‘Vệ sĩ, tiểu thư’: Tố đạo nhái chỉ là chiêu trò gây chú ý?
Những ngày cuối năm 2016, giới làm phim Việt ồn ào khi hai phim mang cùng đề tài vệ sĩ ra mắt liền kề nhau, khiến nảy sinh tranh cãi liên quan vấn đề “đạo nhái”.
Tháng 12, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ và Vệ sĩ Sài Gòn lần lượt ra mắt từ ngày 2 và 16. Cùng mang đề tài vệ sĩ Việt, lại khởi chiếu chỉ cách nhau đúng hai tuần, hai bộ phim khiến công chúng đặt ra câu hỏi liệu có sự copy ý tưởng, hay đơn thuần đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, thậm chí là chiêu trò gây chú ý?
“Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”
Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ (VSTTTK) cùng với Vệ sĩ Sài Gòn (VSSG) đều nhận được ngân sách đầu tư rất lớn. Đứng sau VSTTTK là một tập đoàn địa ốc, không tiếc rót tiền mời hai ngôi sao Angela Phương Trinh và Mạc Hồng Quân tham gia, đồng thời mang những bối cảnh xa hoa, lộng lẫy ở vịnh Hạ Long lên màn ảnh.
Trong khi đó, VSSG lại là tác phẩm được mong chờ của đạo diễn người Nhật Bản Ken Ochiai, bởii sự tham gia của bốn diễn viên tiếng tăm bao gồm: “ông vua phòng vé” Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu và B Trần. Phim được nhà sản xuất hứa hẹn là sẽ mang đến nhiều pha màn hành động “không thua gì Hollywood”, đồng thời xen lẫn hàng loạt tình huống hài hước.
Trước khi ra rạp, Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ cùng Vệ sĩ Sài Gòn gây ra những tranh luận xung quanh việc liệu có sự "đạo nhái" ý tưởng giữa hai phim hay không. Ảnh: CGV. |
Cả hai đều được kỳ vọng sẽ trở thành điểm sáng cho một năm tương đối ảm đạm của điện ảnh Việt Nam với rất ít tác phẩm hay và hầu như không có kỷ lục phòng vé nào bị phá vỡ.
Tuy nhiên, thay vì chất lượng, ngay từ trước khi công chiếu, cả hai phim lại gây chú ý bởi màn đấu khẩu liên quan đến nghi vấn “đạo nhái ý tưởng”.
Theo nhà sản xuất của VSTTTK, họ đã lên ý tưởng cho dự án từ rất lâu, thậm chí còn gửi cả phác thảo kịch bản cho chính các ngôi sao Thái Hòa, Kim Lý, Chi Pu. Tuy nhiên, cả ba diễn viên đều từ chối VSTTTK vì vướng lịch, và thay vào đó lại tham gia VSSG.
Dẫu “khởi động” trước, nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà VSTTTK phải dời lịch chiếu xuống tận cuối năm, vô tình đụng trúng VSSG. Ngạc nhiên vì thấy một phim quay sau nhưng lại mang cùng đề tài, nhà sản xuất VSTTTK càng trở nên “tá hỏa” khi biết bộ sậu diễn viên họ từng mời nhưng bất thành rốt cuộc lại xuất hiện trong VSSG.
Sự thật nằm trên màn ảnh
Ở thời điểm hiện tại, cả hai phim đều đã ra mắt khán giả và bất cứ ai cũng có thể tự tìm cho mình câu trả lời về việc hai phim giống nhau, khác nhau ra sao.
Đầu tiên, tuy có cùng chủ đề vệ sĩ, nhưng dễ nhận thấy VSTTTK xoay quanh mối quan hệ vệ sĩ - thân chủ (Mạc Hồng Quân - Angela Phương Trinh), còn VSSG nhấn mạnh vào tình đồng đội giữa vệ sĩ - vệ sĩ (Thái Hòa - Kim Lý).
Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ chủ yếu xoay quanh mối quan hệ thân chủ - vệ sĩ. Nhưng phim bị đánh giá là có kết cấu rời rạc, thiếu liên kết và thuyết phục. Ảnh: CGV. |
Không những thế, VSSG mang hơi hướm “buddy cops” - thể loại phim hành động pha hài hước thường xuất hiện hai viên cảnh sát (hoặc điệp viên, thám tử…). Họ có tính cách trái ngược, nhưng lại chơi thân với nhau hoặc buộc phải tác chiến cùng nhau. Ở Hollywood không thiếu những tác phẩm như thế, như loạt 21st Jump Street, loạt Rush Hour, This Means War, The Man From U.N.C.L.E…
Trong khi đó, VSTTTK thực chất chọn “tiểu thư” làm kép chính. Lần đầu chạm ngõ điện ảnh, diễn xuất cũng như thời lượng lên hình của Mạc Hồng Quân hoàn toàn lép vế so với Angela Phương Trinh.
Hầu hết thời gian, khán giả chỉ được theo dõi những cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng của nhóm bạn tiểu thư, những lần bàn mưu tính kế của nhóm toan bắt cóc cô, còn sự xuất hiện của nhóm vệ sĩ thực tế là vô cùng ít ỏi.
Ở VSTTTK, nhiệm vụ “cây hài” được giao cho nhóm phản diện có sự góp mặt của Bằng Kiều. Còn trong VSSG nó thuộc về chính Thái Hòa - Kim Lý, cùng nhân vật chàng trai bán phở do B Trần thủ vai. Về mảng miếng hài, rõ ràng Thái Hòa có kinh nghiệm hơn hẳn so với Bằng Kiều và những tình huống hài hước trong VSSG cũng có nét hơn so với VSTTTK.
Vệ sĩ Sài Gòn sở hữu những mảng miếng hài đường nét hơn đối thủ, nhờ công lớn của Thái Hòa. Song, tổng thể tác phẩm còn chứa đựng nhiều điểm yếu, đặc biệt ở phần kịch bản. Ảnh: CJ E&M. |
Ngoại trừ nội dung chính xoay quanh việc vệ sĩ chiến đấu với nhóm bắt cóc năm lần bảy lượt để giải cứu thân chủ, các chi tiết trong hai phim có rất ít nét tương đồng.
Họa chăng, chỉ có cảnh B Trần và Chi Pu hát We Will Survive giữa quán ăn phần nào gợi nhắc đến trường đoạn Angela Phương Trinh ca một bài tự sự ở đầu phim VSTTTK.
Giả sử có sự “gợi cảm hứng” với ê-kíp VSSG từ VSTTTK thì nó thực tế không nhiều, và cũng không đủ để khẳng định nghi án “đạo nhái” có tồn tại.
Hàng năm, Hollywood không thiếu các phim ra mắt gần nhau mà trùng đề tài, như Mirror Mirror và Snow White and the Huntsman hồi mùa hè 2015 cùng khai thác câu chuyện cổ tích về nàng Bạch Tuyết theo lối cải biên.
Điều khán giả quan tâm hơn cả là chất lượng thực sự của mỗi bộ phim. Nếu đủ hay trên tư cách là tác phẩm độc lập, sở hữu hướng khai thác độc đáo, thì dù mang cùng một đề tài, chúng vẫn đủ sức lôi kéo người xem tới rạp. Tiếc rằng, đây là điều mà cả VSSG và VSTTTK khó lòng có thể làm được.
Video được xem nhiều nhất