Quyền lực của "sao"
8showbiz -
28/09/2015, 13:00
Quyền lực này đang chi phối thị trường giải trí cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực.
Chiến thắng gây tranh cãi trong những ngày qua của Đức Phúc, thí sinh của đội Mỹ Tâm tại chương trình “Giọng hát Việt 2015”, một lần nữa cho thấy sức mạnh chi phối của fan (người hâm mộ) trong thế giới giải trí (showbiz). Sức mạnh ấy đã tạo nên thứ quyền lực vô hình trong tay các nghệ sĩ thuộc hàng sao đang chi phối trở lại thị trường giải trí.
Chiến thắng tất yếu
Thành công bất ngờ của đội Mỹ Tâm ở cuộc thi “Giọng hát Việt 2015” khiến cho giới truyền thông hệ thống lại và chỉ ra những gì Mỹ Tâm làm được ở “Giọng hát Việt 2015” không phải là lần đầu kể từ khi cô tham gia “ngồi ghế nóng” trong các chương trình tìm kiếm tài năng âm nhạc trên truyền hình. Đầu tiên là chương trình “Sao Mai - Điểm hẹn 2010”. Quán quân năm đó là Minh Chuyên, thí sinh được sự dẫn dắt của Mỹ Tâm, đã đạt được thành tựu đầu tiên trong sự nghiệp ca hát của mình. Ya Suy trở thành quán quân “Vietnam Idol 2012” cũng được xem có công lớn của Mỹ Tâm khi cô lần đầu ngồi “ghế nóng” của chương trình và dành nhiều ưu ái cho giọng ca bẩm sinh đến từ cao nguyên này. Đức Phúc đoạt quán quân “Giọng hát Việt 2015” cũng là năm đầu tiên Mỹ Tâm ngồi “ghế nóng” chương trình này với tư cách huấn luyện viên. Tuy mức độ ảnh hưởng có khác nhau nhưng theo phân tích của giới truyền thông, chiến thắng của 3 quán quân trên đều mang dấu ấn chi phối của Mỹ Tâm.
Ca sĩ Mỹ Tâm và “học trò” của mình Đức Phúc chiến thắng áp đảo ở “Giọng hát Việt 2015”. (Ảnh do chương trình cung cấp).
Cả Minh Chuyên, Ya Suy và Đức Phúc đều là 3 thí sinh chưa thật sự xuất sắc so với các thí sinh cùng tranh tài ở các cuộc thi nói trên nên chiến thắng của họ đã gây nhiều tranh cãi sau đó. Thậm chí mới đây, ca sĩ Mỹ Linh còn nói rằng Ya Suy lên ngôi “Thần tượng âm nhạc Việt Nam 2012” cho thấy mặt bằng âm nhạc dưới chuẩn của số đông công chúng, cũng cho thấy sự cảm tính của người nghe khi họ nghe nhạc bằng hoàn cảnh chứ không phải nghe bằng tài năng.
Ở những cuộc thi với danh nghĩa tìm kiếm tài năng trên sóng truyền hình được quyết định kết quả bởi phiếu bầu của khán giả như “Giọng hát Việt” thì nói như nhạc sĩ Lưu Thiên Hương: “Huấn luyện viên nào có fan mạnh hơn sẽ thắng, đó là điều tất yếu”.
Đức Phúc thắng vì Mỹ Tâm phải thắng và fan của Mỹ Tâm đã làm nên chiến thắng cho cô bằng phiếu bầu. Minh Chuyên hay Ya Suy cũng sẽ khó chiến thắng được các đối thủ của mình trong cuộc thi nếu không được Mỹ Tâm ủng hộ. Khi Mỹ Tâm ủng hộ tức là fan của cô ủng hộ.
Nếu Mỹ Tâm là ca sĩ có quyền lực nhất ở lĩnh vực ca nhạc thì Hoài Linh là diễn viên có quyền lực vượt trội ở nhiều lĩnh vực. “Thương hiệu” Hoài Linh hiện có giá hàng tỉ đồng nếu xuất hiện trong một bộ phim hay một chương trình truyền hình giải trí nào đó. Có Hoài Linh là có khán giả, nhà kinh doanh cũng không phải sợ lỗ vốn đầu tư. Khi ngồi “ghế nóng” chương trình truyền hình giải trí, Hoài Linh chấm ai là người đó chắc thắng vì fan của anh sẽ tập trung phiếu bầu cho họ.
Hãy sử dụng có ích!
Sau Mỹ Tâm, Hoài Linh còn nhiều nghệ sĩ hàng sao khác đều có quyền lực riêng và mức độ ảnh hưởng khác nhau do lượng fan của họ nhiều hay ít. Lượng fan ở đây được tính là người thật chứ không phải những con số ảo hiển thị trên các trang mạng cá nhân hay trong những phát ngôn của nghệ sĩ trên báo. Đàm Vĩnh Hưng cũng là ca sĩ nam có lượng fan thuộc hàng “khủng” nhưng phần lớn là người có tuổi. Hồ Ngọc Hà trước đây là đối thủ của Mỹ Tâm về lượng fan nhưng sau nhiều sự cố không hay xảy ra gần đây, cô mất đi rất nhiều fan nữ.
Tất nhiên, fan là một trong những thước đo thành công trong sự nghiệp của mỗi nghệ sĩ. Để được công chúng yêu mến, xem là thần tượng của họ, nghệ sĩ phải chinh phục bằng tài năng, lòng yêu nghề, sự tôn trọng và hết lòng cống hiến đối với khán - thính giả. Mức độ yêu thích của fan đối với nghệ sĩ thường lâu bền, chỉ khi thần tượng trong fan bị sụp đổ, tình cảm yêu mến của fan dành cho nghệ sĩ đó mới thay đổi hay dịch chuyển sang nghệ sĩ khác. Mỹ Tâm là ca sĩ có lượng fan ngày càng nhiều. Cô rất chú trọng phát triển về chuyên môn nghề nghiệp, không vướng vào những xì-căng-đan tình ái như một vài sao khác nên tình cảm fan dành cho cô vẫn đong đầy. Danh hài Hoài Linh cũng vậy, ngoài tài năng, anh chinh phục người trong và ngoài giới bởi lối sống lành mạnh, chân thành, trọn nghĩa vẹn tình nên ai cũng thương, quý mến.
Một khi nghệ sĩ là thần tượng trong lòng mình, fan ủng hộ gần như tuyệt đối. Thần tượng nói sao là fan nghe theo vậy. Công chúng mà ca sĩ Mỹ Linh nhận xét “nghe nhạc bằng hoàn cảnh chứ không phải nghe bằng tài năng trong các cuộc thi âm nhạc trên truyền hình” thực chất là fan của các nghệ sĩ ngồi ghế huấn luyện viên hay giám khảo của những chương trình đó. Họ làm cho vui lòng thần tượng của mình chứ không vì thí sinh. Bởi vậy, các thí sinh khi bước ra khỏi cuộc thi đều cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ vì chẳng còn được mấy người hâm mộ mình so với những gì nhận được khi còn đang thi.
Nhiều người cho rằng không cứ gì Đức Phúc, Ya Suy mà bất kỳ người nào trong đội Mỹ Tâm tranh ngôi quán quân trong những cuộc thi hát đều chiến thắng áp đảo bằng phiếu bầu của fan. Đây là cách chơi thiếu công bằng, cách nhìn nhận đánh giá tài năng không thực chất của những cuộc thi có ngôi sao và fan của họ chi phối.
Sử dụng quyền lực có được từ fan để làm những việc có ích, thúc đẩy đời sống văn hóa giải trí phát triển tích cực là điều cần được ủng hộ nhưng dùng nó để chi phối theo chiều hướng có lợi cho danh tiếng của “sao” là điều không nên làm.
Theo Ngô Thu/Người lao động
Video được xem nhiều nhất
Bình luận