‘Vỏ bọc ma’ có phải thua lỗ vì tranh cãi tẩy trắng?

Zing - 03/04/2017, 15:00

“Ghost in the Shell” chỉ thu vỏn vẹn 19 triệu USD nội địa sau ba ngày ra mắt. Phim vấp phải tranh cãi tẩy trắng từ lúc chọn Scarlett Johansson vào vai chính cách đây hai năm.

Tác phẩm hành động khoa học viễn tưởng dựa trên truyện tranh Nhật Bản và có sự tham gia của Scarlett Johansson.

*Bài viết có tiết lộ một phần nội dung đoạn kết bộ phim

Ghost in the Shell nguyên gốc là bộ manga hành động/giả tưởng của tác giả Masamune Shirow, ra đời năm 1989. Song, phải đến khi bộ phim hoạt hình điện ảnh cùng tên do đạo diễn Mamoru Oshii thực hiện trình làng năm 1995, thương hiệu Ghost in the Shell mới bắt đầu gây chú ý trên khắp toàn cầu.

Sở hữu phần kịch bản ấn tượng, đan xen nhiều ý tưởng sáng tạo về công nghệ đột phá cùng triết lý sâu sắc xoay quanh bản ngã con người, Ghost in the Shell không ngừng được mở rộng, trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho các nhà làm phim, trong đó đáng kể nhất là bộ phim kinh điển The Matrix (1999).

Kế hoạch biến Ghost in the Shell thành phiên bản live-action (người đóng) xuất hiện năm 2008 khi nhà làm phim gạo cội Steven Spielberg cùng hãng DreamWorks chính thức giành quyền chuyển thể tác phẩm. Nhưng trải qua nhiều giai đoạn phát triển, tới năm 2014, dự án mới chính thức khởi động với đạo diễn Rupert Sanders và minh tinh Scarlett Johansson.

‘Vo boc ma’ co phai thua lo vi tranh cai tay trang? hinh anh 1

Ghost in the Shell vấp phải chỉ trích nặng nề ngay từ khi chọn Scarlett Johansson vào vai chính.

Câu chuyện trong Ghost in the Shell theo chân “Thiếu tá” Motoko Kusanagi (Mira Killian ở bản phim mới) - mật vụ thuộc Tiểu đội 9 của Chính phủ, chuyên giải quyết các vụ án liên quan đến công nghệ mạng và robot tự động. Bản thân cô cũng là người cấy ghép với chỉ duy nhất bộ não là nguyên bản, còn cơ thể của “Thiếu tá” hoàn toàn là nhân tạo, thường là các cô gái trẻ đẹp.

Tính đến trước năm 2017, Ghost in the Shell có tổng cộng bốn phim hoạt hình điện ảnh, bốn trò chơi điện tử, ba cuốn sách và ba loạt phim truyền hình.

Tranh cãi về vấn đề tẩy trắng

Bởi Ghost in the Shell là thương hiệu bắt nguồn từ xứ sở hoa anh đào và nhân vật “Thiếu tá” thường được khắc họa như một phụ nữ Nhật Bản, chuyện chọn Scarlett Johansson làm diễn viên chính cho phiên bản phim live-action của Hollywood khiến dự án vấp phải chỉ trích ngay từ năm 2015.

Cách đây hai năm, người hâm mộ Ghost in the Shell kêu gọi tẩy chay dự án trên mạng Internet bởi nhà sản xuất đã cố tình “Mỹ hóa” dàn diễn viên và nội dung phim. Bất cứ hình ảnh, trailer nào sau khi tung ra đều bị cộng đồng fan ruột lên án, dù ít dù nhiều.

Người hâm mộ càng trở nên giận dữ khi có tin cho rằng hãng Paramount và DreamWorks đã sử dụng kỹ xảo vi tính để giúp các nhân vật trong phim, đặc biệt là “Thiếu tá” của Scarlett Johansson, trở nên giống người châu Á hơn.

Sau đó, hãng phim buộc phải lên tiếng thanh minh rằng tất cả chỉ là quá trình thử nghiệm và họ không áp dụng nó cho nhân vật chính Mira Killian, mà chỉ dùng công nghệ cho một nhân vật quần chúng.

Sự thật chỉ có hãng Paramount và DreamWorks mới biết, nhưng lời tiết lộ không đủ giúp phim thoát khỏi cơn giận dữ đến từ cả những diễn viên gốc Á nổi tiếng như Constance Wu.

‘Vo boc ma’ co phai thua lo vi tranh cai tay trang? hinh anh 2

Ghost in the Shell là một trong số những tác phẩm bị vấp phải tranh cãi tẩy trắng tại Hollywood trong thời gian qua.

Trong quãng thời gian này, tranh cãi tẩy trắng không chỉ xảy ra với Ghost in the Shell. Bom tấn Doctor Strange (2016) gặp vấn đề tương tự khi để Tilda Swinton sắm vai Ancient One - nhân vật vốn là một người đàn ông Tân Cương trong nguyên tác truyện tranh.

Khi The Great Wall (Tử chiến Trường Thành) (2017) chưa ra mắt, nhiều người cho rằng việc để Matt Damon - một diễn viên da trắng của nước Mỹ - sắm vai người hùng trong bom tấn lấy bối cảnh Trung Quốc thời kỳ Trung đại của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là điều không thể chấp nhận.

Series siêu anh hùng Iron Fist của Marvel và Netflix bị đánh giá thấp về mặt chất lượng, đồng thời gặp chỉ trích khi để Finn Jones sắm vai chính là một võ sư tài ba. Hay mới nhất, cũng chính Netflix bị “ném đá” bởi phiên bản remake Death Note - một thương hiệu lừng danh khác của Nhật Bản.

Người trong cuộc nói gì?

Cá nhân Scarlett Johansson không trốn tránh báo giới khi bị hỏi về vấn đề tẩy trắng. Trong chương trình Good Morning America, minh tinh phát biểu: “Nhân vật của tôi có trải nghiệm sống rất độc đáo. Não bộ cô ấy đặt trong cơ thể máy móc. Nên 'Thiếu tá' không hề có danh tính”.

Johansson đồng thời khéo nhắc nhở rằng mình là một người thường xuyên tham gia các hoạt động ủng hộ nữ quyền. Nhưng tất cả càng khiến cô và Ghost in the Shell gặp phải chỉ trích lớn hơn. Luồng dư luận phản đối cho rằng nữ diễn viên đã “ngụy biện” khi họ đang muốn đề cập đến vấn đề sắc tộc, chứ không phải giới tính.

Đạo diễn Rupert Sanders chắc chắn phải lên tiếng bảo vệ “đứa con tinh thần”. Trả lời trang CNET, ông khẳng định: "Scarlett Johansson là diễn viên tài năng bậc nhất của thế hệ cô ấy. Tôi không thể tưởng tượng ra ai có thể sắm vai ‘Thiếu tá’ tốt hơn Johansson".

‘Vo boc ma’ co phai thua lo vi tranh cai tay trang? hinh anh 3

Minh tinh Scarlett Johansson lúc này đang bị gọi là "kẻ nói dối".

Trong khi tác giả truyện tranh Ghost in the Shell rất kín tiếng, thì Mamoru Oshii - đạo diễn của phiên bản hoạt hình nổi tiếng năm 1995 - lại tỏ ra ủng hộ các đồng nghiệp Hollywood. Ông cho rằng câu chuyện không có gì đáng tranh cãi bởi “Thiếu tá” vốn là một phụ nữ không có sắc tộc rõ ràng.

“Nhân vật ‘Thiếu tá’ thực chất là một người cơ khí. Bởi cô ấy được vẽ theo phong cách anime với câu chuyện lấy bối cảnh Nhật Bản, người ta cứ nghĩ đây là người Nhật. Cái tên Motoko Kusanagi và cơ thể hiện tại không thuộc về cô ấy. Do đó, chẳng có lý do gì buộc phải để một diễn viên châu Á sắm vai nhân vật trong bộ phim mới”, nhà làm phim chia sẻ với IGN.

Chỉ trích chưa chấm dứt

Sau khi ra rạp từ 31/3, Ghost in the Shell tiếp tục trở thành mục tiêu công kích của MANAA (Mạng lưới Truyền thông Hành động dành cho người Mỹ gốc Á). Trong thông cáo báo chí gửi ra cho truyền thông, họ trích dẫn lại lời của Scarlett Johansson trong cuộc phỏng vấn với chương trình Good Morning America.

“Tôi sẽ không bao giờ cố gắng vào vai một người thuộc sắc tộc khác”, Johansson đã nói vậy. Để đáp lại, MANAA viết: “Cô ấy đã nói dối”. Bởi đoạn kết của Ghost in the Shell đã hé lộ rằng bộ não bên trong Mira Killian thực chất là của Makoto Kusanagi - một cái tên đậm chất Nhật Bản.

Tương tự là nhân vật Kuze do Michael Pitt thể hiện, với thân phận thực sự là Hideo - “một cái tên cho thấy đây vốn cũng là người Nhật Bản” như nhận xét của MANAA.

Robert Chan, Chủ tịch của MANAA, phát biểu: “Tại Hollywood, người Nhật Bản không còn có thể được khắc họa bởi người Nhật Bản. Chẳng có lý do gì Motoko hay Hideo không thể được giao cho một diễn viên Nhật hoặc châu Á, thay vì Scarlett Johansson hay Michael Pitt lúc này. Chúng ta thậm chí không được thấy nhân dạng thực sự của họ, và điều này đẩy vấn đề tẩy trắng lên mức cao hơn”.

Thông cáo báo chí của MANAA cũng không quên nhắc lại nhiều bộ phim điện ảnh dựa trên anime và manga nhưng giao vai chính cho diễn viên Mỹ trước đây như Dragonball Evolution hay Speed Racer.

Doanh thu không ưng ý

MANAA rất lo ngại rằng Ghost in the Shell sẽ thành công và biến thành một thương hiệu điện ảnh lớn, tiếp tục được kéo dài. Song, bộ phim chỉ thu vỏn vẹn 19 triệu USD sau ba ngày đầu trình chiếu tại Bắc Mỹ. Đây có thể coi là con số thất bại nếu biết kinh phí sản xuất của dự án là 110 triệu USD.

Mọi chuyện có vẻ sáng sủa hơn ở thị trường ngoại địa. Ghost in the Shell sau ba ngày có được 40,1 triệu USD từ 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Phim chưa ra mắt khán giả Trung Quốc và quốc gia tỷ dân có thể là nơi giúp Paramount xoay chuyển tình thế vào trung tuần tháng 4.

‘Vo boc ma’ co phai thua lo vi tranh cai tay trang? hinh anh 4

Thất bại tại Bắc Mỹ buộc Ghost in the Shell phải hướng đến thị trường Trung Quốc trong thời gian tới.

Nhưng có lẽ tranh cãi tẩy trắng không phải là nguyên do lớn nhất khiến khán giả tỏ ra kém mặn mà với Ghost in the Shell. Phim được đánh giá cao về mặt kỹ xảo hình ảnh, xây dựng bối cảnh, cũng như hành động, nhưng lại sở hữu phần nội dung giản lược, kém xa nguyên tác.

Đạo diễn Rupert Sanders rõ ràng muốn nhắm tới đối tượng khán giả đại chúng nhưng đã không thành công. Điều đó phần nào được thể hiện qua số điểm chỉ là 43% trên chuyên trang Rotten Tomatoes của bộ phim.

Lúc này, Ghost in the Shell chỉ giống như rất nhiều bộ phim khoa học viễn tưởng hành động khác của Hollywood, mang đậm tính giải trí, nhưng lại thiếu đi bản sắc riêng - điều mà nguyên tác luôn sở hữu và giúp thương hiệu vững mạnh suốt hơn hai thập kỷ qua.

Theo Tuấn Lương/Zing

 

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất