‘Jackie’: Gương mặt ít biết của Đệ nhất Phu nhân Kennedy
Bộ phim tiểu sử “Jackie” mang đến cho khán giả hình ảnh ít thấy của Jacqueline Kennedy, sau khi bà phải tận mắt chứng kiến chồng mình bị ám sát bởi viên đạn định mệnh vào năm 1963.
Ngày 22/1/1963, vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ là John F. Kennedy bị một viên đạn bắn tỉa hạ gục khi đang ngồi trên chiếc xe mui trần và vẫy chào người dân Texas tại quảng trường Dealey, thành phố Dallas.
Nhân vật ngồi cạnh ông trong thời khắc định mệnh ấy, chứng kiến những giây phút cuối cùng của vị tổng thống trẻ tuổi của xứ sở cờ hoa, chính là Đệ nhất Phu nhân Jacqueline “Jackie” Kennedy.
Năm 1963 quả là quãng thời gian đen tối trong cuộc đời Jackie Kennedy. Chỉ ba tháng trước vụ ám sát tổng thống Kennedy, bà đã phải đau đớn chia lìa đứa con trai út Patrick chết yểu khi chỉ mới hai ngày tuổi.
Ngay lúc váy áo còn đang vương máu của người chồng quá cố, Jackie Kennedy đã phải nén nỗi đau, đương đầu với hàng loạt thử thách khó khăn: từ quyết định các chi tiết cho lễ quốc tang của chồng, tới chăm lo cho hai đứa con nhỏ, cũng như gói ghém đồ đạc của gia đình ở Nhà Trắng để trao trả nó cho chủ nhân mới là vợ chồng Tổng thống Lyndon B. Johnson.
Jackie là tác phẩm tiểu sử về Đệ nhất Phu nhân Jacqueline "Jackie" Kennedy, tập trung vào tâm lý nhân vật sau khi chồng bà bị ám sát vào năm 1963. |
Những ngày tháng lịch sử ấy cùng diễn biến tâm lý của Jackie Kennedy sau vụ ám sát chồng bà là chủ đề chính của Jackie - tác phẩm điện ảnh thuộc dòng tiểu sử và sử dụng tiếng Anh đầu tiên của đạo diễn Pablo Larraín người Chile.
Lấy trung tâm là cuộc phỏng vấn giữa Jackie Kennedy (Natalie Portman) với nhà báo nổi tiếng của tờ Life - Theodore H. White (Billy Crudup), Jackie mang tới cho khán giả hai hình ảnh rất đỗi khác biệt của Jackie Kennedy.
Đó là một Đệ nhất Phu nhân quyền quý, e dè trước ánh mắt công chúng và trên sóng truyền hình, nhưng đồng thời còn là người phụ nữ mạnh mẽ, phải hy sinh tham vọng, hạnh phúc cá nhân cho thành công của người chồng John F. Kennedy (Caspar Phillipson) và sự bình an của hai đứa con nhỏ Caroline (Sunnie Pelant), John Jr. (Aiden Weinberg).
Bên cạnh nhân vật chính Jackie Kennedy, Jackie cũng giới thiệu đến khán giả hình ảnh của hàng loạt gương mặt nổi bật trong lịch sử hiện đại nước Mỹ và phản ứng của họ trước cái chết đột ngột của John F. Kennedy.
Họ gồm em trai của vị tổng thống quá cố - Tổng chưởng lý Robert F. Kennedy (Peter Sarsgaard), thư ký Nhà Trắng và là người bạn thân thiết của Đệ nhất Phu nhân - Nancy Tuckerman (Greta Gerwig), và người kế nhiệm John F. Kennedy - Tổng thống Lyndon B. Johnson (John Carroll Lynch).
Đâu mới là chân dung thực sự của “Jackie”?
Với đa số người Mỹ hoặc những ai am tường lịch sử nước Mỹ hiện đại, Jackie Kennedy hẳn luôn được nhớ tới với tư cách là Đệ nhất Phu nhân đầu tiên thổi luồng gió hiện đại vào cuộc sống của Nhà Trắng.
Lịch sử các đời tổng thống Mỹ trước đó từng ghi nhận nhiều vị Đệ nhất Phu nhân có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự nghiệp và suy nghĩ của chồng như Mary Todd Lincoln (vợ Tổng thống Abraham Lincoln) hay Eleanor Roosevelt (vợ Tổng thống Franklin D. Roosevelt).
Nhưng vẻ đẹp thanh lịch của người phụ nữ 31 tuổi sinh ra trong một gia đình thượng lưu New York, cùng sự năng động trong các hoạt động văn hóa xã hội, đã giúp Jackie Kennedy được công chúng nhớ tới với vai trò là “bà chủ Nhà Trắng”, chứ không đơn thuần chỉ là “bà Kennedy”.
Tác phẩm điện ảnh đem đến hình ảnh ít biết về Jackie Kennedy. Đó là một người phụ nữ đau khổ đến tột độ khi chứng kiến chồng qua đời trong vòng tay mình. |
Hình ảnh đáng nhớ ấy của Jackie Kennedy, cùng cử chỉ và ngữ điệu rất đặc biệt của bà, được truyền tải đầy đủ trong Jackie, nhưng là để làm nền cho một Jackie Kennedy khác mà công chúng ít khi biết tới.
Đó là người phụ nữ đau khổ đến cùng cực vì phải chứng kiến chồng bỏ mạng ngay trong vòng tay mình. Đó là người phụ nữ khát khao hạnh phúc, quyền lực và danh vọng, nhưng phải kìm nén tất cả vì chồng con, để rồi trở thành cái bóng cô độc giữa khuôn viên rộng lớn và hiu quạnh của Nhà Trắng.
Những gì được ghi chép lại trong sử sách chưa chắc đã phản ánh đúng sự thật. Chính Jackie Kennedy đã nhận xét như vậy trong cuộc phỏng vấn thân mật nhưng đầy căng thẳng với Theodore H. White. Liệu hình ảnh nào của bà trong bộ phim mới là chân dung thực sự của Đệ nhất Phu nhân thứ 35, mới phản ánh đúng tâm tư, suy nghĩ của nhân vật?
Có lẽ chỉ mình Jackie Kennedy và người nhận lời xưng tội của bà - Đức cha Richard McSorley (John Hurt), mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Nhưng không khí căng thẳng đậm chất tư liệu của Jackie, cùng sự chăm chút dành cho từng cử chỉ, lời nói của nhân vật đến từ đạo diễn Pablo Larraín, đã giúp khán giả hiểu thêm rất nhiều về bà trong những ngày tháng bi kịch ấy.
Một tác phẩm mang tính “quốc tế”
Là tác phẩm tiểu sử xoay quanh một nhân vật có nội tâm và cuộc đời hết sức phức tạp, Jackie thành hay bại dựa phần lớn vào tài năng của diễn viên đảm nhận vai Jackie Kennedy.
Do đó, hãng Fox Searchlight đã chủ động mời Natalie Portman từ trước khi họ chọn Pablo Larraín cho ghế đạo diễn của dự án. Bên cạnh tài năng không thể chối cãi, có lẽ Portman được tin tưởng bởi cô từng thắng giải Oscar nhờ một vai diễn có hai mặt tính cách và hình ảnh đối lập trong Black Swan (2010) của Darren Aronofsky - người đầu tiên được mời làm đạo diễn cho Jackie.
Natalie Portman thêm một lần nữa chứng tỏ đẳng cấp qua vai chính của Jackie. |
Không phụ lòng tin tưởng của đội ngũ sản xuất, Natalie Portman thêm một lần nữa chứng tỏ khả năng diễn xuất tâm lý bậc thầy trong một vai diễn chứa đựng rất nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau như Jackie Kennedy.
Trong một tác phẩm căng thẳng không có lấy một chút trầm lắng nào, Natalie Portman khiến người xem phải nín thở theo từng trạng thái tình cảm của vị Đệ nhất Phu nhân, từ lúc bà phải làm chứng nhân cho viên đạn oan nghiệt xuyên thẳng qua đầu John F. Kennedy, cho tới những giờ phút đơn độc đến cùng cực trong Nhà Trắng trước tang lễ của chồng.
Đây có thể coi là màn trở lại xứng đáng của mỹ nhân người Israel sau gần 5 năm chủ yếu dành thời gian cho gia đình, và đề cử Nữ diễn viên chính xuất sắc tại Oscar 2017 dành cho cá nhân cô cũng không phải là điều gì quá ngạc nhiên.
Là tác phẩm mang đậm tính cách Mỹ, xoay quanh một nhân vật quan trọng của lịch sử hiện đại xứ sở cờ hoa, nhưng Jackie và thành công của bộ phim cho thấy điện ảnh thực sự là thứ ngôn ngữ không có biên giới.
Đoàn làm phim mang đậm tính “quốc tế” với một đạo diễn người Chile, nữ diễn viên chính người Israel, quay phim người Pháp (Stéphane Fontaine) và soạn nhạc người Anh (Mica Levi). Họ đã phối hợp ăn ý với nhau để tạo ra một tác phẩm đáng nhớ.
Những nhân vật đứng sau thành công của Jackie đến từ nhiều quốc gia khác nhau. |
Tính đa dạng của ê-kíp Jackie đồng thời phản chiếu sự đa diện trong suy nghĩ và tính cách của Jackie Kennedy, điều mà những tác phẩm chính sử về Nhà Trắng hoặc những bộ phim truyền hình quảng bá cho hình ảnh của Jackie Kennedy trước đây khó lòng có thể truyền tải.
Đã 54 năm kể từ ngày Jackie Kennedy giã biệt những căn phòng tráng lệ của Nhà Trắng do chính bà góp công tu tạo, và đã 23 năm trôi qua kể từ ngày cựu Đệ nhất Phu nhân trút hơi thở cuối cùng tại quê nhà New York. Nhưng với những tác phẩm xuất sắc như Jackie, công chúng sẽ còn nhớ tới bà, không chỉ như chứng nhân của lịch sử nước Mỹ, mà còn như một người phụ nữ đã góp phần làm nên lịch sử ấy.
Tại Oscar 2017, Jackie nhận ba đề cử cho Nữ diễn viên chính (Natalie Portman), Thiết kế phục trang (Madeline Fontaine) và Nhạc nền trong phim xuất sắc (Mica Levi).
Video được xem nhiều nhất