Đừng đổ hết lên đầu mẹ chồng, bi kịch của Vân hôm nay còn có phần của bố mẹ đẻ tạo ra!
Hôn nhân của Vân đang trên đà tan vỡ. Có người trách anh chồng nhu nhược, có kẻ trách Vân không biết điều, rất nhiều người đổ tội cho mẹ chồng quá quắt. Nhưng, trách nhiệm của bi kịch ngày hôm nay cũng có phần của bố mẹ Vân tạo ra.
- Chuyện sốc nhất "Sống chung với mẹ chồng" xuất hiện: Vân có thai khi sắp ly dị chồng
- Con dâu thứ 2 trong "Sống chung với mẹ chồng" xuất hiện như thế nào?
- Loạt ảnh thời "ngố tàu" của cặp diễn viên "Sống chung với mẹ chồng"
- "Sống chung với mẹ chồng" tối nay: Ông Phương muốn Vân kiện chồng ra tòa vì thói vũ phu
- Sống chung với mẹ chồng - Tập 24: "Cửa nhà anh tôi sẽ không bao giờ bước chân vào nữa"
Sống chung với mẹ chồng , 5 chữ cất lên mà thấy nặng lòng. Có vẻ như muôn đời, thành kiến về "mẹ chồng" sẽ khó có thể nào mất đi trong nhận thức của tất cả mọi người. Nhắc đến mẹ chồng là lập tức bao tính từ đáng sợ sẽ bật ra trong đầu. Tình trạng của Minh Vân chỉ là một trong hằng hà câu chuyện chẳng tốt đẹp gì về mẹ chồng - nàng dâu mà người đời kháo tụng.
Chúng ta trách anh chồng quá sức nhu nhược, không thể bảo vệ nổi người con gái mình thương. Chúng ta trách cô con dâu cứ nhất định phải cứng đầu để cuộc chiến gia đình thêm xào xáo. Chúng ta cũng không ngừng đổ tội cho mẹ chồng, cho người đàn bà chua ngoa xét nét đến cả chuyện chăn gối của con cái. Phải, tất cả đều có lỗi. Nếu ai cũng biết nhịn, biết nịnh, biết xạo, biết cắn răng bỏ qua như những nhà tu hành khổ sở thì đã chẳng có bi kịch nào sinh ra từ việc cưới xin, vốn là bến bờ của hạnh phúc.
Những người đã từng làm dâu, rồi trở thành mẹ chồng, sẽ cười khẩy khi nhìn thấy bao nhiêu người phát rồi lên vì cuộc chiến mang tính xã hội không hồi kết trên truyền hình. Bởi đối với họ, chuyện đó đã từng trải qua, đã chiến thắng, hoặc thua cuộc, thì bây giờ cũng đã không còn gay gắt. Với những người chưa lập gia đình, thì lại cảm thấy kinh sợ hôn nhân, căm ghét người phụ nữ tương lai nào đấy mà mình phải gọi là mẹ và sẵn sàng "phán xử" mình bao tội lỗi.
Kết cục cuộc chiến với mẹ chồng của Vân có thể sẽ chẳng tốt đẹp, và chắc chắn sẽ có người "chịu tội". Ấy nhưng mà, có bao giờ ta nghĩ rằng chính bố mẹ ruột của Vân cũng góp phần trong việc tạo ra bi kịch của ngày hôm nay? Rằng chính những lời răn dạy giáo huấn rất đạo nghĩa của ông bà Bằng đã vô tình trở thành cơn gió làm chao đảo con thuyền hôn nhân của Vân trên biển lớn?
Ngày chưa xuất giá, mẹ Vân vẫn luôn miệng dạy con gái phải hiếu thuận với nhà chồng. "Xuất giá tòng phu", bốn chữ này như thể gông cùm mà mọi cô gái phải đeo vào khi khoác lên mình chiếc áo cô dâu. Điều mà bà Bằng canh cánh ngày con gái vu quy chính là hạnh phúc của con, là nỗi lo sợ khi con phải chịu đựng cuộc sống không dễ dàng ở nhà chồng. Bà không giấu được điều đó qua ánh mắt, qua những cử chỉ quan tâm nhưng phải nén lại vì không muốn trở thành phiền hà.
Nhưng, lo đến mấy, thương đến mấy, bà vẫn dạy Vân phải chịu đựng, phải nhẫn nhịn, vì đó là mẹ chồng. Có khi nhớ con muốn gọi điện hỏi thăm nhưng lại trúng ngay giờ cơm, thế là chẳng dám làm phiền. Lắm lúc muốn con về thăm nhà, cả gia đình quây quần dùng bữa nhưng lại ngại gia đình sui gia nghĩ không hay, thế là lại thôi.
Đến cả khi con gái mình khóc lóc, phải dùng cả chuyện bệnh tật thương tích để làm cớ "trốn" về nhà vài hôm, ông Bằng vẫn không chấp nhận. Không phải ông không thương con, mà chính vì thương nên mới sợ con suy nghĩ dại dột, lại làm bên chồng không vừa ý. Chính vì thương mà ông muốn con nén nước mắt vào trong, tươi cười làm cô con dâu ngoan hiền để đổi lấy sự vừa lòng từ bà sui gia khe khắt.
Nhưng mà hỡi các đấng sinh thành ơi, chúng ta đã từng là dâu, là rể, là những người đã từng đi qua những khó khăn của lễ đạo, gia phong thì hẳn chúng ta phải biết trong những lúc chơi vơi nhất của hôn nhân, con chúng ta cần đến điều gì nhất chứ!? Không phải là sự đùm bọc thái quá hay bênh vực vô điều kiện. Không phải là những lời xúi giục ly hôn. Càng không phải là lời khuyên nhẫn nhịn đầy tính đạo lý mà không có sự cảm thông từ những người ruột thịt!
Biết rằng lễ giáo, định kiến là tấm áo mà những người làm cha mẹ phải mặc thay cho cả con cái. Nhưng máu chảy ruột mềm, chẳng lí nào nhìn thấy con khổ mà lòng lại không đau!? Thậm chí là khi nó bị đánh đến tóe máu, bị người ta cầm tiền quăng xuống sàn như bố thí, đến nỗi phải uất hận chạy về nhà "cầu cứu", chẳng lẽ người làm cha mẹ lại không xót? Đau chứ! Xót chứ! Nhưng chính vì cái lễ giáo, cái danh dự của dòng họ, gia đình mà họ bắt đứa con gái dứt ruột đẻ ra quay về và sống tiếp những ngày khổ hạnh.
Cái sai của ông bà Bằng cũng chính là cái sai của hầu hết bố mẹ trên thế giới này. Là cái sai hình thành từ sự trốn tránh. Trốn tránh phải nghe thấy những điều mà mình thừa biết, trốn tránh sự thoả hiệp dành cho con, trốn tránh những điều mà mình đã từng trải qua ngày trước.
Đám người lớn chúng ta là vậy, chúng ta nhân danh sự chiến thắng của chúng ta ở hiện tại mà nhiều khi đó chỉ là một phiên bản khác của sự nhịn nhục để bắt con cái chúng ta nhìn vào đó mà y theo. Chúng ta chẳng cần phải nghe chúng nó trình bày hay kể lể, chúng ta hay mang mấy chữ liên quan đến thời đại ra để coi nhẹ suy nghĩ của thế hệ mới mà không hề biết rằng trong những lúc bí bách nhất, con chỉ cần bố mẹ cảm thông.
Dì Bích là một người ngoài cuộc, nhưng cũng vì ngoài cuộc mà tỏ tường chuyện bên trong. Từng câu từng chữ dì nói trong tập phim hôm qua với bố mẹ Vân chẳng sai vào đâu cả: "Anh chị có từng quan tâm nó sống ở gia đình chồng khó khăn như thế nào chưa?". Tất nhiên là chưa! Vì với mẹ của Vân, "chuyện mẹ chồng nàng dâu muôn đời có hiềm khích, không thể nào khác được".
Cũng vì như thế mà Vân lại nhịn, rồi lại phản kháng, rồi lại nhịn và phản kháng, cái tôi và chữ hiếu cứ đánh nhau để rổi chính Vân là người thua cuộc. Mà đến khi thua rồi, cả nơi đón mình trở về cũng cự tuyệt, bắt mình phải quay lại sàn đấu với vũ khí là hai chữ "gia giáo".
Ly hôn là một kết cục xấu, chẳng người nào muốn mình phải kí vào tờ giấy mệt mỏi ấy cả. Nhưng thật sự "nếu hôn nhân là địa ngục, thì buông đi cho nhẹ". Đến cả nơi an bình nhất để trở về, sà vào lòng mẹ, thỏ thẻ với bố vài câu cũng biến thành một nhà tù áp lực thì quả thật là Vân như rơi vào hố sâu không lối thoát. Là cha mẹ mà phải nhìn con nước mắt ngắn dài, quỳ xuống dưới chân xin được ly hôn thì sắt đá đến mấy cũng phải mềm.
Nhưng để đến cái viễn cảnh tan tác như hôm nay, khi ai cũng đứng trong thế chẳng đặng đừng cũng có một phần do ông bà Bằng tạo ra. Nếu bà Bằng chịu nghe con nói nhiều hơn, nếu ông Bằng đừng tự trói mình trong cái lễ nghĩa chặt như bện thừng thì có lẽ Vân và Thanh đã không đến nỗi khó lành như gương vỡ.
Không chỉ là những người sinh ra, cha mẹ còn là người đã được trải qua những sóng gió hôn nhân trước con cái. Thay vì bắt chúng phải gồng lên để chịu đựng còn chúng ta cứ làm ngơ vì suy nghĩ đó là chuyện hiển nhiên thì hãy đối thoại và mở cánh cửa trở về bất cứ khi nào. Gả con đi đâu phải là thanh lý xong một món hàng, trách nhiệm dạy con có đến 99 năm và đôi lúc chỉ cần một sự thấu hiểu, mọi sóng gió ngoài kia sẽ tan hết như biển xuôi về chiều.
Theo Phúc Du/Trí thức trẻ
Video được xem nhiều nhất