những sóng gió thử thách mà chúng tôi đã cùng nhau vượt qua. Tôi tự hào là vì những thử thách ấy.
Nhìn lại thời điểm cách đây 13 năm, điều gì ở Thu Phương, một người phụ nữ đã từng có gia đình và hai con nhỏ, đã thu hút một bầu sô nổi tiếng đào hoa như Dũng Taylor?
Trước khi làm bầu sô, tôi có một sở thích là sưu tầm các ca khúc, đĩa nhạc của ca sĩ trong nước lẫn hải ngoại, rồi lọc ra các bài hay, làm thành đĩa riêng tặng bạn bè. Cơ duyên ấy khiến tôi biết đến Phương qua ca khúc Dòng sông lơ đãng. Khi Phương qua Mỹ diễn, tôi rất bàng quan. Những gì tôi biết chỉ là cặp hát đó rất nổi tiếng ở Hà Nội. Rồi khi Phương sang Mỹ định cư, tôi làm việc với Phương theo đúng mối quan hệ cộng sinh bầu sô ca sĩ, hợp tác lạnh lùng. Sau này có thời gian tìm hiểu, tôi mới biết Phương có hai con ở Hà Nội. Tôi cũng biết thêm là Phương quyết định sang Mỹ là vì muốn các con có một tương lai tốt hơn chứ thời điểm đó ở Việt Nam, Phương đang có tất cả. Phương đã chọn đánh đổi, hi sinh. Càng có thời gian làm việc với nhau, tôi càng có nhận định khác về Phương. Rằng người phụ nữ này rất khác. Ngoài giờ hát, cô ấy không thích ra ngoài, không thích giao du, chỉ thích ở nhà nấu nướng, tập trung cho gia đình con cái. Điểm đó gây sự chú ý và thu hút tôi, thôi thúc tôi làm điều gì đó để giúp Phương biến giấc mơ thành hiện thực. Đó cũng là điều kết nối tôi với Phương lại với nhau.
Thu Phương trước đây nổi tiếng là người phụ nữ mạnh mẽ, quyết đoán và có phần lấn át người bạn đời cũ của mình là Huy MC. Nhưng từ khi gắn bó với anh, cô ấy bỗng dưng tràn đầy nữ tính. Điều gì khiến anh có thể thuần hóa, “ghìm cương” được cô ấy?
Với một người phụ nữ thông minh, có chủ kiến thì luôn cần sự thuyết phục chứ không phải dùng sức mạnh để lấn át. Có thể những năm đầu ở Mỹ, Thu Phương còn bỡ ngỡ xa lạ nên cô ấy đã đặt hoàn toàn niềm tin vào tôi. Từ việc lớn nhỏ ở hải ngoại tôi đều là người sắp xếp và Phương tin tưởng hoàn toàn vào điều đó. Tôi thấy Phương rất thích vai trò của người phụ nữ gia đình nên tôi luôn cố gắng làm tốt vai trò của người đàn ông. Khi mình làm tốt vai trò của người đàn ông thì người phụ nữ cũng có cơ hội thể hiện vai trò nữ tính của họ, không lấn át cũng không vượt lên trên mình.
Văn hóa Mỹ cũng khác văn hóa Á Châu, mối quan hệ vợ chồng giống kiểu “partner”. Trong mọi vấn đề, đối phương chỉ góp ý chứ không áp đặt. Và dù có đồng tình hay không đồng tình với nhau thì cũng luôn ủng hộ nhau. Về Việt Nam lần này, có nhiều thứ tôi và Phương không cùng quan điểm. Tôi để cho Thu Phương hầu như toàn quyền quyết định mọi việc vì cô ấy hiểu Việt Nam hơn tôi. Nhưng cô ấy biết nếu cô ấy có ngã thì đã có cái lưới là tôi đỡ cô ấy phía dưới.
Dù để Thu Phương hoàn toàn tự quyết định song Dũng Taylor luôn ở phía sau
Hàng rào khủng khiếp nhất chính là con cái
Như anh vừa chia sẻ, điều quan trọng nhất trong 13 năm của Thu Phương – Dũng Taylor là những sóng gió hai người phải vượt qua cùng nhau. Sóng gió ấy là gì vậy?
Sóng gió thì nhiều. Nhưng sóng gió, chướng ngại lớn nhất chính là việc giáo dục con cái. Duy Hải (con riêng của Thu Phương và Huy MC – pv) là thử thách lớn nhất đối với tôi. Ở Mỹ, bố mẹ tạo cho con sự tự do, tự lập. Nhưng Duy Hải đến từ môi trường văn hóa khác, ít va chạm, được ông bà bao bọc, khi thả vào môi trường kiểu Mỹ thì nó bỗng dưng thấy mình có nhiều quyền. Duy Hải lại ở tuổi mới lớn, người ta hay gọi là tuổi dở hơi, chưa phải thanh niên mà cũng không phải trẻ con, nên nó là nỗi đau đầu của chúng tôi.
Cái tuổi từ 12 đến 18, phụ huynh bên Mỹ còn mất ăn mất ngủ. Ở đây lại có sự va đập về văn hóa, không chỉ giữa tôi với Hải mà còn giữa tôi với Thu Phương. Tôi luôn luôn phải chứng minh cho Phương thấy là tôi làm thế vì lo cho Hải chứ không có sự thiên kiến nào. Trong khi đó, tôi chưa từng làm cha, chưa từng có gia đình. Phương sẽ hỏi tôi anh dựa vào đâu mà anh làm thế, em có gia đình em rành hơn anh chứ. Tôi phải thuyết phục Phương rằng tôi không có kinh nghiệm làm cha nhưng tôi có kinh nghiệm học hành giáo dục. Tôi còn phải đồng bộ trong giáo dục cả Thảo (con gái riêng của Thu Phương – pv) và hai con chung để Phương thấy tôi yêu các con rất công bằng, không thiên vị ai. Và Duy Hải cũng thấy cha dạy dỗ và yêu thương các em giống như cách đã dạy dỗ và yêu thương mình.
Dũng Taylor luôn đối xử với các con bằng tình yêu thương công bằng, không thiên vị.
Người mẹ nào cũng thế thôi, chứ không riêng gì Thu Phương, luôn như con gà xòe lông cánh bảo vệ con mình.
Đúng thế. Tôi vẫn nói Phương là con gà mái mẹ, lúc nào cũng chỉ chực xòe lông cánh bảo vệ con. Còn tôi mạnh mẽ, vạm vỡ, tôi như con diều hâu vậy. Chẳng riêng với Duy Hải, với các con bé cũng thế. Mỗi khi Phương dọa con là Phương la lên gọi bố, khi bố đến thì vội vàng xòe cánh “lại đây, lại đây với mẹ”. Tôi bảo Phương "em luôn biến anh thành ông Kẹ". Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà, câu các cụ nói ngàn năm qua không bao giờ sai. Nhưng đó là bản năng của một người mẹ. Thêm nữa Phương là người Bắc, rất bảo thủ. Cách dạy con của người Bắc đã khác với người Nam, đừng nói chi đến việc tôi lớn lên ở Mỹ. Nếu Thu Phương không có con riêng thì chúng tôi cũng sẽ có sự va chạm khi sinh con thôi. Nhưng sự va chạm ấy đã đến sớm hơn khi chúng tôi đón bé Duy Hải và bé Thảo sang. Thử thách lớn nhất của tôi là phải vượt qua hàng rào văn hóa giữa hai người.
Thu Phương lúc nào cũng như con gà mái mẹ, chỉ chực xòe lông cánh bảo vệ con.
Bố mẹ của Thu Phương tiếp nhận anh như thế nào? Họ nói gì về cách giáo dục con cái của anh?
Đến Phương còn lấn cấn cách tôi đối xử với con Phương, thì ông bà còn lấn cấn hơn cách tôi đối xử với cháu ông bà. Phương ở gần tôi, còn hiểu tôi. Ông bà thì ở xa, chỉ nghe chứ không thấy được. Nói thế thì bạn cũng đủ hiểu hàng rào của ông bà còn khủng khiếp đến chừng nào. Nhưng tôi không vì điều ấy mà thay đổi cách giáo dục con. Tôi nghĩ cuối cùng điều họ muốn thấy là tôi thương yêu Phương và các con như thế nào. Chỉ cần điều đó đủ để cảm hóa mọi thứ. Ông bà sang Mỹ định cư đã được 6 năm. 6 năm đủ để ông bà nhìn nhận lại và cảm nhận được.
Hiện tại, giữa anh và Thu Phương có còn sự va đập văn hóa hay không?
Nói là va đập thì không hẳn nhưng chúng tôi vẫn khác nhau. Phương giống hầu hết bố mẹ Việt, ít khi bày tỏ tình cảm bằng lời với con. Cô ấy rất yêu con, nhưng thể hiện theo cách khác, ví như cắt móng chân móng tay cho con trai. Mà tôi thì lại muốn con trai phải mạnh mẽ, phải cắt móng tay móng chân cho mẹ. Văn hóa Mỹ khác, luôn thể hiện bằng lời. Tôi thường xuyên nói “bố rất hãnh diện về con”, “bố yêu con”. Tôi viết Facebook để con thấy bố mẹ tự hào về con ra sao. Con cái rất cần sự yêu thương và cổ vũ bằng lời từ bố mẹ. Khi nó không tìm được điều đó, thì nó mới tìm đến sự cổ vũ từ bạn bè, đám đông, mạng xã hội. Nó sẽ dễ ngộ nhận về bản thân, mất định hướng đúng đắn. Như con trai bé của chúng tôi mới 7 tuổi thôi nhưng mỗi khi đưa cháu đi học võ, tôi để ý thấy hôm nào tôi quan sát cháu thì cháu rất “thể hiện”, rất giỏi. Trẻ con luôn có nhu cầu được khẳng định bản thân với bố mẹ chúng.
Hai con một chung một riêng của Thu Phương - Dũng Taylor
Mỗi ngày đều nói “Anh yêu em”
13 năm trôi qua, sau bao sóng gió, tình yêu của Dũng Taylor và Thu Phương hẳn đã thôi những nồng nàn ban đầu mà chuyển sang giai đoạn sâu lắng hơn, an nhiên hơn?
Nếu cứ nghĩ tình yêu qua thời gian sẽ trở nên trầm lặng, sẽ không cần những ngọt ngào âu yếm nữa thì chính là giết chết ái tình. Trong mối quan hệ vợ chồng không nên an phận, mà phải luôn cho đối phương thấy mình cố gắng mỗi ngày để làm tốt hơn. Chén úp trong sóng còn khua, mỗi khi vợ chồng có va chạm, tôi luôn cố gắng bù đắp cho Phương để Phương thấy với tôi cô ấy rất quan trọng. Tôi đưa Phương đi ăn, đi chơi, đến những nơi chỉ có hai người. Bình thường đi ngoài đường, chúng tôi luôn nắm tay nhau như ngày hẹn hò. Mỗi khi Phương đi diễn về, nhận được tin nhắn “máy bay em vừa đáp” thì tôi sẽ nhắn lại “Welcome home, I miss you! (Tạm dịch: Mừng em trở về nhà. Anh nhớ em!)” rồi mới nhắn tiếp “bố đang chạy đến đón mẹ đây”. Chứ không phải cụt lủn “Chờ chút đi”. Có những người chồng, vợ về nhà kể chuyện bị đụng xe, thì vội vàng la lên “anh biết ngay mà, em đi đứng cẩn thận chút đi có được không, đã bảo đi xe thì không được nghe điện thoại mà em đâu có nghe, tháng này kiểu gì tiền bảo hiểm cũng tăng…”. Đại loại 15 phút như thế không hỏi vợ lấy một câu “em có sao không?”. Nếu là tôi, tôi sẽ hỏi câu “em có sao không?” đầu tiên. Làm như thế, người phụ nữ của mình sẽ cảm thấy được trân trọng, cảm thấy mình vẫn còn sự thu hút đối với chồng. Mà khi mình làm cho cô ấy cảm thấy được điều đó, cô ấy sẽ đáp lại mình gấp 10 lần.
Dũng Taylor: Làm cho người phụ nữ hạnh phúc, họ sẽ đáp lại mình gấp 10 lần
Lúc nào anh cũng ngọt ngào như vậy được sao? Khó tin quá!
Đời sống thì lúc nào mà chẳng có vấn đề. Nhưng miễn là chúng ta còn trân trọng nhau thì sẽ không để cho cơn nóng giận của mình nó nói chuyện. Ngày nào tôi cũng nói “I love you”. Vừa cãi nhau xong nhưng đến giờ đi ngủ, tôi cũng nói “I love you. Goodnight, honey!”. Mình không biết đó có phải câu cuối cùng sẽ nói với nhau hay không nên không để câu cuối cùng là 1 câu nói cãi vã giận dỗi. Do vậy, tôi không bao giờ mang bực bội lên giường mà chỉ mang yêu thương lên giường. Với các con cũng thế. Người ngoài bảo tại sao màu mè vậy, bố mẹ vợ chồng mà cứ phải nói yêu thương liên tục vậy. Nhưng đó là cách tôi yêu thương những người yêu thương của mình.
Câu nói gì ở Thu Phương mà anh muốn nghe mỗi ngày?
“Em đang hạnh phúc”. Tôi làm tất cả là để cho người kia cảm thấy được bình an và hạnh phúc. Nên nếu cuối ngày, tôi nhìn thấy Phương hạnh phúc hay Phương nói điều đó với tôi thì tôi có thể làm mọi thứ mà xóa đi tất cả mệt mỏi, stress hay khó khăn.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này!
Video được xem nhiều nhất
Bình luận