Điện ảnh Việt đầu năm 2017 "dậy thì thành công" với Em chưa 18

Zing - 03/05/2017, 15:10

Điện ảnh Việt năm 2016 chứng kiến hàng loạt cú ngã ngựa của những bộ phim kinh phí lớn, nhưng đã chuyển mình ngoạn mục đầu năm 2017 với điểm sáng là tác phẩm hài "Em chưa 18".

Nữ diễn viên 18 tuổi tiết lộ về quá trình đóng phim, cuộc sống hiện tại cũng như quan điểm sống riêng.

Năm 2016, số lượng phim Việt tăng nhưng doanh thu từ thị trường chiếu bóng giảm sâu đến 40%. Có thời điểm một tuần một phim Việt được tung ra rạp. Rất nhiều dự án được đầu tư kinh phí lớn, lên đến trên 20 tỷ đồng, có thể coi là "bom tấn".

Thế nhưng chất lượng kịch bản, đạo diễn yếu kém hoặc việc không nắm bắt được xu hướng giải trí của khán giả đã khiến nhiều phim thất bại thê thảm về doanh thu. Ba bộ phim “bom tấn” thất bại nặng nhất của năm 2016 là Fan cuồng, Truy sátVệ sĩ Sài Gòn.

Doanh thu kém và thị trường điện ảnh xuống sâu khiến những nhà làm phim Việt trở nên thận trọng hơn, không chỉ với những “bom tấn” mà ngay cả với những dự án hài nhảm hay vòng đời sản xuất ngắn hạn kiểu ăn đong.

Các phim ra mắt trong năm 2017 đều có kinh phí vừa phải (trên dưới 10 tỷ đồng), dễ thu hồi vốn hơn. Mặt khác, các dự án trong năm 2017 đều cho thấy sự chuyển hướng về tư duy của những nhà làm phim.

Chúng được đề cao về mặt giải trí và được đầu tư tốt hơn về tay nghề. Nổi bật nhất trong số này là Em chưa 18, bộ phim lãng mạn hài liên tiếp lập các kỷ lục doanh thu từ phòng chiếu. Nói như giới trẻ thì điện ảnh Việt đầu năm 2017 đã có một cuộc... dậy thì thành công.

Dien anh Viet dau nam 2017 'day thi thanh cong' voi Em chua 18 hinh anh 1

Poster phim Em chưa 18.

Em chưa 18 có thể vượt Em là bà nội của anh?

Bộ phim “mở hàng” cho năm 2017 sau Tết là Bạn gái tôi là sếp của đạo diễn Hàm Trần. Tác phẩm làm lại của điện ảnh Thái Lan đạt trên 30 tỷ đồng so với mức kinh phí khoảng 12 tỷ. Thành công của phim một phần nhờ sự tung hứng ăn ý của hai diễn viên chính Miu Lê và Đỗ An, một phần nhờ phong cách dàn dựng kịch tính và lôi cuốn của đạo diễn Hàm Trần.

Trong tháng 3, Dạ cổ hoài langLô tô là cặp phim “thân phận” phần nào làm thay đổi thị hiếu của khán giả tại các rạp chiếu. Rõ ràng, nếu biết cách làm, những bộ phim đề cập về thân phận con người, những mảnh đời bị lãng quên hoàn toàn có thể chinh phục khán giả trẻ hôm nay.

Cả hai bộ phim đều tạo được hiện tượng trên mạng xã hội. Với kinh phí khoảng 8 tỷ đồng, Lô tô thu về hơn 30 tỷ đồng tiền vé. Đây là một con số bất ngờ, mở ra một hướng đi mới cho dòng phim “thân phận” tại Việt Nam.

Cha cõng conCó căn nhà nằm nghe nắng mưa dù kén khán giả hơn vì có hơi hướng thể nghiệm nghệ thuật nhưng cũng là một nỗ lực vượt thoát đáng ghi nhận của những nhà làm phim Việt. Một thị trường điện ảnh thành công chắc chắn phải là một thị trường đa dạng và bán được nhiều món hàng nhiều khẩu vị cho khách hàng.

Và cuộc “dậy thì” thành công nhất sau bốn tháng của năm 2017 chính là Em chưa 18 của bộ đôi đạo diễn Lê Thanh Sơn và nhà sản xuất Charlie Nguyễn. Charlie Nguyễn vốn là một ông vua phòng vé phim Việt và là người tạo ra nhiều kỷ lục nhất cho phim giải trí Việt Nam trong 10 năm qua.

Dien anh Viet dau nam 2017 'day thi thanh cong' voi Em chua 18 hinh anh 2

Hot girl Kaity Nguyễn có màn chào sân điện ảnh thuyết phục.

Sau cú ngã ngựa của Fan cuồng, sự trở lại trong vai trò sản xuất của Em chưa 18 rõ ràng là một bước đi thận trọng nhưng đột phá của Charlie Nguyễn. Bộ phim này mang đến một làn gió tươi mới cho phim Việt như cách Charlie từng thành công với Để Mai tính.

Thuộc thể loại rom-com, phim có liều lượng hài và lãng mạn được gia giảm vừa độ và không bị lố như những bộ phim thành công nhưng bị chỉ trích của Charlie vài năm trước (Tèo em, Để Hội tính). Em chưa 18 chính là một hình mẫu sáng giá cho dòng phim giải trí ở Việt Nam.

Nhà phát hành CGV cho biết tính đến ngày hôm nay (3/5), sau chưa đầy một tuần chiếu chính thức, Em chưa 18 đã đạt đến con số 86 tỷ đồng. Với tốc độ doanh thu như hiện nay, Em chưa 18 có thể sẽ vượt qua kỷ lục doanh thu của Em là bà nội của anh (khoảng 105 tỷ đồng) chỉ đến hết tuần này. Với kinh phí khoảng 12 tỷ đồng, Em chưa 18 nhiều khả năng sẽ trở thành bộ phim đầu tiên của Việt Nam đạt một vốn 10 lười.

Đây là một bất ngờ lớn, nhưng đồng thời cũng cho thấy tiềm năng còn rất lớn của thị trường chiếu bóng Việt Nam. Rõ ràng chỉ nắm bắt được thị hiếu khán giả, những kỷ lục doanh thu sẽ nhanh chóng tiếp tục được thiết lập trong thời gian tới.

Ba lý do Em chưa 18 lập kỷ lục

Thành công đột phá của Em chưa 18 rõ ràng là một “case study” cho thị trường điện ảnh Việt Nam, cần được nghiên cứu và phân tích một cách thấu đáo nếu các nhà làm phim tiếp tục có những đột phá mới.

Bộ phim này hoàn toàn không phải là một “bom tấn”. Kinh phí thuộc loại trung bình, kịch bản “original” (nguyên thủy) chứ không mua bản quyền chuyển thể như xu hướng gần đây và đặc biệt là dàn diễn viên hoàn toàn mới mẻ, thậm chí nhiều diễn viên lần đầu đứng trước ống kính máy quay.

Sự “bảo chứng” duy nhất của nó, nếu có thể nói như vậy, là cú bắt tay của hai cái tên đã từng tạo được thành công trước đây là đạo diễn Lê Thanh Sơn và Charlie Nguyễn. Tuy nhiên, với thể loại phim teen, đây cũng là một cuộc “hồi teen” đầy mạo hiểm của hai gã trung niên đã quá tuổi.

Không có nhiều lợi thế nhưng bộ phim đã tạo nên một con sốt nằm ngoài dự đoán của những người làm phim hoặc theo dõi thị trường điện ảnh Việt. Với cá nhân người viết, sự thành công lớn của bộ phim này có ba lý do chính.

Thứ nhất, casting cặp đôi diễn viên chính, đặc biệt là Kaity Nguyễn quá hợp vai. Việc chọn một nữ diễn viên vô danh và chưa có kinh nghiệm diễn xuất (Kaity Nguyễn) cùng một nam diễn viên hài chuyên đóng vai phụ (Kiều Minh Tuấn) đóng hai vai chính là một bước đi mạo hiểm.

Và sự mạo hiểm này đã đem lại thành công lớn. Nếu các bộ phim Việt gần đây luôn casting những gương mặt diễn viên quá an toàn hoặc những vai diễn đóng khung, thì hai gương mặt tưởng là “cộc lệch” của Em chưa 18 tạo ra một sự ăn ý đáng ngạc nhiên.

Kiều Minh Tuấn có thể trở thành một Thái Hòa mới, như cách mà Charlie Nguyễn từng phát hiện ra “ông vua phòng vé” tình cờ trong bộ phim Để Mai tính trước đây.

Còn Kaity Nguyễn, với nguồn năng lượng tươi trẻ và tố chất diễn xuất “bẩm sinh” của mình, hoàn toàn có thể trở thành một ngôi sao. Không chỉ lập kỷ lục, Em chưa 18 còn phát hiện ra hai gương mặt triển vọng, và Charlie Nguyễn chứng minh anh là “star-maker” của điện ảnh Việt.

Thứ hai là kịch bản và thoại. Em chưa 18 không phải là một bộ phim có kịch bản xuất sắc. Người xem có thể thấy rõ sự ảnh hưởng của bộ phim này từ những bộ phim teen nổi tiếng của Hollywood, kịch bản còn nhiều khuôn mẫu, mắc một vài lỗi logic và phần nào dễ đoán.

Nhưng cho dù vậy, điều quan trọng nhất khiến khán giả cảm thấy thoải mái và thú vị trong suốt bộ phim này là nhờ kịch bản mới, duyên dáng mà các bộ phim Việt đang thiếu. Không khí học đường của một ngôi trường quốc tế, những buổi tiệc sành điệu, những trò “gài bẫy” kiểu mèo vờn chuột luôn mang đến sự tò mò, hiếu kỳ cho người xem.

Dien anh Viet dau nam 2017 'day thi thanh cong' voi Em chua 18 hinh anh 3

Kiều Minh Tuấn (phải) hoàn toàn có thể trở thành một Thái Hòa mới.

Và cùng với những tình huống hài hước, những câu thoại tự nhiên bật ra từ miệng diễn viên khiến người xem cảm nhận được đó là tiếng nói của chính họ chứ không phải đọc thoại từ một kịch bản khô khan giả tạo.

Các motif nhân vật phá cách như bộ đôi chính và hai ông bố của họ cũng tạo được sự đồng điệu đáng yêu giữa hai thế hệ. Và ở mỗi thế hệ này lại có sự khác biệt nhau.

Ông bố của nhân vật Hoàng (Chánh Tín đóng) có cách hành xử khác hẳn ông bố của Linh Đan (diễn viên hài Quang Minh). Việc phá những khuôn mẫu đã bị đóng khung và xây dựng được những tích cách đặc biệt khiến nhân vật của bộ phim sinh động.

Cuối cùng là thời điểm. Thành công của Em chưa 18 còn nhờ vào một yếu tố thiên thời địa lợi nhân hòa. Đối tượng khán giả đến rạp nhiều nhất hiện nay là giới trẻ, các học sinh, sinh viên và những người bắt đầu đi làm. Đây cũng là đối tượng chính của Em chưa 18.

Bên cạnh đó, sự phát triển bùng nổ của các rạp chiếu bóng tại các thành phố lớn, dịp nghỉ lễ kéo dài cùng sự bão hòa các bộ phim bom tấn của Hollywood là những lợi thế khác khiến người xem đổ xô đến rạp để thưởng thức một bộ phim giải trí Việt Nam được làm với phong cách và phần nào chất lượng quốc tế.

Thị trường phim Việt còn lớn đến đâu?

Năm 2017 cũng là năm chứng kiến sự đột phá và các kỷ lục tại phòng vé tại Việt Nam. Với phim Hollywood, Kong: Skull Island trở thành bộ phim có doanh thu cao nhất tại Việt Nam khi đạt mức 175 tỷ đồng, vượt qua kỷ lục của Fast & Furious 7 trước đó. Fast 8 cũng có mức doanh thu đột phá khi mới chiếu được hai tuần và có thể đánh bại Kong.

Sự phát triển về kinh tế và mức sống ổn định khiến cơn khát giải trí của khán giả Việt tăng lên nhanh chóng. Khi mà đời sống âm nhạc và các loại hình giải trí khác không đáp ứng được nhu cầu của giới trẻ, điện ảnh trở thành món ăn tinh thần chủ yếu, đặc biệt số lượng rạp chiếu bóng hiện đại ngày càng tăng lên và số lượng phim bom tấn Hollywood được cập nhật mỗi tuần.

Xu hướng này cũng khá giống với thị trường giải trí ở Hàn Quốc, Trung Quốc hay các nước trong khu vực Đông Nam Á. Trong vòng năm năm qua, thị trường điện ảnh tại Trung Quốc lập kỷ lục liên tục, năm sau tăng hơn năm trước và chỉ cần mất một hoặc hai năm nữa để trở thành thị trường chiếu bóng lớn nhất thế giới.

Dien anh Viet dau nam 2017 'day thi thanh cong' voi Em chua 18 hinh anh 4

Lô tô là một trong những phim ấn tượng trong đầu năm 2017.

Rất nhiều bộ phim bom tấn của Hollywood có doanh thu tại thị trường Trung Quốc cao hơn gấp đôi, thậm chí gấp ba thị trường mẹ đẻ. Sự phát triển chóng mặt của thị trường Trung Quốc cũng là cơ hội lớn cho những nhà làm phim nội địa của nước họ.

Thị trường điện ảnh Hàn Quốc, một đất nước có 50 triệu dân, cũng có rất nhiều phim đạt số lượng người xem trên 10 triệu lượt người và thu về 60-80 triệu USD/phim.

Vậy thì với thị trường Việt Nam, với một quốc gia có dân số hơn 90 triệu dân và nền giải trí còn quá nhiều tiềm năng, thành công của Em chưa 18 hay Em là bà nội của anh vẫn còn quá đơn lẻ. Số lượng người xem của hai bộ phim này (trên dưới 1,5 triệu lượt với doanh thu từ 5-7 triệu USD) vẫn còn quá thấp so với tiềm năng của Việt Nam.

Tất nhiên, muốn xác lập được những kỷ lục mới, điện ảnh Việt phải thực sự trưởng thành và liên tục có những bộ phim tạo được sự đột phá, không chỉ về chất lượng phim mà còn biết nắm bắt xu hướng và thị hiếu khán giả.

Và chúng ta hi vọng rằng Em chưa 18 không phải là trường hợp “dậy thì thành công” duy nhất của phim Việt.

Theo Lê Hồng Lâm/Zing

Video được xem nhiều nhất

Bình luận

Xem nhiều nhất