Quang Lê: Ca sĩ trẻ nếu hát Bolero không hợp thì tốt nhất nên giữ sở trường của mình!
Bên cạnh đó, Quang Lê cũng có những chia sẻ thẳng thắn xoay quanh việc một số ca sĩ chuyên trị dòng nhạc trẻ bị chỉ trích bắt chước, thiếu sáng tạo khi đổi sang hát Bolero.
- Quang Lê rất thích chơi chữ, nhưng hễ chơi là... sai "bá đạo" thế này!
- Sau scandal ảnh “nóng”, Quang Lê hội ngộ Á quân Bolero cùng Phương Mỹ Chi
- Quang Lê lên tiếng trước tin đồn ảnh “nóng” với “Vân Điệp” Người phán xử
- Quang Lê và bạn gái 9X lại khiến fan hoang mang khi khoe ảnh quá "bạo"
- Quang Lê: "Không bỏ rơi Phương Mỹ Chi dù có gà mới"
Từ sau phát ngôn "một số ca sĩ miền Nam không học hành vẫn nổi tiếng" của Thanh Lam, những tranh cãi về Bolero và dòng chảy âm nhạc đại chúng tiếp tục gây xôn xao làng giải trí. Chưa bao giờ người ta đặt so sánh "âm nhạc bình dân" với "âm nhạc hàn lâm" nhiều như thời điểm hiện tại. Đặc biệt, trong thời điểm nhạc Bolero chiếm thế thượng phong, hết ca sĩ này lại đến ca sĩ khác tung ra Album Bolero, khán giả bắt đầu đặt câu hỏi về chuyện có hay không chuyện khó giữ được "chất" nếu cứ xuất hiện tràn lan như hiện tại. Đặt câu hỏi này cho Quang Lê - một trong những người đã gắn liền tên tuổi với dòng nhạc Bolero, nam ca sĩ đã có chia sẻ khá nhẹ nhàng:
Quang Lê.
Nếu nói về việc Bolero nổi dậy mạnh mẽ, phải kể đến câu chuyện của bé Phương Mỹ Chi đầu tiên. Cách đây 4 năm, Phương Mỹ Chi tham gia The Voice Kids - Giọng hát Việt nhí và gây bão với những ca khúc trữ tình, dân ca. Trước thời điểm này, hầu như chẳng có ai hát nhạc trữ tình, Bolero khi tham gia các cuộc thi hát trên truyền hình cả. Và sau khi có sự xuất hiện của Phương Mỹ Chi, dòng chảy âm nhạc bắt đầu đổi khác, người ta bắt đầu hát nhạc trữ tình, dân ca nhiều hơn. Phương Mỹ Chi trở thành một hiện tượng, cô bé đã làm dòng nhạc quê hương sống dậy trên truyền hình.
Dĩ nhiên, việc Bolero hay dòng nhạc trữ tình, quê hương sống lại do công của nhiều người. Nhưng Phương Mỹ Chi cũng góp phần trong đó. Cô bé chỉ cất lên 1 câu hát về quê hương thôi mà làm cả nước dậy sóng. Đến giờ, đa phần các cuộc thi dành cho trẻ em đều hát thể loại nhạc này. Sức hút của dòng nhạc này gợi lại cho người ta bao nhiêu sự nhớ nhung, hoài niệm cũng có, cũ kỹ cũng có, nhưng ít nhất nó khiến người ta cảm thấy được sống cùng cảm xúc.
Những người có tố chất như Phương Mỹ Chi, tôi sẽ không bàn tới nữa, cô bé cũng đâu có được học hành thanh nhạc bài bản gì đâu. Phương Mỹ Chi là năng khiếu rồi, và nhiều ca sĩ nổi tiếng ở thời điểm hiện tại cũng là nhờ cái năng khiếu ấy. Cá nhân Quang Lê có suy nghĩ hơi thoáng, tôi cho rằng âm nhạc là không biên giới. Là người hát Bolero lâu năm, nhìn thấy các em trẻ hát Bolero, tôi tự hào lắm. Vì hồi trước, có mấy em trẻ hát Bolero đâu, chủ yếu họ hát nhạc trẻ, nhạc teen, Kpop, thậm chí còn là tiếng Anh nữa. Họ sẽ hát kiểu như Soobin Hoàng Sơn, Sơn Tùng, Hồ Ngọc Hà, Noo Phước Thịnh... Nhưng bây giờ tôi bắt gặp các em thuần nhạc trẻ mà vẫn muốn thử sức với dòng nhạc Bolero. Thấy họ làm sống lại dòng nhạc này, tôi tự hào chứ.
Đôi khi tôi cũng nghĩ, hay mình cứ thách đấu các em trẻ xem họ có hát được Bolero thực thụ hay không. Vì Bolero tưởng như dễ hát đó, nhưng kỳ thực kỹ thuật rất khó. Anh hát được Bolero nhưng chưa chắc anh đã hát hay. Mỗi người có mỗi sở trường, mỗi cách hát, giờ bắt Quang Lê hát Opera, chưa chắc tôi hát hay đâu. Dĩ nhiên, với ca sĩ thì nhạc nào cũng hát được cả, quan trọng là hát có hay không thôi. Hát hợp tai khán giả hay không là một chuyện rất khác!
Tuy nhiên tôi cũng muốn nói thêm, đã có những ca sĩ không chuyên về Bolero nhưng khi đổi sang dòng nhạc này, họ lại tạo được điểm nhấn. Điển hình là trường hợp của Lệ Quyên. Ban đầu, cô ấy đâu có hát Bolero, nhưng một ngày đẹp trời nọ, cô ấy chuyển sang Bolero và đã gây được dấu ấn. Đấy là cái gương thành công cho các bạn trẻ hát Bolero.
Âm nhạc không biên giới, tôi cho rằng các em trẻ muốn hát Bolero thì cứ để các em hát đi. Nhưng mà, tùy theo từng em, phải xét trên mỗi trường hợp là em đó hát Bolero có hợp không, hát xong rồi có được khán giả đón nhận không. Các em phải tự nhìn nhận điều đó. Nếu các em thấy hát Bolero mà khán giả thích thì cứ phóng theo, phát huy thế mạnh. Còn nếu thấy hát không hợp thì thôi, tốt nhất là nên giữ sở trường của mình. Tôi chỉ có bấy nhiêu tâm sự thế thôi.
Bây giờ Bolero đang thịnh hành, nhưng cứ theo đà phát triển hiện nay, cũng sẽ đến một ngày nào đó có màu sắc mới hơn, dòng nhạc mới hơn thay thế vị trí. Tôi nhớ khoảng thời gian năm 2000, "Làn sóng xanh" của những Trống vắng, Tình thôi xót xa... đã chiếm thế thượng phong, đẩy Bolero vào dĩ vãng. Mấy bài hát này, bây giờ nghe lại vẫn thấy nó hay chứ, tuy nhiên không đủ để tạo nên trào lưu. Tôi tin rằng trong tương lai, có thể "Làn sóng xanh" sẽ trở lại. Giống như 1 vòng luân hồi, hôm nay cái này, ngày mai cái khác.
Là một ca sĩ Bolero nhưng tôi nghe đủ mọi loại nhạc, tôi nghe Em của ngày hôm qua của Sơn Tùng, Phía sau một cô gái của Soobin Hoàng Sơn. Đôi khi tôi còn lẩm nhẩm hát theo khi bắt gặp một nơi nào đó mở nhạc của các em ấy nữa. Tôi đánh giá rất cao Sơn Tùng, một chàng trai tài năng và có gu âm nhạc văn minh. Những bài hát của em ấy dễ nghe, mà kỳ lạ là nghe lâu lại thấy nó gần gũi với dòng nhạc quê hương, có âm hưởng trữ tình trong đó nữa.
Sơn Tùng cùng Soobin Hoàng Sơn, Phan Mạnh Quỳnh còn có những bản hit cả trăm triệu view nữa, tôi rất ngưỡng mộ các em đó. Họ tài năng như thế thì chúng ta nên trân trọng, có thể họ không đi theo dòng nhạc hàn lâm nhưng để đến gần được với công chúng như thế, đấy là tài năng chứ chẳng phải truyền thông nào bơm đẩy được.
Khi nghe những ý kiến khác nhận xét về ca sĩ Bolero và dòng nhạc Bolero, tôi không buồn gì hết. Vì tôi nghĩ cũng thoáng thôi, nếu suy nghĩ kỹ thì các ý kiến này cũng đóng góp cho sự phát triển chung của nền âm nhạc nước nhà mà. Khi mình hát 1 dòng nhạc và hết mình với nó thì đã xem như một sự trân trọng đặc biệt rồi. Đừng làm nó lệch đi quá nhiều để mất đi cái chất vốn có là được. Với khán giả, bản chất họ thích trữ tình, cổ điển thì họ sẽ thích hoài. Riêng người trẻ phá cách, chắc chắn họ thích dòng nhạc hướng theo tính cách này rồi. Đối với Quang Lê, bất cứ dòng nhạc nào cũng có người thích và người không thích. Đó là sự thật mà, mình nhìn nhận điều đó thôi.
Tôi nói thêm về chuyện một số ca sĩ họ làm mới Bolero bằng cách đổi tiết tấu, phối lại bài hát, làm sao chiều được tất cả mọi người, chuyện thích hay không thích cũng dễ hiểu mà. Ví dụ như một bộ phận khán giả sẽ cho rằng phá cách Bolero như thế là hơi kỳ, họ không thích thì không nghe. Còn như Quang Lê, tôi thấy làm mới kiểu đó là thú vị, một màu sắc mới cũng nên hoan nghênh. Bún bò Huế ở Huế nấu kiểu khác, bún bò Huế ở Sài Gòn nấu khác hơn, rồi bún bò Huế ở Mỹ lại có cách nấu khác nữa. Âm nhạc và Bolero cũng vậy, ai thích thì nấy nghe. Quang Lê ủng hộ tất cả sự phát triển trong âm nhạc.
Còn nếu phê phán các bạn hát Bolero bằng cách bắt chước theo, tôi nghĩ ở giai đoạn đầu cũng chưa chính xác. Ví dụ như anh Trường Vũ hát Bolero, những ngày anh ấy mới hát, người ta nói anh ấy hát giống chú Chế Linh. Hay như tôi chẳng hạn, có giai đoạn người ta còn liên tưởng hình ảnh của tôi với chú Duy Khánh. Bởi vì kho nhạc Bolero thì chỉ có nhiêu đó bài thôi, hát đi hát lại bài của các ca sĩ đàn anh, đàn chị, sự so sánh là điều khó tránh khỏi. Nhưng qua một thời gian, cả Trường Vũ lẫn Quang Lê đều gây được ấn tượng riêng. Người ta nghe Trường Vũ, Quang Lê sẽ nhận ra ngay chứ không còn bị lẫn bởi Duy Khánh hay Chế Linh nữa. Nên tôi cho rằng, thôi đừng chỉ trích nữa, để các em hát đi, rồi dần dà thời gian cũng sẽ ra chất của các em thôi mà!
Theo Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất