"John Wick: Chapter 2": Cứ bắn thôi, không nói nhiều
Tang thương và đẫm máu, cuộc chiến của bóng ma đơn độc trong John Wick: Chapter 2 tiếp tục chứng minh cho câu nói: “Nhà không có nhưng chó nhất định phải có một con”.
Sau bất ngờ của phần một được ra mắt ba năm trước, sát thủ John Wick đã quay trở lại trong chương tiếp theo của câu chuyện đời mình. Có vẻ như lần tái xuất này của "ông Kẹ" đã bớt phần bất ngờ hơn, nhưng không vì thế mà John Wick: Chapter 2 kém đi xuất sắc.
Được đạo diễn bởi Chad Stahelski và chào đón sự quay trở lại của linh hồn loạt phim - Keanu Reeves, Sát thủ John Wick 2 giữ nguyên phong cách chiến đấu bạo lực, tàn nhẫn và đen tối, tiếp tục là "của hiếm" giữa dòng phim hành động hiện đại.
Bộ phim John Wick năm 2014 kể về cuộc đời của một sát thủ danh tiếng đã giải nghệ, bỗng bị cuốn vào cuộc giết chóc một lần nữa khi có kẻ dám cướp xe giết chó của mình. Tưởng như sau cuộc thanh trừng ấy, John Wick (Keanu Reeves) có thể yên ổn với cuộc sống cô đơn nhưng không, một ngày kia ông trùm Santino D’Antonio (Riccardo Scamarcio) xuất hiện ở bậc cửa, mè nheo về món nợ máu mà Wick cần phải trả để được tự do. Ban đầu, John Wick cự tuyệt vì tất nhiên, ai lại muốn dây dưa thêm vào cuộc sống phức tạp trong thế giới ngầm khi đã có một căn nhà và một con chó rồi chứ.
Sau khi bị ông chú kia...đốt nhà, Wick cực chẳng đã đành một lần nữa tái xuất giang hồ. Thế nhưng sự bình yên mà Santino hứa hẹn sau cuộc "đi săn" lại chẳng thấy đâu, thay vào đó anh nhận ra mình bị săn lùng bởi mọi phe phái. Không còn gì để mất, Wick sử dụng mọi kỹ năng mình có để sống sót và trả thù.
Bức tranh rộng lớn của thế giới ngầm và chân dung bị tàn phá của một con người
Trong suốt cuộc đời sát thủ của mình, John Wick bị tước đi gần như mọi thứ anh yêu quý. Từ cái chết của người vợ Helen (Bridget Moynahan) cho tới chiếc xe yêu quý bị phá hủy, con chó – kỷ vật cuối cùng mà Helen để lại – bị giết chết. Thậm chí đến cái nhà cũng bị thiêu rụi tận nóc.
Trang thứ hai của cuộc đời gã sát thủ này là những trang đau thương hơn cả phần đầu, hé lộ số phận bạc bẽo của những kẻ "đâm thuê giết mướn". Sau cùng, cái còn lại ở John Wick ở đời là cái danh "ông Kẹ" khiến kẻ khiếp sợ, người căm thù; là những câu chuyện đồn thổi và số lượng kẻ thù không đếm xuể.
Keanu Reeves đã tái hiện chân dung một người chồng buồn khổ, một gã sát thủ máu lạnh, một người đàn ông với trái tim trống hoác không chỉ bởi khả năng tưởng tượng. Nhiều người tin rằng, những mất mát và chiêm nghiệm mà nam diễn viên này trải qua đã hiển hiện ngay trong ánh mắt của nhân vật.
Hầu như thời lượng trên màn ảnh người ta thấy một John Wick máu lạnh, nhưng đôi khi là những khoảnh khắc hài hước tinh tế hoặc sự rộng lượng mà gã ban phát cho bạn bè cũ. Vẻ đẹp của hành động trong John Wick: Chapter 2 không chỉ nằm ở các pha chiến đấu với tần suất dày đặc, mà còn là những quãng nghỉ mà ở đó các chi tiết hài hước được cài cắm như một thứ thuốc giảm đau dành cho người xem.
Rõ ràng, Keanu Reeves cũng như Chad Stahelski hiểu rõ lúc nào là vui vẻ và lúc nào cần tàn nhẫn trong mỗi cảnh quay. Sau những Bill & Ted, Speed hay The Matrix, có lẽ đây tiếp tục là mảnh đất mà Reeves có thể tiếp tục phát huy thế mạnh của mình.
Trong phần tiếp theo này, người ta được thấy toàn cảnh một thế giới ngầm giàu có và tàn nhẫn, với những cửa hiệu may mặc trá hình, những bang hội có chân rết khắp mọi nơi trên thế giới và trên hết, thứ phép tắc có thể biến một kẻ có vai vế thành tử tù ngay lập tức. Trung tâm là hệ thống khách sạn The Continental được điều hành bởi Winston (Ian McShane) chi nhánh New York và Julius (Franco Nero) chi nhánh Rome – những người dám gọi John Wick là Jonathan trong khi hầu hết các nhân vật khác đều phải kính cẩn "Ngài Wick".
Cùng với The Bowery King (Laurence Fishburne), họ là những ông vua con của xứ sở ngầm, sở hữu những đặc quyền to lớn nhưng trên hết đều phải tuân theo giới luật khắc nghiệt chung. Cảnh phim khiến người đọc sởn da gà nhất có lẽ là khi một hợp đồng được phát đi, ngay lập tức cả thế giới như phát điên lên. Có những người bỗng dưng trút bỏ cái vỏ tầm thường của họ, hiện nguyên hình là một sát thủ máu lạnh, đó là khi thế giới tội phạm trỗi dậy với những họng súng khát khao tiền và máu.
Ấn tượng thị giác mạnh mẽ
Sau John Wick 2014, đạo diễn Chad Stahelski và quay phim Dan Laustsen tiếp tục phát huy sở trường của mình trong những phân cảnh hành động của phần hai với các pha cận chiến nhu thuật đẹp mắt. John Wick không phải là mẫu sát thủ mềm lòng, gã hành động nhanh gọn, mỗi phát súng bắn ra hay nắm đấm vung lên đều nhằm vào những vị trí hiểm yếu nhất của đối phương.
Phim cũng dành ra thời lượng kha khá để người xem mở mang về các loại súng cũng như trang phục và lối sống mang đậm phong cách cổ điển trong các phim tội phạm trước đây gợi nhớ về loạt James Bond. Theo thống kê của George Hatzis, John Wick: Chapter 2 chứng kiến John Wick bắn ra 302 phát đạn với độ chính xác lên tới 80,1%, tiêu diệt 128 nhân vật trong phim (tính cả việc giết chết bằng các vũ khí khác).
Tận dụng lợi thế của thế giới ngầm rộng lớn từ Mỹ sang Italia mà kịch bản dựng lên, quay phim Dan Laustsen tạo nên một bảng màu độc nhất vô nhị cho John Wick: Chapter 2 đưa khán giả tới một bữa tiệc thị giác xa hoa. Ở tuổi 52, Keanu Reeves vẫn còn vô cùng phong độ trong bộ vest đen và các nhà làm phim thì không bỏ qua điều này. Phân cảnh tranh tối tranh sáng tại Rome hay trong ga tàu điện ngầm, trong triển lãm ánh sáng, hình ảnh cơ thể và góc cạnh khuôn mặt của Reeves hiện lên là trung tâm giữa những sắc xanh, ngọc bích, neon hồng… tạo nên một ấn tượng đặc biệt.
John Wick có lẽ là loạt phim hành động thành công nhất những năm qua chỉ sau Taken, dù kịch bản vẫn còn khá đơn giản. Với một dàn diễn viên nổi trội (Common, Laurence Fishburne, Riccardo Scamarcio, Ruby Rose, Ian McShane…) mà trung tâm là diễn xuất của Keanu Reeves, John Wick: Chapter 2 tiếp nối thành công của bộ phim đầu đem đến cái nhìn độc và lạ về chân dung sát thủ của thế giới ngầm. Phim hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Video được xem nhiều nhất