5 lần phim Hàn báo động chúng ta về chứng bệnh trầm cảm
Đây là danh sách 5 phim Hàn Quốc đáng xem nếu bạn muốn tìm hiểu về thực trạng bệnh trầm cảm ở xứ kim chi.
- Những pha rượt đuổi như phim hành động của fan trên sân khấu khiến các ca sĩ "chạy mất dép"
- Phim Hàn cũng gây tranh cãi vì hanbok hở nửa ngực
- Chênh lệch thu nhập ở làng phim Hàn: Top 1% quyền lực “cân” cả 99% còn lại!
- Phim Hàn Quốc gây rúng động vì vụ án thầy giáo già quấy rối nữ sinh lớp 3
- "Đảo địa ngục" của Song Joong Ki lập kỷ lục lịch sử phim Hàn
Thông thường, các vấn đề xã hội của một đất nước thường được phản ánh rõ nét nhất qua nền điện ảnh của họ. Đứng trước các bài toán xã hội gian nan, các nhà làm phim cũng có xu hướng thể hiện chúng công khai trong tác phẩm, trước nhất là để thể hiện góc nhìn của mình, tiếp đó là để thu hút sự chú ý và góp phần giúp công chúng phản tỉnh.
Tại Hàn Quốc, nơi mà chính Bộ Y tế và Phúc lợi của họ đã từng công bố một con số khủng khiếp: 90% số người tự tử trong năm 2016 có biểu hiện mắc bệnh tâm lý, chủ yếu là bệnh trầm cảm hoặc các triệu chứng lo âu do stress, chủ đề này luôn được thể hiện rốt ráo và thường xuyên trong các tác phẩm phim ảnh.
Nhiều trường hợp đau lòng đã xảy ra trong thực tế, bất kỳ ai, thuộc bất kỳ tầng lớp, địa vị nào trong xã hội đều có thể mắc bệnh trầm cảm và nỗi bất hạnh ấy luôn thường trực đe dọa niềm hạnh phúc sống của người dân nơi đây. Có lẽ chính bởi như vậy, các tác phẩm điện ảnh xứ kim chi đề cập đến vấn nạn này hầu hết đều có chiều sâu và sự đầu tư tìm hiểu nghiêm túc của phía ekip, khiến cho mỗi câu chuyện thể hiện trên màn ảnh đều là một hồi chuông giúp chúng ta nhận thức được sự đáng sợ của "loài ác quỷ xui khiến tâm trí con người" – chứng trầm cảm.
Hôm nay, chúng ta hãy cùng điểm lại 5 phim Hàn Quốc là đại diện tiêu biểu cho cuộc chiến chống bệnh trầm cảm của nền điện ảnh nước này.
1. Hello Ghost
Tuy là phim rom-com, nhưng khởi đầu của Hello Ghost (Ma Ơi, Chào Mi) lại nêu lên được một hiện tượng đáng lên án của xã hội Hàn Quốc. Trong phim, nhân vật chính Sang Man (Cha Tae Hyun đóng) gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, luôn ở trong trạng thái tuyệt vọng, những nỗi buồn không thể san sẻ với người khác và kết cục, một ngày kia anh ta quyết định tìm đến cái chết.
Thế nhưng sau đó anh ta thoát chết và bắt đầu nhìn thấy ma. Quá sợ hãi, Sang Man đến bệnh viện để tìm kiếm sự giúp đỡ thì vô tình gặp gỡ nữ y tá Yun Soo (Gang Ye Won đóng). Sang Man đã phải lòng nữ y tá xinh đẹp này. Những ngày tháng kế tiếp, anh ta cố hết sức mình để chinh phuc tình cảm của người đẹp, đồng thời thuyết phục những linh hồn bất tán xung quanh hãy buông tha mình để anh được sống những ngày tháng trở lại như người bình thường.
Bài học lớn nhất Hello Ghost để lại cho người xem chính là việc chỉ trích hành vi tự sát. Nhân vật Sang Man đáng lẽ đã có thể tìm được nhiều động lực sống nếu anh ta đến bệnh viện sớm hơn, thay vì nghĩ quẫn và dành thời gian dài để giải quyết hậu quả từ lần tự sát bất thành đó.
2. Me Too, Flower
Me Too, Flower (Em Cũng Là Con Gái) kể về nữ cảnh sát Bong Sun (Lee Ji Ah đóng). Bong Sun mắc bệnh trầm cảm nặng và đang tìm cách chữa trị. Điều khiến cô lo ngại nhất chính là bởi đặc trưng nghề nghiệp của mình. Là một cảnh sát, Bong Sun lúc nào cũng phải tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ, nhưng trong lòng cô luôn hoang mang và lo lắng cho chính căn bệnh của mình.
May mắn thay, anh chàng Jae Hee (Yoon Shi Yoon đóng) đã nhận ra vấn đề của Bong Sun. Anh ta cố gắng giúp cô điều chỉnh cảm xúc và thuyết phục cô chữa trị. Trong quá trình đồng cảm này, họ đã trở nên đồng điệu và yêu nhau.
Điểm đáng khen của Me Too, Flower chính là nó đem đến cho người xem thêm một nhận thức mới về bệnh trầm cảm: Đây là một căn bệnh, có thể chữa trị, chứ không phải là điểm yếu khiến người mắc phải cảm thấy khó xử và muốn che giấu. Ngược lại, người mắc trầm cảm nên bộc lộ bản thân mình hơn và mở lòng với người khác, vì muốn chữa khỏi trầm cảm họ cần tiếp nhận quá trình điều trị kiên nhẫn về cả thể chất và tinh thần.
3. I Am Happy
Chịu đựng cuộc sống tù túng cùng với người mẹ mất trí và người anh nghiện chơi bạc, Man Su (Hyun Bin đóng) đã phải nhập viện để điều trị chứng trầm cảm nghiêm trọng. Sau ba tháng chữa trị, anh ta giờ đã có thể trở về nhà và bắt đầu cuộc sống bình thường. Tuy nhiên Man Su cứ mãi lưỡng lự. Lý do của Man Su là gì khi anh không muốn rời bệnh viện, liệu có phải vì anh đã yêu cô y tá Su Kyung (Lee Bo Young đóng) hay là còn vì một nguyên do nào khác nữa?
I Am Happy (Khi Tôi Hạnh Phúc) dành quá nửa thời lượng để khắc họa những tình huống tiêu cực trong tâm lý của Man Su, vòng lẩn quẩn của những sắc thái cảm xúc tồi tệ cứ liên tục lặp lại trên màn ảnh, cộng hưởng cùng một số cảnh gây ám ảnh như tưởng tượng của Man Su về cảnh tượng anh trai thiêu sống mẹ mình. Rõ ràng, I Am Happy không phải là một phim dễ xem nếu bạn chưa hiểu rõ về nỗi lo sợ trầm cảm của xã hội Hàn Quốc.
4. Romantic Doctor, Teacher Kim
Romantic Doctor, Teacher Kim (Người Thầy Y Đức) kể về những bác sĩ đang ngày đêm cứu chữa cho người bệnh cùng những khó khăn trong cuộc sống của riêng họ. Trong đó, nhân vật Seo Jung (Seo Hyun Jin đóng) sau khi chứng kiến người mình yêu chết vì tai nạn giao thông, cô luôn tự dằn vặt bản thân và cho rằng bản thân có lỗi.
Những xung đột nội tâm của cô lớn đến mức trở thành trầm cảm nặng, Seo Jung một mình đi vào rừng và suýt nữa đã bỏ mạng ở đó nếu không được bác sĩ Kim (Han Suk Kyu đóng) phát hiện. Những ngày tháng kế tiếp, Seo Jung làm việc tại bệnh viện tỉnh của bác sĩ Kim, đồng thời là để tiếp nhận sự điều trị của ông. Ở giai đoạn đầu Seo Jung luôn làm người xem khiếp sợ vì khi phát cơn, cô đánh mất tỉnh táo và luôn tìm cách tự kết liễu đời mình. Tuy nhiên sau đó, nhờ quá trình hành nghề, Seo Jung trở nên trân trọng mạng sống và cô đã dần hồi phục.
Một lần nữa thông qua Romantic Doctor, Teacher Kim, khán giả lại giật mình nhận ra sự đáng sợ của bệnh trầm cảm khi nó không từ một ai, ngay cả những bác sĩ ngày đêm cứu người đôi lúc cũng mắc kẹt không thể tự giải cứu cho chính mình.
5. It’s Okay, That’s Love
Có thể nói It’s Okay, That’s Love (Chỉ Có Thể Là Yêu) là một đại diện xuất sắc của làng phim ảnh Hàn khi không chỉ đề cập đến bệnh trầm cảm mà còn có hơn một chục bệnh tâm lý khác. Khi xem phim, bạn có thể thấy choáng váng khi nghe hàng loạt tên bệnh từ quan đến lạ như chứng sợ quan hệ tình dục (Genophobia), chứng tâm thần phân liệt, hội chứng Tourette, rối loạn hành vi...
Tất cả chứng bệnh này đều được thể hiện trong từng nhân vật trong phim, với mỗi câu chuyện là một cuộc đời và những khó khăn rất khác. Xem phim chúng ta sẽ giật mình vì nhận thấy triệu chứng của các bệnh này đôi khi lại quá quen thuộc, cũng như các nguyên nhân phát bệnh hoàn toàn không hề xa lạ mà nó có thể xảy đến với bất kỳ ai, thanh thiếu niên cho tới người lớn tuổi, từ gia đình bình thường cho đến những người nổi tiếng hay cười nói trên tivi.
Nhân vật chính của phim, Hae Soo (Gong Hyo Jin đóng) vốn là một bác sĩ tâm lý nhưng chính cô cũng mắc chướng ngại về tâm thần. Chính vì thế, It’s Okay, That’s Love không chỉ gây ấn tượng vì cung cấp lượng kiến thức khá lớn về các chứng bệnh tâm lý trong xã hội Hàn, mà phim còn đem đến cho chúng ta những lời động viên đầy tính nhân văn.
Cũng như trong lời thoại của phim "Ai cũng có thể trở nên suy sụp khi họ phải hứng chịu những chấn thương", It’s Okay That’s Love chính là lời cảnh tỉnh xã hội Hàn Quốc còn quá chủ quan trước những hệ lụy đáng gờm để rồi khi các thực tế đau lòng xảy ra, người ta than trách không ngớt, trong khi đó việc đầu tiên họ cần làm chính là tự trang bị kiến thức và giúp đỡ những người mắc trầm cảm xung quanh mình.
Theo Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất