Lo phim Việt trở lại thời "mì ăn liền"
8showbiz -
24/08/2015, 15:53
Nhà sản xuất cũng như ê-kíp làm phim không quan tâm đến chất lượng nghệ thuật, tính nghề nghiệp ở tác phẩm họ tạo ra; chỉ nghĩ đến phải làm gì để hút được thật nhiều khán giả nhằm thu lãi lớn
“Già gân, mỹ nhân và găng tơ”, “Hy sinh đời trai”, “49 ngày”, “Kungfu phở” được quảng bá rầm rộ trên mạng và các trang thông tin điện tử là những phim “hot” của điện ảnh Việt Nam, sẽ lần lượt ra rạp trong những tháng cuối năm nay. Thế nhưng, hoàn toàn không như những gì nhà làm phim quảng cáo và truyền thông bằng nhiều phương tiện trước đó, “Hy sinh đời trai” do Lưu Huỳnh viết kịch bản và đạo diễn, ra mắt đã làm thất vọng giới chuyên môn và không ít khán giả yêu thích nghệ thuật điện ảnh. Giới chuyên môn đánh giá đây là bộ phim kém cỏi nhất của đạo diễn Lưu Huỳnh, người trở về từ Hollywood.
Chẳng khác thời làm phim 20 năm trước
Sau loạt phim sản xuất bằng vốn tư nhân với mục đích thương mại như: “Tèo em”, “Để Hội tính”, “Thám tử Hên Ry”, “Lật mặt”, “Hy sinh đời trai”... và các phim đang chờ ngày ra rạp như đã kể, không khí sản xuất và kinh doanh phim hiện nay dễ khiến người ta hình dung điện ảnh Việt đang lặp lại thời kỳ phim “mì ăn liền” vào những năm cuối thập niên 1990. Đó là thời kỳ nhà nhà làm phim, ai cũng trở thành nhà sản xuất, ai cũng có thể thành đạo diễn miễn là có tiền. Những bộ phim được sản xuất vội vàng chạy theo nhu cầu, thị hiếu giải trí phi nghệ thuật của một bộ phận khán giả, những người đến rạp không để thưởng thức tác phẩm điện ảnh mà để được xem nghệ sĩ mình yêu thích đóng phim như thế nào và được khóc cười theo thần tượng. Cả nhà sản xuất cũng như ê-kíp làm phim không quan tâm đến chất lượng nghệ thuật, tính nghề nghiệp ở tác phẩm mà họ tạo ra; chỉ nghĩ đến doanh thu nhiều hay ít, làm gì để thu hút được thật nhiều khán giả, thu lãi lớn.
Cảnh phim “Hy sinh đời trai” - Hồ Ngọc Hà xuất hiện trong phim chỉ để có tên cho nhà sản xuất quảng cáo. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Làm phim thu lợi nhuận cao nên ai cũng đầu tư làm phim, từ nhà làm sách, thương gia, chủ tiệm kim hoàn,... những người chưa biết tí gì về công việc sản xuất phim và nghệ thuật thứ bảy cũng đều thành nhà sản xuất phim và đạo diễn điện ảnh. Những diễn viên ăn khách thời ấy như Lý Hùng, Việt Trinh trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các nhà sản xuất phim thời gian đầu nên họ được các nhà sản xuất phim săn đón. Có khi những diễn viên này đóng cùng lúc 5-7 phim, thậm chí 10 phim vẫn được nhà sản xuất chấp nhận bởi sự có mặt các diễn viên này là họ thấy an tâm.
Khi phim ra rạp có lãi, thậm chí có những phim nhà sản xuất thu lãi lớn như “Tèo em”, “Để Hội tính”..., không ít người bắt đầu quan tâm bỏ vốn đầu tư. Ngoài các nhà sản xuất truyền thống, diễn viên, ca sĩ cũng bỏ vốn sản xuất phim, có người tự làm luôn đạo diễn.
Nghệ sĩ ăn khách trong làng giải trí được huy động vào phim trong vai trò diễn viên chính, phụ, không cần biết diễn xuất tốt hay không, chỉ cần có tên để quảng cáo phim là được. Vì vậy, diễn viên điện ảnh giỏi nghề nhưng tên tuổi không hút khách phải nhường vai cho các diễn viên hài, ca sĩ có nhiều khán giả hâm mộ.
Hoài Linh, Trường Giang, Thái Hòa, Lê Khánh, Tấn Beo, Trấn Thành, Việt Hương... là những cái tên không thể thiếu trong nhiều phim thương mại hiện nay.
Cái chết được báo trước
Phim thời “mì ăn liền” phát triển với số lượng chóng mặt. Đỉnh cao, có năm hàng trăm phim ra đời. Nhưng chỉ sau 5 năm bạo phát, dòng phim này cáo chung, điện ảnh Việt Nam rơi xuống đáy vì công chúng nhàm chán nên họ quay lưng. So với phim “mì ăn liền”, chất lượng phim thương mại bây giờ cũng không khá hơn. Ngoài một số phương tiện hiện đại được ứng dụng, nội dung các bộ phim thương mại không chú trọng tính nghề nghiệp, chất lượng chuyên môn, chỉ chú tâm vào yếu tố giải trí, câu khách, đến nỗi những người trong nghề nói họ không còn nhận ra đó là tác phẩm điện ảnh.
Phim nào cũng quy tụ dàn nghệ sĩ ngôi sao nhưng chủ yếu diễn hài, còn không thì để có tên cho nhà sản xuất quảng cáo bán vé. Cũng sẽ như thời phim “mì ăn liền”, ban đầu người hâm mộ còn háo hức đến xem nhưng qua vài lần, thấy không có gì mới là họ chán, trong khi nội dung phim nếu không “nhạt như nước ốc” cũng là những tiểu phẩm tấu hài nhảm nhí, tục tĩu. Doanh thu những bộ phim thương mại ra rạp gần đây cho thấy khán giả đang thưa thớt dần.
Từ một vài bộ phim hài giải trí mang lại lợi nhuận cao cho nhà sản xuất gần đây mà giới chuyên môn thường gọi là rẻ tiền và nhảm nhí đã kích thích các nhà sản xuất chuyên và không chuyên bỏ vốn đầu tư cho dòng phim này, kéo theo các đạo diễn giỏi nghề tham gia khiến khán giả thất vọng và bi quan. Công chúng khó có thể tưởng tượng được những tên tuổi đạo diễn từng tâm huyết với điện ảnh như Charlie Nguyễn, Lưu Huỳnh lại đánh mất mình một cách dễ dàng khi tham gia làm ra những bộ phim tệ về chất lượng chuyên môn như đã thấy.
Nhiều ý kiến trong giới tỏ ra lo ngại cho sự lao dốc của điện ảnh Việt Nam trước tình trạng đội ngũ làm phim giỏi nghề ngày càng dấn sâu vào dòng chảy phim thương mại giải trí mà quên đi niềm đam mê sáng tạo nghệ thuật vốn có trong họ. Khi ấy, công chúng quay lưng. Điện ảnh Việt Nam sẽ phải trả giá thêm một lần nữa!
Mất dần thị phần
Điện ảnh đang huy động nguồn vốn xã hội để phát triển sản xuất phim. Thị trường chiếu phim đang mở rộng với hệ thống rạp hiện đại do các công ty tư nhân xây dựng và đưa vào khai thác tại nhiều đô thị lớn trong cả nước. Đây là điều kiện thuận lợi cho điện ảnh Việt phát triển bằng nguồn lực xã hội hóa. Tuy nhiên, với cách làm phim “ăn xổi ở thì” như hiện nay, phim Việt sẽ nhanh chóng mất hết thị phần ngay trên “sân nhà”. Công chúng yêu điện ảnh sẽ dần ngó lơ phim Việt và tìm đến với các tác phẩm điện ảnh của các nước. Thực tế những con số của hoạt động phát hành phim đã cho thấy điều đó.
Theo Người lao động
Video được xem nhiều nhất
Bình luận