Vì sao Lôi Báo lại mang cảm giác lưng lửng, chưa thể hoàn toàn thoả mãn khán giả?
Gây tò mò cho khán giả bắt nguồn từ đề tài mới lạ, tựa phim gây tò mò cùng cái tên Victor Vũ, so với mặt bằng chung của phim Việt, Lôi Báo đang thực sự có những điểm vượt trội. Tuy nhiên bộ phim vẫn có kha khá những điểm khiến khán giả chưa thực sự hài lòng so với một sản phẩm cộp mác Victor Vũ.
- "Lôi Báo" ấp ủ thông điệp về một "siêu anh hùng thuần Việt"
- Cường Seven làm siêu anh hùng nhào lộn đến mẻ xương chân trong “Lôi Báo”
- "Lôi Báo": Chờ đợi gì ở một "siêu anh hùng thuần Việt"?
- Người hùng Cường Seven leo rào, vượt tường dễ như ăn kẹo trong “Lôi Báo”
- Cường Seven bất chấp chấn thương đóng cảnh hành động trong "Lôi báo"
Khai thác đề tài mới lạ về siêu anh hùng trên ý tưởng kịch bản về một ca ghép đầu, Lôi Báo là một trong số những bộ phim Việt Nam được trông đợi nhất tháng 12 cũng như trong năm 2017. Bởi đây không chỉ được "cầm trịch" bởi Victor Vũ, Lôi Báo còn tạm thành công trong việc đóng vai người mở đường cho dòng phim siêu anh hùng ở Việt Nam.
Về cơ bản, Lôi Báo đã tạm thời đáp ứng được công thức của phim siêu anh hùng cùng một kịch bản thú vị, những yếu tố siêu nhiên và những pha hành động mãn nhãn mà vẫn giữ được chất riêng của Victor Vũ. Phim tạo được không khí tốt, dẫn dắt khán giả vào câu chuyện trở thành "anh hùng thị xã" của nhân vật Tâm. Tuy nhiên, vẫn có một số điểm khiến khán giả chưa thực sự hài lòng. Nếu để lọc ra một danh sách "sạn" của Lôi Báo có lẽ sẽ khó nhưng để phân tích các lý do khiến phim bị "sượng" thì lại khá nhiều cơ sở.
Hành động đã nhưng chưa đủ
Dưới bàn tay của đạo diễn hành động Hollywood Vincent Wang, những phân cảnh hành động, kỹ xảo chính là điểm sáng đưa Lôi Báo lên một tầm cao mới so với các phim Việt cùng thời điểm. Các cảnh rượt đuổi, đấm đá, cháy nổ,… đều được dàn dựng công phu, tạo được cái chất mà một bộ phim hành động đúng nghĩa cần có.
Tuy nhiên thời lượng cho những cảnh quay hành động lại chưa thực sự đủ (chiếm khoảng 30% trên tổng thể) để khiến khán giả cảm thấy đã, thậm chí ở trận đấu cuối cùng, mọi thứ cũng diễn ra quá chóng vánh phần nào khiến người xem cảm thấy hụt hẫng và "thèm thuồng" nhiều hơn nữa.
Những cảnh hành động thực sự ấn tượng…
Nhưng hơi ít
Kịch bản dàn trải, lồng ghép quá nhiều xung đột
Trong Lôi Báo, kịch bản phim khá chặt chẽ. Tuy nhiên, có nhiều mối quan hệ, mâu thuẫn có thể phát triển tới tận cùng nhưng lại bị dừng lại ở lưng chừng. Khán giả chưa kịp cảm nhận tuyến tình cảm gia đình thì bị kéo vào câu chuyện khám phá cơ thể của Tâm rồi lại bị đẩy vào vòng xoáy của một bộ phim về tâm lý tội phạm, cảnh sát hình sự, sau lại về chuyện gia đình. Mỗi nhân vật trong phim đều có một câu chuyện, một góc khuất riêng nhưng những câu chuyện lại chưa thực sự được xoáy sâu để bật lên thành điểm nhấn.
Dù thông điệp phim rõ ràng là về gia đình, nó được nhấn mạnh rất rõ ở cuối nhưng trong tổng thể phim lại thiếu nhiều khoảnh khắc để khán giả cảm nhận được sự ấm áp của gia đình Tâm. Nó hoàn toàn chỉ xuất hiện ở phần đầu, bỏ lửng hoàn toàn ở phần giữa - phần quan trọng để người ta thấy Tâm thật sự vô tâm - thế nên phần cuối có phần khiên cưỡng khi mà Tâm quan tâm đến gia đình hơn chỉ vì vợ con anh gặp nguy hiểm.
Trong phim, quá nhiều xung đột được lồng ghép tới mức những tội lỗi trong quá khứ hay những âm mưu đều được rút ngắn bằng một vài lời kể của nhân vật. Vì nội dung chính bị dàn trải (dù thời lượng phim cũng không ít) nên những mâu thuẫn trở nên hời hợt. Chẳng hạn như tình tiết tiết lộ thân phận của giáo sư Mã và Tâm, tất cả được diễn ra bằng một cảnh quay và chủ yếu bằng thoại, những hình ảnh flashback cũng không để lại được ấn tượng. Dù việc tiết lộ họ là cha con là để giải thích cho câu chuyện quá khứ cũng như lý do vì sao ông Mã lại tốt với Tâm nhưng cách vấn đề bất ngờ xuất hiện rồi được giải quyết không khỏi khiến người xem bị hụt hẫng.
Kịch bản dàn trải với những một số mâu thuẫn được giải quyết không dứt điểm khiến khán giả cảm thấy dễ xem nhưng khó để nhớ hết mọi chi tiết. Thậm chí sau khi xem xong phim, khán giả dễ rơi vào trạng thái không rõ đây là một phim siêu anh hùng có yếu tố gia đình hay một bộ phim về gia đình có siêu anh hùng hoặc một phim hình sự điều tra có xuất hiện nhân vật siêu anh hùng!?
Có cảm xúc hơn các phim khác của Victor Vũ nhưng lại chưa tròn
Ngoài việc cộp mác một bộ phim mang hơi hướm siêu anh hùng, Lôi Báo còn được kì vọng là một bộ phim Giáng sinh đúng nghĩa cùng việc mang lại cho khán giả những cảm xúc đẹp về tình cảm gia đình, một điều mà hầu như rất ít các phim trước Victor Vũ làm được.
Tuy nhiên, có vẻ như bản thân bị lúng túng trong việc làm sao đẩy được chất hành động, giữ được chất li kì đặc trưng, nhấn mạnh thêm yếu tố cảm xúc nên cuối cùng phim hơi loạn. Lấy ví dụ về mối quan hệ cha con của Tâm và Bù, dù từng trải qua một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm của cha nhưng khi trở thành một người cha, khán giả lại không thực sự cảm nhận được một tình cảm đặc biệt giữa Tâm và bé Bù qua ánh mắt hay cử chỉ mà lại tiếp tục phải cảm nhận nó qua một vài lời thoại mang màu sắc khá hài hước giữa hai cha con bởi duy nhất cảnh phim đầu tiên.
Trong phim, Cường Seven thể hiện khá tốt những phân cảnh thể hiện chiều sâu tâm lý tuy nhiên lại chưa thực sự khiến khán giả cảm thấy đồng cảm về số phận của nhân vật, một số nhận xét cho rằng Tâm/Lôi Báo của anh cứ xa lạ thế nào đó. Từ câu chuyện về một tuổi thơ bất hạnh khiến cảm xúc khán giả dừng lại ở mức lưng chừng đến những khao khát bản năng, tình cảm chóng vánh với bác sĩ Tuệ (Vũ Ngọc Anh), hầu như Tâm đều khiến khán giả cảm thấy chưa trọn vẹn. Thật đáng tiếc khi mà gần như chỉ có cái suy nghĩ muốn nổi tiếng vì được làm siêu anh hùng của Tâm là được người ta cảm rõ nhất!?
Thêm nữa, mối quan hệ của Tâm và bác sĩ Tuệ diễn ra khá gấp gáp, chưa đủ để khán giả có thể nghĩ Tuệ đủ sức ảnh hưởng tới cuộc sống của Tâm. Thậm chí, ở đoạn cuối Tâm dùng hai viên đạn kết liễu cuộc đời của "cô Hai Đà Lạt" một cách không hề thương tiếc, khác hẳn với những cảm xúc, nhớ nhung trước đó mà chưa có điểm chốt để khán giả day dứt với mối quan hệ này. Lúc Tâm bắn Tuệ, Nghĩa ở đâu trong ký ức của anh!?
Hay như phân cảnh Tâm nhận ra ông Mã là cha mình đã nói bên trên cũng bị thiếu "gia vị". Đáng lẽ phải tạo ra rất nhiều cảm xúc nhưng lại diễn ra chóng vánh. Và chỉ ngay vài phân cảnh sau, khi chưa kịp có một diễn biến đặc biệt nào đủ để Tâm có thể thay đổi cách nhìn về người đàn ông vô trách nhiệm năm nào thì anh đã có thể gọi ông Mã là cha, dĩ nhiên ông Mã cũng không hề có một cảm xúc hay biểu hiện khác thường nào trong khoảnh khắc thiêng liêng ấy.
Đặt nhân vật vào giữa rất nhiều mâu thuẫn, xung đột đan xen lẽ ra người xem phải nhìn thấy và thấu hiểu cho quá trình trưởng thành trong tâm lý nhân vật tuy nhiên lại chưa có phân cảnh nào đủ đô để làm được điều đấy.
Dàn diễn viên khá tròn trịa nhưng lại thiếu dấu ấn cá nhân
Xuất thân từ một ca sĩ, lần đầu tiên đảm nhận vai nam chính trong một bộ phim điện ảnh vừa diễn tâm lý vừa diễn hành động, những nỗ lực, cố gắng của Cường Seven thực sự rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên có vẻ Cường Seven thể hiện tốt hơn ở những phân đoạn đấm đá và yếu thế rõ rệt trong việc thể hiện chiều sâu tâm lý nhân vật cùng những giằng xé và mâu thuẫn. Nhiều phân cảnh nổi nóng, đau khổ của Tâm khiến khán giả cảm thấy khiên cưỡng.
Cường Seven thể hiện tốt hơn ở những pha hành động
Lần này, Nhã Phương diễn khá tốt những phân đoạn cảm xúc, càng về sau sự nhập vai của Nhã Phương càng ấn tượng hơn tuy nhiên cô vẫn đang đi vào lối mòn cũ của một vai diễn sở trường về một người phụ nữ hiền lành, dịu dàng và mau nước mắt. Lẽ ra, vai diễn Linh phải khiến khán giả đồng cảm bởi sự mạnh mẽ của một người vợ đang gồng mình làm chỗ dựa cho gia đình và trước cả những thay đổi của chồng. Tất nhiên vẫn phải khẳng định cô nàng nổi bật hơn hẳn trong việc khắc họa tính cách nổi bật của nhân vật.
Nhã Phương trong vai Linh
Về phần của Vũ Ngọc Anh, người đẹp có biểu cảm tốt hơn hồi đóng Quyên nhưng lại bị hạn chế về đài từ, khiến người ta cứ nghe Tuệ nói chuyện là thấy mệt, hoặc tức cười. Vai diễn của cô lẽ ra sẽ thành công hơn nhưng lại chưa được khai thác sâu, ít đất diễn, thành thử dù có một cú twist quan trọng nhưng thành ra vẫn nhạt hơn Linh.
Tuệ (Vũ Ngọc Anh) ghi điểm về ngoại hình lẫn biểu cảm nhưng đài từ của cô đã khiến nhân vật mất điểm trầm trọng
Diễn viên Ngọc Sơn thể hiện khá ổn vai ông Mã nhưng chưa có một điểm nhấn để thực sự tỏa sáng và ghi dấu ấn cùng nhân vật của mình. Kể cả quá khứ của nhân vật Mã – điểm mấu chốt trong phim cũng được phát triển một cách khá gượng gạo và công thức.
Ông Mã (Hoàng Sơn)
Về các nhân vật khác, ngoại trừ những pha đấm đá ấn tượng của Quách Ngọc Ngoan ra thì tuyến nhân vật phản diện chưa gây được dấu ấn đậm nét thậm chí còn không đủ ác để khiến khán giả cảm thấy ghét hay sợ hãi. Ông Đạo (NSƯT Chánh Tín) trong phim được phác họa khá sơ sài thậm chí còn bất tỉnh hoàn toàn trong lúc quan trọng nhất và lúc tỉnh dậy thì con gái đã chết, cơ nghiệp sụp đổ, bản thân thì vô tù. Ông trùm của Lôi Báo thậm chí còn "phế" hơn các villain hay bị phàn nàn của Marvel.
Quách Ngọc Ngoan trong Lôi Báo gây ấn tượng với các pha đánh đấm nhưng ít đất diễn để thể hiện con người bên trong
Kết
Về cơ bản, Lôi Báo là một bộ phim mạnh về ý tưởng, hành động và kĩ xảo, cấu trúc kịch bản cũng đi đúng theo công thức của thể loại. Tuy nhiên cảm giác chưa trọn vẹn đều đến từ rất nhiều những vấn đề chưa được khai thác trọn vẹn, khiến cho người xem cảm thấy phim bị lúng túng. Dĩ nhiên đây vẫn là một bộ phim đáng để thưởng thức và là màn chào sân đầy ấn tượng của thể loại phim siêu anh hùng được đầu tư chỉnh chu tại Việt Nam. Nếu có phần 2, chắc chắn khán giả sẽ thấy rõ hơn được nhiều thứ.
Lôi Báo hiện đang được công chiếu trên toàn quốc
Theo Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất