Tự hào Việt Nam mình đẹp đến thế này trong những thước phim nước ngoài!
Ngoài "Kong: Skull Island", còn nhiều phim nước ngoài có bối cảnh đẹp miên man tại Việt Nam có thể bạn từng biết!
- Cảnh sắc Việt Nam qua clip mới của "Kong: Skull Island"
- "Kong: Skull Island" lấy bối cảnh thời chiến tranh Việt Nam
- "Kong: Skull Island" quay tại VN được đề cử sự kiện của năm
- Chưa bao giờ Việt Nam lại nhiều quái vật như trong "Kong: Skull Island"
- Cảnh Điềm tham gia ‘Pacific Rim 2’ sau ‘Kong: Skull Island’
Trước thềm Kong: Skull Island sắp công chiếu, bộ phim được quảng bá là bom tấn Hollywood đầu tiên quay tại Việt Nam, với những cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà vô cùng thân quen của nước Việt. Chúng ta hãy cùng điểm lại những tác phẩm điện ảnh thế giới đã chọn Việt Nam làm bối cảnh.Nhiều người lầm tưởng phim Pan trước đây (có Hugh Jackman) là phim Việt đầu tiên quay tại hang Én (Sơn Đòong, Việt Nam). Thật ra, Pan chỉ ghi hình ngoại cảnh ở Việt Nam, trong khi các diễn viên thể hiện trước phông xanh rồi được dùng CGI ghép vào. Do đó, Kong: Skull Island mới thực sự là phim giải trí Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam.
Tuy nhiên, đây không phải những thước phim nước ngoài đầu tiên được quay trực tiếp tại đất nước chúng ta. Việt Nam không chỉ đẹp trong con mắt người Việt mà còn rất nhiều khung cảnh hay ho người nước ngoài luôn muốn được khám phá. Đã có khá nhiều những bộ phim nước ngoài lấy bối cảnh tại Việt Nam hoặc sang Việt Nam quay ngoại cảnh từng khiến khán giả xuýt xoa.
L'amant (Người Tình) - 1991
Đây là bộ phim xưa nhất của nước ngoài quay tại Việt Nam (từ sau năm 1975). Phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả Marguerite Duras, đạo diễn bởi Jean Jacques Annaud. Nội dung phim kể về chuyện tình của một thiếu nữ người Pháp và một người gốc Hoa giàu có tại Việt Nam. Họ gặp nhau trên chuyến phà Vĩnh Long - Sa Đéc rồi yêu nhau nhưng vì gia đình hai bên cấm cản mà người phải lấy vợ, kẻ trở về quê. Mười năm sau, họ gặp lại nhau tại Pháp và nhận ra mình vẫn còn yêu.
Câu chuyện gốc và nội dung phim được dựa trên chuyện tình có thật của chính tác giả Marguerite Duras với đại điền chủ Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc khi bà còn trẻ. Do đó, bộ phim cũng được hãng Cinematic Hongkong tiến hành quay ở Việt Nam từ năm 1986 đến 1990. Phim do tài tử Lương Gia Huy và nữ diễn viên Jane March đóng chính.
Indochine (Đông Dương) - 1992
Bộ phim của đạo diễn Régis Wargnier nói về khoảng thời gian đô hộ cuối cùng của Pháp ở Đông Dương. Trong bối cảnh nhiều thay đổi và nhạy cảm, câu chuyện cuộc đời của Eliane và Camille được tô vẽ hết sức duy mỹ và tinh tế. Eliane là vai diễn duy nhất của Catherine Deneuve được đề cử Oscar còn Phạm Linh Đan cũng nhờ vai Camille mà nhận giải nữ diễn viên triển vọng của giải César.
Bối cảnh phim diễn ra hầu hết ở Việt Nam với những địa danh như Sài Gòn, Hạ Long, Lăng Tự Đức, Tam Cốc. Vịnh Hạ Long trong những thước phim của Régis Wargnier đẹp như thiên đường với màu nước xanh như ngọc bích. Những cảnh phục dựng đường sá Sài Gòn những năm 30 cũng được thực hiện công phu. Indochine đã khiến khán giả thế giới có một cái nhìn khác hơn về Việt Nam trong thời kì đô hộ. Phim từng đoạt giải Oscar năm 1992 cho hạng mục phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.
The Quiet American (Người Mỹ Trầm Lặng) - 2002
Người Mỹ Trầm Lặng của đạo diễn Phillip Noyce được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của tác giả người Anh Graham Greene, nói về cuộc tình tay ba giữa phóng viên Thomas Fowler (Michael Caine), bác sĩ Alden Pyle(Brendan Fraser) và cô gái người Việt tên Phượng (Đỗ Hải Yến).
Dù chuyện phim diễn ra trong giai đoạn cuối của chiến tranh Đông Dương nhưng những cảnh phim đẹp nhất của Người Mỹ Trầm Lặng lại ở Hà Nội và Hội An. Tuy là một người nước ngoài, nhưng Phillip Noyce lại lột tả được những vẻ đẹp Hà Nội rất chuẩn mực trong những cảnh quay, tạo được một sự cân bằng đáng kể cho cái lãng mạn và tính chính trị trong bộ phim.
Đạo diễn Phillip Noyce và ngôi sao Michael Caine trong một cảnh quay ngoại cảnh ở Việt Nam
Bride from Hanoi (Cô Dâu Hà Nội) - 2005
Đây là bộ phim truyền hình duy nhất trong danh sách. Cô Dâu Hà Nội hoàn toàn là một phim Hàn Quốc, nhưng đặc biệt ở chỗ bối cảnh phim ở Hà Nội. Từ khi kịch bản còn năm trên giấy, dự án này đã rất thu hút các nhà làm phim Hàn Quốc vì yếu tố bối cảnh. Tuy rằng nhân vật Lý Thị Vũ là do diễn viên Kim Ok Bin đảm nhận, bên cạnh hai tài tử Lee Dong Wook và Lee Won Jong, nhưng cuộc sống sinh hoạt ở thủ đô Việt Nam được thể hiện khá tốt. Nữ diễn viên Kim Ok Bin cũng dành nhiều thời gian học tiếng Việt cũng như làm quen với nếp sống Hà Nội trước khi quay phim.
Nội dung phim cũng đúng kiểu truyền hình Hàn Quốc thời đó. Khi Park Eun Woo được cử đến làm việc tại một tổ chức phi chính phủ ở Hà Nội thì gặp và phải lòng Lý Thị Vũ. Ngặt nỗi cuộc tình của họ gặp trắc trở khi người anh của Eun Woo là Suk Woo xuất hiện.
Phim chỉ dài 2 tập nhưng gây tiếng vang khá lớn thời bấy giờ với khán giả Việt.
Les filles du botaniste (Hai cô con gái chủ vườn thảo dược) - 2006
Bộ phim này hơi đặc biệt vì bối cảnh trong phim không phải Việt Nam nhưng được quay ở Việt Nam do sự kiểm duyệt gắt gao về nội dung ở Trung Quốc.
Les filles du botaniste là một phim đồng tính, kể về cuộc tình giữa con gái và con dâu của một ông chủ vườn thảo dược. Đạo diễn của bộ phim là người Pháp gốc Trung, Đới Tư Kiệt. Tham gia diễn xuất chính có Lý Tiểu Nhiễm và Mylene Jampanoi.
Hàng loạt khung cảnh mênh mông bạt ngàn ở Sapa, Tam Cốc đã giúp bộ phim ghi điểm. Tuy rằng Trung Quốc không thiếu những khung cảnh thiên nhiên trù phù trùng điệp nhưng chắc hẳn khán giả xứ họ cũng sẽ bị chinh phục bởi vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt vời ở Việt Nam.
Pan (2015)
Khán giả Việt Nam từng được phen xôn xao khi thông tin Hang Én ở Việt Nam xuất hiện trong bom tấn Hollywood Pan.
Tuy rằng các diễn viên trong phim không đến Việt Nam để ghi hình mà chỉ diễn với phông xanh rồi dùng CGI ghép cảnh vào nhưng không thể phủ nhận sự hoành tráng và bao la của Hạ Long, Ninh Bình trong phim.
Kong: Skull Island (2017)
Còn tận 5 tháng nữa phim mới trình chiếu nhưng Kong: Skull Island đã gây sốt với cộng đồng người Việt khi đoàn phim sang Việt Nam ghi hình vào tháng 2 năm nay.
Đạo diễn John Vogt Roberts từng phát biểu rằng Kong: Skull Island sẽ khiến khán giả choáng ngợp vì bối cảnh ở Việt Nam.
Thêm một lần nữa cảnh thiên nhiên hùng vĩ ở Ninh Bình xuất hiện trong các phim nước ngoài. Bối cảnh của Kong: Skull Island còn diễn ra cả ở Quảng Bình và Quảng Ninh, các diễn viên của phim cũng sang tận Việt Nam để ghi hình chứ không diễn trên phông xanh như Pan trước đó.
Chùm phim của Trần Anh Hùng
Tuy rằng cả ba phim dưới đây của vị đạo diễn Việt Kiều đều có bối cảnh Việt Nam (L'Odeur de la papaye verte - Mùi đu đủ xanh, The Vertical Ray of the Sun - Mùa hè chiều thẳng đứng) đều không đủ "điều kiện" để xuất hiện trong danh sách nhưng vẫn đáng để vì cái nhìn của Trần Anh Hùng đối với Việt Nam vẫn là của một người Việt xa quê, anh theo gia đình sang Pháp định cư từ năm 12.
Mùi Đu Đủ Xanh lấy bối cảnh ở Sài Gòn nhưng được quay ở phim trường tại Pháp. Những gian nhà, khoảng sân, trang phục, cuộc sống của người Sài Gòn những năm 1950 được Trần Anh Hùng tái hiện công phu. Nếu không tinh ý, có thể khán giả sẽ chẳng biết cảnh trong phim là giả.
Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng được quay ở Hà Nội. Phim này có sự tham gia của các hãng phim Việt Nam nên cũng không thể tính là phim nước ngoài. Những ngoại cảnh xuất hiện trong Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng cũng thiên về những khung cảnh nghệ thuật sắp đặt chứ không chủ đích thể hiện thiên nhiên như những phim khác trong bài. Trong cách tả cảnh của đạo diễn gốc Việt này, đất nước Việt Nam vẫn cứ gọi là đẹp mê đắm lòng người.
Kết
Có thể thấy trước đây, các đạo diễn nước ngoài chọn Việt Nam làm bối cảnh vì lý do chiến tranh. Đất nước trải qua mấy lần ngoại xâm của chúng ta dường như đã khắc vào tâm trí người ngoại quốc những hình ảnh lộn xộn thời kháng chiến cùng với máu và mồ hôi. Nhưng rồi sau khi những thước phim tuyệt vời về thiên nhiên non nước Việt Nam xuất hiện qua L'amant, Indochine thì cái nhìn của các đạo diễn cũng dần thay đổi. Hy vọng trong tương lai sẽ còn có nhiều tác phẩm điện ảnh mang vẻ đẹp của Việt Nam ra thế giới hơn nữa.
Video được xem nhiều nhất