10 nhân vật phản diện ghê gớm nhất trong phim kinh dị Mỹ

Kênh 14 - 08/06/2015, 08:42

Freddy Krueger, Jason Voorhees và Michael Myers... là tên của ba sát nhân đáng sợ mà fan của dòng phim kinh dị không thể không biết.

Candyman (phim Candyman - 1992)

 
Chuyện phim kể về một nữ sinh đã cố gọi linh hồn xuất hiện để phục vụ cho một thí nghiệm của mình và cô phải trả giá đắt cho hành động đó. Linh hồn này vốn là con trai một người nô lệ da màu và sự hồi sinh này là cơ hội tuyệt vời để hắn trả thù.


Chỉ cần nhìn vào gương và nói “Candyman” 5 lần, tên sát nhân kì lạ này sẽ xuất hiện, đưa chiếc móc sắt cắm ngập cổ bạn và bước ra thế giới thực. Lý do hắn được gọi là Candyman là vì gã này khi còn sống đã bị dân làng trét mật lên người và cho ong đốt đến chết do dám yêu một cô gái da trắng

Norman Bates (Psycho - 1960)

 
Nếu hầu hết các nhân vật khác trong danh sách này đều là ma quỷ hoặc những kẻ có tâm hồn độc địa… thì Norman Bates lại chỉ là một thanh niên quản lý nhà trọ yếu ớt. Anh bị người mẹ cay nghiệt Norma bảo bọc quá mức sinh ra hoang tưởng. Đến khi biết mẹ có nhân tình, Norman Bates đã ghen tị và giết chết bà. Từ đây, hắn hình thành một nhân cách tâm thần phân liệt và luôn tin rằng mẹ Norma vẫn còn sống, thôi thúc hắn giết chết những cô gái xấu số bước chân vào nhà trọ.
 

Là nhân vật chính trong quyển tiểu thuyết Psycho được xuất bản năm 1959 của nhà văn Robert Block, Norman Bates bước lên màn ảnh  và trở nên bất tử từ đó nhờ vào bàn tay “ông hoàng phim kinh dị” Afred Hitchcock. Nam diễn viên Anthony Perkins đã vào vai gã chủ nhà trọ này và tiếp tục đóng vai đó trong 3 phần tiếp theo. Vào năm 2013, kênh truyền hình A&E đã ra mắt Mùa đầu tiên của Bates Motel, với nội dung tập trung vào khoảng thời gian Norman Bates còn chịu sự quản thúc của mẹ hắn. Series này hiện đang ngừng lại ở mùa thứ ba.

Hề Pennywise (It - 1990)

 

Khoảng 30 năm trước, ý tưởng phim về một thực thể chỉ được gọi vỏn vẹn là “It” (Nó) đã đến với Stephen King khi ông đi bộ qua cây cầu để đến cửa hàng sửa chữa xe. Ông tưởng tượng ra một kẻ giết người sống dưới gầm cầu và không lâu sau đó,  King chấp bút cho ý tưởng này thành một cuốn sách dày hơn 1000 trang. Nội dung của bộ phim được chuyển thể vào năm 1990, kể về một con ác quỷ đến từ thế giới khác mang hình dạng chú hề. Nó sống dưới ống cống, dụ dỗ rồi ăn thịt những đứa trẻ vô dụng. Một nhóm những đứa trẻ đã cùng nhau chiến đấu với hắn nhưng không thành công, chỉ tới khi chúng gặp lại nhau 30 năm sau thì mới hoàn thành được mục tiêu.


Cuốn sách, cũng như bộ phim, đã tạo ra một sự sợ hãi cho người xem, đặc biệt là các bạn nhỏ, về hình ảnh các chú hề - trước đó vốn tượng trưng cho hài hước và thân thiện.


Jack Torrence (The Shining - 1980)

 
Sau khi Stanley Kubrick chuyển thể tiểu thuyết The Shining lên màn ảnh rộng vào năm 1980, tác giả Stephen King đã tẩy chay kịch liệt bộ phim vì cho rằng nó đã làm hỏng tinh thần của cuốn sách. Trong tiểu thuyết viết năm 1977, Jack Torrence là một bợm nhậu đang cố gắng bảo toàn gia đình mình, nhưng không sao đương đầu được với những con quỷ đang chế ngự khách sạn Overlook. Còn trong phim, theo góc nhìn của Stephen King, diễn viên thủ vai là Jack Nicholson vừa hiện ra khuôn hình đầu tiên thì đã như bị thần kinh. Ông cũng cho rằng không hề có giây phút tình cảm nào giữa Jack và vợ con; chưa kể là những bóng ma ở trong sách rất thật nhưng ở trong phim thì lại mờ ảo.

Tuy thế, hầu hết khán giả ra rạp thời bấy giờ cũng như các nhà phê bình vô cùng thích thú với bộ phim, hình ảnh Jack Torrence đưa đôi mắt điên dại nhìn qua vết rìu chém của cánh cửa đã trở thành một trong những biểu tượng kinh dị ấn tượng nhất.

Leatherface (The Texas Chainsaw Masacre - 1974)
 
 
 

Leatherface là một kẻ giết người được đào tạo bài bản bởi hắn được sinh ra trong một gia đình ăn thịt người và lấy xương người làm vật liệu xây nhà. Hắn đeo một mặt nạ làm từ da người, một chiếc tạp dề đẫm máu và dùng cưa để giết người. Mặc dù bộ phim được làm từ năm 1974 với kinh phí thấp, những cảnh quay vẫn làm người xem sởn gai ốc.

Bản thân Leatherface được lấy ý tưởng từ “sát thủ lột da người” Ed Gein có thật trong lịch sử hình sự Mỹ, khi kẻ thù ác này cũng có motif giết người là bắt cóc nạn nhân rồi lột da mặt của họ mang lên mặt. Tuy là nhân vật phản diện chính của loạt phim, nhưng Leatherface lại khá đáng thương khi hắn thực ra chỉ là một đứa trẻ lớn xác bị gia đình chi phối.


Pinhead (Hellraiser - 1987)


Nhân vật Pinhead ban đầu không được để tên, phần kết phim chỉ đơn giản giới thiệu hắn là “Thủ lĩnh Cenobite”. Trong thế giới của “Hellraiser” do nhà văn kiêm đạo diễn Clive Parker sáng tạo ra tồn tại một cổ vật mang tên “Chiếc hộp của Lemarchand”, mà những kẻ nào giải được bí ẩn của nó sẽ triệu hồi được những sinh vật đến từ không gian khác mang tên Cenobite. Các Cenobite này có nhiệm vụ thu hoạch những linh hồn của nhân giới và mang xuống địa ngục.


Được gọi bằng cái tên “Pinhead” (đầu phủ đinh) bởi các fan của loạt phim, Thủ lĩnh Cenobite khiến những kẻ phàm tục khiếp sợ mỗi khi hắn bước ra từ cánh cửa địa ngục. Vũ khí của hắn là những chiếc móc sắt lạnh tanh liên tục khua như tiếng kêu la ai oán nhanh chóng cắm phập vào nạn nhân xấu số và xé xác họ.

Hanibal Lecter (Silence of the Lambs - 1991)

 

Hannnibal Lecter là một bác sĩ tâm lý học cực kỳ thông minh, nhưng ẩn sau con người đạo mạo đáng kính ấy là một kẻ giết người hàng loạt đáng sợ. Do một bi kịch tuổi thơ, Hannibal Lecter luôn mang tâm niệm rằng những kẻ cặn bã thì không đáng sống. Ông ta săn lùng chúng, sát hại rồi chế biến... phần còn lại thành những món ăn có vẻ ngoài bắt mắt rồi mời các bạn bè mình thưởng thức.

Lần đầu tiên Lecter xuất hiện là trong cuốn sách “Red Dragon” xuất bản năm 1981 của Thomas Harris, sau đó được lên màn ảnh rộng năm 1986 khi sách được chuyển thể điện ảnh. Brian Cox vào vai vị bác sĩ tử thần này, đáng tiếc là vai diễn không thật sự thành công. Chỉ đến khi Sir Anthony Hopkins nhận vai  trong phim “Sự im lặng của bầy cừu” (1991), Hannibal Lecter mới trở thành một cái tên thực sự ám ảnh. Sir Anthony Hopkins giành được giải Diễn viên phụ xuất sắc nhất, dẫu Hannibal chỉ xuất hiện không quá 15 phút trên màn ảnh.


Đến năm 2013, đài NBC đã đưa nhân vật này đến với màn ảnh nhỏ qua series Hannibal, lúc này Hannibal Lecter do diễn viên người Đan Mạch Mads Mikkelsen thủ vai.

Jason Voorhees (Friday the 13th - 1980)


Trong phiên bản đầu tiên của bộ phim "Thứ Sáu ngày 13”, nhân vật phản diện ghê gớm nhất không phải là Jason Voorhees, mà là mẹ anh ta. Bà là một người nấu ăn ở trại Crystal Lake và đã giết một vài đứa trẻ để trả thù cho việc đứa con trai tật nguyền của mình bị chết đuối. Ở phần hai diễn ra nhiều năm sau đó, Jason Voorhees thực ra vẫn chưa chết và quyết tâm tìm lại những kẻ đã giết mẹ mình để trả thù.

Ở những phần tiếp theo, các nhà sản xuất dường như dẹp bỏ luôn yếu tố logic, biến Jason thành một tên sát nhân bất tử bất khả chiến bại. Thậm chí trong phần Jason X (2001), hắn còn được đưa ra ngoài... không gian để tiếp tục giết người.


Loạt phim Thứ Sáu ngày 13 có tổng cộng 12 phần, nếu tính luôn cả bản làm lại năm 2009 và bộ phim “cross-over” Freddy vs. Jason khi hắn đối mặt với gã giết người Freddy Krueger của phim A Nightmare on Elm Street.

Freddy Krueger (A Nightmare on Elm Street - 1984)


Freddy Krueger là một tên giết người có tuổi thơ bi kịch khi hắn là sản phẩm của việc mẹ hắn bị cưỡng hiếp bởi những bệnh nhân tâm thần. Sau khi bị các bậc phụ huynh trong thị trấn hỏa thiêu vì đã sát hại con cái của họ, Freddy được hồi sinh và có khả năng đi lại tự do trong những giấc mơ. Giờ đây những đứa trẻ Phố Elm sẽ không bao giờ dám chợp mắt, bởi khi Freddy lấy mạng ai đó trong giấc mơ, ngoài đời thực họ cũng sẽ chịu một cái chết thảm khốc.

Nếu như hình ảnh đặc trưng của Jason Voorhees là chiếc mặt nạ khúc côn cầu rạn nứt; thì của Freddy lại là bộ móng vuốt sắt, chiếc mũ phớt đỏ cùng khuôn mặt đầy vết bỏng. Bộ phim đã được làm lại vào năm 2010, nhưng dường như người xem hiện đại cũng như các nhà phê bình chưa thực sự đón nhận nó.  
 
Michael Myers (Halloween - 1980)

Michael Myers xuất hiện trước cả Jason Voorhees và Freddy Krueger. Vào một đêm Halloween, cậu bé Michael Myers đã sát hại cha mẹ mình, sau đó bị bắt giữ trước khi kịp giết cô em gái sơ sinh. Nhiều năm sau, Michael Myers trốn thoát được, hắn lầm lũi lê bước khắp nơi đi săn lùng cô em gái ngày trước. Phần một khá thành công về mặt thương mai, mở đường cho những phần phim tiếp theo.


Michael Myers tưởng như đã chết một cách rất hợp lý ở cuối phần 2, nhưng vì phần 3 không đạt được doanh thu như ý, hắn lại được quay trở lại vào phần 4 và tiếp tục có mặt ở những phần sau. Đạo diễn Rob Zombie cũng đã thành công với phiên bản làm lại vào năm 2007.

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất