Vượt biên trở về sau 14 năm rồi lại tự nguyện ra đi
Về nhà sau 14 năm bị kẻ xấu lừa bán sang Trung Quốc nhưng chị Tuyết lại một lần nữa chia tay mẹ già để ngược sang xứ người.
Bà Nguyễn Thị Lưu (sinh năm 1938) cùng chồng là ông Hoàng Văn Thái (sinh năm 1934) ở thôn Đinh, xã Tri Phương (huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) có 4 mặt con. Ngày đó, gia đình chẳng khá giả gì, ông bà bươn trải, làm thuê làm mướn đủ công việc để nuôi dạy các con ăn học đến nơi đến chốn. Cô con gái út Hoàng Thị Tuyết (sinh năm 1976), sau khi tốt nghiệp cấp ba, thi đại học mấy lần không đậu dẫn đến tâm lý chán chường. Khi ấy có người cùng thôn tên Mến làm nghề buôn bán, rủ Tuyết lên Lạng Sơn chơi, rồi bảo Tuyết theo học nghề buôn bán với lương cao. Đang lúc buồn chán, thấy có người cho theo học nghề, lại được trả lương nên Tuyết không chút đắn đo. Lúc đi Lạng Sơn, Tuyết cũng không trực tiếp xin phép bố mẹ, mà nhờ người hàng xóm cạnh nhà nhắn với bố mẹ là đi chơi ở nhà người quen mấy hôm.
Nhiều ngày sau, không thấy tin tức gì của Tuyết, bà Lưu đi khắp nơi hỏi thăm nhưng chẳng ai biết. Suốt mấy tháng sau, cả gia đình chia nhau đi tìm Tuyết nhưng vô vọng. Cho đến tận 10 năm sau, Tuyết vẫn “bặt vô âm tín” khiến cha mẹ già và người thân còm cõi trong thương nhớ, tuyệt vọng. Ai cũng sợ Tuyết đã chết vì không có một chút tin tức, manh mối gì. Mọi người đều động viên nhau rằng Tuyết đang ở một nơi nào đó và có một ngày sẽ trở về.
Cho đến một ngày cuối tháng 9/2010, chị Hoàng Thị Tuyết bỗng dưng trở về sau 14 năm "mất tích". “Hôm ấy tôi và chồng tôi đang ngồi trong nhà, thấy nó bước vào mà cả hai chúng tôi đều ngớ cả người ra, không nói nên lời. Tôi cấu vào má mình một cái thật đau rồi hỏi: “Có phải Tuyết không con?” thì nó gật đầu. Tôi vội ôm chầm lấy con, đúng là nó thật, đứa con bằng da bằng thịt của tôi đã trở về”, bà Lưu nhớ lại ngày gia đình đoàn viên.
Ngày chị Tuyết trở về, cả gia đình, dòng tộc vui mừng khôn xiết. Anh em, họ hàng, làng xóm nườm nượp đến hỏi thăm, chia sẻ. Tuyết kể, ngày đó do tin lời người cùng thôn tên là Mến sang biên giới làm ăn. Thế nhưng chỉ ít ngày sau đó, chị bị Mến lừa bán sang một vùng quê ở Trung Quốc để làm vợ cho một người đàn ông nghèo. Đó là vùng đất xa xôi, hẻo lánh thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Những ngày đầu, chị khóc đến cạn nước mắt vì nhớ nhà. Chị nhiều lần tìm cách bỏ trốn nhưng bất thành. Nỗi tủi nhục, đau khổ khi đấy đầy đọa thân xác, tâm trí chị.
Tấm ảnh chân dung của chị Hoàng Thị Tuyết gửi về nhà. |
Mười mấy năm chung sống Tuyết đã có với người đàn ông Trung Quốc 3 đứa con. Chị kể: “Vợ chồng chị bên đó nghèo lắm, chồng không có học hành gì và đi làm thuê ở tỉnh Quảng Đông. Cuộc sống của chị với người chồng Trung Quốc gặp phải muôn vàn khó khăn. Thời gian đầu do bất đồng về ngôn ngữ, hai người không thể giao tiếp với nhau. Về sau, hai người đành học cách ra hiệu bằng cử chỉ hoặc lấy cái gì thì chỉ vào cái đó. Sống với nhau lâu dần chị cũng học được một số câu giao tiếp cơ bản bằng tiếng Trung Quốc”.
Túng thiếu, chị phải theo chồng đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Mãi đến năm 2010 khi tích góp được một chút tiền, chị mới dám xin phép nhà chồng tìm đường về quê thăm cha mẹ. Do không có giấy tờ tùy thân nên sau khi đi xe khách, chị phải vượt đường rừng qua biên giới để về được Việt Nam.
Về nhà được ít ngày, chị Tuyết lại xin phép bố mẹ, anh em họ hàng ngược trở lại Trung Quốc để chăm sóc các con. “Tôi có hỏi nó “Sao không cho chồng con về chơi?” thì nó bảo “Không có đủ tiền về cả nhà mẹ ạ”. Nghe nó nói mà nghẹn lòng, thôi thì cái số phận nó hẩm hiu giờ phải chấp nhận chứ sao bỏ lại 3 đứa con ở Trung Quốc được”, bà Lưu xót xa.
Rồi khóe mắt bà Lưu đỏ hoe khi nhìn lên tấm ảnh chồng trên ban thờ. Thắp nén hương cho chồng, bà kể tiếp: “Đợt cuối năm 2014, khi ông nhà tôi trở bệnh nặng phải nhập viện thì con Tuyết nó nghe tin cũng vội về thăm bố. Chăm nom bố được 3 hôm thì lại tất tưởi về Trung Quốc vì công việc làm thuê, còn chăm sóc con cái. Khi thì nó đi rửa bát thuê ở Quảng Đông, khi thì sang tỉnh khác làm ôsin, khổ lắm. Mà vợ chồng nó có 3 đứa con rồi mà tôi chả biết mặt mũi các cháu thế nào. Về sau, nó gửi ảnh về mình mới được ngắm cháu. Vừa thương vừa xót xa”.
Từ khi chồng mất, bà Lưu ở với gia đình con gái tên Hoàng Thị Vân. Con gái lớn của Tuyết cũng sắp lấy chồng. Bà ước ao một lần được sang đó để mẹ con, bà cháu gặp nhau. Ngặt nỗi năm nay đã 78 tuổi, bà không còn đủ sức khỏe để đi xa được nên chỉ biết lẳng lặng thở dài.
Ngày giỗ đầu chồng, không thấy con về bà buồn lắm. Buổi sáng bà đã dậy sớm nấu món cá mà chị Tuyết ngày xưa thích nhất. Mỗi khi thấy có người đến bà lại chạy ra cổng ngỡ con về nhưng không phải. “Cách đây mấy tuần, Tuyết nó có gọi về bảo sẽ về nhà ăn giỗ đầu bố nó. Chắc do nó bận việc với cả khó khăn về tiền bạc nên chẳng về được”, bà Lưu buồn rầu.
Theo Giadinh.net.vn
Video được xem nhiều nhất