Ba nữ ca sĩ tạo nên trường phái riêng trong nhạc Việt

Zing - 16/06/2015, 10:15

Bằng tiếng hát, họ đã tạo nên trường phái âm nhạc của riêng mình trong nền nhạc nhẹ Việt Nam đương đại.

Trường phái được định nghĩa là dòng nghệ thuật có khuynh hướng riêng. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng và có cá tính, phong cách, nhưng không phải ai cũng tạo được trường phái nhạc mang tên mình. Để làm nên trường phái, ca sĩ phải dùng giọng hát để tạo một khuynh hướng, chất nhạc riêng, gắn với cả một giai đoạn, thời kì lịch sử và ảnh hưởng tới một số ca sĩ nhất định, khiến họ đi theo phong cách của mình. Trong lịch sử nhạc Việt, chỉ có ba nữ ca sĩ tạo nên được trường phái nhạc cho riêng mình.

Thái Thanh

Nhắc tới Thái Thanh là nhắc tới một huyền thoại âm nhạc "tiếng hát khóc, cười, nổi trôi theo mệnh nước", người được mệnh danh là "tiếng hát vượt thời gian", "Đại danh ca", "The ageless golden voice" (Giọng ca vàng không tuổi).

Hơn nửa thế kỷ cầm ca, Thái Thanh đã để lại một di sản âm nhạc đồ sộ mà ít có ca sĩ nào dám kiêu hãnh vượt qua bà. Di sản đó, trải dài từ dân ca tới tân ca, từ tiểu ca tới trường ca, từ tình ca, hoan ca, hùng ca tới tâm ca, bi ca, rồi cả đạo ca.... Nó bao quát, gắn chặt và thấu trọn cả một thời kì phong ba bão táp, hân hoan và đớn đau chuyển mình, trỗi dậy của nền tân nhạc dân tộc.

Đại danh ca  Thái Thanh.

Có thể nói, Thái Thanh là một trong những ca sĩ đầu tiên và hiếm hoi góp phần công sức lớn lao vào công cuộc hình thành nền tân nhạc Việt Nam, được những đại nhạc sĩ huyền thoại như Văn Cao, Phạm Duy, Phạm Đình Chương yêu mến, xem là "con cưng" để "chọn mặt gửi vàng" thể hiện các tác phẩm nhạc thi bất hủ của họ.

Nói Thái Thanh là danh ca đầu tiên đã tạo nên trường phái nhạc của riêng mình quả không hề lộng ngôn, vì bà là người tiên phong và thành công xuất sắc trong việc kết hợp giữa lối hát bel canto (tạm gọi là lối hát mở hay lối hát của opera phương Tây) với lối hát truyền thống của dân nhạc (tạm gọi là lối hát đóng) - cái mà đến ngày nay vẫn đang được giới chuyên môn nghiên cứu, giảng dạy, và được nhiều thế hệ ca sĩ áp dụng. Rõ ràng, xét trong tiến trình âm nhạc Việt Nam, đây là một trường phái lớn được rất nhiều ca sĩ theo đuổi một cách tự giác hoặc không tự giác, mà Thái Thanh là người mở màn.

Chưa dừng lại ở đó, Thái Thanh còn biến trường phái của mình trở nên đặc trưng hơn, với lối hát "cường cảm" xưa nay hiếm, tức là cường độ biểu cảm rất lớn, nhất là bi cảm. Đi cùng với lối hát đó là sự ưa chuộng thể hiện ca khúc ở các quãng âm cao, với những kĩ thuật tinh tế của belcanto như trillo (rung láy), messa voce (hát nửa giọng), kết hợp với các cách hát, nhả chữ, luyến láy đậm màu sắc dân ca phương Đông như bỏ nhỏ, hát bạch thanh, đổ hột... 

Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên trường phái riêng của Thái Thanh, khiến người nghe có thể nhận ra bà ở bất cứ ca khúc nào. Trường phái này khá kén tai nghe, làm nhiều người không thích. Nhưng một khi đã nghe quen và thấm được cái "cường cảm" trong đó, thì khó mà dứt ra được.

Trường phái Thái Thanh là một trường phái độc đáo, mang theo nhiều vết tích lịch sử, nên luôn tạo ra "khí" khác lạ mỗi khi nghe nó, dù ở bất cứ không gian, thời gian nào.

Thực sự mà nói, trường phái Thái Thanh là một trường phái khó hát, khó cảm, nó đòi hỏi ca sĩ phải có kỹ thuật thanh nhạc vững chắc, chất giọng phù hợp, và trên hết là trải nghiệm, thẩm mỹ âm nhạc sâu sắc. Nhưng điều đó không có nghĩa là không ai dám theo đuổi nó. Sự thành công của những ca sĩ nổi tiếng chịu ảnh hưởng và đi theo trường phái Thái Thanh như Mai Hương, Quỳnh Giao, Ánh Tuyết, Ý Lan... đã chứng minh vị trí không phai mờ của nó trong trái tim khán giả cũng như ca sĩ.

Ngọc Lan

Ngọc Lan là trường hợp đặc biệt nhất, khi cô được đích thân nhạc sĩ Trần Thiện Thanh định danh cho trường phái của mình: "Ngọc Lan đã tạo ra một trường phái mang tên Ngọc Lan!".

Khác với các trường phái còn lại, trường phái Ngọc Lan không chỉ đến từ giọng hát, mà còn đến từ ngoại hình, để mỗi khi nhắc đến trường phái này, người nghe lại liên tưởng tới một bóng hồng xinh đẹp, mềm mại, nữ tính. Và cũng thật lạ, khi ở Ngọc Lan, giọng hát lại có sự tương đồng hài hòa với ngoại hình, đều toát lên chút gì đó rụt rè, trong sáng, thánh thiện và ngọt ngào. Từ ngoại hình đã kéo theo chất riêng trong phong cách trình diễn, biểu cảm của Ngọc Lan trên sân khấu - phong cách Tiểu thư buồn.

Ngọc Lan với phong cách "Tiểu thư buồn".

Trường phái Ngọc Lan gắn liền với thời kỳ đổi mới tân nhạc, đến như một cô gái tân thời, sẵn sàng rũ bỏ lối hát nảy chữ, khép tiếng, lối luyến láy truyền thống của dân tộc, từ bỏ luôn cả lối hát ỉ ôi của nhạc vàng để khoác lên mình những lối hát mới đầy hiện đại và hấp dẫn. Lối hát đặc trưng này được Ngọc Lan học hỏi từ nhạc Pháp, nhạc Anh, kết hợp với nhạc trữ tình trước 1975, nên Đông - Tây kết hợp, vừa có chút cổ, lại không kém phần hiện đại, trẻ trung.

Được định hình để hát những bản tình ca mềm mại, trường phái Ngọc Lan tập trung vào lối hát hướng nội, quãng âm nhỏ nhẹ, ém kỹ thuật vào trong, dùng kĩ thuật để làm cho giọng hát tự nhiên nhất có thể, chứ không phải khoe toàn bộ kỹ thuật như các ca sĩ ngày nay vẫn làm. Bởi vậy khi nghe Ngọc Lan, chúng ta không bao giờ cảm thấy một kỹ thuật nào hết, chỉ còn cảm xúc và tâm hồn chạm đến trái tim. Đó mới là cái đích của âm nhạc.

Đặc trưng của trường phái Ngọc Lan là phẩm chất nữ tính. Ngọc Lan là một trong số ít nghệ sĩ nữ biết phát huy phẩm chất giới tính của mình vào nghệ thuật, dùng nó để phát triển lối hát mới - lối "hát điệu", rất phù hợp với những giọng light lirico soprano nhẹ nhàng, ngọt ngào. Quả thực mà nói, hiếm có ca sĩ nào hát điệu đà như Ngọc Lan, ngọt như rót mật vào tai, mềm đến tận xương tủy. Để phát huy hết chất nữ tính, Ngọc Lan đã sử dụng "lối hát nhẹ" , tức là phát âm, nhả chữ ở mức nhẹ nhất có thể, tựa như gió thổi qua. 

Đây có lẽ là lối hát đặc biệt nhất của trường phái Ngọc Lan do chính cô tạo ra, chưa từng có ở các ca sĩ trước đây. Nhờ lối hát này mà Ngọc Lan đã đốn gục biết bao trái tim si tình, biến nó trở thành vũ khí tối mật cho các giọng nữ, mà sau này đã được Như Quỳnh, Minh Tuyết, Y Phương... kế thừa thành công. 

Lối "hát điệu" này không phải cái điệu quá lố, mà là cái điệu được kiểm soát kĩ trong giọng hát và dồn nhiều kĩ thuật, giúp cho giọng hát của cô tự nhiên hơn, ngọt ngào hơn, cảm xúc hơn, như đang tự sự một câu chuyện tình vậy.

Chất "buồn" cũng là một trong những khuynh hướng riêng mà Ngọc Lan tạo nên cho trường phái của mình, đúng với phong cách "Tiểu thư buồn" cô mang. Ngọc Lan hát rất buồn, cái buồn trở thành bản chất cố hữu trong giọng hát, cách hát của cô, nên dù có hát những giai điệu uptempo vui tươi, nhanh mạnh thế nào thì vẫn cứ man mác buồn.

Và, để cái buồn không bị sến, mà vẫn sang, Ngọc Lan đã khéo léo nhả chữ nhẹ nhàng, ấm áp, luyến vô cùng nhẹ, tạo nên sự mong manh, yếu đuối, cần được chở che. 

Cũng như trường phái Thái Thanh, trường phái Ngọc Lan mang theo một "khí" rất riêng, mà dù có hát bất cứ ca khúc, của bất kì nhạc sĩ, dòng nhạc nào, cũng vẫn nổi lên cái "khí" đó, khiến khán giả cảm nhận được một cách rõ ràng.

Thanh Lam

Mỗi trường phái ca sĩ đều gắn với một giai đoạn, thời kỳ của âm nhạc. Qua Thái Thanh (trước 1975), Ngọc Lan (sau 1975), đến Thanh Lam (sau 1990), nhạc Việt đã trải qua ba thời kì với sự thay hình đổi dạng để được định hình một cách rõ nét hơn. 

Được mệnh danh là "Nữ hoàng nhạc nhẹ", "Người đàn bà hát", Thanh Lam chính là nữ ca sĩ có công lớn nhất trong việc định hình nhẹ nhẹ Việt Nam giai đầu thập niên 90 đến sau này.

Sở hữu chất giọng nữ trung dày dặn, trầm ấm và nội lực, cùng trường hơi dài, khỏe khoắn, Thanh Lam có lẽ chính là người tiên phong cho việc sử dụng và sáng tạo lối hát cộng minh vào nhạc nhẹ Việt Nam, mở màn một lối hát mới - lối hát phô diễn giọng hát trên giọng ngực (thông qua cộng minh quãng trung), ở những khoảng âm to, dày, lớn cả về trường độ và cường độ, tràn đầy năng lượng. 

Thanh Lam là cái tên mới nhất tạo ra trường phái âm nhạc riêng.

Không những vậy, trường phái Thanh Lam còn đặc trưng bởi lối hát khắc khoải, ưu sầu, hát mà như thủ thỉ, tâm tình, đãi chữ dài hơn, hơi "rên rỉ" để bộc lộ nội tâm bùng cháy, bản năng của người phụ nữ, và kèm theo chất liêu trai, ma mị ở những quãng trầm bổng, luyến láy, nhưng vô cùng chắc chữ, rõ lời.

Chất "bản năng" và "cháy bỏng" là điều người ta thấy rõ nhất ở trường phái Thanh Lam, mà theo lời nhạc sĩ Dương Thụ là: "Một giọng hát mê hồn, cá tính táo bạo, bản năng nghệ sĩ thật sự... ". Chính cái chất đặc trưng này khiến Thanh Lam nhiều khi "gào thét", nhưng cái "gào thét" đó lại quyến rũ được cả khán giả lẫn giới chuyên môn. 

Đi cùng với chất "bản năng", đặc trưng của trường phái Thanh Lam trong thập niên 90 (quãng thời gian cô tiên phong nhạc nhẹ) là những kĩ thuật rất "da màu", đậm tính Soul/R&B như vocal runs, riff...lần đầu tiên được đưa vào nhạc Việt, hát bằng tiếng Việt.

Khác với trường phái Thái Thanh hay Ngọc Lan vốn lợi thế cho nữ cao trữ tình, trường phái Thanh Lam chủ yếu "dung nạp" các giọng nữ trung, nữ trầm và giọng nam, để thể hiện chiều sâu qua các quãng trầm và quãng trung dày dặn.

Lối hát của Thanh Lam ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ ca sĩ sau này như Ngọc Anh, Thu Phương, Mỹ Linh, Hà Trần, Hoàng Quyên, Tùng Dương, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh, Hà Linh... Trong đó, Tùng Dương, Uyên Linh, Hoàng Quyên là những ca sĩ đang đi theo trường phái của cô. Ngày nay, hễ có ca sĩ nào hát theo kiểu phiêu giọng khắc khoải, chất chứa tâm sự trên quãng trung, ta đều thấy bóng dáng của Thanh Lam ở đó. Số lượng những ca sĩ kiểu này rất nhiều, dễ chiếm đến 30% nền nhạc nhẹ Việt Nam, nên có thể thấy được tầm ảnh hưởng rất lớn của cô.

Kết 

Sẽ có nhiều người hỏi, tại sao nhiều nữ ca sĩ đặc biệt, có phong cách ấn tượng, không lặp lại như Khánh Ly, Bảo Yến, Siu Black, Phương Thanh... lại không thể được gọi là trường phái âm nhạc. Chúng ta không nên nhầm nhẫn giữa phong cách riêng và trường phái âm nhạc. 

Trường phái là một dòng chảy của tiến trình nghệ thuật, gắn với lịch sử, có ảnh hưởng tới nhiều thế hệ và lôi kéo được một số lượng nào đó tín đồ của mình. Xét với mọi điều kiện có thể, chỉ có Thái Thanh - Ngọc Lan - Thanh Lam là kiến tạo được trường phái âm nhạc của riêng mình, gằn với giai đoạn quan trọng của tiến trình nhạc nhẹ Việt Nam.

Ngày nay, cũng có khá nhiều ca sĩ trẻ có phong cách ấn tượng, chuyên môn vững vàng như Hà Trần, Tùng Dương, Thu Minh, Uyên Linh... Rất hi vọng những ca sĩ này có thể tạo nên trường phái nhạc của riêng mình trong tương lai.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất