Những bộ phim về “tuổi trẻ” bạn không nên bỏ lỡ (P.2)
Dưới đây là danh sách những bộ phim mang tính giáo dục mà mỗi bạn trẻ đều nên xem để từ đó luôn tin yêu vào cuộc sống và sống tốt hơn.
Phim ảnh luôn là nguồn cảm hứng bất tận, có những bộ phim mà khi xem xong, ngay lập tức bạn có thể hồ hởi, nhiệt huyết sống và làm việc. Sau phần 1, xin gửi đến độc giả phần 2 những tác phẩm về cuộc sống nói chung hay tuổi trẻ, đam mê, tình cảm gia đình, tình yêu và tình bạn nói riêng.
The Perks of Being a Wallflower (2012)
The Perks of Being a Wallflower xoay quanh cuộc sống của Charlie, cậu học sinh trầm lặng, đang gặp khó khăn trong việc kết bạn và giao tiếp, cậu giải tỏa và cố gắng khắc phục vấn đề của bản thân bằng cách gửi đi những bức thư không người nhận. Mọi chuyện dần trở nên tốt đẹp hơn khi Charlie gặp gỡ những người bạn mới, trong đó có Sam và anh trai của cô Patrick.
Đạo diễn của bộ phim Stephen Chbosky, đồng thời cũng là tác giả cuốn sách gốc đã thành công trong việc tái hiện cuộc sống khó khăn của Charlie, rộng hơn cũng chính là cuộc sống của giới trẻ lúc bấy giờ. Lấy bối cảnh những năm 90 của thế kỷ trước, lúc những món đồ công nghệ cao và mạng xã hội đều chưa xuất hiện, con người ta luôn phải trực tiếp gặp gỡ nhau để trò chuyện, vui đùa và giải quyết những mâu thuẫn. Cùng với bối cảnh ấy, những bản nhạc của The Smiths, U2 luôn văng vẳng vang lên, tạo cảm giác hoài niệm về những ngày xưa cũ tươi đẹp.
Một trong những cảnh quay đẹp của phim
“Ma cà rồng” Nina Dobrev sắm vai Candace, chị gái của Charlie
Sam là vai diễn lớn đầu tiên của Emma Watson sau loạt Harry Potter, không làm người hâm mộ thất vọng, “Cô phù thủy Hermione” đã tương đối thành công trong việc tái hiện hình ảnh một cô gái xinh đẹp, phóng khoáng nhưng sâu trong tâm hồn là nỗi buồn thăm thẳm. Nam chính Logan Lerman như mọi khi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, vai diễn Charlie của anh trầm lặng, cô độc và luôn mong muốn thoát ra khỏi nỗi cô đơn của riêng mình.
Thật bất ngờ, không phải Emma Watson hay Logan Lerman, Ezra Miller mới là diễn viên gây ấn tượng mạnh nhất, vai diễn anh chàng Patrick màu mè, lãng tử nhưng lại yếu đuối và dễ bị tổn thương của anh đã hoàn toàn chinh phục khán giả. Chính những diễn viên trẻ này đã góp phần quan trọng trong việc tái hiện những khó khăn của tuổi mới lớn, qua đó ghi dấu sâu đậm trong trong tâm trí người xem.
The Perks of Being a Wallflower là bức tranh muôn màu về tình yêu, tình bạn và cả tình thầy trò, tình cảm gia đình. Không chỉ mỗi Charlie, ai trong chúng ta cũng đã từng, thậm chí là đang cô độc, cô đơn như thế. Nhưng những khoảng thời gian khó khăn đó chỉ là phần ít trong vô số thử thách của cuộc đời, chỉ cần chúng ta cố gắng và kiên trì vượt qua, những điều tốt đẹp luôn đợi chờ ở phía trước.
The Breakfast Club (1985)
Năm cô cậu tuổi teen với những rắc rối khác nhau, bị phạt cấm túc và cùng nhau trải qua ngày thứ bảy ở thư viện trường. Gặp nhau lúc 7h sáng, họ dường như quá khác biệt và chẳng có gì để nói với nhau, chỉ muốn thời gian qua mau. Nhưng vào 4h chiều, họ trở thành những người bạn thân thiết sau khi trải lòng với những người kia và nhận ra họ thật sự không khác nhau nhiều như họ nghĩ.
Hầu hết những cảnh quay trong The Breakfast Club của đạo diễn kiêm biên kịch John Hughes chỉ diễn ra trong thư viện trường và xoay quanh năm nhân vật. Trong phạm vi nhỏ hẹp chỉ với năm nhân vật ấy, John Hughes đã xuất sắc khai thác nội tâm của các cô cậu tuổi teen thông qua cử chỉ, lời nói mà họ dành cho thầy giáo Vernon và dành cho nhau, chứ không phải thông qua vẻ ngoài của họ.
Ở năm con người ấy luôn tồn tại những vấn đề khó khăn riêng của tuổi mới lớn, những suy tư sâu kín của tâm hồn chỉ trực chờ bùng phát, hay nói đúng hơn là chỉ trực chờ để giãi bày. Thật khó để năm con người ở năm đường thẳng song song có thể thấu hiểu nhau, nhưng với sự lắng nghe, thông cảm, sẻ chia, mọi bức tường vô hình như thể bị đạp đổ.
9 giờ đồng hồ ở cạnh nhau, bước ra cánh cửa trường học, họ chẳng hề thay đổi, họ vẫn là “thằng mọt sách”, “gã vai u thịt bắp”, “cái sọt rác”, “cô công chúa” và “tên tội phạm”, nhưng trong mắt nhau, họ luôn thuộc về “Hội điểm tâm”. Thật khờ dại khi cứ cố thay đổi bản thân chỉ vì những người chẳng thèm lắng nghe, quan tâm, yêu thương chúng ta yêu cầu. Thương yêu gia đình, bè bạn, không làm điều xằng bậy, đừng đánh giá người khác qua vẻ bề ngoài và hãy là chính bản thân.
Good Will Hunting (1997)
Tác phẩm xoay quanh Will Hunting, một chàng trai 20 tuổi. Will là trẻ mồ côi, ham đọc sách, có trí nhớ tốt và là một thiên tài toán học. Nhưng Will lại lớn lên trong một xó xỉnh của thành phố Boston, làm bạn với một đám thanh niên không có tương lai, suốt ngày chỉ biết cong lưng với công việc phụ hồ, vào hộp đêm rồi quậy phá và phạm tội. Will là nhân tài nhưng Will cũng chỉ là một người trẻ, một người trẻ với rất nhiều sợ sệt.
Với Good Will Hunting, khán giả được quan sát cuộc sống của những thanh niên không được học hành tử tế. Nhưng những người trẻ ấy không phải là đồ bỏ đi, chỉ là họ chưa trưởng thành, chưa nhận ra giá trị của bản thân để định hướng lối đi cho riêng mình trong tương lai. Cũng như nhân vật Will, cuối cùng anh đã đưa ra quyết định cho cuộc đời, quyết định hướng anh theo những điều tích cực.
Bên cạnh cốt truyện hay, ý nghĩa, Good Will Hunting còn thu hút người xem bởi bối cảnh Boston tuyệt đẹp vào thu. Quan trọng hơn cả, Good Will Hunting đã mang về cho đôi bạn thân Matt Damon và Ben Affleck Tượng vàng Oscar ở hạng mục Kịch bản gốc xuất sắc nhất, đồng thời diễn viên quá cố Robin Williams cũng nhận được một Tượng vàng ở hạng mục Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất. Những phần thưởng hoàn toàn xứng đáng với công sức của cả đoàn làm phim.
Cinema Paradiso (1988)
Mở đầu Cinema Paradiso với tin Alfredo qua đời, tác phẩm theo dòng hồi tưởng của Salvatore – về thời gian ông trưởng thành ở Ý sau thế chiến thứ hai và niềm đam mê cháy bỏng của ông với điện ảnh, đặc biệt qua rạp chiếu bóng Cinema Paradiso ở quê nhà Sicilia. Ở nơi đây, ông đã gặp gỡ, làm quen và kết thân với người bạn già chuyên phụ trách chiếu phim – Alfredo, và được truyền dạy kỹ thuật chiếu phim cũng như thừa hưởng sự say mê với môn nghệ thuật thứ bảy. Khi nhìn lại tình yêu đầu đời là điện ảnh, người bạn già Alfredo và mối tình với cô bạn Elena, bao nhiêu kí ức chợt ùa về và khiến Salvatore rung động.
Trong suốt quá trình trưởng thành của Salvatore, người xem được chứng kiến tình yêu đầu đời cậu dành cho điện ảnh, dưới sự dẫn dắt của người bạn, người thầy, người cha Alfredo. Toto – tên thân mật của Salvatore – từ hồi tấm bé đã có đam mê mãnh liệt dành cho điện ảnh, đến độ cậu đã dùng số tiền mẹ gửi mua sữa để tiêu vào việc xem phim và sau bao lần người mẹ quát nạt, thậm chí là đuổi đánh thì niềm đam mê ấy vẫn vẹn nguyên và ngày càng mãnh liệt.
Cinema Paradiso của điện ảnh Ý đã đưa người xem trở lại thời kỳ hoàng kim của rạp chiếu bóng. Khi người dân hằng đêm vẫn đổ xô cầm ghế chen chúc nhau trong rạp để được thưởng thức những thước phim đen trắng mà giờ đây đã thuộc hàng kinh điển. Thậm chí trong những bộ phim được yêu thích, người ta thuộc nằm lòng từng câu thoại của các nhân vật, rồi bỗng òa khóc bởi những cảnh phim cảm động. Tất cả như một hoài niệm đẹp đẽ về thời kỳ vàng son của rạp chiếu bóng, cho đến khi truyền hình, băng đĩa xuất hiện đã dồn rạp chiếu bóng đến bước đường cùng.
Tác phẩm của đạo diễn Giuseppe Tornatore không chỉ khiến người xem cảm động, nhớ nhung về một thời hoàng kim đã qua của rạp chiếu bóng, tác phẩm còn khắc họa mối tình đẹp giữa Toto và người bạn, người thầy, người cha Alfredo mà cậu kính yêu. Trong mỗi chặng đường chông gai của tuổi trẻ, Toto luôn có Alfredo kề bên, song hành, dìu dắt, đưa ra những lời khuyên mà ông cóp nhặt được từ những tác phẩm mà mình đã xem và cũng từ chính những trải nghiệm ông đã có trong cuộc sống nữa. Còn Alfredo, ông cũng luôn được Toto ở bên động viên trong những giai đoạn khó khăn trong cuộc sống.
Là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của điện ảnh Ý nói riêng, cũng như thế giới nói chung, Cinema Paradiso không đơn thuần chỉ là tác phẩm điện ảnh nói về điện ảnh, Cinema Paradiso còn như một cuốn phim gửi tặng cuộc sống của chính chúng ta, với những kỉ niệm và bài học về đam mê, tuổi trẻ, tình yêu, tình bạn, tình cảm gia đình.
Boyhood (2014)
Boyhood xoay quanh quá trình trưởng thành của chàng trai Mason, từ khi còn là một cậu bé cho đến lúc rời khỏi mái nhà để đến với cánh cửa trường đại học. Điều ấn tượng nhất ở Boyhood chính là thời gian thực hiện bộ phim, đạo diễn Richard Linklater và đoàn làm phim đã mất đến 12 năm ròng rã để cho ra đời tác phẩm, khoảng thời gian đúng bằng những năm tháng đã diễn ra trên màn ảnh.
Đạo diễn Richard Linklater rất tôn trọng yếu tố “thời gian”, còn nhớ với bộ ba Before Sunrise, Before Sunset và Before Midnight được cho ra đời cách nhau mỗi chín năm, đúng bằng khoảng thời gian mà đôi Jesse và Celine đã trải qua trong ba cột mốc lớn của đời họ. Với bộ ba phim này, đây đã là sự đầu tư kỳ công, nhưng Boyhood thậm chí còn “điên rồ” hơn nữa.
Làm sao biết trước được chuyện gì sẽ xảy ra trong một năm, thậm chí vài tháng, nhưng với Boyhood, cả quá trình quay phim đã mất đến tận 12 năm. Chỉ cần không may một diễn viên đột ngột qua đời, mọi nỗ lực sẽ tan tành ngay lập tức. Nhưng đổi lại, sự mạo hiểm của Richard Linklater và các cộng sự của ông đã cho ra đời một tác phẩm với những canh quay chân thực, chân thực đến từng ly.
Như một bản nhạc du dương, bỗng vào phút cuối những nốt nhạc vang lên dồn dập và dữ dội hơn, cũng như khoảnh khắc người mẹ trong tác phẩm òa khóc. Trong vô số những khoảnh khắc đẹp trong Boyhood, đấy chắc chắn là khoảnh khắc đắt giá nhất. Khi một người phụ nữ bật khóc, bà có thể khóc vì sắp phải chia xa cậu con trai dấu yêu, có thể khóc vì số phận hẩm hiu của bản thân, có thể vì cả hai lý do hoặc nhiều hơn thế nữa, ai mà biết được. Thậm chí nhân vật người mẹ còn không có tên riêng, phải chăng ý đồ của Richard Linklater muốn nói rộng hơn về mọi người mẹ, những người phụ nữ luôn sẵn sàng hy sinh tất cả cho những đứa con họ yêu.
Mọi thứ diễn ra với Boyhood thật đơn giản, bản thân nội dung tác phẩm đơn giản, những góc quay của Boyhood cũng không hề màu mè, nhưng nhìn chung tác phẩm lại đẹp đẽ, chân thật và sâu lắng. Theo chân Mason trong suốt hành trình dài, khán giả có cảm giác như thể họ đang nghe cậu bé có nhiều suy tư kia kể lại câu chuyện của cuộc đời. Nhưng cũng chính những câu chuyện đơn sơ, đời thường và gần gũi về Mason và những con người ảnh hưởng đến cuộc đời anh đã gửi gắm đến khán giả nhiều suy tư sâu lắng.
Cùng với đó là diễn xuất chân thật của dàn diễn viên, hiển nhiên một phần là do tài năng, nhưng một phần cũng là do sự trưởng thành thực sự của họ ở ngoài đời, đã góp phần làm nên thành công của tác phẩm. Không những vậy, Boyhood còn như một cuốn sổ điểm qua những sự kiện nổi bật diễn ra trong suốt 12 năm ở Hoa Kỳ, từ sự kiện ra mắt một tập Harry Potter, đợt bầu cử tổng thống Barack Obama cho đến sự nổi lên của Lady Gaga. Có thể nói, Boyhood chính là tác phẩm của mọi lứa tuổi, để khi thưởng thức, người xem cảm thấy gần gũi thân thuộc và trải lòng mình với 165 phút thời lượng phim.
Không hề màu mè, hoa mỹ, 10 tác phẩm trong danh sách Những bộ phim về “tuổi trẻ” bạn không nên bỏ lỡ đều rất gần gũi, gần gũi đến độ bản thân người xem có thể bắt gặp chính mình đâu đó trong phim. Để khi thưởng thức xong người xem có thể rút ra những bài học cho riêng mình. Do số lượng phim ảnh là rất nhiều, nên tác giả chỉ chọn lọc ra 10 tác phẩm tiêu biểu, được cả giới phê bình lẫn người hâm mộ đánh giá cao. Mong rằng những bộ phim trên có thể giúp các bạn lượm nhặt được đôi chút kiến thức, cảm hứng cho hành trình gian khó tiếp theo.
Video được xem nhiều nhất