Phim Ấn Độ trên truyền hình Việt: nhanh đến nhưng mau chán?
Từ cuối tháng 5, kênh HTV3 - vốn được xem là “trụ sở” chính của phim Hàn Quốc - quyết định phát sóng bộ phim Ấn Độ đầu tiên trong khung giờ vàng 20g: Mối tình kỳ lạ (192 tập).
Phim Mối tình kỳ lạ - Ảnh: T.L. |
Như vậy HTV3 là kênh mới nhất tiếp nối trào lưu... nở rộ phim Ấn Độ trên màn ảnh nhỏ Việt.
Gọi là trào lưu bởi rộ lên gần đây, hơn chục phim Ấn Độ đã và đang phát sóng. Sau khi kết thúc Con gái của cha, THVL1 tiếp tục lên sóng phim Ấn Độ khác là Âm mưu và tình yêu. VTV9 phát sóng Hẹn tái hôn. Trái tim mỹ nhân đang tiếp tục phát sóng phần 3 trên HTV7.
20g trên Today TV là phim Cô dâu 8 tuổi. Tình yêu và thù hận, Ngôi sao may mắn đang phát sóng trên SCTV11. Các phim Vợ tôi là cảnh sát, Bí mật gia đình họ Khan, Lời nguyền sắc đẹp, Mẹ chồng hắc ám, Mãi mãi bên nhau đang... “du lịch” vòng vòng các kênh truyền hình cáp và các tỉnh.
Đại diện kênh truyền hình HTV3 cho biết việc phát sóng phim Ấn Độ nằm trong kế hoạch mở rộng thể loại phim các nước khác, giúp "thực đơn" trên HTV3 đa dạng hơn. Còn với khán giả, Mối tình kỳ lạ nhận được khá nhiều lời khen chê trái chiều.
Theo nhiều người xem, sức hút của phim Ấn là phim khai thác đề tài gia đình phù hợp với văn hóa châu Á và qua mỗi phim khán giả biết thêm về nét văn hóa, phong tục tập quán của từng vùng miền đất nước Ấn Độ - vốn còn khá lạ với người Việt.
Một đặc điểm nổi bật của phim Ấn Độ so với phim của các nước khác là có số tập dài vời vợi. Điều này thật sự thử sức kiên trì của người xem.
Ví dụ như Cô dâu 8 tuổi đang phát sóng ở VN đến tập 200. Bộ phim này được sản xuất từ năm 2008, cho đến nay số tập ở Ấn Độ đã lên đến 1.488 tập và vẫn còn đang sản xuất tiếp. Tình yêu và định mệnh phát sóng ở Ấn Độ từ năm 2009-2014 dài đến 1.424 tập...
Ông Cherian M. Chacko, giám đốc Công ty Berserk Media - công ty Ấn Độ đưa phim Cô dâu 8 tuổi vào thị trường VN, nhận định: “Thị trường Việt Nam rất tiềm năng bởi phim Ấn Độ đang là món ăn còn lạ lẫm nhưng cũng gần gũi với người Việt”.
Trong triển lãm Telefilm 2015 (diễn ra từ ngày 4 đến 6-6), công ty của ông cũng có một gian hàng, giới thiệu chào bán khá nhiều bộ phim truyền hình mới của Ấn Độ.
Các diễn viên phim truyền hình Ấn Độ thường ăn mặc trang phục truyền thống đất nước họ. |
Phim Ấn Độ đang tập trung vào thị trường Việt. Nhưng với những đơn vị nhập khẩu phim nước ngoài tại VN thì khá dè chừng.
Ông Vũ Ngọc Hà, giám đốc Công ty Hòa Bình Media, nhận định: “Phim Ấn Độ khai thác đề tài gia đình, hợp với những bà nội trợ, phụ nữ lớn tuổi nên họ xem nhiều (chiếm 70% số lượng người xem truyền hình). Với những nhãn hàng quảng cáo, họ chẳng cần chất lượng phim hay hoặc dở, chỉ cần có nhiều người xem thì đẩy quảng cáo vào. Giờ phát sóng phim Ấn Độ thu hút khán giả, thu hút quảng cáo nên rộ thành phong trào, đơn giản vậy thôi”.
Bà Đào Thu - giám đốc Hãng phim Đào Thu, đơn vị mua bản quyền Mối tình kỳ lạ - cho biết: “Mối tình kỳ lạ đã phát sóng trên kênh Đồng Nai 1 vào đầu năm và tạo hiệu quả tốt, nhiều khán giả quan tâm. Vì thế HTV3 tiếp tục mua bản quyền, lồng tiếng lại và phát sóng”.
Bà chia sẻ: “Thật tình chúng tôi mới mua phim Ấn Độ theo kiểu thử nghiệm, đổi món ăn cho khán giả. Nói về chất lượng thì phim Ấn Độ chưa bằng phim Hàn Quốc. Đề tài phim Ấn Độ chỉ mới tập trung vào yếu tố gia đình, phim dài dòng lê thê hơn phim các nước khác”.
Trên các trang mạng, bình luận về dòng phim này, nhiều khán giả bắt đầu than thở về sự dài dòng. Với Mối tình kỳ lạ, Msa Kura Phan còn cảnh báo: “Phim hay nhưng hơi dài, xem phim này là phải có sức chịu đựng lắm đó nha”.
Dù như lời dự báo của nhiều người, phim Ấn Độ vào Việt Nam chỉ mới theo dạng thăm dò, có thể nhanh đến và dễ mau chán, nhưng hiện tại giá mua bản quyền phim đang tăng một cách chóng mặt. Theo tiết lộ của người trong cuộc, mỗi tập phim hiện nay có giá 1.500 - 2.000 USD, chỉ xếp sau phim Hàn Quốc mà thôi.
HOÀNG LÊ
Video được xem nhiều nhất