Bài học từ Kế Hoàng hậu "Diên Hi Công Lược": Kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc

Kênh 14 - 28/08/2018, 04:25

Kế Hoàng hậu của Diên Hi Công Lược dùng cả thanh xuân để yêu Càn Long nhưng từ đầu đến cuối trái tim vị vua này vốn không hề có bà. Bà dành tất cả những gì tốt đẹp nhất của mình cho vua để rồi mất hết tất cả.

Sau khi tập cuối Diên Hi Công Lược lên sóng, đoạn trích được chia sẻ nhiều nhất trên mạng xã hội chính là trường đoạn Kế Hoàng hậu cắt tóc đoạn tình với vua Càn Long. Từ khắp Weibo xứ Trung đến Facebook xứ ta, diễn xuất của Xa Thi Mạn được ca ngợi hết lời. Với những chi tiết bám sát lịch sử, vai diễn của "chị đại" Xa Thi Mạn đã lột tả chân thực bi kịch của Kế Hoàng hậu trong Diên Hi Công Lược, cũng như Ô Lạp Na Lạp Hoàng hậu trong lịch sử Thanh triều.

Yêu càng lâu, hận càng sâu

Hẳn nhiều khán giả xem phim vẫn còn nhớ bài hát Cung Tường Liễu mà Thư Quý nhân (Lý Xuân Ái) hát ở Ngự hoa viên. Lời bài hát, từ đầu đến cuối như tiếng lòng của Kế Hoàng hậu, cũng như thân phận của những phi tần, cả thanh xuân bị khóa chặt trong Tử Cấm Thành. "Cung tường liễu, theo gió bay. Yêu dằng dặc, hận in sâu. Tự làm kén nhốt thân mình".

Những tập đầu, Kế Hoàng hậu, lúc ấy vẫn còn là Nhàn phi, xuất hiện như một người hiền lương thục đức, ngày ngày chỉ chăm chú thêu thùa, may vá, không sân si với đời. Bà tránh xa mọi thị phi, tranh đấu nơi hậu cung, một lòng một dạ chăm sóc Hoàng thượng, yêu thương vua vô điều kiện mà chẳng cần vua biết đến.

Bài học từ Kế Hoàng hậu Diên Hi Công Lược: Kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc - Ảnh 2.

Khoảnh khắc hạnh phúc hiếm hoi của Kế Hoàng hậu bên vua Càn Long.

Nhưng ngay từ ban đầu, Càn Long đã cho thấy trong lòng ông không hề có Nhàn phi. Những món đồ bà mang đến, ông chỉ lạnh lùng sai thái giám bảo bà không cần làm công việc vốn dành cho xưởng thêu. Khi Phú Sát Hoàng hậu còn tại thế, hoàng hậu chính là thê tử kết tóc mà ông trân trọng nhất, còn Cao Quý phi là phi tần được sủng ái. Khi Cao Quý phi và Phú Sát Hoàng hậu lần lượt qua đời, Thuần phi trở thành phi tần đắc sủng nhất lục cung, Kế Hoàng hậu chưa bao giờ đạt được sự ân sủng cao nhất đó. Việc bà được sắc phong làm Kế Hoàng hậu cũng do có Thái hậu chống lưng.

Đặc biệt, sự tham chiến của "trùm cuối", Lệnh phi Ngụy Anh Lạc, trong cuộc chiến chốn thâm cung đã khiến Kế Hoàng hậu không bao giờ có được vị trí nào trong trái tim Càn Long. Lệnh phi đã tương kế tựu kế, không những khiến vua sủng ái mà còn khiến ngài dành tình cảm thật sự cho mình. Chỉ khi Lệnh phi bị thất sủng, Kế hậu mới giành được sự sủng ái ngắn chẳng tày gang, và sự sủng ái này cũng do Càn Long cảm động trước tấm chân tình của bà chứ không hẳn vì tình yêu.

Bài học từ Kế Hoàng hậu Diên Hi Công Lược: Kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc - Ảnh 3.

Đối với tấm chân tình của Kế hậu, vua có cảm động nhưng không yêu.

Kế hậu giở đủ mọi thủ đoạn thâm sâu, khiến hậu cung phải lần lượt "tắt đèn" nhưng bà chưa bao giờ giành được tình yêu của Hoàng đế. Cho đến cuối cùng, người mà vua bảo vệ vẫn chỉ là Lệnh quý phi. Kế hậu không tiếc thân mình lao vào đám cháy cứu vua nhưng cũng không khiến ông động lòng. Càn Long từng nói, đế vương đối với phi tần của mình chỉ có sủng chứ không có yêu. Kế hậu luôn khao khát tình yêu của vua nhưng thứ duy nhất ông có thể dành cho bà chỉ là ngôi Hoàng hậu.

Có lẽ Kế hậu đã tự nhốt mình vào cái kén yêu và hận quá lâu nên cuối cùng chỉ còn biết tuyệt vọng thốt ra những lời cay đắng: "Người yêu thương ngài thì ngài không chăm lo. Người không yêu ngài thì ngài giữ như bảo bối. Hoằng Lịch, người là một kẻ ngốc. Không phải, thiếp mới là kẻ ngốc. Thiếp là kẻ ngốc nghếch và ngu xuẩn nhất thiên hạ".

Bài học từ Kế Hoàng hậu Diên Hi Công Lược: Kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc - Ảnh 4.

Cái kết đau đớn của Kế hậu vì yêu

Trong nỗi đau đớn tột cùng, Kế hậu vẫn hiểu rõ người mà bà hận nhất không phải là Lệnh phi hay bất cứ phi tần nào, người bà hận nhất chính là Ái Tân Giác La Hoằng Lịch. Bà dành cả thanh xuân để yêu một người không yêu mình, nên kết cục chỉ toàn là bi thương.

Trong tình yêu, kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc

Trước khi Phú Sát Hoàng hậu tạ thế, bà cũng đã sớm "giác ngộ" và kiểm điểm lại những cái sai của bản thân. Một trong những cái sai đó là làm hậu phi nhưng lại tham luyến tình ái của đế vương, đó là điều vô cùng xa xỉ. Bà chọn cái chết để giải thoát cho mình, đến lúc chết, bà vẫn còn rất hận Càn Long.

Kế Hoàng hậu chọn cách sống tiếp để tranh đấu, rồi trượt dài trên con đường đầy "máu tanh", đánh mất bản thân mình ở ngã rẽ nào đó mà cũng chẳng hay. Chính điều này đã đẩy Càn Long ngày một xa bà hơn. Bà yêu Càn Long nhưng cũng mưu mô, thủ đoạn quá, khiến vua không khỏi nghi hoặc, dè chừng. Nhưng dù độc ác thế nào, đến tận cùng bà vẫn là một người vợ đáng thương. Bà tìm đủ mọi cách để níu giữ tuổi thanh xuân, để mình được trẻ lâu hơn, đẹp lâu hơn một chút trong mắt trượng phu của mình. Nhưng tất cả những gì bà làm chỉ như nước đổ lá khoai vì vốn trong lòng vua chẳng hề có bà.

Bài học từ Kế Hoàng hậu Diên Hi Công Lược: Kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc - Ảnh 5.

Trong trái tim Càn Long không có Kế Hoàng hậu

Câu hỏi cuối cùng bà hỏi Lệnh quý phi: "Bản thân ta dùng hết thời gian mười năm vẫn không thể có được trái tim của Hoàng thượng, rốt cuộc cô đã dùng thủ đoạn gì làm Hoàng thượng yêu cô đến như vậy?"

Lúc này Lệnh quý phi mới tiết lộ "bí kíp" tranh sủng của mình: "Hoàng hậu là người nặng tình nhưng tại sao lại để Hoàng thượng biết điều đó? Người nào nói ra trước, người đó là kẻ thua cuộc".

Quả thực từ đầu đến cuối, Lệnh quý phi vẫn không hề nói ra câu mà Càn Long muốn nghe. Bà chưa từng nói là mình yêu Hoàng thượng mà thích chơi trò "mèo vờn chuột" khiến vua phải mê đắm không dứt ra được. Đến tận phút cuối, khi đã được thăng chức lên Hoàng quý phi, bà vẫn bảo rằng: "Không có gì để nói" và sẽ dùng cả cuộc đời để chứng minh. Nhưng suy cho cùng, chẳng có mưu kế nào thắng nổi tình cảm chân thành. Nếu vua Càn Long không yêu Lệnh phi thì bà có giở mọi thủ đoạn cũng chẳng thể chiếm lấy trái tim vua.

photo-4

Thừa Càn Cung vẫn còn một ngọn đèn Quan Âm chưa tắt

Có thể nói, Kế hậu là đối thủ một chín một mười với Lệnh phi. Bà là đối thủ xứng tầm duy nhất khiến Lệnh phi phải nhận bàn thua đầu tiên trong cuộc chiến chốn thâm cung. Nếu như Lệnh phi năm nào đã thua trong tư thế ngẩng cao đầu khiến Kế hậu phải kiêng nể vài phần thì đến bây giờ Kế hậu cũng thua trong tư thế ngẩng cao đầu. Bà đã chiếm trọn spotlight tập cuối, khiến khán giả phải nhớ mãi đến phân cảnh cắt tóc đoạn tình của bà. Làm gì có Hoàng hậu nào "ngầu" được như bà, dám cắt tóc để đoạn tuyệt với vua, từng sợi tóc rơi xuống như từng sợi tơ lòng, kiếp này họ chẳng còn nợ gì nhau.

Bài học từ Kế Hoàng hậu Diên Hi Công Lược: Kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc - Ảnh 6.

Kế hậu có sở thích cắt tim đèn hậu cung.

Kế hậu thua vì nặng tình quá, yêu Hoàng thượng hơn yêu bản thân mình. Lệnh phi cao tay hơn ở chỗ sống rất lý trí, từng đường đi nước bước được tính toán đâu ra đấy, không để bị tình cảm chi phối.

Cuối cùng, Kế hậu thất bại bởi chính thủ đoạn bà từng áp dụng để thôn tính hậu cung, đó là chiêu "dương Đông kích Tây", khiêu khích cho các đối thủ tự xâu xé lẫn nhau, còn mình làm ngư ông đắc lợi, không cần động thủ mà vẫn đạt được mục đích. Không ngờ cuối cùng chính bà cũng bị kẻ khác giật dây, lợi dụng. Một trong những sai lầm của bà là đã trọng dụng một tên nô tài phản chủ mà chính Lệnh phi tận tay mang đến "biếu". Bà không ngờ rằng hắn "cắn" được Lệnh phi thì cũng có ngày cắn ngược lại bà.

Bài học từ Kế Hoàng hậu Diên Hi Công Lược: Kẻ nào yêu nhiều hơn là kẻ thua cuộc - Ảnh 7.

Có một ngọn đèn Quan Âm chưa tắt.

Thừa Càn Cung vẫn còn một ngọn đèn Quan Âm chưa tắt. Đó là Lệnh phi? Là Thái hậu? Là Hoàng thượng? Là tình yêu trong bà vẫn âm ỉ cháy? Hay chính là hình ảnh Kế Hoàng hậu sống lay lắt qua ngày trong cung cấm như ngọn đèn leo lét? Đó chẳng phải là sự trừng phạt tàn nhẫn hơn cả cái chết sao?

Theo Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất