"Gia tài" ấn tượng của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền qua các mùa LHP Cannes

Kênh 14 - 26/05/2015, 17:10

Là một trong những đạo diễn hàng đầu Châu Á, những tác phẩm cộp mác “Hầu Hiếu Hiền” đều gây ấn tượng mạnh mẽ với khán giả và các nhà làm phim.

Vừa qua tại lễ bế mạc Liên hoan phim Cannes lần thứ 68, đạo diễn Đài Loan Hầu Hiếu Hiền đã xuất sắc giành giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” với bộ phim The Assassin (Nhiếp Ẩn Nương). Dù không được xướng tên lên nhận Cành cọ vàng, The Assassin vẫn gây ấn tượng mạnh với các nhà làm phim quốc tế bởi sự tinh tế đậm nét phương đông qua từng thước phim. Không chỉ có vậy, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền gần như trở thành tâm điểm của giới truyền thông sau khi buổi lễ kết thúc. Hãy cùng nhìn lại các tác phẩm được thực hiện bởi vị đạo diễn tài ba này qua các mùa Cannes.
 
Đạo diễn Hầu Hiếu Hiền

1. Daughter of the Nile (1988)

 

Daughter of the Nile là tác phẩm góp mặt trong Directors’ Fortnight – một sự kiện được tổ chức song song với Liên hoan phim Cannes - vào năm 1988. Phim lấy tựa đề dựa theo cuốn truyện tranh nổi tiếng Nữ Hoàng Ai Cập của Nhật Bản. Tuy nhiên, nội dung của Daughter of Nile lại được đạo diễn Hầu Hiếu Hiền tập trung vào đời sống của những người trẻ tuổi trong cuộc sống đô thị Đài Bắc hiện đại. Tuy không được công chiếu rộng rãi nhưng tác phẩm này được khán giả trong nước và quốc tế đón nhận nồng nhiệt.
 

Nhân vật chính của phim là Lin Hsiao Yang – cô phục vụ bàn tại quán đồ ăn nhanh KFC. Vì vẫn còn là sinh viên, Hsiao Yang phải đi làm vào ban ngày và tham gia các khóa học vào buổi tối. Anh trai và mẹ cô đều đã mất. Cha của Hsiao Yang lại đi làm ăn xa. Gánh nặng cuộc sống đè nặng lên vai cô gái trẻ khi cô vừa phải tự lo cho bản thân vừa phải chăm sóc cô em gái đang tuổi trưởng thành cùng một em trai. Em gái của Hsiao Yang bắt đầu có biểu hiện ăn cắp vặt còn cậu em trai lại thường giao du với những thành phần xấu trong xã hội.

2. The Puppetmaster (1993)
 

The Puppetmaster là một trong những cột mốc đáng nhớ của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền tại Liên hoan phim Cannes. Tác phẩm này đã giúp ông giành được “Giải thưởng của ban giám khảo” (Jury Prize) vào năm 1993. Đây là bộ phim thứ hai nằm trong loạt tác phẩm lịch sử của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền. Hai tác phẩm còn lại là A City of Sadness (1989) Good Men, Good Women (1995).
 

The Puppetmaster được xây dựng dựa trên cuộc đời của nghệ nhân rối nổi tiếng Đài Loan – Li Tian Lu từ khi ông sinh ra vào năm 1909 cho đến khi đất nước Đài Loan được tự do sau khi bị Nhật Bản đô hộ suốt 50 năm trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

3. Goodbye South, Goodbye (1996)
 
Vào năm 1996, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền lần nữa “đem chuông đi đánh xứ người” tại Liên hoan phim Cannes với tác phẩm Goodbye South, Goodbye. Tuy được đánh giá cao về mặt nội dung nhưng tác phẩm này đã để mất Cành cọ vàng danh giá vào tay đối thủ sừng sỏ Secrets & Lies của đạo diễn người Anh - Mike Leigh.
 
 
Goodbye South, Goodbye là câu chuyện xoay quanh nhân vật Gao – kẻ ham mê cờ bạc. Bạn gái của Gao – Ying – làm việc tại một câu lạc bộ đêm. Cô hoàn toàn không thích những người bạn mà Gao đang giao du gồm: anh bạn Hsi, thầy cúng Flatty cùng cô người yêu của Flatty – Pletzel. Ying nghĩ rằng họ là những nhân tố nguy hiểm, gây ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ của Gao. Ngoài ra, Gao đã thỏa thuận với Hsi để đầu tư vào một câu lạc bộ đêm tại Thượng Hải nhưng bị Ying phản đối kịch liệt. Thay vào đó, cô muốn anh ở lại Đài Loan và hai người sẽ cùng nhau mở một nhà hàng. Mong muốn kiếm được thật nhiều tiền một cách nhanh chóng khiến cuộc đời họ bị đẩy đến vực thẳm.
 
4. Flowers of Shanghai (1998)
 

Tiếp nối những thành công trước đó, Flowers of Shanghai lần nữa giúp đạo diễn Hầu Hiếu Hiền nhận được một đề cử giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes. Mặc dù không giành được giải thưởng này, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền vẫn khiến các nhà làm phim phải ngả mũ thán phục. Nhà phê bình J Hoberman nhận định, Hầu Hiếu Hiền là một trong những đạo diễn xuất sắc của những năm 90. Còn Flowers of Shanghai là một trong 3 kiệt tác để đời của ông.

Flowers of Shanghai lấy bối cảnh tại Thượng Hải vào những năm 1880. Tại đây, có bốn nhà thổ nổi tiếng được giới thượng lưu thường xuyên lui tới. Nhân vật chính của phim là bốn cô gái: Crimson, Pearl, Emerald, Jasmine và Jade. Họ đều là những ngôi sao sáng của mỗi nhà thổ kể trên. Tuy nhiên, bốn cô gái đều phải chịu mọi sự tủi nhục, thậm chí là bị bạo hành bởi các má mì mỗi khi họ không chịu nghe lời. Mỗi người họ đều nhẫn nhịn chờ đến khi trả xong mọi khoản nợ để có thể tự chuộc mình và trở lại cuộc sống bình thường. Trong khoảng thời gian tiếp khách, một vài cô gái đã phải lòng chính vị khách của mình nhưng tình yêu của họ đều bị coi khinh.

5. Millennium Mambo (2001)
 

Millennium Mambo là tác phẩm tiếp theo được đề cử giải Cành cọ vàng và giành chiến thắng ở hạng mục “Hiệu ứng xuất sắc” tại Liên hoan phim Cannes năm 2001. Không những vậy, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền còn mời nữ diễn viên Thư Kỳ đảm nhận vai nữ chính của phim.

 

 

Trích đoạn của “Millennium Mambo”


Bộ phim là câu chuyện của nhân vật Vicky, kể về cuộc đời của cô 10 năm trước. Vào thời gian đầu của một thiên niên kỷ mới, số phận của Vicky đã hoàn toàn rẽ sang một hướng mới. Khi đó, cô làm nhân viên tại một quán bar. Không những vậy, cô gái trẻ Vicky còn bị giằng xé trong cuộc tình tay ba với hai người đàn ông.

6. Three Times (2005)
 

Một lần nữa, đạo diễn Hầu Hiếu Hiền tiếp tục tin tưởng giao phó vai chính cho nữ diễn viên Thư Kỳ. Tuy được đề cử giải Cành cọ vàng nhưng Three Times (Ba Lần) lại thất bại dưới những đối thủ khác trong Liên hoan phim Cannes năm 2005.
 
Về nội dung, Three Times xoay quanh câu chuyện tình yêu của hai nhân vật chính – May và Chen – qua từng giai đoạn đáng nhớ: 1911 (A time for love), 1966 (A time for freedom) và 2005 (A time for youth). Phim nhận được nhiều bình luận tích cực từ giới truyền thông và khán giả khi ra mắt tại thị trường Bắc Mỹ.

7. The Assassin (2015)
 

Sau mười năm, cặp đôi Thư Kỳ - Trương Chấn lần nữa tái ngộ trong tác phẩm The Assassin (Nhiếp Ẩn Nương) của đạo diễn Hầu Hiếu Hiền.  Mặc dù không giành được giải Cành cọ vàng nhưng The Assassin đã mang về cho ông giải “Đạo diễn xuất sắc” của Cannes 68.

(Tổng hợp)

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất