Bằng Kiều khen Quang Lê, Lệ Quyên không có đối thủ
"Đêm tình nhân 2" có thể nói là cuộc hội ngộ lớn của các ca sĩ hải ngoại với khán giả Hà Nội. Cuộc hội ngộ và cả nghệ sĩ và khán giả đều để lại cho nhau những dấu ấn đẹp.
Đêm tình nhân 2 là một show diễn khá dài với gần 3 giờ đồng hồ dung lượng. Dài vì chương trình quy tụ đông nghệ sĩ, ai cũng có phần hát riêng và chung. Dài nữa do phần giao lưu, chia sẻ của nghệ sĩ chiếm tới một phần ba thời gian sân khấu.
Nhưng trong show diễn dài đó, khán phòng Trung tâm Hội nghị Quốc gia chật cứng khán giả từ đầu tới cuối.
Đêm tình nhân 2 là cuộc hội ngộ lớn của các ca sĩ hải ngoại với khán giả Hà Nội. |
Nếu là một đêm nhạc quy tụ những ngôi sao hàng đầu của Việt Nam hay một đêm nhạc của nghệ sĩ quốc tế, có thể lý giải được sức hút như trên. Nhưng đây là đêm nhạc mà ngoài Lệ Quyên thì toàn bộ các nghệ sĩ đều về từ hải ngoại.
Một năm, giỏi lắm các giọng ca hải ngoại về nước biểu diễn được từ 1 đến 2 lần. Họ cũng không có những sản phẩm âm nhạc chính thức được phát hành tại Việt Nam. Lý do nào khiến khán giả Hà Nội không chỉ hào hứng khi Tuấn Ngọc hay Bằng Kiều bước ra sân khấu mà có thể dành những tràng pháo tay nồng nhiệt cho Trịnh Lam hay Diễm Sương, những ca sĩ không phải top đầu của sân khấu hải ngoại?
Vài năm trở lại đây, các nghệ sĩ hải ngoại đã về nước biểu diễn nhiều hơn, nhiều giọng ca rời Việt Nam sang nước ngoài hoạt động nghệ thuật rồi lại trở về phát triển trở lại sự nghiệp trong nước như Bằng Kiều, Thu Phương. Nhưng các kênh tiếp xúc trực tiếp giữa khán giả trong nước và ca sĩ hải ngoại còn khá hạn chế.
Nhưng điều khá đặc biệt là sự kết nối giữa nhóm nghệ sĩ này với khán giả nội địa vẫn khá chặt chẽ. Họ có những kênh tiếp cận không chính thức nhưng lại rất bền bỉ. Những cửa hàng băng đĩa khắp trong Nam ngoài Bắc luôn coi các chương trình Thuý Nga là "hàng hot" dù hẳn đĩa không có bản quyền, chẳng khó khăn gì để lên mạng và tìm kiếm các ca khúc, đoạn quay hình các ca sĩ hải ngoại. Thậm chí, nói như chính Nguyễn Hưng, một kênh kết nối đặc biệt của ca sĩ hải ngoại với khán giả trong nước là... karaoke.
GIọng hát tốt, phong cách biểu diễn hết mình khiến Diễm Sương nhận được nhiều tràng pháo tay từ khán giả. |
Sự kết nối đặc biệt đó phần nào lý giải tại sao sau nhiều năm không xuất hiện trên sân khấu nội địa, Bằng Kiều vẫn có một lượng fan hâm mộ rất lớn ở Việt Nam, thậm chí còn lớn hơn khi họ vẫn được "cập nhật" những ca khúc và giọng hát của anh trên sân khấu hải ngoại.
Chọn chủ đề và thời điểm tổ chức show diễn vào mùa thu là một lựa chọn khôn khéo của ê-kíp sản xuất chương trình trong đó có ca sĩ Bằng Kiều trong vai trò biên tập âm nhạc.
Bởi các nghệ sĩ không chỉ tận dụng được những cảm xúc mà mùa thu Hà Nội đem tới cho họ. Mà quan trọng hơn, chủ đề đó, không khí đó phù hợp với phong cách trữ tình xuyên suốt chương trình.
Chỉ có vài điểm nhất sôi động với phần trình diễn của Nguyễn Hưng hay chút tiết tấu nhanh, tung tẩy swing và jazz của Khánh Hà. Nhưng không khí chủ đạo của chương trình vẫn là trữ tình, những ca khúc với tempo chậm rãi, ca từ đẹp đậm màu hoài nhớ.
Chủ ý của nhà tổ chức có vẻ muốn khán giả gặp những ca sĩ trẻ và mới như Diễm Sương trước rồi dần dần tới những người quen hơn như Lưu Bích, chốt lại mới là những điểm nhấn như Tuấn Ngọc, Lệ Quyên và Bằng Kiều.
Nhưng nếu đảo ngược lại, sẽ thấy ở đây sự tiếp biến những thế hệ của sân khấu ca nhạc hải ngoại. Từ thế hệ gạo cội tới những người đang ở vị trí vedette và cả những giọng ca mới đang được yêu thích.
Điểm chung của họ là đều hát với nội lực và tình cảm rất đầy đặn. Diễm Sương hẳn là cái tên còn rất mới với khán giả Việt. Nhưng giọng hát và cách hát cẩn trọng từng câu từng chữ dù là ca khúc trữ tình hay sôi động là điều mà cô làm có thể còn tốt hơn nhiều ca sĩ trẻ trong nước...
Có lẽ điều hơi tiếc trong show này là phần thể hiện của danh ca Tuấn Ngọc. Dường như tuổi tác bắt đầu hằn lên giọng ca của người nghệ sĩ tài hoa. Ông vẫn hát những bài hát phù hợp với mình nhưng người nghe thấy thiếu cái gì đó như là cảm xúc của ông chưa đầy đặn. Hay vì đúng thời điểm Tuấn Ngọc lên sân khấu, khán giả ra vào hơi nhộn nhạo làm ông sao nhãng?
Khánh Hà, cô em gái của Tuấn Ngọc cũng hơi "quá sức" với Ru ta ngậm ngùi nhưng khi trở lại với phong cách swing, bà hát thật sự tuyệt vời!
Lệ Quyên và Bằng Kiều thể hiện xứng đáng vị trí vedette của đêm nhạc. |
Nói như chính Bằng Kiều, khó ai hát nhạc quê hương "mùi" như Quang Lê. Dù Quang Lê có thị phi đến đâu thì Về đâu mái tóc người thương hay Đập vỡ cây đàn cũng phải là Quang Lê mới thoả được sự mong chờ của nhóm khán giả các bà các chị yêu nhạc quê hương.
Cái kết của Lệ Quyên và Bằng Kiều có lẽ không cần bàn về độ thuyết phục. Cả hai người, dù đơn ca hay song ca với nhau đều thể hiện giọng hát nội lực, khả năng làm chủ sân khấu chuyên nghiệp.
Hiếm có show diễn nào mà mọi nghệ sĩ khi bước ra và bước vào sân khấu đều xin khán giả dành tràng pháo tay cho ban nhạc và vũ đoàn. Điều mà các nghệ sĩ hải ngoại để lại lớn nhất trong lòng khán giả chính là hai chữ tri ân. Họ đã hát với hết cả cảm xúc trong mình, với hết cả sự tri ân cùng khán giả, cùng những người tạo cơ hội cho mình được hát trên quê hương. Đó là dấu ấn đẹp trong một đêm thu Hà Nội.
Video được xem nhiều nhất