Kong: Skull Island - Việt Nam rất đẹp, và chỉ thế thôi...

Kênh 14 - 10/03/2017, 14:05

Được kỳ vọng sẽ tiếp nối tầm vóc của quái vật King Kong, nhưng "Kong: Skull Island" dừng lại ở một tác phẩm chỉn chu về mặt hình ảnh. Ra khỏi rạp, ai cũng chỉ có thể trả lời ngắn gọn: Việt Nam lên phim đẹp quá.

Nếu có một bộ phim nào trong năm 2017 mà khiến khán giả Việt Nam đứng ngồi không yên thì đó chính là Kong: Skull Island. Một phần lí do đúng như quảng cáo vô cùng hấp dẫn trên poster của CGV: "Siêu phẩm Hollywood đầu tiên được quay tại Việt Nam". Đoàn phim Kong:Skull Island đã đến những địa điểm nổi tiếng nhất của chúng ta để tái tạo lên màn ảnh một Đảo Đầu Lâu sống động, nơi trú trụ của King Kong.

King Kong luôn là một trong những biểu tượng lâu đời nhất của điện ảnh Mỹ. Và với Kong: Skull Island, nó thực sự khiến người ta phải trầm trồ và thán phục vì kĩ xảo hoành tráng. Tuy nhiên, còn cần rất nhiều điều bổ khuyết để có thể khiến nhân vật này thực sự "sống" trên màn ảnh. Còn với những ai quan tâm đến cảnh sắc Việt Nam thì chúc mừng, bạn vừa có tour du lịch biển đảo sông hồ với động vật quý hiếm cực mãn nhãn. Kong: Skull Island dừng lại ở một tác phẩm điện ảnh mang tính giải trí cao, đẹp mắt và có giá trị quảng bá du lịch. Vì thế, sau buổi công chiếu ngày hôm qua, nếu bạn đọc các status trên Facebook hay hỏi ai đó vừa đi xem phim về, có lẽ câu trả lời chủ yếu bạn nhận được sẽ là "Việt Nam lên phim đẹp quá", 

 - Ảnh 1.

 

Kong: Skull Island mở đầu vào thời điểm năm 1944 khi hai chàng trai phi công trẻ bị rớt máy bay tại hoang đảo diễn lại cảnh trong Cuộc phiêu lưu của Tintin hay Hoàng tử bé, cho đến khi Kong xuất hiện. Bối cảnh thực tại của phim là năm 1973, lúc đó người Mỹ vẫn đủ ngây thơ để ký sắc lệnh cho phép hai nhà khoa học (vào vai bởi John Goodman và Corey Hawkins) dẫn một đoàn thám hiểm tù mù khám phá một hòn đảo mà thực ra người ta đã ở đó từ đời nào rồi.

Đoàn được hộ tống bằng một đội lính mà lãnh đạo là Trung tá Nick Fury, à không, Preston Packard (Samuel L. Jackson), cùng với những diễn viên Jason Mitchell, Shea Whigam, Thomas Mann, Toby Kebbell và cả một số nhân vật còn chưa kịp nhớ mặt thì đã tai nạn máy bay chết.

 - Ảnh 2.

 

Đi theo đội là một nữ nhiếp ảnh gia Mason Weaver (Brie Larson) - người tự nhận là đã "chụp nhiều ảnh mộ tập thể" đến mức nhìn phát biết ngay và người theo dấu đẹp trai James Conrad (Tom Hiddleston) – với tài nghệ biết đánh người khác lõm mũi nằng gậy bi –a. Tuy nhiên chuyến viếng thăm Đảo Đầu Lâu lại không phải là tour nghỉ dưỡng vui vẻ lắm với cả team của Loki khi con khỉ đột to lớn không phải là vấn đề duy nhất của họ.

Rừng vàng biển bạc quái vật nhiều

Xét về mặt trực quan, Kong: Skull Island là một bộ phim đạt đến độ chỉn chu từ màu sắc cho tới tạo hình. Kong trong phim hiện lên với tầm vóc của một con quái vật to lớn, biểu cảm đa dạng và từng cử động cũng được chú ý trau chuốt để tạo cảm giác chân thực nhất có thể. 

 - Ảnh 3.

 

Các nghệ sĩ chịu trách nhiệm phần hình ảnh và âm thanh đã tạo nên một bản hợp xướng khổng lồ, khiến những khối CGI to đùng hóa thành các quái vật với hơi thở như kề cận bên tai người xem. Cảnh chiến đấu giữa Kong và thằn lằn xương sọ trông như một con Pokemon được tiêm huyết thanh siêu chiến binh diễn ra choáng ngợp và bài bản. Ngoài hai loại quái vật đã được giới thiệu trong trailer, bộ phim cũng đem tới một thế giới kỳ lạ của những loài động vật từ biết bò cho tới biết bay, thậm chí có cả con trâu nước trông như bước ra từ phim của Ghibli.

 - Ảnh 4.

 

Với những người chờ đợi hình ảnh thiên nhiên Việt Nam trong phim, chắc chắn họ sẽ không phải thất vọng. Hội tụ những cảnh quan ấn tượng nhất nơi nước non hòa quyện, từ đầm Vân Long hoang sơ ở Ninh Bình, Quảng Bình cho tới vịnh Hạ Long hoành tráng, kì vĩ, bộ phim đem tới những góc máy tuyệt mỹ khai thác nét đẹp của đất nước. Không những vậy, Kong: Skull island còn cố gắng tạo dựng những địa điểm nổi tiếng khác như Đà Nẵng hay thậm chí là khu phố người Hoa ở Quận 5 tại Sài Gòn lúc bấy giờ. Trên là núi ngọc, dưới là nước xanh, thấp thoáng tán rừng ở xa, quay phim Larry Fong của Kong: Skull Island xứng đáng được đề cử là Đại sứ du lịch của Việt Nam.

 - Ảnh 5.

Vịnh Hạ Long vào phim vô cùng kì vị và như một xứ huyền thoại.

 - Ảnh 6.

Đầm Vân Long được phô bày hết vẻ đẹp hoang sơ trong phim.

 - Ảnh 7.

Bạn có thể nhìn thấy những cánh cò bay trắng đầm Vân Long trong Kong: Skull Island.

Khi quái vật còn diễn hay hơn người

Cả quay phim Larry Fong lẫn đạo diễn Jordan Vogt-Roberts đã vay mượn không giấu diếm nhiều chi tiết đắt giá từ bộ phim Appocalypse Now của Francis Ford Coppola xoay quanh cuộc chiến tại Việt Nam, từ cảnh cánh quạt máy bay in trên nền mặt trời đỏ ối, cho tới những quả bom napan. Trong khi đó, tinh thần của Kong: Skull Island lại có hơi hướng chịu ảnh hưởng từ các nhà làm phim như Edgar Wright hay Guillermo del Toro, với các cảnh phim đẫm máu trong tiếng nhạc rock thập kỷ 70.

 - Ảnh 8.

 

Đó chỉ là gia vị của món ăn, nhưng trong khi gia vị đậm đà thì các thành phần lại tỏ ra không ăn nhập. Kong: Skull Island đưa tới một cốt truyện đơn giản với các tuyến nhân vật không gắn kết. Trong hầu hết thời lượng phim, các nhân vật người xuất hiện mờ nhạt, không để lại dấu ấn và chết một cách thần tốc khiến khán giả còn chẳng kịp nhớ tên.

Nhân vật cô phóng viên phản chiến của Brie Larson thì luôn phát ngôn những câu thoại vô nghĩa và tảng lờ các nhà khoa học. Được kỳ vọng sẽ tiếp quản danh xưng người đẹp từ tay Naomi Watts trong phần phim năm 2005, nhưng những gì Brie Larson làm được chỉ dừng lại ở việc sờ vào mặt Kong và chảy nước mắt. Team chị em ngoài Weaver còn có San Lin của Cảnh Điềm, nhưng cũng như Brie Larson, cô gái này nhanh chóng quấn quýt lấy các anh lính và thốt ra những câu thoại chẳng ai thèm nhớ.

 - Ảnh 9.

Brie Larson trong vai phóng viên chiến trường

Đó là chưa kể một Tom Hiddleston trong vai Conrad cũng mờ nhạt không kém, một Trung tá Packard của Samuel L. Jackson thiếu động lực đến đáng ghét, và làng thổ dân không để lại nhiều vai trò trong phim. Bù lại, một số điểm sáng hiếm hoi được khơi gợi từ tuyến phụ như vai Cole bất cần đời của Shea Whigham hay cựu binh Marlow lẩm cẩm của John C. Reilly. Các fangirl thì tìm thấy niềm an ủi ở sự xuất hiện vài giây ngắn ngủi của nam thần Nhật Bản Miyavi.

Có hai loại phim về quái vật, một là từ từ he hé dần dần chân dung của con quái, còn loại thứ hai thì ngay đầu phim đã huỵch toẹt chìa ra ngay. Kong: Skull Island thuộc loại sau, nhưng lại hấp dẫn người xem bởi tình tiết dồn dập ngay từ những phút đầu. Với việc đá đưa đến Godzilla, nhà sản xuất không giấu diếm ý định xây dựng một vũ trụ quái vật tương tự như những gì Marvel làm được với các siêu anh hùng của mình.

 - Ảnh 10.

 

Tuy nhiên khác với tinh thần chung của loạt phim trước đó về nhân vật này, Kong: Skull Island không khai thác mối quan hệ giữa người và quái vật mà thay vào đó, tập trung vào trận chiến giữa các giống loài khổng lồ. Đây có lẽ sẽ là một điều đáng tiếc đối với nhiều người từng yêu quý phiên bản năm 2005 của Peter Jackson. 

Nói gì thì nói, Kong: Skull Island vẫn là một bộ phim hành động Hollywood thuần giải trí đẹp mắt, bắt tai, khoe cảnh Việt Nam và có trai đẹp. Như vậy mà vẫn không đủ cho một buổi tối cuối tuần ư?

Theo Ngọc Kinh/Trí thức trẻ

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất