Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành "khách sộp"!

Kênh 14 - 15/05/2018, 12:56

Nhờ vào cơn “thèm khát” với dòng phim có kinh phí tầm trung và sự nới lỏng chính sách nhập khẩu điện ảnh, thị trường Trung Hoa đang cho thế giới thấy được sự đa dạng hàng đầu thế giới của mình mà liên hoan phim Cannes là dịp để các hãng phim nước này thỏa sức tìm kiếm nguồn cung phim.

Liên hoan phim Cannes gạt bỏ đi những hào nhoáng thảm đỏ, những bộ trang phục đắt tiền thì về bản chất là một dịp để những nhà làm phim tìm được khách mua và những hãng phim thì chọn được cho mình dự án điện ảnh tiềm năng để nhập về.

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 1.

Phạm Băng Băng trên thảm đỏ liên hoan phim Cannes 2018 - một gương mặt từ đại lục không thể thiếu trên thảm đỏ danh giá từ nhiều năm nay

Nếu như trước đây Cannes là cửa ngõ để các nhà làm phim châu Âu thường cố gắng tìm đến thị trường Hollywood đầy hứa hẹn, những hãng phim Trung Quốc mới là những người tìm đến họ với những đề nghị béo bở. Dễ thấy nhất là thế trận tại thị trường phim bên lề lễ trao giải Cannes 2018.

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 2.

Natalie Portman trong Vox Lux (tạm dịch: Quầng Sáng), bộ phim được mua bởi hãng Vision Film Entertainment của Trung Quốc tại Cannes 2018.

Thị trường tiêu thụ phim khổng lồ tại Trung Quốc

Trung Quốc từ xưa nay vẫn được biết đến như là một thị trường phim bí ẩn và kín kẽ, do chính sách quản lí phim ảnh vô cùng chặt chẽ của nước này. Người dân gần như chỉ được xem những bộ phim làm trong nội địa hoặc cùng lắm là nhập từ Hong Kong về chứ không mấy khi họ được xem một siêu phẩm Hollywood cả. Những studio Mỹ phải rất chật vật để tranh được thị phần tại thị trường tỉ dân như Trung Quốc. Tuy nhiên cũng vì thế mà khán giả tại nước này giống như một tờ giấy trắng, họ sẵn sàng chào đón bất cứ một tác phẩm điện ảnh mới mẻ nhập từ nước ngoài nào.

Vài năm trở lại đây, nhu cầu phim ảnh của người dân tăng lên, và chính phủ nước này cũng đang bắt đầu nhập thêm phim từ nước ngoài về để đáp ứng họ, đương nhiên phim Hollywood vẫn sẽ là đối tượng đi đầu trong xu hướng mới này.

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 3.

"Biệt Đội Đánh Thuê" có sự tham gia của nam tài tử Lý Liên Kiệt

Tuy nhiên, người Trung Quốc cũng vẫn rất quan tâm đến những bộ phim độc lập khác. Các hãng phim lớn như Movie View International, Rediance Film và Asian Shadows đang cố hết sức săn tìm phim lẻ qua những "phiên chợ khác nhau", kể cả EFM (viết tắt cho European Film Market, tức thị trường phim châu Âu) tại Đức. Sự thành công của The Expendables (Biệt Đội Đánh Thuê), The Mechanic (Người Thợ Máy), The Spy Next Door (Gián Điệp Vú Em), Source Code (Mật Mã Gốc) và vô số tác phẩm điện ảnh nữa tại nước này là điều không thể phủ nhận, khi rất nhiều trong số đó mang lại lợi nhuận hàng chục triệu đô.

Người Hoa: "Khách sộp" tại phiên chợ Cannes năm nay

Sự sụt giảm về mặt thị hiếu với những bộ phim cỡ vừa đang ám ảnh toàn bộ thị trường phim ảnh thế giới - Cannes 2018 cũng không phải là ngoại lệ - trừ Trung Quốc, nơi đang đi ngược với xu hướng chung.

Phân khúc phim có kinh phí vừa và nhỏ tại thị trường Cannes năm nay đang gần như bị "nhấn chìm" bởi hằng sa số những nhà phân phối phim Trung Quốc, những tay thợ săn hăng máu hay chính xác hơn, những vị cứu tinh đang cứu giá cho nền sản xuất phim châu Âu đang ế như chợ chiều.

"Sự mua bán phụ thuộc chủ yếu vào chất lượng bộ phim, nhưng dẫu sao thì thị trường Trung Quốc cũng lớn hơn Mĩ rất nhiều", Martin Moszkowicz, chủ tịch của hãng phim Đức Constantin với bộ Resident Evil 6 mang về 110 triệu USD. "Trung Quốc cũng có lợi thế là nước có chi phí phát hành và quảng cáo rẻ", vị chủ tịch cho hay.

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 4.

Câu chuyện về vị hiệp sĩ tấn công cối xay gió "The Man Who Killed Don Quixote" của đạo diễn Tery Gillian đã nhanh chóng tìm được khách hàng tại Trung Quốc là hãng Turbo Film

Những giao dịch đáng chú ý trong ngày đầu tiên của Cannes gồm có: Hishow Entertainment thâu tóm Everybody Knows (tạm dịch: Ai Cũng Biết) của Asghar Farhadi, Turbo Film mua đứt The Man Who Killed Don Quixote (tạm dịch: Kẻ Giết Don Quixote) của Terry Gilliam. Gần đây cũng có hàng loạt thương vụ điện ảnh khác mà quyền bản quyền rơi vào tay những ông chủ người Hoa: bộ phim City Of Lies (tạm dịch: Thành Phố Dối Trá) với Johny Depp thủ vai đã bị mua lại bởi Sweet Charm Pictures, Vision Film Entertainment nuốt gọn Vox Lux của Sierra Affinity và cả The Child In Time của Benedict Cumberbatch (tạm dịch: Đứa Trẻ Của Thời Đại) vừa mới đây cũng đã về một nhà với Studio Canal. Hãng phim Huala của Trung Quốc trong ngày đầu tiên mở chợ phim tại Cannes 2018 đã nhanh nhẹn ký một mạch 13 bản quyền phim để đem về đại lục.

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 5.

Một cảnh trong phim "The Child In Time"

Cơ hội làm giàu tại Trung Quốc cho những kẻ bị Hollywood ngó lơ

Lí do ẩn đằng sau sự vồ vập này là khá rõ ràng: trong quý đầu của năm 2018, Trung Quốc vượt qua Mĩ như là nơi có số lượng rạp chiếu nhiều nhất, và các nhà phân phối cần phải tìm kiếm một thứ gì đó để khỏa lấp nhu cầu của thị trường đang phình to ra này. Vai trò của những nhà săn dòng phim indie (dòng phim sản xuất bởi những hãng phim độc lập) vì thế càng trở nên quan trọng, điều này dẫn đến sự đa dạng trong gu thưởng thức của khán giả Trung.

Giờ đây, để có thể len lỏi vào thị trường vô cùng đặc biệt này, một bộ phim không nhất thiết phải là siêu phẩm Hollywood mà nó có thể đến từ bất cứ hãng phim nào, với chi phí và quy mô sản xuất cỡ vừa. Những cú hit mạnh tại phòng vé Trung Quốc năm 2017 trên thực tế lại đến từ những bộ phim như thế, chẳng hạn Dangal của Ấn Độ, Bad Genius (tạm dịch: Thiên Tài Bất Hảo) của Thái Lan hay The Invisible Guest (tạm dịch: Vị Khách Vô Hình) của Tây Ban Nha, những bộ phim chắc chắn sẽ bị "đè bẹp" tại phòng vé nước Mỹ.

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 6.

"Bad Genius" dù không có cửa tiến vào Bắc Mỹ nhưng đã thắng lớn tại các thị trường châu Á

"Tôi có thể khẳng định rằng Trung Quốc đang là thị trường phong phú nhất toàn cầu", nhà sản xuất phim Ấn Độ Prasad Shetty cho biết, người đã đứng đằng sau thương vụ chuyển nhượng phim chính kịch USD Secret Superstar (tạm dịch: Siêu Sao Bí Ẩn) của Bollywood tháng một vừa rồi và mang về 118 triệu USD từ quốc gia tỉ dân này. "Lần cuối cùng một bộ phim kiếm được con số đó ở ngoài nước Mĩ là bao giờ?".

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 7.

Rất ít phim Ấn Độ có thể ăn nên làm ra tại thị trường Bắc Mỹ

Dòng chảy đa dạng của phim ảnh tại Trung Quốc hiện tại dựa một phần lớn vào chính sách nới lỏng nhập khẩu điện ảnh của chính phủ nước này. Hiệp định thương mại Trung-Mĩ đã kết thúc vào năm 2017, và Hiệp Hội Điện Ảnh Mĩ đang muốn tiếp tục kế hoạch tăng doanh thu và xuất khẩu vào thị trường mới nổi này. Tuy nhiên, theo như nhiều nguồn tin từ Hiệp Hội Điện Ảnh Trung Quốc thì chính quyền của Donald Trump đã không thực hiện bất cứ một nỗ lực nào nhằm giúp Hollywood đạt được mục tiêu trên. Thực tế thị trường cho thấy quốc gia châu Á này đang cần rất nhiều sản phẩm điện ảnh để thỏa mãn người dân và tạo thêm thời gian cho những bộ phim trong nước phát triển.

Thị trường phim Cannes 2018: Khi Trung Quốc trở thành khách sộp! - Ảnh 8.

Cannes 2018 được đánh giá là liên hoan phim có nhiều thay đổi trong nội bộ tổ chức, danh sách phim tranh giải lẫn thị trường "chợ búa" bên lề

Vì thế, phương hướng giải quyết là nhằm vào hàng loạt những bộ phim thứ cấp, nói nôm na là những bộ phim có tiền bản quyền không quá cao. Thường thì để mua phim nước ngoài, Trung Quốc sẽ đưa một cục tiền rồi ẵm phim về, nhưng trong những năm gần đây, họ lại chuyển sang chiến thuật kinh doanh mới: các nhà phân phối sẽ chỉ trả trước một khoản, phần còn lại sẽ được trả theo phần trăm lợi nhuận của bộ phim, nếu nó vượt qua được thử thách phòng vé. Các nhà hoạch định Trung Hoa dần nhận ra rằng phương pháp này hiệu quả hơn, vì vậy nên họ mới quyết định để cho sản phần điện ảnh ngoại quốc chảy ồ ạt vào nội địa như vậy. Điều này cũng thể hiện một điều, Trung Quốc đang đa dạng hóa thị trường phim nước họ, và nhập phim là một cách hoàn hảo để có thể học hỏi từ bên ngoài.

Nếu các doanh nhân Trung Quốc có gì để than vãn tại Cannes lần này thì chắc chắn đó sẽ là "Sao ít phim thế, chúng tôi chỉ cần thêm phim để mua.", Yoyo Qu - CEO của Sweet Charm Pictures trả lời phỏng vấn.

Theo Toàn Lưu/Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất