"Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể" hay chuyện "ai cho tao lương thiện" của mẹ ghẻ ác nhất hành tinh
Chỉ cần nhắc đến truyện cổ tích “Tấm Cám” thì ai cũng thương cô Tấm dịu hiền, tốt bụng; căm ghét mẹ Cám – bà dì ghẻ độc ác liên tục hành hạ và giết chết con chồng. Tuy nhiên, đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi, mẹ Cám có thực sự là kẻ ác?
- 5 phút cuối ngắn ngủi giải mã toàn bộ ‘Tấm Cám - chuyện Huỳnh Lập" kể khiến ai cũng giật mình
- Huỳnh Lập sẽ khác "dì ghẻ" Ngô Thanh Vân trong "Tấm Cám"
- Phim của Nhã Phương vượt "Tấm Cám" nhận giải Mai Vàng 2016
- Tấm Cám, Những ngọn nến trong đêm "đối đầu" hàng loạt phim Việt nặng ký
- Cặp chị em ruột cosplay "Tấm Cám chuyện chưa kể"
Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể là một tác phẩm parody đầy sáng tạo (một thể loại nhái nhằm mục đích vui là chính) từ bộ phim điện ảnh Tấm Cám: Chuyện chưa kể của đạo diễn - nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng ra mắt thành công vào năm 2016. Phim có kinh phí lên đến 2 tỷ đồng, và nhanh chóng thu hút đông đảo khán giả ngay từ trailer đầu tiên.
Chỉ sau 1 ngày chiếu chính thức trên Youtube, cả 3 tập phim đã có lượt xem khổng lồ. Tập 1 của bộ phim còn lên đến hơn 2 triệu rưỡi lượt xem và con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên trong những ngày tới.
Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể gây sức hút với khán giả không chỉ nhờ tình tiết hài hước, dàn diễn viên diễn xuất tốt, trang phục đẹp mà còn bởi việc khai thác những góc nhìn mới. Bộ phim thực sự kể những “chuyện chưa từng kể” trong câu chuyện cổ tích năm nào.
Nội dung phim được biên kịch đưa ra dưới góc nhìn của một nhân vật phản diện: mẹ Cám (Huỳnh Lập đóng). Mẹ Cám - theo tương truyền là bà mẹ ghẻ điển hình của mọi thời đại, là minh chứng của câu “Bao giờ bánh đúc có xương, bao giờ dì ghẻ lại thương con chồng”. Tuy nhiên, Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể dù bám sát nguyên tác vẫn đưa đến được hình ảnh một mẹ Cám hoàn toàn khác, mới lạ hơn và nhân văn hơn.
Ngày còn trẻ, mẹ Cám cũng đã yêu và được yêu nhưng cuối cùng…
Từ xưa đến nay, mẹ Cám vẫn được gọi là.... mẹ Cám, chẳng ai biết tên thật của nhân vật này là gì. Đến bộ phim đặc biệt của Huỳnh Lập, mọi người mới biết mẹ Cám tên thật là Trần Thị Mẹ Cám. Đây là một chi tiết hài hước ở trong phim để “trả lại tên cho em” nhưng thực chất nó cũng gợi nhắc được sự hi sinh của mẹ dành cho Cám trong câu chuyện cổ tích. Dù độc ác với người khác thì mọi tính toán của bà vẫn chỉ là muốn con mình có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Không ai có thể ngờ rằng, khi còn trẻ, mẹ Cám đã có một mối tình lãng mạn, sâu sắc với cha của Tấm (Đạt Nguyễn đóng). Sau đó, cha của Tấm lại lấy mẹ của Tấm (Lâm Vỹ Dạ). Dù không biết lí do là gì nhưng rõ ràng mẹ Cám vẫn rất nặng tình với cha của Tấm, ngày ngày vẫn đứng từ xa lặng lẽ nhìn hạnh phúc của cha mẹ Tấm.
Mẹ Tấm không may mất đi khi Tấm vẫn còn phải ẵm trên tay. Lúc này, mẹ Cám vì tình yêu đã chấp nhận làm mẹ kế của Tấm. Có lẽ lúc này nếu cha của Tấm không đi bước nữa thì cũng khó lòng có thể nuôi dưỡng một đứa bé còn đỏ hỏn như vậy.
Một người phụ nữ vì yêu thương một người đàn ông và chấp nhận làm mẹ của con gái người đó thì khó có thể đối xử tàn nhẫn với đứa bé đó.
Những tình tiết trong “Tấm Cám” nếu nhìn theo một hướng khác…
Ai đọc truyện cổ tích Tấm Cám cũng nhớ hai tình huống: một là mẹ Cám trộn lẫn một đấu gạo và một đấu thóc bắt Tấm phải nhặt riêng ra để cô không được đi xem hội; hai là mẹ Cám chặt cây cau làm Tấm ngã chết rồi đưa Cám vào cung làm hoàng hậu thay chị.
Tuy nhiên, bộ phim Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể lại khai thác câu chuyện theo một hướng khác. Mẹ Cám sai Tấm (Vy Vân) đi lấy một thúng đậu đen và một thúng đậu trắng. Do nặng quá không bưng được, Tấm đã trộn cả hai thúng vào làm một nên mẹ Cám mới có cớ bắt cô phải lựa đậu. Dù đây chỉ là một chi tiết hài hước để lấy tiếng cười của khán giả nhưng cũng không phải là không thể xảy ra.
Mẹ Cám cũng chỉ là một người phụ nữ, cũng có những ích kỷ riêng. Cơ hội làm vợ của thái tử là có một không hai, đương nhiên mẹ Cám muốn dành điều tốt nhất cho Cám (Trà Ngọc). Nếu thực sự, bà có trộn một đấu gạo và một đấu thóc với nhau cũng là điều dễ hiểu. Dù yêu thương con chồng đến đâu thì bà cũng khó có thể vượt qua những tính toán có lợi cho đứa con mình mang nặng đẻ đau 9 tháng 10 ngày.
Chuyện Tấm hái cau để giỗ cha, tất cả mọi người đều biết lý do là: mẹ Cám độc ác muốn con thay thế vị trí của chị gái nên mới chặt cây cau làm Tấm ngã chết. Nhưng lý do thực sự khiến hoàng hậu Tấm dịu hiền chết là gì? Chắc có lẽ chỉ có mình mẹ con Cám và nàng Tấm đã chết mới biết.
Nếu mẹ con Cám là người sát hại Tấm thì sẽ không bao giờ kể chuyện ra ngoài. Như vậy tại sao tất cả mọi người đều biết Tấm bị hại chết? Phim đưa ra lời giải thích bằng cách cho mẹ Cám gọi hồn Tấm lên để nói hết lòng mình, rằng bà chỉ đuổi kiến cho cô, là do cô bị kiến cắn đau quá nên buông tay, ngã xuống và không may qua đời.
Ở phần cuối phim, mẹ Cám bị cả dân làng hắt hủi, ném đồ đạc vào người, Tấm đã cùng với Cám lao ra bảo vệ mẹ. Đây chắc là câu trả lời cho sự thật Tấm có thực sự bị mẹ Cám giết hay không.
Ông Bụt (Quang Trung) cũng phải xuất hiện để giúp mẹ Cám:
Tất cả mọi người đều biết rằng, ông Bụt chỉ xuất hiện để giúp đỡ những người nghèo hiền lành, tốt bụng, bị người khác ức hiếp. Tuy nhiên, trong bộ phim này lại Bụt lại đặc biệt xuất hiện lắng nghe tâm sự của mẹ Cám và còn tặng cho bà ta một món quà để giải tỏa khúc mắc trong lòng.
Ông Bụt còn nói rằng, đáng lẽ khi Tấm chết đi thì ông cũng sẽ biến mất theo nhưng ông vẫn ở lại vì tin rằng: có một người tốt trong con người độc ác của mẹ Cám. Hóa ra, ông Bụt ngày nay đã đã nhìn ra được điểm sáng lương tâm ở kẻ tưởng chừng xấu xa nhất.
Nếu mẹ Cám hại Tấm thì cái sự thật mọi người đều biết rõ là từ đâu mà ra:
Ngay từ giây phút, mẹ Cám nhận Tấm từ tay chồng mình, tất cả hàng xóm làng giếng đã quây xung quanh xét nét và bắt đầu điệp khúc: độc ác, độc ác hay “đời nào bánh đúc có xương, đời nào mẹ ghẻ lại thương con chồng.”
Tuy nhiên, mẹ Cám vẫn bỏ ngoài tai tất cả chăm sóc chồng con và vui mừng đón chờ đứa con của mình ra đời. Khi Cám vừa chào đời thì cha mất, mẹ Cám phải một mình lam lũ nuôi hai chị em. Một người phụ nữ trẻ góa chồng quyết ở vậy để nuôi con chồng và con mình, tình yêu với chồng và con lớn đến mức nào để mẹ Cám chấp nhận mặc tuổi xuân trôi qua?
Tiếc là tất cả mọi người xung quanh đều không công nhận sự hi sinh đó. Dân làng chỉ chăm chăm xem bà đối xử với con chồng thế nào và dù đối xử thế nào thì mẹ ghẻ vẫn là người đàn bà độc ác. Chỉ cần mẹ Cám phạm một lỗi sai nhỏ thì cả dân làng đều biết và gật gù với nhận định mẹ ghẻ thì không thể thương con chồng.
Ngay từ khi bắt đầu, mọi người đã dán cho mẹ Cám một cái “nhãn” mẹ ghẻ nên họ chỉ chăm chăm đi tìm bằng chứng chứng minh nhận định của mình là đúng. Dù mẹ Cám có hành động tốt thì cũng không thể thắng nổi định kiến của xã hội.
Trong tập 3, mẹ Cám đã hỏi tất cả dân làng: ta có độc ác không và trình bày rằng mình không hề giết Tấm nhưng chẳng có ai lựa chọn tin “mẹ ghẻ”. Dù mẹ ghẻ đang tột cùng đau khổ chỉ muốn bày tỏ lòng mình chứ không phải muốn kiếm bất cứ lợi ích gì thì người độc ác cũng không thể là người đáng thương, là người nói thật.
Mẹ Cám đã phải hét lên: dù bà có tốt như thế nào thì mọi người cũng không tin bà là người tốt, nếu cả xã hội đều mong bà làm người xấu vậy thì bà không làm người tốt nữa. Chính định kiến xã hội đã giết chết một cô Cám xinh xắn, yêu hết lòng, tin hết lòng và hi sinh hết lòng.
Nếu thực sự phải tìm ra một người ác đã đẩy tất cả bi kịch xảy ra thì chỉ có thể là do dư luận xã hội. Chính miệng lưỡi đám đông đã không cho mẹ Cám được làm người lương thiện. Bởi mẹ ghẻ thì nhất định phải là người độc ác.
Khi phải chống lại cả xã hội thì người ta dễ dàng bỏ mặc bản thân bị cuốn trôi theo điều người khác nghĩ. Con người có thể ác một nhưng xã hội có thể thổi phồng nó lên gấp trăm lần. Đối với họ, người độc ác thì không thể đáng thương, kẻ bị xã hội lên án thì nhất định là kẻ xấu.
Kết
Nhìn chung, Tấm Cám chuyện Huỳnh Lập kể dù chỉ là “parody” nhưng lại mang đến những bài học, những góc nhìn hết sức nhân văn. Đối với Huỳnh Lập ai cũng có mặt tốt và mặt xấu, có chỗ đáng giận và có chỗ đáng thương. Kết phim có lẽ là một cái kết đẹp nhất và ít ai ngờ nhất cho câu chuyện cổ tích nhiều bi kịch này. Nếu bạn thực sự muốn nghe những chuyện chưa kể của Tấm Cám thì bộ phim Tấm Cám: Chuyện Huỳnh Lập kể mới là một lựa chọn đúng đắn.
Theo Hoàng Linh (Khám Phá)
Video được xem nhiều nhất