Những bộ phim về "tuổi trẻ" bạn không nên bỏ lỡ
Kênh 14 -
23/08/2015, 16:14
Dưới đây là danh sách những bộ phim mang tính giáo dục mà mỗi bạn trẻ đều nên xem để từ đó luôn tin yêu vào cuộc sống và sống tốt hơn.
Phim ảnh luôn là nguồn cảm hứng bất tận, có những bộ phim mà khi xem xong, ngay lập tức bạn có thể hồ hởi, nhiệt huyết sống và làm việc. Dưới đây là những tác phẩm như vậy, những tác phẩm về cuộc sống nói chung hay tuổi trẻ, đam mê, tình cảm gia đình, tình yêu và tình bạn nói riêng.
Sunny (2011)
Sunny xoay quanh nhân vật chính-Na mi – một cô nàng nhút nhát, đáng yêu và tình bạn của cô với nhóm bạn mới quen gồm Choon-hwa – một cô gái cương trực và luôn sống hết mình vì bè bạn, Jang-mi – luôn ám ảnh về những đôi mắt hai mí, Jin-hee – cô nàng có biệt tài chửi thề, Geum-ok – yêu văn chương, Bok-hee – suốt ngày mơ tưởng về ngôi vị hoa hậu trong các cuộc thi sắc đẹp, cuối cùng là Soo-ji xinh đẹp nhưng vô cùng lạnh lùng và kiêu ngạo.
Tình bạn đẹp cứ ngỡ là mãi mãi nhưng ngờ đâu một biến cố xảy đến đã khiến nhóm bạn mỗi người mỗi ngả. 25 năm sau, Na-mi gặp lại Choon-hwa, lúc này Choon-hwa bệnh rất nặng, vì khiến bạn thỏa nguyện ước cuối cùng trước khi ra đi, Na-mi đã rời bỏ cuộc sống thường nhật, dấn thân vào hành trình tìm kiếm những người bạn cũ từng xem nhau như sinh mệnh.
Thành công của Sunny đến từ nhiều yếu tố, một kịch bản đơn giản nhưng dễ bám rễ trong tâm trí người xem, nội dung xoay quanh tình bạn “lệch pha” giữa những cô nàng tưởng chừng như không thể hòa hợp tạo nhiều thú vị, lựa chọn tường thuật bằng cách đan xen giữa thực tại và quá khứ qua dòng hồi tưởng của nhân vật chính Na-mi không làm khán giả nhàm chán, âm nhạc nhẹ nhàng và êm tai, những cảnh quay đơn giản nhưng chân thực, dàn diễn viên hợp vai và có duyên khiến người xem thích thú, có thể nói, họ đã thực sự thành công trong việc khiến khán giả vừa cười, vừa khóc với chính những vui buồn của nhân vật.
Qua Sunny, đạo diễn Kang Hyeong-cheol đã thành công trong việc truyền tải những thông điệp ý nghĩa về tuổi trẻ và về tình bạn. Hóa ra, thật may mắn khi có nhiều kỷ niệm đẹp về những năm tháng cắp sách đến trường. Hóa ra, thật may mắn khi có những người bạn thân thiết xem nhau như sinh mệnh. Để từ đó mà qua bao chông gai, biến cố của cuộc đời chúng ta vẫn có những khoảng lặng để hồi tưởng về một thời đã xa và luôn cảm thấy bình yên, hạnh phúc ở trong lòng. Thật may mắn cho những ai sau nhiều năm vẫn giữ được những người bạn thuở thiếu thời ở bên cạnh ta trong cả chặng đường dài của cuộc đời, cho những ai biết trân trọng tuổi trẻ, trân trọng những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường.
It’s Kind of a Funny Story (2010)
Craig (Keir Gilchrist), một nam sinh 16 tuổi đang gặp những vấn đề tâm sinh lý của tuổi mới lớn. Cậu cảm thấy mọi thứ đều bất ổn: việc học tập áp lực, tương lai không rõ ràng, gia đình và bạn bè không thấu hiểu, cảm giác bị bỏ rơi và cuối cùng là ý định tự tử luôn thoi thúc. Để vượt qua trở ngại, Craig quyết định nhờ đến sự trợ giúp của viện tâm thần, nơi mà chính đây anh đã gặp gỡ những con người ảnh hưởng đến cuộc đời mình theo hướng tích cực cũng như học hỏi được nhiều điều để từ đó sống tốt hơn.
Bộ đôi đạo diễn Anna Boden và Ryan Fleck đã thành công trong việc cho ra đời một bộ phim nhẹ nhàng về triết lý con người cần vượt qua khó khăn để tiếp tục hướng về phía trước, tiếp tục sống đúng nghĩa. Bộ 3 diễn viên Keir Gilchrist, Zach Galifianakis, Emma Roberts đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Đặc biệt là Keir Gilchrist, anh đã lột tả thành công vai một chàng trai trẻ gặp rắc rối đang cố vượt qua tất cả để tiếp tục sống. Còn Zach Galifianakis, như thường lệ đã không làm mọi người thất vọng với những vai diễn điên điên bất cần đời sở trường của mình khi hóa thân thành Bobby, một người đàn ông có vẻ phớt đời nhưng sống rất tình cảm. Còn vai diễn Noelle của Emma Roberts là nhân vật đáng yêu nhất phim, những nụ cười duyên, những câu thoại, cử chỉ rất đáng yêu nữa. Tất cả họ đã cùng nhau góp phần làm nên cái hay của phim.
The Kind of a Funny Story đề cập đến những căng thẳng, âu lo trong cuộc sống và cả viện tâm thần, nhưng cũng chính viện tâm thần này lại là nơi lôi những nhân vật tội nghiệp, đáng yêu của chúng ta ra khỏi nỗi đau của riêng họ. Đấy mới thấy tình yêu giữa người với người là thứ cây cối sinh sôi nảy nở mãnh liệt và bám rễ chắc chắn ngay cả ở những nơi ta chẳng thể ngờ tới - viện tâm thần, nơi ta luôn nghĩ đấy là ngôi nhà của lũ bệnh hoạn, lũ quỷ dữ biến thái.
Như chính cái tên, The Kind of a Funny Story - Như một câu chuyện vui, đây là bộ phim dành cho những ai luôn yêu đời, luôn tin vào những điều tốt đẹp của cuộc sống nhưng do một vài khó khăn mà có chút hụt hẫng. Nếu bạn đang gặp khó khăn, cảm thấy mọi thứ quá tồi tệ và mong muốn vượt qua trở ngại để bước tiếp, thì đây là bộ phim bạn nên xem.
Hector and the Search for Happiness (2014)
Hector and the Search for Happiness xoay quanh bác sỹ tâm lý Hector (Simon Pegg), người có lối sống rập khuôn, mọi chuyện xảy ra với anh luôn nằm trong dự đoán. Sống cùng cô bạn gái Clara (Rosamund Pike) xinh xắn và tài năng, mọi chuyện cứ ngỡ rất êm đẹp, nhưng dường như Hector vẫn cảm thấy cuộc sống quá đỗi buồn tẻ. Anh cảm thấy bản thân như một vị thánh ngồi ở trên phân phát lời khuyên cho những bệnh nhân đau khổ đến tìm anh, trong khi anh không hiểu hết “hạnh phúc” là gì, và rồi, anh quyết định sẽ đi, chuyến đi của cuộc đời để tìm hiểu về hạnh phúc. Khởi đầu của chuyến đi là Trung Quốc, sau là châu Phi và cuối cùng là Los Angeles, ở mỗi nơi Hector đặt chân đến anh đều phát hiện thấy những thú vị mới về điều anh hằng mong mỏi thấu hiểu – hạnh phúc.
Quay phim, lối dẫn dắt câu chuyện của Hector and the Search for Happiness rất đơn giản, nhẹ nhàng và dễ hiểu, người xem chẳng phải căng não như nhiều bộ phim triết lý gai góc khác. Hector and the Search for Happiness có sự tham gia của hai diễn viên tài năng Simon Pegg và Rosamund Pike, cả hai đã diễn tròn vai và truyền tải đầy đủ những gì mà bản thân bộ phim muốn gửi gắm. Có thể nói trong vài năm trở lại đây tên tuổi của Rosamund Pike đã dần trở nên quen thuộc hơn với đông đảo người xem, từ Jack Reacher (2012), The World’s End (2013) và gần đây nhất là Gone Girl (2014), bộ phim đã giúp Rosamund Pike có một đề cử Oscar danh giá, một điều hiếm khi xảy ra khi Gone Girl là một bộ phim thuộc thể loại giật gân giải trí.
Ra đi cả vòng trái đất để kiếm tìm hạnh phúc, nào ngờ đâu thứ hạnh phúc ấy lại ở ngay bên cạnh là một triết lý rất thường thường, nhưng dưới bàn tay của đạo diễn Peter Chelsom triết lý ấy đã thực sự đi sâu và bám rễ trong tâm trí người xem. Tuyệt nhiên, điều đó không có nghĩa là chuyến đi của Hector không đáng giá, nó vô giá thì đúng hơn, nhờ chuyến đi mà Hector đã cảm nhận được hạnh phúc theo nhiều nghĩa khác nhau, ở nhiều góc độ khác nhau chứ không phải là khái niệm chủ quan của riêng anh nữa. Và cũng nhờ chuyến đi, mà Hector đã biết tìm về.
Into the Wild (2007)
Into the Wild xoay quanh nhân vật chính Chris McCandless (Emile Hirsch) và chuyến hành trình rong ruổi khắp mọi nẻo đường để về với thiên nhiên của anh. Cảm thấy cuộc sống bị chi phối quá nhiều bởi vật chất, đồng tiền và những định kiến sẵn có, Chris quyết định thoát ra khỏi thực tại bức bối và điểm đến mà anh lựa chọn là thiên nhiên hoang dã, nơi mà mọi thứ đều chất phác, nguyên sơ và không hề vị lợi. Trong cuộc hành trình dai dẳng và gian nan của mình, ở mỗi nơi mà anh đặt chân đến, những con người mà anh gặp gỡ, Chris đều truyền nhiệt huyết, truyền cảm hứng cho những nơi đó, những con người đó để họ có thêm niềm tin bước tiếp con đường của riêng mình.
Nam chính Emile Hirsch xuất sắc, nhưng chúng ta cũng nên dành những lời khen ngợi cho Sean Penn, một người làm nghệ thuật đa tài, bởi lẽ dù ở vai trò nào, diễn viên hay đạo diễn Sean Penn đều không khỏi khiến khán giả bất ngờ bởi tài năng của mình. Into the Wild của ông là một bộ phim truyền cảm hứng, một bộ phim mà mọi bạn trẻ đều nên xem và hiển nhiên lời khuyên này càng được củng cố vững chắc hơn khi tạp chí Empire vào năm 2008 đã xếp Into the Wild là một trong 500 phim hay nhất mọi thời đại, còn ở trang đánh giá IMDb, bộ phim cũng nằm chễm chệ trong top 250 và xếp ở vị trí thứ 158.
Into the Wild phản ánh đúng thực trạng của đại đa số bạn trẻ trong xã hội hiện đại, những người mất phương hướng, chán nản nhưng không dám thay đổi. Và nhân vật Chris McCandless như một tiên phong khi dám sống khác đi, tìm cho mình một con đường riêng, một lý tưởng cao cả nhưng cũng vô cùng lạ đời: về với thiên nhiên. Để rồi trải qua biết bao biến cố trên suốt cuộc hành trình gian khổ, Chris đúc kết được triết lý hạnh phúc thực sự là khi được sẻ chia.
An Education (2009)
An Education xoay quanh Jenny (Carey Mulligan), một cô bé xinh xắn, giỏi giang và bài học đầu đời đau đớn mà cô nếm trải. Một buổi chiều mưa tầm tả, cô nữ sinh trung học trẻ tuổi gặp gỡ người đàn ông đạo mạo David (Peter Sarsgaard), người hơn cô rất nhiều tuổi. Cũng sau lần gặp gỡ định mệnh đó mà Jenny đã bị quyến rũ bởi David và mọi thứ xung quanh anh. Nảy sinh tình cảm, rồi tình cảm họ dành cho nhau ngày càng mãnh liệt. Cũng chính lúc này đây, Jenny phải đứng trước một lựa chọn khó khăn: trường học hay tình yêu, học vấn hay những món quà lấp lánh, những chuyến đi chơi đắt tiền, những buổi tiệc xa xỉ không có hồi kết.
Bài học cay đắng và sự ra đời của một ngôi sao hứa hẹn sẽ tỏa sáng ra khỏi biên giới Anh chính là điều mà những nhà phê bình đề cập, và dĩ nhiên là họ đã đúng. An Education như một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của “nàng Daisy” Carey Mulligan bởi lẽ bộ phim đã giúp Carey có một đề cử cho hạng mục “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” ở Oscar năm 2010, từ đó làm tiền đề cho cô nàng tỏa sáng với một loạt những tác phẩm xuất sắc sau này. Ngoài Carey Mulligan, những diễn viên khác như Peter Sarsgaard, Dominic Cooper hay “Gone Girl” Rosamund Pike đều rất đáng khen, tất cả họ đều là những mãnh ghép quan trọng tạo nên thành công của tác phẩm.
An Education như món quà dành riêng cho các bạn gái, những ai còn băn khoăn giữa lựa chọn học hành hay vui chơi, học vấn hay tình yêu mà chắc chắn khi rời mắt khỏi cái kết của phim các bạn đều sẽ có cho riêng mình một lựa chọn đúng đắn để hướng bản thân theo những điều tích cực. Tấm gương Jenny như một bài học cảnh tỉnh những bạn trẻ mộng mơ, hy vọng rằng tình yêu hay một người chồng giàu có sẽ cứu rỗi họ khỏi những chán chường, vất vả trong việc học tập, lao động mà không hề nhận ra rằng giá trị thực sự của hạnh phúc là phải tự thân học tập, lao động, nổ lực và quan trọng hơn, hạnh phúc là sống mà không phụ thuộc.
Với mong muốn khiến bạn đọc thích thú hơn trong việc tìm tòi và thưởng thức những tác phẩm đến từ nhiều nền điện ảnh khác nhau chứ không bị bó buộc vào bất kỳ một bộ phim được gắn mác quốc gia nào, bởi lẽ cái hay của điện ảnh là nó không có biên giới. Đó là lý do vì sao mà năm tác phẩm được lựa chọn giới thiệu ở danh sách này đến từ nhiều quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Mỹ, Anh.
Video được xem nhiều nhất
Bình luận