"Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân": Bộ phim kinh điển của Hàn Quốc
Bộ phim mang nặng tính phật giáo với những hình ảnh đậm chất điện ảnh về luân hồi và quả báo.
Xuân, hạ, thu, đông…rồi lại xuân (Spring, Summer, Fall, Winter… and Spring) là một tác phẩm đầy ám ảnh, day dứt của đạo diễn Kim-Ki Duk với tham vọng lý giải được ý nghĩa cuộc đời, của nhân quả nghiệp báo chốn nhân gian.
Bộ phim nằm trong danh sách 100 phim châu Á xuất sắc nhất
Tên bộ film như một vòng lặp bất tận của thời gian, thể hiện qua 4 mùa trong năm, cũng là 4 mùa trong cuộc đời mỗi con người.
Nó bắt đầu từ mùa xuân, mùa của sự sinh sôi nảy nở. Dưới bóng ngôi chùa nhỏ nằm giữa mặt hồ ở chốn thâm sơn cùng cốc, cách xa những xô bồ thế tục, có một nhà sư già và một chú tiểu ngày ngày ăn chay niệm phật, sống chan hòa với thiên nhiên. Bối cảnh đó như chốn thiên thai giữa cõi người, tự do tự tại, những tưởng đó là nơi để các vị cao tăng nhập niết bàn, nơi mà không một mầm mống tà ma nào có thể chen chân vào được
Nhưng rồi như một cú sốc bất ngờ, đạo diễn Kim Ki-Duk đã chỉ cho người xem thấy, cái ác không đến từ ngoại cảnh, mà nảy sinh từ chính trong tâm của mỗi người. Lúc nhìn thấy chú tiểu hồn nhiên cười đùa trước cái ác nghiệp do chú gây ra trong vô thức, sự đau khổ của những loài súc sanh (Cá, Ếch và Rắn), người xem không khỏi giật mình. Chẳng lẽ không phải là “nhân chi sơ, tính bản thiện?”
Đạo diễn Kim Ki-Duk đã lồng ghép những triết lý Phật giáo xuyên suốt cả bộ phim
Rồi những giọt nước mắt của chú khi thấy cái chết của Cá và Rắn, đó là những giọt nước mắt ăn năn sám hối muộn màng, hay là nỗi sợ hãi khi chú nhận ra mình sẽ phải gánh chịu những nghiệp báo, hậu quả do chính chú gây ra. Khônh ai biết được. Cái làm người xem băn khoăn ở đây là, trong một thế giới thoát tục như vậy, tại sao những tư tưởng ác độc có thể len lỏi vào trong trái tim của một chú bé, làm nên sự vui thích trước nỗi khổ của chúng sinh? Chẳng lẽ cái ác độc là bản năng của mỗi con người, dù trong bất kì hoàn cảnh nào?
Rồi thời gian cứ thế qua đi, mùa xuân trôi qua nhường chỗ cho mùa hạ, mùa thu, rồi mùa đông tới. Chú tiểu ngày nào dần khôn lớn, sa vào tình yêu, phạm vào giới luật, bỏ đi, giết người rồi quay trở lại mái chùa xưa, nơi bắt đầu và cũng là nơi kết thúc hành trình trong kiếp người của chú.
Đạo diễn Kim Ki-Duk đã dùng rất nhiều những hình ảnh mang tính ẩn dụ nhằm qua đó truyền tải nội dung tới người xem: Cánh cổng luôn mở ra khép vào như hình thức giới thiệu, chuyển tiếp giữa các mùa và cũng là ranh giới giữa thế giới của 2 nhà sư với thế giới trần tục bên ngoài. Cảnh cửa 2 gian buồng không vách trong ngôi chùa. Một chi tiết rất thú vị. Cánh cửa ở đây như là ranh giới tự do cho tâm thức của mỗi người và cũng là ranh giới ngăn cách với sự vô minh.
Xuyên suốt bộ film, vị sư già chưa một lần đi vào “phòng” của chú tiểu mà không qua cánh cửa đó (căn phòng hoàn toàn không có vách, chỉ có 1 cánh cửa). Còn chú tiểu, khi không còn kìm nén được lửa dục trong lòng, đã 3 lần xâm phạm ranh giới đó.
Lần thứ nhất chỉ là tấm chăn mà cô gái đang đắp. Lần thứ 2 là khi chú đến với cô gái mà đi qua vách tường, không qua cánh cửa. Lần thứ 3 là chú mở cánh cửa để 2 người đến với nhau. Giới luật mong manh như sợi chỉ mỏng, đến mức mà khi đã lỡ chạm vào, ta không thể rút ra khỏi nó được nữa.
Ranh giới mỏng manh của thiện và ác
Chi tiết bức tượng phật mà chú tiểu mang theo khi quyết định hoàn tục, rồi cũng chính chú khi đến bước đường cùng, đã mang trả lại nơi mà chú đã từ đó ra đi. Phật ở tại tâm chính là chỗ này vậy. Dù mang trên lưng biểu tượng của tinh thần Phật giáo (bức tượng) nhưng lòng không tĩnh tại thì cũng chỉ như lấy giấy bọc lửa, hoàn toàn không có tác dụng gì.
Mùa đông, cũng là kết thúc của một vòng đời. Chú tiểu xưa nay trở về, lúc này đã ở tuổi trung niên (do chính đạo diễn Kim Ki-Duk đóng). Chú tiếp tục đi tiếp con đường lĩnh ngộ của mình và trả hết những ác nghiệp mà mình đã gây ra. Chú nhận nuôi một đứa trẻ, cũng chính là hình bóng của chú xưa kia.
Hình ảnh người đàn bà dùng khăn che kín mặt bế đứa con trai đến trước cửa chùa thật sự làm cho người xem cảm thấy bức bối. Tiếng khóc không thể thốt lên lời, những giọt nước mắt nuốt ngược vào trong, còn gì đau xót hơn khi vứt bỏ chính giọt máu của mình, còn gì xấu hổ tủi nhục hơn khi mang cái ác nghiệp đó quỳ lạy dưới chân Phật tổ. Và người đàn bà đó đã chết ngay trc cổng chùa, khi sa chân vào hố băng mà chú tiểu đào để lấy nước. Thật sự khó nắm được ẩn ý của chi tiết này. Đó là quả báo tức thì? Hay cái chết là sự giải thoát trước những dằn vặt mà người đàn bà đó sẽ phải gánh chịu suốt cuộc đời? Và tại sao lại là cái hố do chú tiểu đào?
Nếu chỉ dừng ở đó thì đây là một bộ film hay. Nhưng chính mùa xuân cuối cùng, mùa xuân trong cụm “rồi lại xuân” mới là cái đưa bộ film vượt xa mọi chuẩn mực thông thường, để lại trong lòng người xem những băn khoăn trăn trở mà có lẽ chỉ tự bản thân mỗi người chúng ra mới có thể tìm ra câu trả lời cho riêng mình. Có lẽ nhân quả là tuần hoàn, chúng ta được sinh ra là vì chúng ta chưa trả hết duyên nghiệp của tiền kiếp? Có lẽ ác hay thiện chỉ là phản chiếu cuộc đời của chúng ta từ những mầm nhân đã được gieo trong quá khứ xa xưa? Có lẽ cuộc đời chỉ là sự thử thách trước khi thực sự đến được cõi vô dư niết bàn, vượt khỏi luân hồi sinh tử?
Khó có thể hoàn toàn coi đây là bộ film nói về đạo Phật, dù rằng nó mang rất nhiều tinh thần Phật giáo. Đạo diễn Kim Ki-Duk đã xây dựng bộ film như một bức tranh, một vở kịch không lời (cả phim chỉ có chừng hơn 100 câu thoại).
Bộ film như một bức tranh, một vở kịch không lời
Không một chút dư thừa, mỗi hình ảnh trong film đều mang trong mình ý nghĩa của riêng nó. Rất khó diễn tả được cái không khí mà quay film mang lại, nó có gì đó vừa tĩnh lặng vừa xao động, như cái thiện và cái ác song hành. Vẻ đẹp trong từng thước film cũng mang sự thoát tục, xa lánh trần gian, như bức tượng Phật im lìm trên đỉnh núi nhìn xuống ngôi chùa ở cuối phim.
Khác với đạo Phật mang tính soi sáng, dẫn đường cho các loài chúng sinh đến với con đường giác ngộ, bộ film đặt cho chúng ta những câu hỏi ko lời giải đáp. Cái ác trong film cũng như 1 quy luật tuần hoàn, cứ được đẩy dần lên cao trong vòng xoay luân hồi vô tận. Đứa bé sinh ra với sự vứt bỏ của người mẹ, sẽ đem cái ác nghiệp đó tiếp tục trút lên những loài súc sinh khác, cái ác cứ từ đó mà sinh sôi? Con người liệu có phải tất cả đều giống như đôi cá chú tiểu và cô bé năm xưa bỏ trong chiếc giầy khi cả 2 ngồi tình tự, cũng đều vì mang dục niệm sân si mà mãi mãi bị kìm hãm trong cái thế giới trần tục của chính mình, mãi mãi ko thể thoát ra?
Câu trả lời là của mỗi người.
Video được xem nhiều nhất