Những bộ phim “chuyển thể” nên trung thành với nguyên tác tới mức nào?

Kênh 14 - 28/07/2015, 09:01

Câu chuyện chuyển thể từ sách lên màn ảnh: giấc mơ và cũng là ác mộng của tất cả những người đọc sách.

Tại Comic-Con vừa qua, nhiều khán giả đã có cơ hội xem 30 phút đầu tiên của The Maze Runner: The Scorch Trials, và nhiều ý kiến được đưa ra rằng phiên bản phim có những điểm khác biệt rõ rệt so với truyện. Trong phần giải đáp thắc mắc, đạo diễn Wes Ball đã thẳng thắn giải thích tại sao những thay đổi đó là cần thiết, và điều đó đưa ra câu hỏi muôn thuở cho chúng ta rằng những bộ phim chuyển thể nên trung thành tới mức nào?
 
maze_runner-c8bca

 

 
Một cảnh trong "The Scorch Trials"

Tất nhiên, việc cuốn sách chúng ta yêu thích được đưa lên màn ảnh là một điều cực kì thú vị. Những tưởng tượng của người đọc sẽ biến thành hình ảnh rõ ràng trên màn ảnh rộng. Thế nhưng khi những thứ xảy ra trong phim lại không đi cùng một con đường với những trang sách. Chắc chắn sẽ đem lại sự thất vọng và bực bội cho người xem. Dù vậy, có nên đổ lỗi lên đầu những nhà làm phim, hay lỗi là do chính chúng ta đã không cởi mở hơn về việc thay đổi câu chuyện?

Không thể thực hiện một bộ phim hay nếu chỉ lấy một cuốn sách và mang nguyên xi những gì có trong đó và đưa lên phim. "Đó là vấn đề, phim và sách là hai thứ hoàn toàn khác nhau" - Wes Ball nói. Một cuốn sách và một bộ phim thành công đòi hỏi những chuẩn mực khác nhau. Những độc giả trung thành với cuốn sách cần phải ghi nhớ rằng, chỉ vì câu chuyện hoạt động tốt trên những trang giấy, không có nghĩa là chúng có thể làm nên chuyện khi nói trên góc độ điện ảnh.
 
kkk-d0a57
 
Hãy lấy The Maze Runner ra làm ví dụ. Con “Nhím sầu” trong truyện hoàn toàn khác với những gì hiện ra trong phim. Trong truyện, nó được miêu tả “giống như một con sên khổng lồ, được phủ một lớp lông thưa và một chất nhớp lấp lánh, phập phồng len xuống một cách kì cục khi nó thở. Nó không có đầu đuôi rõ rệt”, “…nó còn có nhiều cánh tay cơ khí chĩa ra từ các phía”. Tác giả đã không miêu tả con quái vật này một cách quá tỉ mỉ, để cho người đọc được tự do tưởng tượng ra một loài quái thú ghê rợn. Tuy nhiên phần lớn người đọc chỉ nghĩ về nó như một loài động vật xấu xa với cơ thể nhơm nhớp cùng nhiều chân tay.
 
img_201507172219168252-5f390

Phiên bản phim của truyện đã thực hiện một miêu tả khác, với sự xuất hiện của “Nhím sầu” như một con nhện cơ khí nhớp nháp. Khác với nguồn thông tin miêu tả, nhưng vẫn có tác dụng không kém. Cảnh phim có thể sẽ không ghê như cũ nếu thay vào đó là một loài động vật bóng nhẫy cùng chân tay lủa tủa.
 
“Là một bộ phim, nó cần tạo ra cảm giác căng thẳng và cùng lúc là cảm giác phấn khích. Bạn cần nó để có được một trải nghiệm phim ảnh đáng giá” - Ball nói. Bộ phim Game of Thrones đã đưa vào trong mình rất nhiều chỉnh sửa so với bộ sách gốc, để làm sao dù là những người đã đọc thuộc lòng tác phẩm vẫn sẽ có cảm giác như lúc đầu khi xem phim.
 
 
Những người không đọc bản sách 
của GoT chắc sẽ chẳng biết Lady Stoneheart là ai.

Vậy là một khi chúng ta đã chấp nhận với việc thay đổi kịch bản khi chuyển thể, thì một vấn đề nữa nảy sinh. Chúng ta có thể nhúng tay vào nó sâu đến đâu cho tới khi nguyên tác bị phá hoại? Ball đã chỉ ra, “chúng tôi cùng thực hiện trên những nguyên liệu giống nhau, nhưng không cùng một công thức”. Hãy coi như những “nguyên liệu” này là cốt truyện chính và hình tượng từng nhân vật.

Nếu 2 điều quan trọng nhất này vẫn được thể hiện qua những tác phẩm chuyển thể, thì các độc giả sẽ chẳng có quá nhiều vấn đề trong việc tiếp nhận nó. Trong cuốn sách The Hunger Games, không hề có trang sách nào miêu tả những cuộc trò chuyện của Tổng thống Snow và Seneca Crane, nhưng cũng chẳng có vấn đề gì để ngăn cản bộ phim tự thực hiện những cảnh phim đó. Snow vẫn giữ nguyên được tính cách nhân vật, và đoạn phim không hề ảnh hưởng tới kết quả cuối cùng của cuốn sách.
 
 
Khi những tình huống phá hỏng hình tượng nhân vật xảy ra, thì tất nhiên các fan của cuốn sách sẽ vô cùng tức giận, đặc biệt là khi tình huống ấy chỉ được dùng để hỗ trợ một mạch truyện nhỏ (vài giây phút của Jaime/Cersei trong Game of Thrones season 4 chẳng hạn), hoặc đôi khi chẳng để làm gì ("Có phải trò đã bỏ tên mình vào chiếc cốc lửa không hả Harry?"). Nhưng điều gì sẽ xảy ra khi phần lớn khán giả lại thích điều này, mặc dù nó có một sự khác biệt lớn đối với nguyên tác? Liệu sự hưởng ứng đông đảo sẽ vượt mặt những chỉ trích từ phía người đọc?
 
 
Hãy thử xem trường hợp của Lord of the Rings . Mặc dù được coi là 3 trong những bộ phim chuyển thể hay nhất mọi thời đại, thì vẫn có rất nhiều sự chỉnh sửa được thực hiện giữa kịch bản và cuốn sách. Sự bỏ sót một số chi tiết trong sách là điều dễ hiểu, khi một cuốn sách có quá nhiều chi tiết để nhồi nhét cho vừa một bộ phim dài hơn 2 tiếng. Một vài nhân vật bị chỉnh sửa một cách đáng kể (Faramir), và cũng có nhiều sự khác biệt lớn (động lực để người Ents tham gia cuộc chiến chẳng hạn).

Về cơ bản, những thay đổi của bộ phim được chấp nhận vì bản thân bộ phim đã là những tác phẩm cực kì xuất sắc. Xét theo khía cạnh một bộ phim riêng, thì nhà sản xuất đã làm rất tốt. Xét về mặt chuyển thể, dù có vài điểm khác biệt, nhưng cốt truyện chính và những điểm quan trọng vẫn được giữ nguyên.

Và rồi ta có World War Z . Cả bộ phim và cuốn sách đều nhận được phản hồi tích cực, nhưng đó là điểm giống nhau duy nhất. Ý tưởng về một cuộc chiến tranh về thây ma là giống nhau, nhưng cấu trúc, câu chuyện và sự thông minh trong cuốn sách đã bị các nhà làm phim loại bỏ để biến nó thành một bộ phim hành động đúng chất. Tuy vậy, bộ phim có được nhìn nhận tốt từ phần lớn người xem, nên việc nó không thực hiện đúng nguyên tác liệu có quá quan trọng? Khi phần lớn công chúng thích những gì họ vừa xem, thì việc một phần thiểu số (những người yêu thích cuốn sách) nghĩ gì có đáng để tâm?
 
 
Một vài sẽ nói là không. Nếu kết quả thu được thuận lợi, thì ai thèm quan tâm nó có khác hay không? Một vài lại nói là có. Chúng ta bị tước đi một bộ phim hay với những “nguyên liệu” giống cuốn sách, và nó được thay thế bằng một bộ phim khác có quyền chuyển thể nhưng chỉ sử dụng mỗi tên của nguyên tác.

Việc quyết định xem thay đổi nào là chấp nhận được, cái nào không thì còn phụ thuộc vào từng cá thể, nhưng thế không có nghĩa là bạn nên nghĩ bất cứ sự thay đổi nào cũng là một sai lầm. Lần tới khi xem một bộ phim được dàn dựng từ một tác phẩm bạn thích, hãy nhìn vào nó ở các khía cạnh khác nhau. Hãy tận hưởng mỗi phiên bản như một trải nghiệm riêng biệt. Khi nhận ra được một điểm khác nhau, đừng vội vã chỉ trích. Bạn có thể cảm thấy thất vọng khi phân cảnh bạn yêu thích bị cắt ra khỏi bộ phim, nhưng đừng sử dụng nó như một lý do để ghét bộ phim ấy.

Phần lớn thời gian, mỗi chi tiết khác nhau đều là do một lý do cụ thể, và nó luôn luôn để giúp cho bộ phim hay hơn. Hãy nhớ rằng các bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình đều được thực hiện cho phần đông khán giả, không phải chỉ dành cho những người đã đọc cuốn sách. Bạn sẽ tận hưởng một bộ phim chuyển thể tốt hơn nếu bạn xem nó với một tinh thần cởi mở, thay vì chỉ để chú ý xem nó sẽ khác cuốn sách tới mức nào.

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất